Những bức ảnh hiếm hoi về các vị vua cuối cùng của Việt Nam



Nhà Nguyễn là triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam (1802 – 1945). Tồn tại 143 năm, đây là triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19. Dưới đây là những bức ảnh hiếm hoi của một số vị vua của triều đại nhà Nguyễn.


Vua Gia Long (1762 – 1820)



Vua Gia Long là vị Hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820. Sau nhiều thất bại lớn và phải cầu viện sự giúp đỡ của Xiêm La và Pháp, ông giữ vững được Nam Hà và đến năm 1802 thì đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến.



Triều đại của ông được đánh dấu bằng việc chính thức sử dụng quốc hiệu Việt Nam với cương thổ rộng lớn nhất cho đến thời đó, kéo dài từ biên giới với Trung Quốc tới vịnh Thái Lan; thay thế các cải cách có xu hướng tự do của triều Tây Sơn bằng nền giáo dục và điều hành xã hội theo Nho giáo; định đô tại Phú Xuân.

Ngoài ra, ông còn là người mở đường cho các ảnh hưởng của người Pháp ở Việt Nam qua việc mời họ giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Cơ đốc. Dưới triều đại của ông, Việt Nam trở thành một thế lực quân sự hùng mạnh ở Đông Dương, cùng Xiêm La phân chia ảnh hưởng đối với Chân Lạp.



Hoàng tử Cảnh, con trai vua Gia Long. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Minh Mạng (1791-1841)



Vua Minh Mạng. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (25/5/ 1791 – 20/1/1841), tức Nguyễn Thánh Tổ là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn. Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao. Ông cho lập thêm Nội các và Cơ mật viện ở kinh đô Huế, bãi bỏ chức tổng trấn Bắc thành và Gia Định thành, đổi trấn thành tỉnh, củng cố chế độ lưu quan ở miền núi.



Dưới thời ông, quân đội nhà Nguyễn được tổ chức lại, chia thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh và pháo thủ binh. Minh Mạng còn cử quan ra chỉ đạo khai hoang ở ven biển Bắc kỳ và Nam kỳ.



Ấn của vua Minh Mạng. (Ảnh: sonjymec.com)

Là người tinh thông Nho học và sùng đạo Khổng Mạnh, Minh Mạng rất quan tâm đến việc học tập và củng cố thi cử, năm 1822 ông mở lại các kì thi Hội, thi Đình ở kinh đô để tuyển chọn nhân tài. Do không có thiện cảm với phương Tây, Minh Mạng đã khước từ mọi tiếp xúc với họ. Ngoài ra, vì Minh Mạng không thích đạo Cơ Đốc của phương Tây nên ông đã ra chiếu cấm đạo và tàn sát hàng loạt tín đồ Cơ Đốc giáo.

Vua Thiệu Trị (1807-1847)



Vua Thiệu Trị. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Thiệu Trị là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1841 đến 1847. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.

Vua Tự Đức (1829-1883)



Vua Tự Đức. (Ảnh: sonjymec.com)

Hoàng đế Tự Đức (tên sinh thành Nguyễn Dực Tông) là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883.



Các bà vợ của vua Tự Đức. (Ảnh: sonjymec.com)



Các bà vợ của vua Tự Đức. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Hàm Nghi (1872-1943)



Vua Hàm Nghi. (Ảnh: sonjymec.com)

Hoàng đế Hàm Nghi là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Ông cùng với các vua chống Pháp Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc. Ông trị vì chỉ một năm (1884-1885).

Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp.



Đám cưới vua Hàm Nghi với một phụ nữ địa phương ở Algérie – 1904. (Ảnh: sonjymec.com)

Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem đi lưu đày ở Alger (thủ đô xứ Algérie, một nước thuộc Bắc Phi). Ông đám cưới với một phụ nữ địa phương ở Algérie năm 1904. Ông qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.

Vua Đồng Khánh (1864-1889)



Vua Đồng Khánh. (Ảnh: sonjymec.com)

Đồng Khánh sinh ngày 19/2/1864 tại Huế. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Năm 1865, ông được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo. Đồng Khánh là ông vua không chống Pháp. Sách của Trần Trọng Kim viết: “Vua Đồng Khánh tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp”. Vua Đồng Khánh ở ngôi được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 28/1/1889. Khi đó ông 24 tuổi.

Vua Thành Thái (1879-1954)



Vua Thành Thái trong triều phục. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu), sinh ngày 14/3/1879 tại Huế. Năm ông 4 tuổi, vua cha Dục Đức bị phế và chết trong tù. Đến nǎm được 9 tuổi, ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết, vì mắng Đồng Khánh nịnh bợ và thân Pháp khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng. Bửu Lân lại phải cùng mẹ Từ Minh lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.



Anh em vua Thành Thái (từ trái sang phải, 3 hoàng tử: Bửu Lũy, Bửu Trang và Bửu Liêm. Các em của Vua Thành Thái (1891). (Ảnh: sonjymec.com)



Các anh em của vua Thành Thái và các ông thầy (phụ đạo). (Ảnh: sonjymec.com)



Hai người vợ của vua Thành Thái. (Ảnh: sonjymec.com)



Vua Thành Thái và em tới thăm quan toàn quyền (1900). (Ảnh: sonjymec.com)



Vua Thành Thái và em tới thăm quan toàn quyền (1900). (Ảnh: sonjymec.com)



Vua Thành Thái trong chuyến thăm cuối cùng của ông đến Huế vào năm 1953. (Ảnh: sonjymec.com)

Vua Duy Tân (1900 – 1945)



Vua Duy Tân. (Ảnh: Wikipedia)

Vua Duy Tân là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa Việt Nam. Vì lý do này, ông bị người Pháp lưu đày trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.

Vua Khải Định (1885 – 1925)



Vua Khải Định. (Ảnh: Pinterest)

Vua Khải Định hay Nguyễn Hoằng Tông là vị Hoàng đế thứ 12 nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục.[

Vua Bảo Đại (1913 – 1997)



Vua Bảo Đại. (Ảnh: Pinterest)

Bảo Đại là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên là Nguyễn Phúc Thiển , tục danh “mệ Vững” là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu. Đúng ra “Bảo Đại” chỉ là niên hiệu nhà vua nhưng tục lệ vua nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên nay thường dùng như là tên nhà vua.



Theo Giáoduc.net