Brazil: Phương pháp chữa bỏng độc đáo bằng… da cá rô phi



Các nhà khoa học thuộc Đại học Liên bang Ceara ở miền Bắc Brazil phát hiện da cá rô phi có độ ẩm, collagen, có thể kháng bệnh ở các mức độ tương đương với da người, giúp chữa bỏng hiệu quả.


Da heo đông lạnh và thậm chí mô của người đã từng được đặt trên các vết bỏng để giữ ẩm và chuyển collagen, thúc đẩy quá trình lành bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay Brazil thiếu nguồn cung cấp da heo, mô và các phương pháp nhân tạo như ở các nước phương Tây. Trong khi đó, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là dùng băng gạc vết bỏng và thay băng thường xuyên khiến người bệnh vô cùng đau đớn.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Liên bang Ceara ở miền Bắc Brazil nghiên cứu và phát hiện ra rằng, da cá rô phi có độ ẩm, collagen, có thể kháng bệnh ở các mức độ tương đương với da người, giúp chữa bỏng hiệu quả.

Các nhà khoa học chọn cá rô phi vì đây là loài cá nước ngọt rất phổ biến ở Brazil. Cá được các trang trại nuôi đại trà và cung cấp cho nhiều nhà hàng, nhưng hầu như tất cả da cá đều bị vứt bỏ. Do đó, đây được coi là nguồn cung cấp da hiệu quả cho phương pháp điều trị bỏng mới này, đồng thời tiết kiệm chi phí trị bỏng.

Da cá được nhóm nghiên cứu thu về sẽ được xử lý nghiêm ngặt trước khi đưa vào điều trị. Đầu tiên da cá được loại bỏ vảy, các mô thừa, khử mùi tanh, loại bỏ chất độc và các yếu tố có khả năng lây nhiễm bệnh. Sau đó, da cá sẽ được kéo dãn thành các khổ từ 10-20 cm và được lưu trữ tại một ngân hàng đông lạnh ở Sao Paulo trong vòng 2 năm.


Giáo sư Odorico de Morais, Đại học Ceara cho biết: “Việc sử dụng da cá rô phi trên các vết bỏng là chưa từng có. Da cá thường bị vứt đi, vì vậy chúng tôi đang sử dụng sản phẩm này để biến nó thành một thứ có lợi cho xã hội”.

Việc điều trị bỏng bằng da cá rô phi còn có thể rút ngắn thời gian lành vết thương và giảm nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau, theo các nhà nghiên cứu Brazil.

Da cá rô phi được đắp trực tiếp vào vùng bị bỏng và phủ một lớp băng, không cần kem. Sau khoảng 10 ngày, bác sĩ loại bỏ băng. Da cá rô phi đã khô tróc khỏi vết bỏng, có thể lột bỏ.


Phương pháp này được thử nghiệm trên ít nhất 56 bệnh nhân để điều trị bỏng độ 2 – độ 3.

Morais cho biết, việc xử lý da rô phi tốn ít hơn 75% so với kem sulfadiazine thường được sử dụng cho bệnh nhân bỏng ở Brazil, vì đây là sản phẩm chất thải từ nuôi cá. Các nhà nghiên cứu hy vọng việc điều trị sẽ chứng minh khả năng thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp xử lý da cá rô phi để sử dụng trong y tế.


Theo báo mới