Thực vật có thể gắn kết với nhau như gia đình và cảnh báo mối nguy hiểm


Bạn đã từng nghe đến chuyện cây cối cũng có cảm xúc, biết trò chuyện, hay di chuyển? Những điều tưởng chừng không tưởng đó lại được các nhà khoa học kiểm chứng, khiến người ta không khỏi ngạc nhiên.



Các nghiên cứu đã chỉ ra, thực vật cũng có cảm tình và bết chăm sóc cho nhau. (Ảnh: LinkedIn)

Trong gần một thập kỷ nghiên cứu về mối liên hệ giữa cây với cây trong thế giới thực vật, các nhà khoa học đã đưa ra một kết luận hết sức bất ngờ và có ý nghĩa to lớn: Cây cũng có cảm xúc, cũng kết bạn, biết cảnh báo nguy hiểm và còn biết chăm sóc nhau lúc về già.


Theo các nhà khoa học, các loài thực vật thường sống thành cụm, có cảm nhận riêng. Chúng có thể cảm nhận nỗi đau, hơn thế chúng còn có cảm xúc riêng và biết sợ hãi. Nghiên cứu tìm ra các bằng chứng cho thấy giữa chúng có “tình bạn”.

“Chúng tôi còn ghi nhận được những sự “thì thào” giữa các cây với nhau, một điều thực sự rất tuyệt vời”, trích lời của Peter Wohlleben, tác giả của cuốn sách “Cuộc sống bí ẩn của giới thực vật” (The Hidden Life of Trees).

Khi chỉ vào một nhóm cây, ông Wohlleben nói: “Chúng là bạn của nhau. Bạn có thể thấy bộ rễ của chúng quấn bền chặt vào nhau và chúng cũng không giành hết phần ánh sáng của bạn mình mà chia sẻ cùng nhau”. Hiện Wohlleben đã cùng hợp tác với nhà sinh thái học Suzanne Simard, thuộc Đại Học British Columbia, Canada để làm nên tư liệu “Giới thực vật thông minh” (Intelligent Trees).


Đoạn tư liệu cho thấy các nhà khoa học đã khám phá một cách kỹ lưỡng về cách mà giới thực vật “giao tiếp” với nhau. Nhưng điểm đáng lưu ý nhất vẫn là: “Cây cối không phải chỉ là những hàng gỗ vô tri vô giác chỉ đợi con người đến đốn hạ, khai thác về làm của cải, xây dựng hay chỉ sống và chết đi trong những vụ cháy rừng. Chúng không chỉ là những sinh vật sản xuất ra oxy và thành lọc không khí, chúng chính là những ‘sinh linh’ có cảm xúc, biết trân trọng tình bạn, có thứ ngôn ngữ giao tiếp riêng và còn biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”.

Connor Sweeney, chuyên gia về thực vật học tại Trường Charter of Wilmington, Mỹ, đã dành hai năm nghiên cứu thực vật, cũng đã phát hiện ra rằng, khi lá cây Arabidopsis thaliana (cỏ dại mù tạc) bị thương, nó sẽ báo động khẩn cấp cho những cây ở gần đó để bắt đầu bật chế độ phòng thủ.

“Một cây bị thương cảnh báo cho những cây bên cạnh về mối nguy hiểm. Cây không thể hét lên hay sử dụng chữ viết, mà nó dùng tín hiệu giao tiếp là các hóa chất thải vào không khí từ lá”, Harsh Bais, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Delaware, Mỹ, cho biết.


Các cây mẹ sẽ chăm sóc cây con và phát tín hiệu cho nhau nếu bị côn trùng tấn công. (Ảnh: Radio Sarajevo)

Sweeney đặt hai trong số nhiều cây tham gia thí nghiệm cách nhau vài cm trên cùng một đĩa petri. Sau đó, Sweeney tạo ra hai vết cắt nhỏ trên lá của một cây để bắt chước cuộc tấn công của côn trùng. Những gì xảy ra tiếp theo thật bất ngờ. Ngày hôm sau phần rễ của cây bên cạnh dài hơn và khỏe hơn đáng kể, nhiều rễ phụ mọc ra từ rễ chính.

Nhóm nghiên cứu cũng lặp lại thí nghiệm nhiều lần trong các đĩa petri khác nhau để loại trừ sự liên lạc giữa các hệ thống rễ, một phương pháp giao tiếp của thực vật từng được ghi nhận trong một số nghiên cứu trước đây.


“Lý do khiến cây tạo ra nhiều rễ hơn là để tìm kiếm và hút thêm nhiều chất dinh dưỡng nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. Do đó, chúng tôi tìm kiếm các hợp chất kích hoạt sự phát triển của rễ”, Bais nói.

Kết quả cho thấy, cây bị thương giải phóng hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) vào không khí như một lời cảnh báo cho những cây bên cạnh về một mối đe dọa sắp xảy ra, thúc đẩy chúng thay đổi chức năng sinh lý để phục vụ mục đích phòng vệ.

TinhHoa tổng hợp