VN có lợi gì khi Trump bỏ cam kết khí hậu Paris?






Đê ngăn nước mặn ngập vào đồng ruộng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris của tổng thống Trump có thể là tin vui cho một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, theo một số chuyên gia.

Thảo luận Facebook Live về sự kiện Donald Trump bỏ Thỏa thuận Paris.

Ô nhiễm môi trường 'đe dọa ổn định ở VN'



"Tôi có thể hình dung một số quốc gia đang rất phấn khởi - coi đây như một cơ hội tốt để bắt đầu khởi động vươn ra thế giới," Mark Howden, Giám đốc Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu tại trường đại học quốc gia Australia, nói với CNBC hôm 2/6.

Việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận khí hậu tạo cơ hội cho các quốc gia khác "trám vào lỗ hổng quyền lực Mỹ để lại sau khi rút ra khỏi những thỏa thuận như thế này", ông Howden nói thêm.

Còn ông Frank Yu từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán rằng các công ty Hoa Kỳ liên quan đến công nghệ thân thiện với môi trường sẽ chuyển các trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo sang châu Á.

Ông Yu, chuyên gia về năng lượng tại Châu Á Thái Bình Dương, được Reuters trích lời nói thêm rằng, điều này sẽ giúp đỡ các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, vốn đang cần vốn đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu năng lượng sạch.

"Bằng cách chuyển các dòng sản xuất năng lượng sang Trung Quốc và các nước châu Á, giá thành của năng lượng sạch sẽ giảm nhanh và thậm nhập sâu hơn để thay thế nhiên liệu hóa thạch 'bẩn' như than trong thị trường châu Á," ông Yu nói thêm.

Hiện tại, các nước trong châu Á vẫn tiến hành phát triển nguồn năng lượng nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo báo cáo năm 2015 của Greenpeace, có hơn 1000 nhà máy điện đốt than lên quy hoạch ở Châu Á không kể Trung Quốc và Ấn Độ.



Các quốc gia châu Á vẫn đang tiến hành phát triển nhiệt điện than

Ông Tara Buakamsri, Giám đốc văn phòng Greenpeace tại Thái Lan cho biết ảnh hưởng từ việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thoả thuận Paris sẽ phức tạp hơn so với những gì các chuyên gia trên nhận định.

Thứ nhất, ông nói. việc Mỹ rút khỏi thoả thuận khí hậu và công khai ủng hộ ngàng công nghiệp than sẽ tạo ra một tác động tuy ngắn hạn nhưng rất tốt đến ngành công nghiệp than không chỉ trong Hoa Kỳ mà trên thế giới, vì các ngành công nghiệp than có thể đầu tư vào các nước ở châu Á.

Thứ hai, hiện tại ngành công nghiệp năng lượng sạch rất phát triển rộng khắp trên thế giới. Trong khu vực châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà đầu tư lớn, giá thành vật liệu sản xuất năng lượng mặt trời tại Ấn Độ rất rẻ. Nếu các công ty Hoa Kỳ có muốn đầu tư ở châu Á, họ sẽ phải cạnh tranh với hai 'ông lớn' này.




Việt Nam sẽ cho xây một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng

Việt Nam đứng thứ hai trong Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia vì số lượng người chết sớm vì hấp thụ lâu dài các hạt phân tử PM 2,5 phát tán từ nhà máy nhiệt điện than.

Hồi đầu năm 2017, Bộ Công Thương Việt Nam ký thỏa thuận đầu tư dự án một nhà máy nhiệt điện trị giá 2,2 tỉ USD tại Vũng Áng.
Dự án BOT được mô tả là được thảo luận "suốt 8 năm qua" với đối tác phía Nhật Bản là Tập đoàn Mitsubishi.

Nhiệt điện Vũng Áng 2, xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, theo dự kiến sẽ vận hành lần lượt hai tổ máy vào năm 2021 và 2022 và khi đi vào vận hành nhà máy sẽ sử dụng nguồn than nhập khẩu.

Việt Nam nhập khoảng hơn 10 triệu tấn than trong 10 tháng đầu năm 2016, cao gấp nhiều lần so với kế hoạch nhập 3 triệu tấn của Bộ Công Thương trong năm 2016, theo truyền thông nước này.

BBC
2 tháng 6 2017