Chinh phạt khắp thế giới, vì sao kỵ binh Mông Cổ lại 3 lần thảm bại ở Việt Nam?



Đầu thế kỷ 13, từ những thảo nguyên hoang vu ở Trung Á, người Mông Cổ đã cất vó ngựa chinh phạt khắp lục địa Á – Âu và trở thành một trong những đế quốc vĩ đại nhất thế giới. Thế nhưng đội quân hung hãn ấy đã bất ngờ bị chặn đứng bởi quân dân Đại Việt.



Vó ngựa của đội quân Mông Cổ từng gieo rắc nỗi sợ hãi cho thế giới. (Tranh từ Internet)

Quân đội Mông Cổ nguy hiểm ra sao?

Trải qua hơn hai mươi năm lăn lộn trên sa trường, năm 1206, Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất khu vực Nội Mông, đồng thời thu phục hơn 700 dân tộc, sát nhập tới 40 quốc gia khác nhau từ Đông sang Tây, thành lập nên đế quốc Mông Cổ rộng lớn nhất trên bản đồ thế giới.

Ở thời điểm cực thịnh, đế chế Mông Cổ trải dài hơn 9.700 km với diện tích lên tới 24 triệu km2, khoảng 1/6 thế giới đã rơi vào tay họ. Để chinh phục được một lãnh thổ rộng lớn như thế, người Mông Cổ đã xây dựng cho mình một đội quân hùng mạnh bậc nhất.


Đầu thế kỷ 13, theo ước tính, có khoảng 100 nghìn binh sĩ Mông Cổ luôn ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, số lượng không phải là ưu điểm của họ, mà phải nói đến sự thành công trong việc đào tạo nên một đội quân tinh nhuệ hàng đầu, cùng với đó là sáng tạo ra những vũ khí tối tân nhất thế giới lúc bấy giờ.

Người Mông Cổ vốn là dân du mục, lớn lên trên yên ngựa, sở hữu thể chất khỏe mạnh vốn có, lại thêm kinh nghiệm chinh chiến thảo nguyên lâu năm, họ đều là những chiến binh “bất khả chiến bại”.

Các chiến binh Mông Cổ ngoài giáp phục cầu kỳ còn được trang bị nhiều loại vũ khí để tấn công địch ở cự ly gần và những mục tiêu xa. Mỗi người sẽ có một cây gươm, một cây mã tấu, một cây liêm khi chiến đấu trên ngựa, đồng thời còn có đoản đao và cung đặc chế…

Thời bấy giờ, quân Mông Cổ chính là những người ham chinh phạt nhất thế giới. Họ đã chiếm toàn bộ Trung Hoa, Triều Tiên, Miến Điện, Ba Tư, một phần phía nam nước Nga, các nước Tây Á và vươn tận đến Đông Âu. Người châu Âu trong cơn hoảng loạn đã nói rằng: “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ xanh không mọc được đến đó”. Người Đức thì run rẩy: “Chúa cứu vớt chúng con khỏi cơn thịnh nộ của Tatar – Mông Cổ”.

Khi đó, dẻo đất Đại Việt nhỏ bé ở phương Nam trong mắt của đội quân hung hãn ấy, quả thực chẳng bõ bèn gì. Thế nhưng thật kỳ lạ, cả 3 lần xuất binh tiến đánh nước Đại Việt vào các năm 1257, 1285 và 1287, người Mông Cổ đều chuốc lấy bại vong. Thậm chí, trong cuộc chiến năm 1285, hoàng tử Thoát Hoan còn phải chui vào ống đồng bỏ trốn về nước.

Vậy, lý do của tất cả những chuyện này là gì?

Hào khí Đông A của nhà Trần

Thời điểm người Mông Cổ làm chủ Trung Nguyên lập ra nhà Nguyên, ở Việt Nam nhà Trần cũng tiếp quản ngai vàng từ nhà Lý. Khi lên nắm quyền, các vua Trần ra sức củng cố thực lực quốc gia, trong trừ nghịch tặc, thu vén quyền bính, ngoài giao hảo với lân bang. Đây cũng là thời điểm Đại Việt xuất hiện nhiều nhân vật kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế, nổi bật hơn cả là Thái sư Trần Thủ Độ và Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn. Sau này cả hai người chính là đầu tàu dẫn dắt các cuộc kháng Nguyên của quân dân Đại Việt.

Nhân tài đất Việt thời kỳ này phải nói là “trăm hoa đua nở” với tầng lớp quý tộc đầy phẩm chất, giàu lòng yêu nước cũng như những anh hùng xuất thân áo vải. Có thể kể ra những cái tên nổi bật nhất như: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư… Võ tướng, văn thần đều có hào kiệt.

Đây cũng là thời đại mà văn minh Đại Việt phát triển lên đến đỉnh cao. Các nhà sử học cũng nhận ra khí chất chung của thời đại này và gọi nó là “Hào khí Đông A”. Chỉ xét riêng về mặt quân sự, nhà Trần đã tỏ ra không hề lép vế với vương triều phương Bắc. Số lượng binh sĩ thường trực lên tới 10 vạn người. Các đơn vị quân đội gọi là “quân”, đứng đầu là một đại tướng quân. Mỗi “quân” có khoảng 7.500 binh sĩ.

Các vua Trần còn tích cực sử dụng chính sách “Ngụ binh ư nông”, luân chuyển cho binh sĩ về quê cày ruộng. Khi có chiến tranh, vua Trần thường ra lệnh tổng động viên, đại xá thiên hạ, tuyển mộ binh sĩ cả nước. Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ hai, sau lệnh đại xá, nhà Trần đã tuyển mộ được khoảng 30 vạn quân, hoàn toàn đủ sức đánh trả đại quân Nguyên Mông.


Vua tôi nhà Trần đối phó với quân Nguyên Mông. (Tranh sơn mài của Hà Huy Chương)

Chiến thuật thông minh của quân Trần

Dù cũng thuộc hàng thiện chiến nhưng so sánh với kỵ binh Mông Cổ, quân nhà Trần vẫn còn nhiều thua thiệt. Quân Mông Cổ đã quen chiến trận, đánh khắp Á – Âu, cơ động, thiện chiến, lại thích nghi được với nhiều địa hình, khí hậu và có chiến thuật thông minh. Trong khi đó, quân nhà Trần là “ngụ binh ư nông”, nửa năm làm ruộng, nửa năm đi lính, cũng chưa từng có kinh nghiệm giao chiến đáng kể nào.

Vậy nên, ngay từ đầu, chiến thuật đã là yếu tố quyết định đến thành bại của cuộc chiến. Trần Thủ Độ và sau này là Trần Hưng Đạo đã luôn thống nhất dùng binh theo nguyên tắc này: “Dĩ đoản binh, chế trường trận”, nghĩa là lấy ít địch nhiều, dùng quân nhỏ, đánh tập kích để chế ngự đại quân địch vốn quen dàn trận lớn.

Năm 1300, trước khi mất, Trần Hưng Đạo đã để lại di ngôn cho vua Trần, đúc kết lại thành công của các cuộc kháng Nguyên Mông như sau: “Vừa rồi Toa Ðô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Ðó là trời xui vậy. Ðại khái nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản chế trường là sự thường của binh pháp”.

Đoản binh mà Trần Hưng Đạo nói là sử dụng gươm giáo, bộ binh, dùng các loại bẫy, lối đánh phục kích, cận chiến. Còn trường trận thì chính là dàn quân rộng, dùng kỵ binh, cung tên, tốc chiến tốc thắng.

Chiến thuật này đã tỏ ra hiệu quả không ngờ. Trong cả 3 lần quân Nguyên động binh đánh Đại Việt, vua quan nhà Trần đều chủ động rút lui trước, tránh thế mạnh của địch, đưa cuộc chiến về thế lâu dài, giằng co. Kỵ binh Mông Cổ vốn quen tác chiến trên những thảo nguyên, địa hình rộng, thoáng nay phải hành quân vào một vùng đất lạ nhiều ao hồ, sông suối, núi non hiểm trở, lại có hầm hố, bẫy phục kích giăng khắp nơi.

Chính quan quân nhà Nguyên đã phải thừa nhận: “Người Giao chống lại quan quân, tuy mấy lần bị bại, nhưng tăng binh thêm lắm. Quan quân mệt nhọc, tử thương nhiều, quân kỵ của Mông Cổ không thể thi triển kỹ năng” (Nguyên Sử, quyển 209).

Quân Mông Cổ giỏi đánh phủ đầu, thường dùng chiến thuật “xuất kỳ bất ý”, tung đòn lúc đối phương không ngờ nhất. Tuy nhiên, chiến thuật “đoản binh” của quân Trần khiến quân phương Bắc không thể thi thố được khả năng, dần lún sâu vào vũng lầy. Đến khi địch đã mỏi mệt, phòng ngự lỏng lẻo, quân Trần bất ngờ phản công, tập trung toàn bộ mũi nhọn binh lực cho những trận quyết chiến lớn. Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết… là những quả đấm thép hạ đo ván quân Nguyên.


Hào khí Đông A – Bạch Đằng 1288. (Tranh sSơn mài của Nguyễn Trường Linh)

Chiến lược “Vườn không nhà trống”

Trong cả ba lần kháng Nguyên vào những năm 1257, 1285 và 1287, quân nhà Trần dường như tuân thủ tuyệt đối một sách lược gọi là “Thanh dã”, tức là bỏ vườn không nhà trống, triệt thoái toàn bộ, thoái lui.

Năm 1257, quân Trần rút khỏi Thăng Long, lui về giữ Thiên Mạc. Quân Mông Cổ thiếu lương, dần dần mất đi nhuệ khí. Quân nhà Trần thừa cơ phản công, thắng lớn ở Đông Bộ Đầu, đẩy lui cuộc xâm lược lần thứ nhất.

Năm 1285, trước thế mạnh chẻ tre của quân Nguyên, vua tôi nhà Trần quyết định dùng kế “thanh dã”, rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường dưỡng binh, chờ thời cơ. Quân Nguyên chiếm được Thăng Long nhưng đó vốn chỉ còn là một thành trì rỗng không. Trần Hưng Đạo sau đó chỉ huy 1.000 chiến thuyền đánh vu hồi vào sau lưng địch ở Vạn Kiếp. Quân Nguyên không kịp trở tay, rơi vào thế nguy khốn. Sau đó những trận quyết chiến phản công dồn dập trong vòng 1 tháng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương của quân Trần đã đánh bật quân Nguyên khỏi Thăng Long, truy kích đến tận biên giới. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng bỏ chạy về nước.


Thoát Hoan chui vào ống đồng bỏ chạy về nước. (Ảnh từ Panoramio)

Chiến lược “vườn không nhà trống” này quả thực gây quá nhiều khó khăn cho đại binh Mông Nguyên. “Minh Sử” chép lại tình cảnh của quân Nguyên sau khi vào Thăng Long rằng: “Ngày hôm sau Trấn nam vương vào thành, thấy cung điện trống không, chỉ còn lưu lại chiếu sắc đã gửi đến cùng điệp văn của Trung thư tỉnh, bèn cho huỷ hết”.

Khi thi triển kế “Thanh dã”, Trần Hưng Đạo đã điểm trúng một tử huyệt của quân địch, đó là vấn đề lương thực.

Kỵ binh Mông Cổ xưa nay tác chiến đều không mang theo quá nhiều lương thực. Khi hành quân, phụ nữ thường lùa gia súc theo cùng, hai bên có quân theo kèm bảo vệ. Đoàn gia súc này chính là lương thực của họ: sữa để uống, thịt để ăn. Quân Mông Cổ ưa thích lối đánh “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, nuôi quân bằng lương thực, chiến lợi phẩm cướp bóc được trên đường tấn công.

Do đó khi đối phương chủ động triệt thoái, tiêu huỷ hậu cần, lương thực, quân Mông Cổ lập tức sa lầy. Trong lần tiến quân năm 1285, có đến gần nửa triệu quân Mông Nguyên tràn sang Đại Việt. Đảm bảo lương thực cho số lượng binh sĩ lớn như vậy trong bối cảnh nhà Trần dùng kế “vườn không nhà trống” là nhiệm vụ bất khả thi. Lương cạn, nhuệ khí dao động, lại bị quân nhà Trần tập kích, tiêu hao sinh lực liên tục, quân Nguyên trở nên bối rối, hoang mang. Kết quả là chỉ sau vài trận đánh vu hồi, tập kích chiến lược, quân Trần đã phá tan cường địch.

Ngoài ra, khí hậu khắc nghiệt của phương Nam cũng gây ra nhiều khó khăn cho quân Nguyên. Quân Nguyên, gồm bộ phận tinh nhuệ nhất là kỵ binh Mông Cổ, vốn đã quen với thuỷ thổ, khí hậu Trung Nguyên. Phương Bắc, nhất là Mông Cổ vốn lạnh, khô, không có mùa hè nóng ẩm, khó chịu như ở phương Nam. Thuỷ thổ không quen, quân Nguyên ngã bệnh rất nhiều. Kỵ binh Mông Cổ khét tiếng hầu như không còn đất diễn. Sinh lực giảm sút, tinh thần hoang mang, thua trận chỉ còn là chuyện trong sớm tối vậy.

Theo Daikynguyenvn