“Cha, mẹ! Con đã về” – Đây có lẽ chính là câu nói mà đấng sinh thành mong chờ nhất



Đã bao nhiêu lần bạn hứa rằng nghỉ lễ rồi sẽ về nhà với cha mẹ, nhưng cuối cùng lại thất hứa? Đã bao giờ bạn nói sẽ mua cho cha mẹ bộ đồ mới, nhưng lại chưa mua? Đôi khi, chúng ta có thể quên đi lời hứa của mình, nhưng với cha mẹ, đó lại là những tháng ngày trông ngóng…



Cha mẹ ngày đêm luôn mong ngóng những đứa con trở về. (Ảnh sưu tầm từ Internet)
“Mẹ! Tiết Đoan Ngọ con không về được, công ty chỉ nghỉ có 3 ngày thôi!”

“Ờ, lại không về được hả con!”, mẹ thở dài ở đầu bên điện thoại. Rồi mẹ lại vội vàng hỏi tôi: “Cũng nghỉ tới 3 ngày, sao lại không về nhà được chứ?”.

“Con đi về, phải ngồi xe mất hơn 4 tiếng, trên đường lại còn phải đổi chuyến xe, rồi còn đến lúc quay về nữa thật sự là phiền toái. Huống hồ khi về đến nhà thì đã mệt lắm rồi, mà ở nhà cũng chỉ được 2 tối, hôm sau lại vội vàng đi tới công ty cho kịp”, tôi ấm ức nói với mẹ như vậy.

Mẹ ôn tồn nói với tôi: “Mệt mỏi như vậy thì con đừng trở về nữa. Lần trước con trở về nhà lúc trời đã tối đen, chưa được một lúc đã ngủ gục, bỏ cả cơm chiều, ngủ một mạch đến 10 giờ sáng ngày hôm sau luôn. Con phải mua chút đồ ăn ngon mà ăn, phải nhớ kỹ mỗi ngày dù có bao nhiêu bận rộn, đều phải nhớ kỹ ăn cơm nhé. Lần này thì thôi con đừng về nhà nữa con ạ”.

“Dạ, mẹ! Lần sau nghỉ con nhất định trở về nhà. Thân thể con tốt lắm, mỗi bữa đều ăn cơm, dạ dày cũng không còn đau nữa. Mẹ cứ yên tâm đi! Mẹ và cha nhất định cần phải giữ gìn sức khỏe nhé!”.


“Được, được, lần sau, lần sau có nghỉ con nhất định phải trở về nhà đó. Mẹ và cha con đều khỏe, con cứ an tâm mà công tác đi. Thôi mẹ không nói nữa, lần sau nếu có thể con nhất định phải về đó”. Nói xong, mẹ tắt điện thoại.

Tôi buông điện thoại, trong lòng nhất thời không rõ là cảm giác gì.

Nhớ lại lần trước về ăn tết, mẹ tiễn tôi đến đầu thôn để đón xe. Mẹ giúp tôi xách theo đồ, đi phía sau, ánh mắt cứ nhìn tôi lưu luyến. Dọc đường đi, tôi nói với mẹ rằng tết Thanh Minh sẽ không trở về, chỉ có 3 ngày nghỉ.

Còn không chờ tôi nói hết, mẹ đứng lại nói với tôi: “Vậy ngày mồng 1 tháng Năm con về đi”.

Tôi vội vàng nói với mẹ: “Ngày mồng 1 tháng Năm cũng chỉ nghỉ có 3 ngày thôi”. Mẹ liền cười nói: “Vật tết Đoan Ngọ nhất định phải trở vè nhé”. Tôi im lặng không nói gì….

Trước khi tiễn tôi lên xe, mẹ đã giúp tôi chuẩn bị hết thảy đồ đạc, cũng dặn dò tôi sau buổi trưa nhớ lấy cháo ra ăn hết. Mẹ biết tôi đau bụng nên sáng sớm đã dậy nấu cháo, cho cháo vào bình giữ nhiệt, rồi lại dùng khăn bao bọc lại vì sợ sẽ nhanh bị nguội.

Khi xe từ từ chuyển bánh, tôi và mẹ mỗi lúc một xa, tôi nhìn qua cửa sổ thấy mẹ chạy đuổi theo xe một đoạn dài, cho đến khi chạy theo không kịp nữa mới dừng lại. Trong lòng tôi biết, cho đến khi xe ô tô hoàn toàn biến mất trong tầm mắt của mẹ, mẹ sẽ vẫn còn đứng ở đó rất lâu, rất lâu.

Nghĩ đến đây, nước mắt tôi chợt lăn dài. Tôi vội buông việc xuống, ngay lập tức đi ra bến xe mua vé xe, ngày mai tết Đoan Ngọ tôi sẽ trở về nhà.

Khi trên đường mua vé xe trở về, tôi đột nhiên nghĩ đến mua cho mẹ mấy bộ áo quần mới, áo quần mẹ đang mặc đều đã cũ, hơn nữa đều là áo quần của người khác đã mặc qua.

Lần trước khi về ăn tết, trong thôn có nhiều người nhỏ to bàn tán, nói rằng mẹ tôi nuôi dưỡng một đứa con bất hiếu, chính mình ăn mặc thật chỉnh chu lại để cho mẹ mình ăn mặc tồi tàn, ngay cả một món quần áo cho ra hồn cũng không có.

Sau này, mẹ biết được những lời bàn tán đó, mẹ đã nói với mọi người trong thôn rằng, tôi đã mua cho mẹ mấy bộ đồ mới, hơn nữa lại còn mua nhiều lần, chỉ là do mẹ không có mặc vì màu sắc áo quần rất đẹp, chính mình già rồi mặc vô sợ bị người khác chê cười, huống chi cả ngày ở nhà làm công việc nhà nông cho nên cũng không nỡ mặc loại áo quần tốt như thế.

Nghĩ tới đây, tôi lại không cầm được nước mắt. Tôi thật không hiểu chuyện, thực sự đã lớn như thế này mà chưa mua cho mẹ được bộ quần áo mới, mà mẹ lại luôn muốn tôi phải ăn mặc cho đẹp, mẹ thường nói, chúng ta dù nghèo cũng không thể để người khác chê cười.

Ngồi xe mấy tiếng, cuối cùng tôi đã về đến nhà. Lúc đó, mẹ đang ở sau vườn hái rau. Khi thấy tôi trở về thì vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, vội vàng bỏ việc trong tay xuống, hỏi tôi có mệt hay không rồi giúp tôi dỡ đồ xuống.

Trong bữa cơm chiều hôm đó, mẹ luôn nhìn tôi ăn, luôn gắp vào chén của tôi những món ăm mà tôi thích nhất. Trong miệng luôn hỏi này hỏi kia. Ăn cơm xong, mẹ cùng tôi nói chuyện phiếm cho tới khuya mới cảm thấy buồn ngủ. Đêm đó tôi mơ hồ thấy hình như có mấy lần mẹ nhẹ nhàng đi đến phòng ngủ của tôi, nhìn tôi ngủ, hoặc là giúp tôi đắp lại chăn.

Vừa sáng ngày thứ hai, tôi vừa tỉnh giấc, liền nghe mẹ nói chuyện với thím Vương. Mẹ nói với thím ấy những bộ quần áo mới này là do tôi mua cho mẹ, lại mua tới mấy bộ, hơn nữa hình như đều là những nhãn hiệu nổi tiếng, rất đắt tiền. Như bộ áo quần đang mặc trên người có hiệu là “Nike”, còn có một bộ có hiệu là “XTEP’, hiệu “Adidas”, đều rất đắt tiền.

Tôi thật không dám tưởng tượng, một người phụ nữ ở nông thôn đọc sách không được mấy năm, lại có thể nói ra mấy nhãn hiệu nổi tiếng bằng tiếng Anh. Lúc này tôi mới biết được lý do vì sao tối hôm qua mẹ rất muốn tôi dạy mẹ cách đọc mấy chữ tiếng Anh này. Nghe mẹ nói chuyện mà mắt tôi lại ngấn lệ.

Thực ra, tôi mua cho mẹ mấy bộ quần áo mới, nhưng không có bộ nào mẹ mặc được vừa người. Trong thời gian tôi về ở nhà được hai ngày ngắn ngủi đó, mỗi lần mẹ gặp người khác liền chủ động nói: “Con tôi mua cho tôi mấy bộ áo quần mới, đều là nhãn hiệu nổi tiếng, thật là đắt tiền”.

Khi người hàng xóm nói với mẹ rằng: “Bà là người có phúc, nuôi được một đứa con hiếu thảo như vậy lại có tài năng nữa chứ!”, lúc đó mẹ lại nở nụ cười thật vui sướng…

Ngày thứ 3, tôi chuẩn bị đi, mẹ cũng dậy từ sáng sớm nấu cháo cho tôi. Tôi biết, tối hôm qua mẹ không được ngủ ngon, mẹ đến phòng của tôi nhìn tôi năm, sáu lần, luôn đứng nhìn tôi. Trong bữa ăn sáng cũng ngẩn ngơ nhìn tôi ăn. Trong lòng tôi biết là mẹ không muốn tôi đi.

Xe đến, tôi nhận đồ từ tay mẹ rồi lên xe, tôi vội vàng nói với mẹ: “Mẹ! sau này mỗi một tháng con sẽ trở về một lần”.

Mẹ nghe xong, lúc đầu kinh ngạc, sau đó mới lớn tiếng cười nói với tôi rằng: “Được! Được ! Được lắm”. Xe chạy đi rồi, mà mẹ vẫn như cũ đứng ở đó mãi không nỡ rời đi. Nhìn dáng mẹ đứng đó, mắt của tôi lệ lại tuôn trào.

Hiện giờ mỗi một tháng, mặc kệ công việc có bao nhiêu vội, bận rộn, tôi đều sắp xếp bớt thời gian về nhà một chuyến. Cho dù chỉ ở lại một đêm, gặp cha mẹ đồng thời cũng để cha mẹ nhìn thấy tôi, như vậy cũng đủ cho cha mẹ an tâm, hạnh phúc một chút.

Bất luận con cái đi xa bao nhiêu, đều luôn nắm giữ trong tay một sợi dây liên kết, một sự gắn kết về tâm linh với cha mẹ. Chỉ cần kéo nhẹ sợi dây này chúng ta đều có thể cảm nhận được nơi xa cha mẹ đang gọi tên chúng ta. Nếu có thời gian nhất định phải về thăm nhà một chút, con cái là sự quan tâm cả đời của cha mẹ.

Đức Hạnh biên dịch