Phụ nữ ngày nay với căn bệnh AIDS





Pano quảng cáo cho một loại thuốc điều trị bệnh Aids trên một đường phố ở tỉnh Quảng Bình hôm 1/12/2015.



Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS thâm nhập vào Việt Nam gần 3 thập niên gây ra nhiều đau thương, mất mát cho biết bao gia đình.

Vẫn còn kỳ thị

Nhớ lại khoảng chục năm trở lại, ở Việt Nam đặc biệt là những vùng nông thôn nơi con người vốn được biết đến với tính tình thân thiện, thật thà, đùm bọc nhau đến cùng; ấy vậy mà sự thương yêu giữa những con người chất phác với nhau vẫn không chiến thắng nổi rào cản căn bệnh thế kỷ mang lại. Ngày ấy, nếu trong làng xóm mà phong phanh có tin nhà nọ có người bị AIDS mà người ta vẫn gọi là bệnh si-đa, thì cả làng đều sửng sốt, ra vào thì thào bàn tán như có đại họa ập xuống vùng quê nghèo. Đi ra đường mà trông thấy người bị bệnh thì tránh càng xa càng tốt bởi vì sợ con vi-rút bệnh trong người sẽ bằng cách nào đó “bay ra” và nhiễm vào người mình. Hơn cả, là những lời dị nghị rằng chỉ có loại hút chích, hư hỏng, ăn chơi xa đọa, nếu là đàn bà thì là loại “điếm đĩ” mới mắc phải thứ bệnh quái quỷ ấy.

Chục năm sau, khi xã hội đã tiến bộ rất nhiều trong các lĩnh vực của đời sống, con người đã có cái nhìn cởi mở hơn với nhiều hiện tượng mà trước đó còn khắt khe, phân biệt đối xử chẳng hạn như tình yêu giữa những người đồng tính, hay những người phụ nữ làm mẹ đơn thân và thậm chí là chuyện ngoại tình cũng được xếp vào hạng “thường thôi”. Ấy vậy mà những cái nhìn về những nạn nhân HIV/AIDS không được bao dung đến vậy mà thay vào đó vẫn là những lời bán tán, dè bỉu và thái độ né tránh. Chúng tôi chỉ được biết đến sự thật này khi trò chuyện trực tiếp với những người bị nhiễm bệnh:

Phần lớn phụ nữ nông thôn thì chỉ làm mấy sào ruộng, còn những người đi làm thêm thì khi xin vào các xí nghiệp thì đa số các chị em đều phải giấu tình trạng có HIV của mình. Đi làm ở các công ty xí nghiệp thì đều phải giấu tình trạng của mình. Khi đi lấy thuốc họ chỉ xin ra ngoài 1 tiếng nên công ty không biết. Họ không biết là nếu công ty xí nghiệp biết thì sẽ thế nào vì có nhiều trường hợp trước đấy họ đang làm giáo viên, công nhân, khi biết có HIV, sức khỏe suy sụp thì họ bị phân biệt đối xử.


Chị Liên bị lây căn bệnh quái ác từ người chồng sau những năm tháng chồng chị đi làm than ở Quảng Ninh. Hiện tại chồng chị đã qua đời, để lại chị và đứa con nhỏ côi cút nuôi nhau sống qua ngày giữa những ánh mắt khinh bỉ của người đời.

Chị nói rằng hiện nay con người đã hiểu biết hơn về căn bệnh này nhưng vì hiểu biết chưa tường tận nên họ càng phân biệt đối xử. Ở xứ nông thôn người dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, người ta chỉ biết rằng si-đa là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, đến nay chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt là căn bệnh này rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường và chỉ những người chích ma túy, người mua dâm, bán dâm mới bị nhiễm. Chính vì những thông tin không đầu không cuối đấy đã khiến cuộc sống của mẹ con chị vốn oan nghiệt lại thêm phần tủi thân.

Bác sĩ Trịnh Thị Thảo - Khoa Truyền thông-Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên cho biết, nguồn gốc và nguyên nhân của sự kỳ thị và phân biệt đối xử là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS, nhất là việc cho rằng HIV có thể lây qua những tiếp xúc thông thường như ăn cùng mâm, đi chung xe, dùng chung nhà vệ sinh... Do việc truyền thông không đúng đắn trong một thời gian dài trước đây, khi nói đến HIV/AIDS, người ta luôn đưa ra những hình ảnh đầu lâu, lưỡi hái tử thần... khiến người dân sợ bệnh AIDS và sợ luôn cả người mắc AIDS.

Chính sự kỳ thị kéo dài nhiệu thập niên đã khiến những người bị bệnh không có cơ hội được đi làm dù thể lực vẫn còn tốt và có nhiều khả năng cống hiến cho xã hội, không được chăm sóc y tế một cách bình đẳng, quyền học hành, tự do đi lại cũng vì vậy mà bị hạn chế.

“Lá rách đùm lá rách”


Pano tuyên truyền cho người dân hiểm họa bệnh Aids tại tỉnh Sơn La ngày 5/5/2009. AFP photo


Bên cạnh những tổ chức do Nhà nước thành lập để hỗ trợ những người bị HIV/AIDS, còn vô số các nhóm độc lập, các câu lạc bộ trong xã hội do chính những người bị bệnh tự lập nên để giúp đỡ, tương trợ nhau như nhóm Ước Mơ Xanh, Hoa Hướng Dương, Cho Bạn Cho Tôi, Vì Ngày Mai Tươi Sáng,… Chị Đào Phương Thanh, trưởng nhóm Hoa Sữa ở Hà Nội từng cho chúng tôi biết rằng chính những nhóm tự lực như vậy lại hoạt động hiểu quả hơn và thu hút được nhiều nạn nhân bị bệnh hơn bởi vì tâm lý người bệnh thường cảm thấy an tâm, được chia sẻ và “hợp nhau” hơn khi đồng cảnh ngộ. Những hội nhóm này trẻ có, già có, nghề nghiệp đa dạng từ chủ doanh nghiệp đến anh xe ôm, cùng nhau làm nhiều hoạt động khác nhau cho chính người bị bệnh và cho cộng đồng chẳng hạn như tổ chức đi thu gom kim tiêm trên vệ đường, công viên, hay tự tay chăm sóc những người giai đoạn cuối sức khỏe suy sụp không thể tự lo cho bản thân. Nhiều thành viên của các nhóm này cho biết họ cảm thấy đây giống như gia đình thực sự của họ, thậm chí có những người nói rằng gia đình của họ cũng không chăm họ tận tình được đến vậy.

Nổi bật trong đó có nhóm Vì Ngày Mai Tươi sáng. Được thành lập năm 2003 với 11 thành viên và hiện tại đã lan thành 26 nhóm trải dọc khắp 14 tỉnh phía Bắc, nhóm được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức phi chính phủ như: CARE, POLICY, AFAP, CEPHAD, USAID. Trong phần đầu của bài diễn văn tại buổi lễ ký kết thỏa thuận khung hợp tác Việt-Mỹ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã khen ngợi Nhóm “Vì ngày mai tươi sáng” về những đóng góp trong việc hỗ trợ và tư vấn cho những người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.

Chị Phạm Thị Hiền, trưởng nhóm chi nhánh Bắc Ninh cho chúng tôi biết những hoạt động gần đây của nhóm:

Bọn em hoạt động rất nhiều, ngoài các hoạt động đi thăm hỏi, còn hướng dẫn nhau để tiếp cận với thuốc và chăm sóc nhau cũng như vận động tổ chức các sự kiện cho trẻ và hỗ trợ một số trường hợp cần hỗ trợ sinh kế đặc biệt. Sự kiện 1/6 và Tết nguyên đán vẫn được tổ chức đều đặn cho 300 trẻ để có quà hỗ trợ động viên tinh thần. Các hoạt động cho trẻ em nhỏ vẫn diễn ra thường xuyên.

Nhóm của chị Hiền còn xây dựng một đội các em nhỏ bị trầm cảm để trò chuyện với các con. Rồi tùy theo lứa tuổi mà cho các con thông tin làm thế nào để chúng có thể tự chăm sóc và phòng tránh cho các bạn khác. Hoặc có những buổi nói chuyện với các trẻ nhiễm mà bị kỳ thị ở trường học, không được học, hoặc bạn bè không muốn chơi cùng thì nhóm cũng cho các con những thông tin đơn giản nhất. Tức là hướng dẫn các em phải chấp nhận và đối diện với sự kỳ thị ấy. Nhóm cũng đến từng gia đình để nói chuyện giúp họ hiểu và bớt kỳ thị người bị bệnh. Ngoài ra, Vì Ngày Mai Tươi Sáng còn tích cực tham gia truyền thông vì nhóm thấy được hiệu quả rõ rệt khi chính những người bị nhiễm lên tiếng hơn là những cán bộ y tế phát biểu theo lý thuyết.



Pano khuyến khích người dân phòng tránh bệnh Aids tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/3/2013. AFP photo


Không thể phủ nhận tính chất nguy hiểm của căn bệnh HIV/AIDS, có lẽ vì vậy mà nhiều người đặt cho nó những biệt danh như “bệnh tử thần” hay gọi những người bị bệnh là “lãnh án tử”. Ngành y học trên thế giới ngày ngày nỗ lực để tìm ra giải pháp chữa dứt điểm loại virut gây bệnh nhưng loại thuốc này vẫn còn là một ẩn số. Hiện tại trên thế giới mới có duy nhất một công dân Mỹ được chữa trị dứt điểm bằng phương pháp cấy ghép tế bào tủy gốc thay thế trong tổng số hơn 35 triệu người nhiễm bệnh. Dù trường hợp bệnh gì cũng vậy, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất và ít rủi ro nhất. HIV/AIDS khó chữa, nhưng cách phòng chống không khó, đặc biệt là đối với phụ nữ.

Ông Thanh Nhàn, hiện làm việc tại Hội Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cách đề phòng cho chị em phụ nữ:

Muốn biết cách phòng tránh như thế nào thì mình cần hiểu đường lây của nó. HIV/AIDS chỉ lây qua 3 con đường thôi là tình dục, mẹ sang con và đường máu. Muốn phòng tránh mình phải ngăn chặn những con đường lây nhiễm. Chẳng hạn như đường máu thì mình không dùng chung bơm kim tiêm với những người sử dụng ma túy chẳng hạn vì những người này thường có nguy cơ bị HIV cao. Đường máu là con đường có khả năng lây nhiễm HIV cao nhất. Mình nên cẩn thận trong dụng cụ sử dụng hàng ngày, chẳng hạn nếu làm nail mà dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ thì nguy cơ lây HIV cũng rất cao. Về chuyện quan hệ tình dục, thường thường phụ nữ rất bị động trong chuyện sử dụng bao cao su và chất bôi trơn. Khi quan hệ tình dục thường thì đàn ông thích thì họ xài, không thích thì không xài. Cho nên nếu thực sự muốn tuyệt đối không bị lây HIV AIDS thì nên tác động tối tác của mình không nên quan hệ tình dục không có bao cao su.

Ông Thanh Nhàn cho biết thêm rằng hiện tại đã có loại thuốc dự phòng lây nhiễm HIV gọi là PREP. Nếu uống hoặc tiêm loại thuốc này đều đặn thì mỗi một chu kỳ sẽ giúp bảo vệ được 30 ngày với hiệu quả cao. Trong trường hợp lỡ bị nhiễm HIV vì tiếp xúc với nguồn nhiễm thì có thể đến các cơ sở y tế để mua thuốc điều trị phôi nhiễm. Loại thuốc này có tác dụng trong vòng 72 giờ.

Có những người nhiễm HIV/AIDS do bị lây, có người do những sai lầm trong quá khứ để lại hậu qủa, nhưng dù là trong trường hợp nào, những nạn nhân HIV/AIDS đều ước muốn được xã hội bao dung và giúp đỡ tạo điều kiện cho họ được sống và cống hiến như những con người bình thường, không còn là nạn nhân của tấm rào cản mang tên “kỳ thị”.

Mọi đóng góp của quý vị để trang Phụ nữ thêm sinh động hơn, xin gửi về địa chỉ peymane@rfa.org.


Lan Hương, phóng viên RFA
2017-05-08