Bắn Chim

Tác Giả: Văn Ni




Vừa đấu giá trên Ebay được cái máy ảnh Sony-nex6 vởi ống kính Tele, thuộc hạng vừa vừa với cái túi tiền của ông già về hưu. Mà buồn cười thật, mua giá hời được khoảng $100 nhưng thấy vui hơn được trúng số cạo! Tôi lúi húi cả ngày học cách sử dụng máy. Thời nay máy móc quá tinh vi, rắc rối, học đầu quên đuôi, mất cả mấy hôm mới dùng được máy. Tôi cần một máy hình tốt vì tôi là thành viên của hội xem chim (bird watching club), đi du sát để ngắm và chụp hình các loại chim (chim thật, loại biết bay). Mấy đứa con chúng cười “ Ba lại mê chim rồi!”

Mà sự thật tôi mê chim lúc còn bé con, lúc đi theo hai anh đi bắn chim hoặc hốt ổ chim về nuôi trong mấy tháng nghỉ hè ở nhà quê.

Người lớn họ hốt ổ chim Chìa Vôi, Cưởng hoặc chim Sáo về nuôi. Mấy loại chim nầy khôn lắm, chúng biết nói. Thằng Mao hàng xóm có con Nhồng Núi, đen thui nhưng mỏ đỏ chân vàng, nói “như sáo”. Mấy đứa con nít thường sang chọc cho nó nói. Một mình nó buồn, khi thấy người là nó la om sòm:

-Mao ơi có khách! Mao ơi có khách.

Nói chuyện với nó, nó niễng niễng cài đầu lắng nghe rồi bắt chước y chang. Nó bắt chước tiếng chuông “ leng leng, leng keng” của anh bán cà rem như thật. Nhưng đừng chọc nó, nó giận nó chưởi thề thì hết chổ chê, nó “Đ. mẹ mầy”, “ Đ. má mầy” lia lịa!

Nó biết chửi “Đồ cà chớn” rồi cười “khặc khặc khặc”.

Nhiều khi nó buồn, không ai chọc phá nó la sản: “ Bớ làng xóm ơi…..nhà cháy!”

Nhưng mấy loại chim quí nầy dễ gì mà bắt được. Bọn nhóc tui tôi canh hốt ổ mấy con chim Sắc Bông, Sắc Mọi và chim Dòng Dọc. Phải canh hốt ổ khi chim chưa mọc lông, chưa mở mắt thì nuôi lớn chim mới khôn. Khi nó biết bay, chúng bay là đà theo chủ để thương lắm.

Nhưng tiếc thay, con quỉ mèo mun nhà tôi rất tinh ranh, nó theo rình mò mấy con chim con, sơ hở tí là nó chụp rồi vọt tuốt lên gác chạy mất. Bảy Bé ( người anh lớn, tuy anh tên Bé) nhất định không tha cái tội tày trời nầy, kiên nhẫn đợi nó về, với cây gậy bằng tầm vong trên tay. Vừa chui vào cái lổ chó là nó lảnh một cây vào đầu, la “éo éo”, lộn mấy vòng rồi cấm đầu chạy mất. Mấy hôm mới thấy nó lò mò về, mắt lớn, mắt nhỏ!

Nuôi chim thì vui nhưng cực khổ. Đi bắn chim thì vui ơn và sướng hơn vì còn được ăn thịt chim.

Thuở ấy tôi đi học lớp vở lòng. Tôi phục tài bắn ná thun của Tám Nê người anh kế của tôi. Hắn bắn đâu trúng đó. Tám Nê tài đến mức độ hắn có thể nhắm vào cuốn mà bắn rơi trái vú sữa, trái xoài trên cây. Tám Nê có thể bắn các mục tiêu di động như con rắn đang lội dưới sông hay con sóc đang chuyền trên cành. Có lần Tám Nê bắn rơi con chim ó biển, to như con gà mái, đậu chơi vơi trên ngọn cây dừa lão.

Thuở ấy chim rừng rất nhiều. Có hôm tổ đãi, chúng tôi mang cả xâu chim về sau chuyến đi săn, đủ loại chim, từ con chim sâu nhỏ xíu cho tới chim Trao Trảo, Gà Nước (Cúm Núm), chim Quốc, chim Cu, ….Và mỗi lần như vậy anh em tôi được một bửa thịt chim nướng linh đình. Chúng tôi biết cách vặt lông chim, thui cho sạch lông tơ, mổ bụng rồi ướp thịt. Tôi bị xúi đi chôm chĩa tiêu hành tỏi ở nhà bếp bị má bắt gặp. Bà không la còn vò đầu tôi mà cười, chỉ chúng tôi cách ướp thịt sao cho ngon.

Thịt chim nướng lửa than thơm phưng phức. Má tôi còn phải khen: “Tụi bây làm coi được đó, thơm dử đó nhen!”.

Tám Nê- biệt danh Nê Ròm, ăn nhiều nhưng không lớn. Má kể ảnh sanh thiếu tháng. Khi biết ngồi phải tấn gối chung quanh, vì không khéo, hắn bật ngửa , khóc “é” một tiếng rồi nín thở luôn, mặt mày xanh lét rồi thành tím ngắt. Mổi lần ảnh nín thở như vậy, phải đét vô mông thật mạnh, gỏ thùng thiết kêu rầm rầm cho hắn tỉnh dậy. Tám Nê đòi mỗi đứa ăn phần chim của mình bắn được. Tôi thì dẩy nẩy phản đối tới cùng vì tôi có bắn được con nào đâu! Bảy Bé thì nhất đinh đòi lãnh phần chia của, vì hắn sẽ chọn phần ngon nhất. Sự bất đồng ý kiến sinh ra cãi vã om sòm, và sau cùng, với sự can thiệp của mẹ tôi, ba đứa cùng ăn một lượt.

Dĩa chim nướng vừa để xuống bàn, chỉ một thoáng là thịt chim biến mất. Trong khi cả ba còn đang thòm thèm, con KiKi là sung sướng nhất, nhai rôm rốp mấy cái xương vẫn còn nguyên thịt, vì chúng tôi chỉ gậm sơ rồi vất đi để chôm miếng khác.

Tôi bé nhứt trong 3 đứa và là đứa bắn ná thun dở nhất. Có lẻ vì tôi làm vướng bận nên 2 thằng anh tìm đủ cách để bỏ tôi ở nhà mỗi lần đi xa để bắn chim. Mỗi lần như vậy tôi khóc ầm lên để má tôi can thiệp. Kết quả bao giờ tôi cũng chiến thắng vẻ vang và được cho đi. Hai thằng anh ấm ức phải chịu thua sau khi cú mấy cái vào đầu người chiến thắng. Nhưng dù có được đi, tôi chỉ được đi lẻo đẽo phía sau, tay xách sâu chim.

Cũng như hai anh, tôi cũng được trang bị đầy đủ như tay thợ săn chuyên nghiệp, cái ná thun mang tòn ten trên cổ, trong túi đầy các viên bi. Tuy ở tư thế sẳn sàng, nhưng tôi bị cấm không được bắn bậy, vì sợ làm chim bị “nhát”. Nếu phải chui vào trong lùm cây, trong bụi để tìm chim, tôi bị bắt ngồi đợi ngoài bờ mẩu. Ngồi buồn tôi đem ná thun ra thực tập. Mục tiêu của tôi thường là mấy con rắn mối thập thò trong bụi, hoặc mấy con cá Thòi Lòi rửng mỡ, vương vi, phùng mang, trợn mắt nhảy múa lấy le với mấy chị Thòi Lòi cái trong vũng nước bùn.

Người bắn ná thun không nhắm mục tiêu qua nốt ruồi như bắn súng, nhưng sử dụng một năng khiếu đặc biệt. Họ dùng sự cảm nhận (feeling) để bắn viên bi, và ước tính đường đạn vào mục tiêu qua trực giác (instinct). Muốn đạt được trình độ như Tám Nê không phải dễ.

Ngoài cái tài thiên phú, đồ nghề phải là đồ chiến: cái ná phải êm tay, dây thun đúng độ mềm và phải có tính đàn hồi tốt, và nhất là phẩm chất cao của đạn bi: tròn, đúng cỡ, cứng và nặng. Đạn bi phải được làm bằng đất sét tốt, nhồi kỹ lưỡng rồi được vo thành viên tròn. Vo bi là cã một nghệ thuật mà muốn đạt được trình độ cao đẳng như ba anh em tôi, phải cần nhiều thực tập. Ngắt đất thành từng cục bằng đầu ngón chân cái (chân con nít) để giữa 2 lòng bàn tay rồi vo tròn cho đến khi viên bi hoàn hảo. Phơi 2 nắng là đạn bi có thể xài được, nhưng nếu muốn là thứ chiến, đạn bi phải được nung trong lò lửa, “hầm” cho đến khi “chín”, cứng như gạch.

Nhà tôi có mấy cây “xa bu chê” khi trái chín cây là chim Trao Trảo về cả bầy, cắn lộn dành ăn la chí chóe. Tám Nê và bảy Bé ngồi nín thở trong cáí chòi làm bằng lá dừa, lá chuối dưới gốc cây, rình chim đến là nhả đạn. Tôi không được chui vô chòi vì ngồi lâu bị bù mắt cắn rang cả chân tay, tôi phải gải xồn xột cho đã ngứa nên làm ồn làm chim nó sợ, bị hai thằng anh đuổi vào nhà, núp sau cánh cửa mà coi.

Nếu chim không tìm đến mình thì mình phải đi tìm chúng, như các lùm bụi, các vườn cây ăn trái, các đầm nước. Nghề bắn ná thun cũng lắm công phu. Chúng tôi lặn lội cả ngày tìm kíếm mục tiêu, thường là các cây rừng đang mùa trái chín như Cây Sắn, cây Ôi rừng, cây Mua, cây Sung, cây Trứng Cá, chim tụ về ăn trái, mặc tình mà bắn. Có khi chúng tôi phải ngụy trang ngồi im cả buổi đợi chờ. Có khi phải gọi chim đến bằng cách giả tạo tiếng chim kêu.

Không gì thích bằng cái cảm giác của người đi săn, hồi hợp theo dõi con mồi, thất vọng khi chúng vụt bay đi, vui mừng khi chúng sa vào vùng tử địa, và nhất là cái cảm giác chiến thắng khi viên đạn trúng mục tiêu, con mồi gục ngã.

Lúc còn là trẻ con tôi săn chim bằng ná thun. Đây chỉ là thú vui chơi trẻ con, đâu có nghĩ đến chuyên đạo đức và mình phạm tội sát sinh. Có nhiều giống chim hiếm quí được bảo vệ vì sắp tuyệt chủng. Một khi tuyệt chủng chúng sẽ không bao giờ tái sinh.

Bây giờ tôi vẩn thích săn chim, nhưng săn bằng máy ảnh hoặc ống dòm.

Ngày xưa tôi săn chim để ăn thịt, bây giờ tôi đi săn chim để được chiêm ngưỡng cái đẹp của loài sinh vật quý hiếm trong môi trường thiên nhiên của nó.

Vẻ đẹp thiên nhiên và tiếng hót thanh tao của loài chim làm lắng dịu tâm hồn, mang đến cho ta niềm vui và hạnh phúc, là món quà quí giá của tọa hóa dành riêng cho con người. Ai nở đành giết đi sứ giả của mùa xuân?

“Bird-watchers”(xin lổi, không dịch được, không lẻ gọi là “người xem chim” thì nghe kỳ quá!) đồng thời còn được cái cảm giác hồi hộp của người thợ săn khi khám phá ra con mồi quí và cái cảm giác chiến thắng khi thu được hình ảnh đẹp vào máy ảnh. Tôi dự trù sẽ chụp hình một số chim ở Viêt Nam trong chuyến du lịch Việt Nam sắp tới.