Chính phủ sai, chỉ việc xin lỗi là xong?





Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm rằng: "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". Đây có thể coi là lập trường của nhà nước Việt Nam, coi rằng luật pháp chỉ áp dụng đối với dân chúng.

Pháp luật ở đâu?

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4/5/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ và là người phát ngôn của Chính phủ, khi nói về vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) đã cho rằng: "Tinh thần của chúng ta là rất minh bạch, công khai, nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".

Dư luận xã hội ngạc nhiên về phát biểu của người phát ngôn của Chính phủ, theo họ điều đó không chỉ là thể hiện sự bất bình đẳng, mà còn là sự coi thường vai trò luật pháp trong việc quản lý nhà nước. Điều đó trái với nguyên tắc, "toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" đã được ghi trong Hiến pháp VN năm 2013.

Điều đó đã bộc lộ được nhược điểm của tầng lớp lãnh đạo ở Việt Nam, đó là trách nhiệm lãnh đạo thấp.
- Bà Nguyễn Trang Nhung
Đánh giá về phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ Hà Nội bà Nguyễn Trang Nhung, một luật gia và là một nhà hoạt động xã hội nhận xét:

“Tôi cho là có 2 khả năng, thứ nhất là ông Dũng phát biểu đúng với suy nghĩ của mình, điều đó cho thấy ông ấy có hiểu biết hạn chế về về pháp luật và nguyên tắc pháp trị của một chính quyền đúng nghĩa. Điều đó đã bộc lộ được nhược điểm của tầng lớp lãnh đạo ở VN, đó là trách nhiệm lãnh đạo thấp. Thứ 2, cũng có thể ông Dũng nói như vậy để làm giảm nhẹ sự nghiêm trọng của vấn đề đi.”

Từ Vũng tàu, nhà báo Chu Vĩnh Hải thấy rằng, phát biểu của ông Mai Tiến Dũng đã thể hiện tư duy cai trị chứ không phải phục vụ của tầng lớp quan chức ở VN hiện nay, điều đó cho thấy họ hoàn toàn thiếu ý thức phụng sự người dân. Ông khẳng định:

“Nhà cầm quyền ở VN họ đã mặc định họ là một chính quyền cai trị, chứ không phải là chính quyền phục vụ nhân dân, chứ không phải là để quản trị đất nước, quản trị xã hội. Theo tôi nghĩ, chính quyền không phải là sự mặc định, mà nhân dân, đất nước, dân tộc mới là sự mặc định và chính quyền có thể thay đổi bất cứ lúc nào.”

Đúng nhưng chưa đủ

Bà Nguyễn Trang Nhung cho rằng, việc nhà nước nhận sai và xin lỗi nhân dân là đúng, là chuyện đương nhiên phải làm, nhưng chưa đủ. Bà chỉ rõ:

“Việc nhà nước nhận sai và xin lỗi nhân dân là điều tất nhiên, tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc này thôi thì cũng là chưa đủ, vì nhận sai mà chỉ xin lỗi thì đơn giản quá. Vấn đề là, nếu có các sai phạm ở đây thì cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một phần của nguyên tắc pháp trị, đó là khi cán bộ nhà nước làm sai thì phải chịu sự điều chỉnh và xử lý theo pháp luật.”

Trên trang facebook cá nhân Dinh Cuong, tác giả có bình luận rằng, “Làm tới chức Bộ trưởng, là người có trình độ cao, là đảng viên và với sự hiểu biết tối thiểu của một công dân, ông phải biết: Mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật chứ? Và Pháp luật đã quy định ra sao, thế nào, thì cứ theo đó mà xử. Hoá ra trước pháp luật tất cả đều bình đẳng chỉ là truyền thuyết. Phát biểu của ông Bộ trưởng thể hiện sự khôn lỏi và gian xảo đến mức đăng phong đạo cực, đồng thời cũng thể hiện rõ sự độc tài của phong kiến hiện đại”.

Nhà báo Chu Vĩnh Hải thấy rằng, phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính phủ, là sự phỉ báng, của một người phát ngôn của Chính phủ được mang danh là Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông nói:

Phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thể hiện sự thiếu hiểu biết, nhận thức và tầm văn hóa của quan chức VN rất non kém.
- Nhà báo Chu Vĩnh Hải
“Pháp luật là thượng tôn, nên các tổ chức hay các cá nhân ấy đều là những pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu tổ chức hay cá nhân làm sai thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ nhận thức đó, theo tôi phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thể hiện sự thiếu hiểu biết, nhận thức và tầm văn hóa của quan chức VN rất non kém.”

Bà Nguyễn Trang Nhung, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức XHDS trong việc thúc đẩy và hỗ trợ cho việc đấu tranh chống bất công và đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, cũng như phản đối các phát biểu và hành động vi phạm pháp luật của các quan chức nhà nước. Bà giải thích:

“Để cho các tổ chức XHDS thúc đẩy, hỗ trợ việc đấu tranh chống bất công và đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, thì trước hết nhưng người lãnh đạo các tổ chức XHDS phải có những hiểu biết về pháp luật. Họ cần phải nhận thức lại về tầm quan trọng của pháp luật, trong cuộc đấu tranh chống bất công, mà còn để phổ biến các kiến thức pháp luật cho đến những người dân nữa.”

Trên trang facebook cá nhân, LS. Trần Vũ Hải có bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm như sau:

“Tôi chưa thấy quan cấp tỉnh, thành hay trung ương nào bị xử lý hình sự, dù rất nhiều vị các cấp này làm bậy và có những quyết định sai trái của họ khiến hàng vạn người dân phải khốn khổ. Trong khi đó, chỉ vì phản đối những bất công và sai trái về đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích của mình, hàng nghìn người dân (và có thể hàng vạn người, nếu có thống kê đầy đủ) bị vướng vào vòng lao lý. Vậy liệu sắp tới sẽ có một đại quan và thậm chí tứ trụ đúng khoanh tay xin lỗi trước dân chúng hay không?”


Anh Vũ, thông tín viên RFA
2017-05-09