Cuộc đấu tranh gian khó cho nhân quyền tại Việt Nam





Nghị sĩ Đức, Martin Patzelt, cầm một chiếc áo có hình blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh tại nhà thờ Thái Hà, Hà Nội ngày 22 tháng 3 năm 2016.


Nhà cầm quyền Hà Nội thường xuyên bị khuyến cáo về thành tích nhân quyền tồi tệ; tuy nhiên đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục dùng nhiều biện pháp khác nhau để đàn áp nhân quyền và những người đấu tranh cho dân chủ.

Hành hung người đấu tranh và sách nhiễu thân nhân


Hàng loạt các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến, hay những người tham gia biểu tình từng lên tiếng phản ánh rằng họ bị những người mặc thường phục mà theo nhận định của họ đó chính là công an giả danh ra tay đánh đập đối lập giữa thanh thiên bạch nhật, không kể phụ nữ hay người già. Các hình thức đánh đập rất dã man chẳng hạn như sử dụng dùi cui, đấm đá, đạp vào người vào mặt, lột đồ, chở đến nơi vắng vẻ, cướp điện thoại và bỏ họ lại đó.

Đầu tháng 2 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thái Lai là một trong những người đã cùng blogger Mẹ Nấm xuống đường phản đối Trung Quốc trước đây, sau này lại lên tiếng yêu cầu đóng cửa nhà máy Formosa, cho Đái Á Châu Tự do biết chị bị hành hung khi đang đi chơi cùng người bạn nhưng khi trình báo với công an thì được nói là họ không biết và không làm việc này. Tuy nhiên khi đến trụ sở công an phường chị đã nhận ra mặt những người hành hung chị đang đi ra đi vào trong sở và nói chuyện với công an. Chị nói:

Những vấn đề về chính trị, nhân quyền, hay biểu tình tôi biết rất ít thông tin vì tôi thấy báo chí Việt Nam không đăng tải nhiều...
- Chị Ngọc, Hà Nội

Chị bây giờ vẫn còn đau, bị nó đá nó đấm từ trên mặt nó đá xuống người, cho nên bây giờ vẫn con đau và ê ẩm. Đây không phải là lần đầu tiên, năm ngoái chị cũng bị tụi nó đạp xe rồi.

Ngoài việc hành hung các nhà hoạt động nhân quyền, những người mặc thường phục này còn thường xuyên ngăn chặn không cho các nhà hoạt động ra khỏi nhà vào các dịp tưởng niệm hay các sự kiện quan trọng của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì xã hội dân sự ở Việt Nam cho biết ông đã bị bắt cóc khi được nhân vật ngoại giao quan trọng như Đại sứ Úc mời dự buổi chia tay hồi tháng 3/2016, bị chặn không cho đến cuộc gặp với tổng thống Obama. Ông cho biết năm 2016 ông bị bắt cóc đến 3 lần khi đi gặp giới chức ngoại giao nước ngoài.

Gây áp lực, tra hỏi hay gây khó dễ cho thân nhân các nhà hoạt động cũng là một cách mà nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp tiếng nói vì nhân quyền hay làm nản lòng những người có ý định đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng cho RFA biết anh chị em ruột của bà bị thu hồi đất trái pháp luật với mức đền bù không thỏa đáng và bị sách nhiễu những chuyện hết sức phi lý chẳng hạn như việc cho mẹ Nấm mượn máy thu hình. Anh Nguyễn Thiện Nhân, một blogger thường xuyên lên tiếng cho công nhân và dân oan cho biết đến người giúp việc của gia đình anh cũng bị đe dọa:

Khi mình thuê người giúp việc thì công an đến nói với người giúp việc là tôi làm phản động, chế thuốc nổ khủng bố nên đừng làm việc cho tôi, nghỉ đi làm chỗ khác. Người giúp việc rất hoang mang, họ nghe vậy là đòi nghỉ liền.”

Bịt miệng phương tiện truyền thông




Nhà hoạt động Lã Việt Dũng bị côn đồ hành hung sau trận bóng đá với chiếc áo No-U hôm 10/7/2016. AFP photo
Các phương tiện truyền thông của Việt Nam như báo chí, truyền hình đều chịu sự quản lý sát sao của nhà nước. Chính vì vậy các sự kiện như biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, chuyện các nhà hoạt động như mẹ Nấm, Cấn Thị Thêu hay Phạm Thanh Nghiên, luật sư Nguyễn Văn Đài,… rất ít khi được nhắc đến trên các mặt báo. Nếu được nhắc đến thì sẽ lồng các yếu tố vi phạm pháp luật vào chẳng hạn như dân biểu tình vì bị các phần tử xấu phái kích động, hay bị bắt vì chống phá Nhà nước, gây rối trật tự công cộng,…Chị Ngọc, một thường dân ở Hà Nội, khi được hỏi về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, cho chúng tôi biết:

Những vấn đề về chính trị, nhân quyền, hay biểu tình tôi biết rất ít thông tin vì tôi thấy báo chí Việt Nam không đăng tải nhiều và hình như đó là những vấn đề nhạy cảm nên báo chí họ không được phép đề cập đến. Ngoài ra tôi thấy các phương tiện truyền thông khác cũng nhắc đến rất ít, như truyền hình hay đài phát thanh cũng không thấy nói đến nên tôi không biết gì cả.

Trang báo The Diplomat mới gần đây đăng tải một bài viết có tựa “Vietnam’s quiet human rights crisis” tạm dịch là “cuộc khủng hoảng nhân quyền thầm lặng ở Việt Nam”, đã trích dẫn lời Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch cho biết Việt Nam làm mọi việc có thể để gây cản trở việc theo dõi các vụ buộc tội những nhà bất đồng chính kiến. Mọi diễn biến tại tòa hay cách đối xử với họ khi ở tù đề được giữ bí mật hết sức có thể và tuyệt đối ngăn cấm truyền thông trong nước lên tiếng.

Linh mục chỉ dẫn đầu người dân đi tìm lại quyền sống. Chúng tôi có quyền đòi lại quyền sống. Tại sao lại nói chúng tôi bị kích động?
- Người dân


Nếu truyền thông dòng chính trong nước có đề cập đến những vấn đề dân sự, nhân quyền thì theo nhiều người dân họ đều đưa những tin sai lệch thực tế. Trang Quân đội Nhân dân ngày 3.4 đã đăng tải bài viết có nội dung “Với mưu đồ chống phá đến cùng, những kẻ cực đoan đội lốt tôn giáo đẩy mạnh tuyên truyền, kích động "con chiên ngoan đạo" biểu tình phản đối chính quyền và Formosa. Trước thông tin như trên chúng tôi đã liên lạc với những người dân tham gia biểu tình phản đối Formosa và được biết:

Biểu tình là do tự người dân chúng tôi, bởi vì quyền sống của chúng tôi, chúng tôi không có ai kích động cả. Chúng tôi lấy ví dụ như dân Kỳ Nam thì có kích động? dân Quảng Đông, Quảng Bình cũng có tôn giáo nào kích động đâu? Nhưng những tờ báo như báo Nghệ An lại đưa tin nói linh mục kích động. Linh mục chỉ dẫn đầu người dân đi tìm lại quyền sống. Chúng tôi có quyền đòi lại quyền sống. Tại sao lại nói chúng tôi bị kích động?

Ngay cuộc xung đột xảy mới xảy ra ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội hồi giữa tháng 4, các trang báo trong nước chỉ đăng những thông cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng nguyên nhân là do người dân không đồng ý cách giải quyết đất đai hợp lý của chính quyền. Tối 18 tháng tư, tờ Hà Nội Mới lại đăng bài cho rằng dân Đồng Tâm bị các thế lực thù địch bên ngoài kích động.

Hiện tại Việt Nam đăng tăng cường siết chặt các trang mạng xã hội, không cho những người không cùng quan điểm chính trị được bày tỏ suy nghĩ của mình. Nhiều facebooker bị bắt với cáo buộc chống phá chế độ như Bùi Hiếu Võ, ông Phan Kim Khánh, Trần Minh Lợi,… Ngày 18/4 Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube.

Trang báo The Diplomat cũng trích lời một nhà hoạt động dân sự cho biết quốc tế đã tạo áp lực với Việt Nam nhưng không dễ mà đương đầu với nhà cầm quyền vì họ rất khéo léo trong chuyện giải quyết các áp lực từ quốc tế.


Lan Hương, phóng viên RFA
2017-04-20