Cổ nhân giáo huấn: Biết nhau dựa vào cơ duyên, thấu hiểu dựa vào trí huệ



Chốn hồng trần, chúng sinh đông đảo, có thể tương ngộ tại cùng một nơi, thì đã là một cơ duyên, mà có thể hiểu nhau, chí thú tương đồng, thì chính là bằng hữu rồi.



Biết nhau dựa vào cơ duyên, thấu hiểu dựa vào trí huệ. (Ảnh: Oriental Outpost)

Người với người quen biết nhau dựa vào cơ duyên, thấu hiểu nhau đều dựa vào chân thành

Trong cuộc đời nếu có được 2, 3 người bạn tốt, mọi thứ đều có thể chia sẻ, không xa lìa, không rời bỏ, thì có thể nói là may mắn. Ta như là một căn nhà, bạn bè là cửa sổ, cửa sổ càng rộng, nhà càng sáng.

Đời người cũng như vậy, bạn bè càng nhiều cuốc sống càng rộng mở, càng phong phú. Năm tháng như nước, bước qua mới biết nông cạn; thời gian như khúc ca, hát rồi mới cảm nhận được âm điệu của trái tim.

Thấu hiểu, dựa vào trí huệ

Người với người, thời gian càng lâu càng thấu hiểu nhau; tình bạn như một ly rượu ngon, ủ càng lâu sẽ càng đậm càng thơm, càng trong trẻo.

Cổ nhân kết giao là kết tâm, ngày nay kết giao thường chỉ là kết mắt. Bạn nhậu, sẽ bốc hơi cùng với thời gian, rất khó để trường tồn.

Trần Kế Nho sống ở triều đại nhà Minh, trong sách “Tiểu song u ký” đã viết: “Trước nhạt sau đậm, trước sơ sau thân, trước xa sau gần, đạo kết bạn cũng là vậy”.

Cổ nhân dùng “tứ quan” để xem một người có đáng kết giao hay không: Quan sát người khác khi họ đứng trước lợi ích tài vật, quan sát khi họ gặp nạn, quan sát khi họ không để ý, quan sát khi họ say.

Trong 4 tình huống này thì nhân tính một người sẽ thể hiện ra đầy đủ nhất: Trước lợi ích vẫn có thể giữ được đạo hay không, lâm nạn giữ được bình tĩnh hay không, khi không ai quan sát làm việc có tận tâm hay không, say còn có thể tự chủ không, có làm càn hay không.

Một người có suy nghĩ đúng mực sẽ không tham, có ý chí sẽ không sợ, có trách nhiệm sẽ không lười nhác, có thể tự kiềm chế thì sẽ không loạn. Đây là những cơ sở được áp dụng khi nhìn người, và cũng là để tu dưỡng chính mình.

Lê Hiếu biên dịch