“10 điều không nên quá” trong bí quyết dưỡng sinh của Đạo gia



Dưỡng sinh trong Đạo gia yêu cầu coi trọng cả tâm lẫn thân. Danh sách “10 điều không nên quá” dưới đây chính là một số những nguyên tắc dưỡng sinh tiêu biểu của trường phái này.


Dưỡng sinh trong Đạo gia yêu cầu coi trọng cả tâm lẫn thân. (Ảnh: 360doc)

Đạo gia cho rằng “đạo” là nguồn gốc của vũ trụ, điều khiển mọi sự vận động của vạn vật. Do đó, chủ trương dưỡng sinh của các đạo sĩ hướng về những điều tự nhiên, “vô vi”, không màng danh lợi…

Quan niệm “tinh – khí – thần” của Đạo gia cũng là nền tảng của phương pháp dưỡng sinh của Trung Y.

Dựa vào thể chất, tinh thần và sinh hoạt hằng ngày, Đạo gia đã đặt ra 10 nguyên tắc “không nên làm quá” để dưỡng sinh – dưỡng thần hiệu quả.

1. Không ăn quá no

Đạo gia tu hành tuyệt đối không được “Ăn uống quên ngày tháng, ăn không ngồi rồi” mà phải quên đi sự hối hả và ồn ào của thế gian, tìm đến cảnh giới tinh thần điềm tĩnh như không.

“Ăn không quá no” tức là không được ăn to uống nhiều, phải thường xuyên giữ cho cơ thể có cảm giác đói vừa phải, ăn nhiều không có lợi cho dưỡng sinh, hay nói cách khác là “thường có ba phần đói, bách bệnh không dám đến”.

2. Không mặc quá ấm

Đạo gia cho rằng mặc giản dị, phù hợp và thoải mái, lựa chọn trang phục phù hợp nhất dựa theo thời tiết, khí hậu và trình độ tập luyện. Cơ thể người mà khí huyết lưu thông thì sẽ không cảm thấy lạnh.

“Mặc không quá ấm” chính là đừng dựa vào quần áo để làm ấm nhiều quá, mà phải nâng cao sức đề kháng và sức sống của cơ thể. Đối với vấn đề “kín đáo” và “lạnh”, Đạo gia phần nhiều chọn ‘’lạnh”. “Mặc ấm vừa phải là cũng đủ yên tâm” chính là nói đạo lý này.


Không nên dựa vào quần áo để làm ấm nhiều quá, mà phải nâng cao sức đề kháng và sức sống của cơ thể. (Ảnh: chachainik)

3. Không ở quá xa xỉ

Nơi ở nên đơn giản, đón không khí, tự nhiên. “Cửu thủ” trong dưỡng sinh Đạo gia chính là muốn nói ta giữ lối sống quá xa hoa đi ngược lại với đạo thì tự sẽ khó trường thọ. Cửu thủ đó là:

Giữ hòa: âm dương hài hòa;
Giữ tín: giữ vững tinh thần;
Giữ khí: giữ gìn khí huyết trong cơ thể;
Giữ người: hành động theo đạo nhân nghĩa;
Giữ giản: tiết kiệm để dưỡng sinh chứ không nghèo khó;
Giữ dị: không sống vì tác động bên ngoài;
Giữ lặng: điềm tĩnh và thuận theo tự nhiên;
Giữ đầy đủ: biết hài lòng với những gì đang có;
Giữ nhược: khí huyết hài hòa và trạng thái bình yên.

Trong đó, giữ sự giản dị, giữ cho mọi chuyện nhẹ nhàng, giữ cho tâm bình lặng chính là phải giản dị tiết kiệm, giữ gìn bản thân, quay về với thiên nhiên.

4. Không hành quá hoang phí

Đạo gia hoàn toàn không phủ nhận tài phú, “hành không quá phú” chính là muốn nói không được quá đeo đuổi tiền bạc hoặc khổ sở vì chúng. Hành là chủ xuất hành, hành vi, hành sự, hành động, nghĩa là đừng dùng xe quá đắt tiền khi đi lại, hành vi xử sự không được vung tiền, khi làm việc gì đó không được quá chú trọng tiền bạc mà xem nhẹ đạo đức, đồng thời cũng không được đặt tiền bạc làm tiền đề khi hành động.

Đạo gia cho rằng “tiền bạc có thể phá vỡ khí”, quá đeo đuổi tiền bạc sẽ ảnh hưởng đến tu tập, thậm chí là sẽ khiến “tinh, khí tan rã”.

5. Không quá lao lực

Dưỡng sinh Đạo gia rất chú trọng luyện tập hình thể và sức lao động, thế nhưng cũng nhấn mạnh rằng “làm việc điều độ, không hại đến cơ thể”, “ngũ lao thất thương” chính là điều cấm kỵ trong dưỡng sinh Đạo gia.

“Ngũ lao” là chỉ nhìn lâu hại máu, nằm lâu hại khí, ngồi lâu hại cơ thể, đứng lâu hại xương cốt, đi lâu hại bắp thịt; “Thất thương” ý nói quá no thương tì, giận dữ thương can, vác nặng ngồi lâu thương thận, mình rét uống lạnh thương phế, lo buồn suy nghĩ thương thần, mưa gió nóng rét thương hình, lo sợ không điều độ thương chí.

Vì vậy, người muốn dưỡng sinh thì phải cố gắng tránh ngũ tạng, máu huyết, kinh mạch, xương cốt bắp thịt phải làm việc quá sức hoặc xúc động thái quá mà dẫn đến tổn hại sức khỏe.

6. Không sống quá an nhàn

Tục ngữ có câu “sống vì gia khổ, chết vì an lạc”. Sự tự nhiên thoải mái, sống thanh bần vui đời mà Đạo gia nói đến hoàn toàn không phải là muốn con người ta không cần lo nghĩ, khư khư an nhàn mà là phải vượt qua hiện thực, vượt lên cái tôi để lòng được nhẹ nhàng, cảnh giới được nâng cao, trí tuệ được phát triển.

7. Không vui quá đà

“Vui” là một trạng thái cảm xúc thuộc về “thất tình” của con người. “Thất tình” gồm mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ và ham muốn.

Người xưa có câu “vật cực tất phản” (cái gì quá cũng không tốt). Bởi vậy, vui quá có thể hóa thành buồn. Do đó mới có trạng thái “mừng chảy nước mắt”.

“Không nên vui quá đà” nhắc nhở chúng ta cần kiềm chế cảm xúc ở mức độ vừa phải, ngay cả khi đó là cảm xúc tích cực. Việc cảm xúc vượt quá giới hạn của tâm lý và tinh thần sẽ gây nên một phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe con người.

8. Không quá tức giận


Đạo gia cho rằng việc kiềm chế cảm xúc là yếu tố không thể xem nhẹ trong quá trình dưỡng sinh. (Ảnh sưu tầm từ Internet).

Tức giận nếu ở mức nhẹ sẽ hại mình, hại người, nặng thì hại dân, hại nước. Đây là trạng thái cảm xúc “lợi bất cập hại” đối với cơ thể.

Lão Tử có câu: “Dĩ kì bất tranh, cố thiên hạ mạc năng dữ chi tranh”, nghĩa là: Bản thân không tranh với ai, nên chẳng ai có thể tranh giành với mình được.

Theo đó, sống trong xã hội giữ người với người, ta phải biết phân biệt thị phi, đúng sai, biết kiềm chế cảm xúc. Chỉ một việc nhẹ cũng nổi giận, lại không biết kìm chế cơn giận của mình là điều tối kỵ trong nguyên tắc dưỡng sinh của Đạo gia.

Nếu biết chuyển đổi cơn giận thành sự cảm thông, nỗi lòng bức bối không những được giải tỏa, mà tinh thần cũng trở nên thanh thản, tránh được nhiều thương tổn không đáng có đối với sức khỏe.

9. Không quá cầu danh

Đạo gia cho rằng: Công danh ở đời vốn chỉ là thứ nhất thời. Có người ngày hôm nay thăng quan tiến chức, ngày hôm sau lại bị trắng tay, thậm chí gặp vận hạn, phải vào tù ra tội. Do đó, không nên quá mưu cầu danh lợi.

Từ quan niệm này, Đạo gia đề xướng cách sống “đạm nhiên” (an nhiên, trầm tĩnh ích ham muốn).

Nếu con người thực sự rèn luyện được bản lĩnh “không quan tâm đến việc hơn thua ở đời”, ắt sẽ có được cái tâm khoan dung, tấm lòng độ lượng. Cuộc sống cũng nhờ vậy mà vô tư, ít sầu lo hơn rất nhiều.

10. Không quá ham lợi

Đạo gia khẳng định: Người có lòng tham vô đáy ắt không bao giờ thấm được lợi ích của việc dưỡng sinh.

Truy cầu vật chất quá mức sẽ kéo theo vô số hệ lụy đáng sợ về sức khỏe, tinh thần, đạo đức, nhân cách…Nếu không thể khống chế được dục vọng này, con người ắt rơi vào trạng thái đau khổ không thể thoát ra được.

Dưỡng sinh theo Đạo gia có tư tưởng nội hàm phong phú, có giá trị to lớn và ý nghĩa tích cực đối với việc nâng cao cảnh giới tư tưởng và chất lượng cuộc sống của con người.

Theo Trithuc.vn