Thông tin mạng tại Việt Nam bị ngăn cấm nghiêm trọng




Ứng dụng video YouTube trên màn hình iPhone. Ảnh chụp hôm 28/3/017.


Chính quyền Việt Nam ngày càng xiết chặt quản lý và kiểm duyệt truyền thông mạng bằng cách thức yêu cầu Google và Facebook cùng hợp tác chặn thông tin xấu độc, thông qua Thông tư 38 vừa ban hành hồi đầu năm 2017.

Clip bôi nhọ lãnh đạo bị xóa


Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 38 quy định về việc quản lý cung cấp thông tin công cộng qua biên giới và kiểm duyệt chặt chẽ hơn nội dung đăng tải trên internet. Với Thông tư số 38 mới ban hành hồi đầu năm 2017, Chính phủ Hà Nội yêu cầu các chủ trang web và mạng xã hội nước ngoài như Facebook hay Google phải hợp tác để chặn thông tin xấu độc.

Tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra vào chiều thứ Ba, ngày 18 tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Luật pháp của Việt Nam có đủ điều kiện xử phạt các hành vi vi phạm và đã xử phạt 10 trường hợp, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng Tư.

Để xác minh nội dung (liên quan đến ‘bôi nhọ’) rất là khó khăn vì Google không nằm trong vùng quản lý của đất nước Việt Nam.
- Ông Hoàng Ngọc Diêu
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết đối với các trường hợp không xác định được nhân thân, cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng Thông tư 38 như là hành lang pháp lý để xử lý những trường hợp vi phạm trên các trang mạng xã hội như Google, YouTube và Facebook.

Ông Trương Minh Tuấn thông báo Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay có hơn 1000 clip đã bị xóa. Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Kỹ sư Điện toán và là người quan sát tình hình Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Diêu, từ Úc Châu cho biết ông đón nhận thông tin vừa nêu như thế nào:


“Vấn đề gọi là ‘bôi nhọ’ là một vấn đề khá mơ hồ. Ví dụ như nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra một tiêu chuẩn nào đó gọi là ‘bôi nhọ’, nhưng đối với phương Tây thì đó là chuyện bình thường. Do đó, không thể nào dựa trên tiêu chuẩn của một quốc gia nào đó để bắt buộc một công ty như Google phải đồng ý về cái gọi là ‘bôi nhọ’ được. Huống hồ chi người dùng (có tài khoản với Google), họ hoàn toàn có thể từ chối không đưa các clip đó lên YouTube.

Để xác minh nội dung (liên quan đến ‘bôi nhọ’) rất là khó khăn vì Google không nằm trong vùng quản lý của đất nước Việt Nam. Cho nên về mặt kỹ thuật, nếu nói một người nào đó đã đăng tải 500 clip để bôi nhọ lãnh đạo thì theo tôi thấy là mang tính chụp mũ hoặc mang tính đoán mò nhiều hơn tính thực tiễn có thể có xảy ra được.”

Qua tìm hiểu, một số những người làm việc trong lãnh vực truyền thông mạng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà RFA tiếp xúc nhận định rằng Google chỉ xóa các clip vi phạm nội quy theo quy định của tập đoàn truyền thông khổng lồ này như không mang tính chất giáo dục, không phù hợp với trẻ em hay tất cả mọi người, không theo nguyên tắc của cộng đồng, chứa đựng nội dung bạo lực hay vi phạm bản quyền. Điều đặc biệt, các chủ tài khoản đăng ký với Google bị xóa clip trên YouTube khi bị báo cáo vi phạm là những ai có tài khoản kinh doanh, chứ không phải tài khoản cá nhân thuần túy.

Chúng tôi liên lạc được với một chủ tài khỏan kinh doanh trên kênh YouTube tại Việt Nam bị báo cáo vi phạm quy định của Google. Người này cho biết nhận được thông báo và ngay lập tức clip bị xóa cũng như tài khoản bị đóng. Người chủ tài khoản này chia sẻ qua email nội dung thông báo mình nhận được từ Google:


“Họ gửi thư điện tử cho tôi và thông báo là ‘Chúng tôi đã nhận được một đơn khiếu nại pháp lý về video của bạn từ chính phủ. Sau khi xem xét, video sau đây đã bị chặn xem trên trang web YouTube ở (các) quốc gia sau: Vietnam. YouTube chặn nội dung trong trường hợp cần thiết để tuân thủ luật địa phương. Hãy xem lại bài viết trong trung tâm trợ giúp của chúng tôi về khiếu nại pháp lý.”

Trả lời câu hỏi của RFA liên quan các clip bị xóa trên YouTube, người chủ tài khoản không muốn nêu tên nói rõ đã đăng tải thông tin về người biểu tình bị đánh đập, dân oan khiếu kiện bị đàn áp và người dân phản đối cưỡng chế đất đai nhà cửa trái luật…Người này cũng xác nhận việc khiếu nại với Google về các clip bị xóa đều không có kết quả nào.


Kiểm duyệt Facebook?



Google thông báo xóa clip trên Youtube. Google thông báo xóa clip trên Youtube.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, khi trả lời chất vấn của Đại biểu vào chiều ngày 18 tháng 4 rằng giải pháp của Bộ Thông tin-Truyền thông là gì khi xuất hiện các trang mạng giả mạo lãnh đạo và tung tin thất thiệt, cho biết đang làm việc với Giám đốc nội dung của Facebook để yêu cầu gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo đăng tải trên trang mạng xã hội này.

Đài RFA ghi nhận dư luận cho rằng Chính phủ Hà Nội ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nội dung đăng tải của cư dân mạng tại Việt Nam trên Facebook, một trong những trang mạng xã hội được cho là sử dụng nhiều nhất rộng khắp thế giới.

Cư dân mạng Huỳnh Quốc Huy nêu lên suy nghĩ của anh khi sử dụng trang mạng xã hội Facebook:

Có những video và các bài viết, status của Huy chỉ khoảng vài chục phút sau là tự động xóa mất mà mình chẳng biết lý do vì sao họ xóa. Họ không gửi cho mình thông báo nào hết.
- Huỳnh Quốc Huy


“Huy sử dụng Facebook cũng lâu rồi. Huy cảm nhận dường như Facebook Châu Á kiểm duyệt nội dung một cách rất gay gắt. Có những video và các bài viết, status của Huy chỉ khoảng vài chục phút sau là tự động xóa mất mà mình chẳng biết lý do vì sao họ xóa. Họ không gửi cho mình thông báo nào hết. Thành ra mình cũng chẳng biết như thế nào luôn. Huy không có phát ngôn liên quan đến kỳ thị tôn giáo, kỳ thị chủng tộc hay kích động khủng bố…nên Huy cũng không hiểu vì sao Facebook kiểm duyệt đến như vậy. Nói chung mình không được thoải mái khi sử dụng Facebook, nhưng hiện đây là một kênh truyền thông rất hiệu quả nên vẫn phải tiếp tục dùng nó thôi.”

Anh Huỳnh Quốc Huy là một trong số các cư dân mạng tại Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại với chính quyền địa phương vì công khai bày tỏ chính kiến của bản thân cũng như chuyển tải các tin tức về đời sống xã hội diễn ra hàng ngày ở trong nước đến với cộng đồng cư dân mạng. Kể từ sau khi tham gia xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi của cựu tù nhân lương tâm, Linh mục Nguyễn Văn Lý hồi tháng 3 năm 2017, anh Huỳnh Quốc Huy thường xuyên livestream trên Facebook và được nhiều người theo dõi. Tuy nhiên, song song với việc làm này, anh Huy đối diện với sự truy đuổi nguy hại đến an toàn của bản thân.


“Từ sau tháng 3 là họ cứ truy đuổi theo Huy hoài. Mình đối diện với những đối tượng mà mình không biết được là ai. Họ không có tống đạt giấy khởi tố hay gì hết mà họ cứ truy đuổi thì làm cho mình bị ảnh hưởng về mặt tinh thần nên cảm giác rất nguy hiểm. Nhưng cho đến bây giờ họ đuổi theo Huy suýt bắt được là có hai lần.”

Không chỉ riêng anh Huỳnh Quốc Huy mà đa số các cư dân mạng tại Việt Nam khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng họ không sợ hãi trong việc thực thi quyền tự do thông tin được quy định trong Hiến pháp dù cho Nhà nước Việt Nam ngăn chặn bằng nhiều hình thức, kể cả biện pháp bỏ tù như trường hợp của Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.


Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-04-19