Học sinh Việt tại Hội Thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế ở Mỹ




Học sinh các nước đến Mỹ tham gia Hội Thi Khoa Học Kỹ Thuật Quốc Tế tổ chức tại Mỹ hàng năm do Intel tài trợ.




Ngày 15 tháng Năm vừa qua, Pham Huy, một học sinh Lớp 11 trường trung học Quảng trị, đặt chân xuống phi trường LAX với sản phẩm mang theo là cánh tay rô bốt dành cho người khuyết tật mà em đã bỏ công nghiên cứu và hoàn chỉnh:

Sản phẩm này trên thế giới đã có làm rồi nhưng mà đối với sử dụng cảm biến cong hay cảm biến sinh học thì có những nhược điểm và có giá thành rất cao, chỉ có thể sử dụng cho người bị cụt một cánh tay, còn đối với người mất cả hai cánh tay thì vẫn chưa thiết bị nào có thể hỗ trợ được.

Cánh tay của em có thể sử dụng chân để điều khiển như là một bộ phận hoàn toàn độc lập đối với tay, đồng thời có giá thành chừng 150 Đô, phù hợp với điều kiện kinh tế cho người khuyết tật trên thế giới và Việt Nam nói riêng. Khi người ta cụt mất hai tay và ráp tay của em vô thì có một bộ điều khiển đeo vào chân như một chiếc dép bình thường. Người ta sẽ dùng những đầu ngón chân để điều khiển các ngón tay, có một cảm biến nghiêng gắn dưới lòng bàn chân, khi cảm biến nghiêng này nghiêng sang trái hoặc sang phải thì cánh tay có thể úp ngửa bàn tay. Còn khi nghiêng lên và nghiêng xuống thì sẽ điều khiển co duỗi cánh tay.

Nắm trong tay chiếc vé đi Mỹ là trải nghiệm khá gay go căng thẳng đối với Phạm Huy vì em đã bị từ chối visa trong 2 lần phỏng vấn trước đó. Đến ngày 13 tháng Năm, sau 10 phút được phỏng vấn lại, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội mới cấp visa cho Phạm Huy. Như vậy, em là học sinh sau cùng của đoàn Việt Nam đến dự Hội Thi Khoa Học Kỹ Thuật Quốc Tế Intel ISEF 2017, kéo dài từ ngày 13 đến ngày 19 tháng Năm tại thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Intel ISEF là chữ tắt của Intel International Science And Engineering Fair Hội Thi Khoa Học Kỹ Thuật Quốc Tế, do tổng công ty Intel tài trợ dành cho học sinh Lớp 9 đến Lớp 12. Đây là cuộc tranh tài khoa học kỹ thuật lớn nhất được tổ chức hàng năm ở Hoa Kỳ từ 1952 đến nay.

Mục đích của Intel ISEF là kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tuổi được cơ hội thi thố tài năng trong một môi trường quốc tế, tạo điều kiện cho học sinh gởi đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học có trình độ cao để được nhận xét và đánh giá.

Việt Nam đợt này có 6 dự án tập thể, mỗi dự án có 2 học sinh làm, cộng với 2 dự án cá nhân thành ra là 14 em.
- Ông Nguyễn Xuân Thành
Để tham gia Intel ISEF ở Hoa Kỳ, thí sinh phải tham dự và được lựa chọn từ các hội thi khoa học ở địa phương hay quốc gia của mình trước. Do phải tuân thủ một số qui định cơ bản của Intel ISEF, hội thi khoa học ở địa phương hay quốc gia được gọi là Hội Thi Intel ISEF Thành Viên.

Mỗi năm trung bình khoảng 1800 học sinh trung học từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đến hội thi Intel ISEF để giới thiệu kết quả nghiên cứu của các em trong 22 lãnh vực mà hội thi đề ra.

Việt Nam chính thức tham gia Intel ISEF từ năm 2012 với chỉ một dự án nhưng đã đoạt giải nhất. Đó là dự án “Xử Lý Nước Mặn Thành Nước Ngọt Bằng Kỹ Thuật Chân Không Và Năng Lượng Mặt Trời Phục Vụ Cho Sinh Hoạt” do 3 học sinh Trần Bách Trung, Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang, Trung Học Phổ Thông Chuyên Hanoi-Amstersdam thực hiện.

Năm 2013, Việt Nam có 5 dự án đến Intel ISEF, 3 dự án đoạt giải tư. Năm 2014 có 6 giải thì 2 đoạt giải tư và 1 đoạt giải đặc biệt.

Đến năm 2015, trong 6 dự án tham dự thì 1 được giải tư và 1 được giải đặc biệt. Năm ngoái 2016, 6 dự án tranh thi thì có 4 đoạt giải 3.

Hội Thi Khoa Học Kỹ Thuật Intel ISEF năm nay có 78 quốc gia tham dự, trong đó có Việt Nam. Hướng dẫn đoàn học sinh Việt Nam đến Intel ISEF 2017 là ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo Dục Trung Học, Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt Nam:

Năm nay Việt Nam có 8 dự án và 14 học sinh. Hàng năm ban tổ chức cho mình 6 dự án thôi nhưng năm 2017 thì ban tổ chức bên này cho mình 8 dự án và mình đã chọn 8 dự án đoạt giải nhất cấp quốc gia và 14 học sinh là tác giả của 8 dự án đó sang cuộc thi Intel ISEF này. Qui định một dự án có thể là cá nhân hoặc tập thể tức là một đội. Việt Nam đợt này có 6 dự án tập thể, mỗi dự án có 2 học sinh làm, cộng với 2 dự án cá nhân thành ra là 14 em.

Trước hết phải nói là các cháu tự hình thành ý tưởng và làm nghiên cứu trong một năm ở trường phổ thông. Mỗi tỉnh của Việt Nam chỉ được chọn 6 dự án dự thi cấp quốc gia thôi. Lên thi cấp quốc gia thì những em điểm cao nhất được chọn để thi cấp quốc tế này. Ấn tượng nhất là các em hình thành ý tưởng và làm nghiên cứu thì sự trưởng thành của các em rất lớn. Nói chung đã đi thi thì muốn đoạt giải nhưng mà các em còn được giao lưu, học hỏi và chia sẻ cái nghiên cứu của mình. Trong một tuần cuộc thì các em còn được tham gia nhiều hoạt động bên lề khác.



Một hội chợ triển lãm những sản phẩm trong Hội Thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế tại Mỹ. Courtesy of student.societyforscience.org
Được biết 8 dự án tranh thi của 14 thí sinh Việt Nam, được Vụ Giáo Dục Trung Học, Bộ Giáo Dục Đào Tạo xếp loại theo qui chuẩn Intel ISEF như sau:

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh và Mai Thủy Tiên trường chuyên Thăng Long ở Lâm Đồng với Lãnh Vực Y Sinh Khoa Học Sức Khỏe.
Hai bạn Đỗ Phương Anh và Bùi Đỗ Minh Quân trường chuyên Trần Phú, Hải Phòng với Lãnh Vực Hóa Học:
Em Bùi Đỗ Minh Quân cho biết:

Em là học sinh Lớp 12 Lý trung học chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Dự án của em tiếng Anh tên là Zerumbone Derivatives: New Candidates For Cancer Treatment, là dưỡng xuất mới của Zerumbone, tên của một chất thiên nhiên, tiềm năng mới trong việc điều trị ung thư. Em làm với bạn Đỗ Phương Mai cũng là học sinh trường chuyên Lớp 11 Hóa.

Dự án này xuất phát đầu tiên là do ba em bị ung thư, mà phương pháp điều trị hiện nay và thuốc thì đắt quá, do đó em muốn tìm hiểu về những dưỡng chất thiên nhiên, nếu mà thiên nhiên thì có nguồn năng lượng đồi dào. Khi tìm hiểu về Zerumbone thì thấy có tiềm năng rất lớn tuy nhiên chưa được áp dụng nhiều. Thế là em quyết định chọn cáo này, đấy là ý tưởng ban đầu.

Là 2 bạn Trần Đan Khuê và Vi Thị Nam Anh, Đại Học Khoa Học Hà Nội, Lãnh Vực Hóa Học.
Hai nữ sinh Nguyễn Hiền Thảo Chi và Trần Thị Trang Ngân, trường chuyên Trần Phú Hải Phòng, Lãnh Vực Hệ Thống Nhúng.
Nói về dự án của mình, Nguyễn Hiền Thảo Chi giải thích:

Đến với cuộc thi này chúng em có một dự án giúp đỡ người câm điếc hòa nhập cộng đồng. Tên của dự án là MIND HAND Giải Pháp Toàn Diện Hỗ Trợ Giao Tiếp, gồm một phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động và một thiết bị đeo tay. Nhóm nghiên cứu là em và bạn Trần Thị Trang Ngân. Một lần đến Trường Câm Điếc ở thành phố Hải Phòng chúng em đã nhất trí là bọn em không thể giao tiếp với người câm điếc nếu như không có người phiên dịch. Vì vậy nên chúng em nghĩ phải làm thế nào để có thể giao tiếp với họ mà không cần người phiên dịch. Thế là chúng em tìm hiểu những phát minh trước, tìm hiểu những công nghệ liên quan và bắt đầu cố gắng thực hiện dự án này.

Cũng trong Lãnh Vực Hệ Thống Nhúng thì còn có 2 bạn Chu Hoàng Minh Đức và Phạm Thiên Tân trường điểm Lê Hồng Phong, TP HCM.
Kế đến là Phạm Huy, Lớp 11 trung học Quảng Trị , Lãnh Vực Rô Bốt Và Các Máy Thông Minh.
Sau Phạm Huy là Trần Thị Anh Thư, Lớp 12 trường chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng, Lãnh Vực Phần Mềm Hệ Thống. Về dự án có tên tiếng Việt là “ Phần Mềm Hỗ Trợ Học Hóa Học, Tích Hợp Công Nghệ Thực Tế Tăng CườngTrên Nền Tảng Android”, Trần Thị Anh Thư giải thích:
Dự án của em không những hỗ trợ cho việc học hóa học, dạng như là học lý thuyết hay làm bài tập mà hơn nữa nó còn có thể mô phỏng hóa học trong môi trường ảo để có thể làm được thí nghiệm ảo hoặc quan sát những mô hình ảo về hóa học, để rồi giúp cho học sinh thực hiện thí nghiệm ở mọi lúc mọi nơi một cách an toàn và giá rẻ. Thí nghiệm đó được thực hiện qua ứng dụng của em chạy trên điện thoại Android.

Sau nữa là 2 học sinh trung học Hanoi-Amsterdam với Lãnh Vực Y Học Chuyển Dịch.




Sinh viên Việt Nam có mặt trong buổi lễ khai mạc cuộc thi hôm 15/5/2017 tại Los Angeles. Photo: Trưởng đoàn Việt Nam cung cấp.
Hôm thứ Hai 15 vừa qua, lễ khai mạc hội thi Intel ISEF 2017 đã tưng bừng diễn ra lúc 7 giờ tối giờ địa phương tại LA Convention Center, thành phố Los Angeles, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Với các bạn trẻ Việt Nam lần đầu tiên ra khỏi nước thì đây là một trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc và đáng nhớ.

Em là Nguyễn Hiền Thảo Chi, buổi khai mạc hôm nay rất hoành tráng, rật ấn tượng. Bọn em cố gắng nếu được giải cũng tốt, không có thì cũng không sao nhưng mà cuối cùng bọn em được những trải nghiệm rất tuyệt vời ở trên đấy Mỹ này cùng với đoàn Việt Nam dự thi Intel ISEF.

Hoành tráng và thích thú cũng là cảm tưởng của em Trần Thị Anh Thư:

Đến với cuộc thi này thì bản thân em sẽ thể hiện hết sức mình. Được công nhận hay không thì sau cuộc thi này em vẫn tiếp tục phát triển hoàn thành ứng dụng của em và sẽ đưa ra cho sử dụng.

Hồi hộp nhưng tự tin là tâm trạng của Phạm Huy trong buổi lễ khai mạc:

Lễ khai mạc đặc biệt và mới lạ, cách những người nước ngoài phát biểu rất tự nhiên và thoải mái. Hôm qua có làm quen được với đoàn của Úc và Nhật em rất là vui.

Khi câu chuyện này được gởi đến quí vị tối nay thì cuộc thi Intel ISEF chính thức khởi sự này mai với trên 1.400 dự án 78 nước trên thế giới. Là người từng nhiều lần hướng dẫn đoàn Việt Nam đến hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế này, ông Nguyễn Xuân Thành nói:

Cho dù được giải hay không được giải thì các em đều coi như có quyền được tuyển thẳng vào đại học phú hợp với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với đề tài mà các em nghiên cứu.
- Ông Nguyễn Xuân Thành

Tỷ lệ giải mà ban tổ chức trao cho các dự án của cuộc thì này rất ít, chỉ chiếm 25% tổng số các dự án tham dự thôi. Hàng năm khoảng 1.700 đến 1.800 em tham dự thì ¼ trong số đó đoạt giải tư cho đến giải nhất. Việt Nam của mình từ 2012 đến 2016 thì năm nào cũng đoạt giải.

Về ý nghĩa cũng như lợi ích của sản phẩm được đánh giá cao có thể mang lại cho chính thí sinh nói riêng cũng như cuộc sống nói chung, phó vụ trưởng Vụ Trung Học Nguyễn Xuân Thành giải thích điều kiện tiên quyết phải là kết quả thiết thực:

Cho dù được giải hay không được giải thì các em đều coi như có quyền được tuyển thẳng vào đại học phú hợp với chuyên ngành đào tạo, phù hợp với đề tài mà các em nghiên cứu. Các dự án của các em đều hướng tới việc áp dụng trong thực tế, thứ hai là áp dụng trong thực tế đến đâu và có nhân rộng được hay không thì nó lại còn do các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Sản phẩm các em nghiên cứu ra phải được ứng dụng trong thực tế cuộc sống và chuyển giao công nghệ. Những sản phẩm mà các em nghiên cứu khoa học như thế này thì Bộ Giáo Dục đ0ang khuyến khích các Hiện Việt Nam đang khuyến khích các nhà đầu tư để phát triển thành thương phẩm, để mà thương mại hóa sản phẩm.

Lợi ích điển hình của trường hợp được Intel ISEF đánh giá cao, ông Nguyễn Xuân Thành nhắc lại, là dự án lọc nước mặn ra nước ngọt bằng năng lượng mặt trời hồi năm 2012 mà đã được áp dụng ở Việt Nam.

Lọc nước mặn thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời thì cũng nhiều người nghiên cứu rồi nhưng sáng tạo của các em là trong sự kết hợp giữa những ý tưởng trước thành ý tưởng của mình để tạo ra thiết bị lọc rất có ích cho người dân các vùng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt các vùng hải đảo.

Lợi ích thứ nhì cho học sinh tên Liên, tham dự năm 2015 với thiết bị chữ nổi cho người khiếm thị:

Thiết bị đọc chữ nổi thì thế giới làm rất nhiều rồi, Mỹ làm cũng nhiều mà Nhật làm cũng nhiều, sản phẩm bán ở ngoài cũng rất nhiều rồi. Thế nhưng giải quyết của các bạn là câu chuyện của người khiếm thị ở những vùng khó khăn, khó có khả năng tiếp cận những thiết bị đấy. Các bạn phải nghiên cứu và tất nhiên sản phẩm phải hoàn thiện. Được giải tư cuộc thi bên này thì bạn Liên đã kiên trì đăng ký học bổng và vừa rồi được vào Havard với học bổng 7 tỷ Đồng học 4 năm.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org