Ngừa ung thư, sống khỏe với hạt vừng bé nhỏ



Theo góc nhìn của dinh dưỡng hiện đại, hạt vừng cung cấp các chất chống oxy hóa, đồng thời cũng giàu chất khoáng đủ loại như canxi, đồng, mangan… có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh.


Hạt vừng cung cấp các chất béo không bão hòa, chống oxy hóa, đồng thời cũng giàu chất khoáng đủ loại. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

Một số sách cổ Đông y có viết vừng có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 4 kinh phế, tỳ, can và thận, có tác dụng ích gan, bổ thận, nuôi huyết, nhuận táo, là thuốc tư dưỡng cường tráng, bổ ngũ tạng, ích khí lực, đầy tủy não, sáng tai mắt, quên đói sống lâu. Ngoài ra, vừng đen còn có tác dụng làm đen râu tóc, chữa các chứng suy nhược, tóc bạc sớm, hoa mắt, chóng mặt, lưng đau gối mỏi…

Theo góc nhìn của dinh dưỡng hiện đại, hạt vừng cung cấp các chất béo không bão hòa, chống oxy hóa, đồng thời cũng giàu chất khoáng đủ loại như: Canxi, đồng, mangan, magie, photpho, sắt, kẽm, vitamin và cả chất xơ có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh.

Tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ hô hấp


Dầu vừng là được xếp vào nhóm đầu trong các loại có chứa nhiều chất béo không bão hòa, chất chống oxy hóa nhất, và đặc biệt tốt cho tim mạch. Không chỉ có vậy, hạt vừng còn có chứa 2 loại chất xơ đặc biệt là sesamin và sesamolin thuộc nhóm lignan. Nghiên cứu cho thâý các chất xơ này làm giảm cholesterol, ngăn ngừa huyết áp cao và kích thích giảm cân.

Hàm lượng magiê cao trong hạt vừng cũng giúp làm giảm và ổn định huyết áp, ngăn chặn những cơn đau tim, đột quỵ. Chỉ với 1/4 chén vừng (khoảng 36g) đã cung cấp tới 1/3 nhu cầu magie hằng ngày. Magie có tác dụng giãn cơ, vì vậy ăn vừng giúp ngăn ngừa sự co thắt đường hô hấp trong bệnh hen suyễn, ngăn ngừa những cơn đau nửa đầu, làm giảm và ngăn ngừa hội chứng tiền kinh nguyệt.

Phòng ngừa ung thư

Hạt vừng có chứa phytosterol, một chất có cấu trúc hóa học tương tự cholesterol, nên có khả năng làm giảm cholesterol trong máu. Hợp chất này còn giúp tăng cường miễn dịch và giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm, vừng là loại thực phẩm có chứa hàm lượng phytoterol cao nhất: 400 – 413 mg/100 g.

Là loại hạt có chứa nhiều chất chống oxy hóa, đồng thời, hạt vừng còn nâng cao khả năng bảo vệ và hấp thu vitamin E. Theo Tạp chí Dinh dưỡng và Ung thư, những người ăn bánh nướng xốp có rắc 5mg vừng mỗi ngày có thể làm tăng nồng độ vitamin E trong cơ thể chỉ sau 3 ngày. Vitamin E là chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng chống ung thư ruột.

Giúp xương chắc khỏe và điều trị viêm khớp dạng thấp


Hàm lượng canxi và kẽm có trong hạt vừng giúp tạo xương, tăng cường độ bền chắc cho xương. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cho thấy, chế độ ăn ít kẽm làm cho nồng độ chất khoáng trong máu thấp dẫn đến hiện tượng loãng xương hông và xương cột sống ở đàn ông lớn tuổi.

Vì vậy, ăn vừng giúp giảm hiện tượng loãng xương do mất xương ở phụ nữ tiền mãn kinh và cả đàn ông lớn tuổi.

Với 1/4 chén vừng có thể cung cấp tới 70% nhu cầu khoáng chất đồng hàng ngày. Đồng có tác dụng làm giảm cơn đau và sưng trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, đồng cũng tham gia vào trong hoạt động của lysyl oxidase – enzym cần thiết cho liên kết chéo giữa collagen và elastin. Đây là các chất giúp tăng cường sức mạnh và sự đàn hồi thành mạch máu, xương và khớp.

Ngoài ra, các vitamin nhóm B có trong vừng: B1, B2, B3, B6, B9… rất cần thiết sự hình thành và hoạt động của hồng cầu, hoạt động của hệ thần kinh, hỗ trợ cơ thể chuyển hóa năng lượng.

Với người ăn chay, không thích ăn thịt, vừng giúp bổ sung thêm sắt, bù đắp chất dinh dưỡng do không ăn thịt. Người đường tiêu hóa lâu ngày bị tắc táo, có thể kết hợp ăn vừng để giúp cơ thể thải độc, bài táo.

Cách ăn vừng tốt nhất

Có nhiều hình thức chế biến khác nhau: Vừng rang chín giã với muối và lạc rang ăn kèm với cơm, cơm nắm hoặc hạt vừng được bổ sung vào các món bánh nướng, rắc trên bánh mì, bánh rán, chè kho, các món tráng miệng khác làm tăng hương vị của món ăn đồng thời rất tốt cho sức khỏe.


Ăn cơm muối vừng vừa no lâu, dễ tiêu mà lại đầy đủ dưỡng chất. Ở phương Tây, các loại bánh truyền thống có bổ sung thêm vừng được bán với giá cao hơn hẳn loại thông thường.

Sản phụ thiếu máu, thiếu sữa: Vừng đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hàng ngày cho lợi sữa. Ăn chung với cơm hoặc nấu cháo nếp.

Táo bón ở người già và trẻ em: Vừng đen sao tán bột 1 – 2 muỗng canh, trứng gà một quả đổ nước sôi trộn đều, thêm ít mật ong rồi uống.

Thuốc an thần, gây ngủ: Hạt vừng đen 40g rang chín, hạt đỗ đen 40g, sao hạt muồng 20g, lá vông 40g, lá dâu non 40g, lạc tiên 20g, vỏ núc nắc 12g, sao với rượu. Tất cả làm khô, giã nhỏ rây bột mịn thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm viên bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.

Chữa tóc bạc sớm: Vừng đen, táo nhục đồng lượng, sấy khô tán bột, vò thành viên nhỏ mỗi lần uống khoảng 20 viên, ngày hai lần, sáng và tối.

Chú ý: Do tính nhuận trường của vừng nên người bụng yếu hay bị tiêu chảy không nên dùng.

Theo Trithucvn.net