Bên Bờ Hiu Quạnh

Tác giả : Thiên Lý






Từ chiều hôm qua cho đến sáng nay, do ảnh hưởng cơn bão từ đâu đó mà thành phố tôi ở gió nổi mù trời. Gió lay cây cành ngả nghiêng, gào rú như cơn lốc xoáy. Gió giận dữ quật ngã mọi thứ chung quanh, gió xô đổ chỏng gọng chiếc xích đu sau vườn nhà tôi, bay luôn cái bếp lò nhỏ xa lăn lóc tận cuối vườn. Mấy chậu bông té úp nhào, còn bị đá vòng vòng theo mỗi nhịp thở mạnh của gió. Tôi chạy theo sau những chậu bông để đỡ nó lên, nhưng tôi cũng bị gió đẩy cho chao đảo. Con đường bên ngoài vắng ngắt, buồn tẻ không có bóng chiếc xe nào lướt qua, nhà nhà đóng cửa im lìm, phố xá đìu hiu co mình trốn gió.


Thời gian đầu tôi đến đây cũng vào những ngày xuân lộng gió. Bụi phấn hoa bay lung tung làm tôi bị ngay chứng dị ứng, nhảy mũi liên tục, mắt ngứa phải dụi hoài đến nỗi sưng bụp cả mắt. Nước mũi chảy suốt ngày, đến tối thì mũi lại bị nghẹt cứng, đêm ngủ cứ phải thở bằng miệng. Thuốc dị ứng bán trên quầy không đủ mạnh để tiêu diệt cái bịnh dị ứng nghiệt ngã của tôi. Mãi những năm sau này tôi phải đi chích mới hết. Ngoài chứng bịnh này, tôi còn một chứng bịnh nhớ nhà, nhớ quê hương mãnh liệt hơn bao giờ hết khiến cho tôi gần như bị trầm cảm. Có những buổi tối tôi đi học về, lái xe ngang qua khu nhà “mobile home” nhìn ánh đèn vàng leo lét trong mỗi căn nhà hắt ra, gợi cho tôi một thời sống nghèo khổ ở Việt Nam. Thời đó vào buổi tối, mọi sinh hoạt của gia đình tôi đều tập trung vào ngọn đèn vàng yếu ớt duy nhất ở gian nhà chính. Mấy chị em tôi chụm đầu bên đèn học bài. Mẹ tôi ngồi ghé vào phía sau chúng tôi cố tìm chút ánh sáng chiếu ra để đan áo. Bà ngoại tôi dơ cao cuốn kinh Phật lên khỏi đầu đến gần chỗ sáng để chậm rãi đọc từng chữ một. Càng về sau ánh đèn vàng nhà tôi càng nhỏ dần vì lý do tiết kiệm. Tôi thật mẫn cảm với những ngọn đèn vàng đã luôn khuấy lên trong lòng tôi một nỗi buồn thê thảm.

Cũng dạo ấy, tôi bị khủng hoảng với nỗi nhớ nhà, rảnh giờ nào là gọi điện thoại cho các em tôi để trò chuyện. Hết gọi xuyên bang rồi lại gọi về Việt Nam, say sưa nói chuyện, tôi quên cả thời gian, không gian, môi trường tôi đang sống và quan trọng hơn là quên luôn “my house” không có mua đường dây viễn liên. Lúc đó, tôi lại chưa đi làm, ngày ngày chỉ ra tiệm giặt giúp “my house” quét dọn và lau máy hay phụ chàng giặt đồ, xếp đồ cho khách hàng. Vợ làm việc cho chồng thì làm gì có lương. Đến chiều, xong nhiệm vụ thì ôm tập đi học. Ngày chàng nhận được cái hoá đơn điện thoại thì hỡi ôi!!!… Không những chỉ có chàng bị choáng váng mà tôi cũng choáng váng như muốn rụng rời chân tay. Tôi nghĩ, nếu những nhà thơ trào phúng làm thơ gọi vợ là địch, bồ là ta, hoặc đặt cho nàng là sư tử Hà Đông, thì tôi không biết họ sẽ dùng chữ gì để đặt cho mấy ông chồng lúc đang lên cơn thịnh nộ. Sự giận dữ của chàng còn mạnh hơn gió gào. Giọng nói chàng bình thường đã cao và sang sảng tiếng đồng rồi, gặp chuyện bực mình chàng còn cao giọng vút lên tận mấy tầng mây xanh nữa. Mà không cao giọng, tức giận sao được khi cái hoá đơn điện thoại ấy lên gần tới cả năm trăm đô. Nhìn cái bản mặt ăn hại của “địch quân” chỉ muốn… cho cái .. tát…Nhưng đây là xứ Mỹ mà, chàng đâu có bao giờ làm vậy, chàng chỉ quăng đồ đạc, đập bàn ghế để áp đảo tinh thần “địch” thôi. Nghe giọng nói cao như hét lên của chàng tôi sợ đến xanh mặt, vội rút lui vô phòng nằm co ro như con mèo ốm, hối hận khóc thút thít, bỏ ăn cơm… Ngày hôm sau tôi ra ngân hàng chuyển hết tiền dành dụm riêng của tôi vào trương mục để trả cái hoá đơn “chết tiệt” kia. Lần đó, gió giận dữ thổi mạnh trong nhà tôi mấy ngày mới bớt, mà chàng cũng chưa chịu cho “địch” đầu hàng. Rút kinh nghiệm lỗi lầm từ ngày ấy, tuy vẫn còn thèm được nói chuyện, tôi đã không dám “ nhiều chuyện” bằng điện thoại nữa, tôi cảm thấy buồn và hiu quạnh làm sao.

Buổi chiều, mặt trời chuyển nhanh về hướng núi tây sớm hơn thường ngày, toả ra hơi lạnh từ khắp những ngọn đồi cát màu nâu đỏ. Gió đã dịu xuống rất nhiều, chỉ còn thở ra vài hơi nhẹ, thời tiết thật điên khùng quá! Tôi đi lang thang ra công viên gần nhà để ngắm những đứa bé chạy chơi, mặc dù ngày nào tôi cũng đã ngắm trẻ sáu tiếng ở trường rồi. Vậy mà vẫn như chưa đủ để tôi khoả lấp một nỗi trống vắng, tẻ nhạt cho những giờ còn lại trong ngày. Cứ ở đâu có bóng dáng trẻ là tôi thấy ở đó hiện hữu sự vui tươi, hồn nhiên và bình an. Sự hiện hữu đó thường quyến luyến bước chân tôi ngồi lại với dòng suy nghĩ về trẻ thơ ở Việt Nam. Những em bé con nhà nghèo không có điều kiện đến trường học, hay được thoả thích vui chơi với bạn bè. Một ngày của các em phải lê la trên đường phố, học đủ mọi thứ gian manh để kiếm tiền… Nghĩ đến số phận tuổi thơ nghèo ở quê mình, tôi cảm thấy uất nghẹn cho sự bất công của cả một khối người cầm quyền, chỉ lo ôm đầy một túi tham, xây nhà cao cửa rộng, bỏ mặc một thế hệ mầm non nghèo khổ trong xó tối đầy tội lỗi, nhuốc nhơ… Những người có tấm lòng, có tâm huyết giúp đỡ trẻ thường không phải là những người có tiền trong chính phủ, mà lại là những người từ các nơi khác đến, như cô Tim, như hội SOS, như bao nhiêu đóng góp của các nhà thiện nguyện tại hải ngoại, nhưng, đồng tiền đó lại bị phù phép cắt xén để rồi mọi sự giúp đỡ cứ như là muối bỏ biển, chẳng giúp được các em là bao nhiêu. Nghĩ ngợi mãi mà chẳng làm được gì cho trẻ thơ trên quê hương mình, tôi lại thấy buồn hơn trong cảnh chiều hiu quạnh này. Tôi trở về thực tại nơi mình đang sống, nơi cũng có một số đông trẻ em bất hạnh trong cảnh cha mẹ vướng vào hút xách, tù tội, bạo lực trong gia đình và nghiện rượu…Dù vậy, so với trẻ em ở Việt Nam, trẻ thơ con nhà nghèo ở nước Mỹ còn may mắn hơn nhiều vì được sự giúp đỡ tận tình của chính phủ.

Nếu không dọn nhà về thành phố Farmington này thì tôi sẽ chẳng bao giờ biết trên nước Mỹ, đất nước được xem là một quốc gia mà dân chúng có lợi tức thu nhập cao cũng như tiêu chuẩn đời sống của họ được xếp vào bậc nhất trên thế giới, lại có những người dân sống nghèo khổ trong điều kiện thiếu thốn gas, điện, nước. Họ là những thổ dân trong nhiều bộ lạc khác nhau. Tôi được biết đến sự nghèo khổ này nhiều hơn khi tôi bắt đầu làm việc cho “Head Start” và “ Early Head Start”. Một hệ thống giáo dục nhà trẻ mẫu giáo do liên bang tài trợ, (Federal funding) chỉ ưu tiên phục vụ cho những gia đình nghèo. Chương trình giáo dục mầm non này dựa theo tiêu chuẩn học do tiểu bang đề ra cũng giống như trường công của chính phủ vậy. Thủ tục giấy tờ về sự theo dõi, dạy dỗ, chăm sóc trẻ cho cả hai bên cha mẹ và nhà trường đều rất nhiêu khê. Head Start, nhận trẻ mẫu giáo 3, 4, và 5 tuổi, còn Early Head Start thì nhận trẻ từ 6 tuần cho đến 3 tuổi. Chương trình học của trẻ mẫu giáo lớn (từ 3 đến 5 tuổi) chia làm nhiều lớp khác nhau. Lớp hai buổi, lớp một buổi, lớp học nguyên ngày 6 tiếng. Trẻ đến trường học đều được ăn sáng, ăn trưa, ăn nhẹ, và trẻ học một buổi thì có xe buýt trường đưa đón. Tất cả đều do chính phủ liên bang đài thọ. Một năm học, giáo viên phải họp phụ huynh đến bốn lần để báo cáo với cha mẹ về sự phát triển của trẻ trong sinh hoạt ở trường. Trong bốn lần họp đó, có hai lần thăm viếng trẻ tại nhà và hai lần họp tại lớp. Nhờ những lần đi thăm viếng trẻ như thế, tôi mới chứng kiến được tận mắt cái nghèo khổ của người dân nơi đây. Phần đông là những bà mẹ, ông bố “trẻ con” bỏ trường học quá sớm để vào trường đời với một bầy con nheo nhóc. Sống chen chúc nhau trong những ngôi nhà mobile home dạng “single wide” chật chội, bừa bộn, nồng nặc mùi thuốc lá.

Một ngày, tôi đến thăm một gia đình nghèo khác, bà mẹ chỉ mới có mười chín tuổi mà đã có ba đứa con. Đứa lớn nhất ba tuổi, đứa thứ hai mười tám tháng và đứa út sáu tháng. Khi tôi đến, người mẹ trẻ đang nướng Pizza, trong nhà có tất cả là sáu đứa bé, bốn đứa bé trai và hai bé gái. Cô ta cho tôi biết, nhà này là của dì cô, người dì có ba đứa con trai, vì ở chung nên cô phải vừa coi con mình và cả ba đứa em họ, để cho dì cô đi làm. Những đứa bé chạy lăng xăng quanh nhà đùa giỡn, con bé sáu tháng thì nằm trong “car seat” đặt trước T.V. Nó đang gặm một miếng bánh ngọt trên tay. Nước dãi chảy ra hòa với bánh ngọt nhiễu đầy trên áo. Tôi đến gần bên bé vuốt má nó, bé dơ tay ra trước như muốn tôi ẵm. Tôi tháo dây cài nhấc nó ra khỏi “car seat” con bé nhẹ như búp bê, mắt nó màu nâu đậm trông thật dễ thương. Bé nhìn tôi ngơ ngác một hồi rồi cười ngả đầu lên vai tôi. Tôi ngửi thấy mùi thuốc lá từ trong quần áo của bé. Thật là tội nghiệp cho em bé quá! Đôi mắt đứa bé cứ ám ảnh tôi mãi trên đường về nhà.

Tối đó, trong lúc ngồi xem T.V. với “my house”, tôi hỏi chàng về chuyện xin con nuôi, chàng lắc đầu nói ngay:

– Thôi, thôi, Hà tưởng nuôi con nuôi ở đây dễ lắm hả? Họ kiểm tra tiền thu nhập của mình, lại thêm tụi nhân viên xã hội thăm hỏi hoài, phiền lắm.

Tôi nói:

– Nếu mình thương nó, lo cho nó đầy đủ thì đâu có chuyện gì mình phải sợ.

Chàng lý luận:

– Phải, nhưng khi nó tới tuổi “teen” nó nghe bạn nó hơn mình, nếu nó theo bạn làm điều không đúng, mình la nó, cấm đoán nó, thì nó sẽ kêu cảnh sát nói nó bị mình ngược đãi. Dĩ nhiên là cảnh sát tin trẻ hơn tin mình. Tụi nó nghĩ, mình chỉ là bố mẹ nuôi thôi, chuyện gì cũng có thể xảy ra cho đứa trẻ.

Tôi thở dài như vừa vuột mất một niềm hy vọng, tôi biết tính chàng rất khó thuyết phục. Tôi buồn buồn nói:

– Không có con, em buồn quá!

Chàng lại lắc đầu:

– Trễ quá rồi Hà. Nếu có con ở tuổi này, lỡ nó không được bình thường, lành lặn thì còn khổ hơn nữa.

Tôi im lặng lơ đãng nhìn vào một show quảng cáo trên T.V. Một lát chàng đổi sang kênh khác có show “Kids say” do ông Bill Cosby điều khiển. Nhìn những đứa bé trên màn hình, tôi ngớ ngẩn hỏi chàng:

– Anh à, nếu mình có con thì con mình sẽ giống anh hay giống em, anh nhỉ?

Chàng trả lời khô khốc:

– Giống anh, lì như anh!

– Nếu con giống em thì sao?

– Thì nó đi học tha hồ bị chúng bạn ăn hiếp chứ sao. Anh chẳng thích con mình giống Hà chút nào.

Tôi lại im lặng, trên màn hình TV xuất hiện một bé gái đang nói ba thứ tiếng: tiếng Hòa Lan của bố, tiếng Pháp của mẹ, và tiếng Anh nơi trường học. Sau đó con bé ấy bắt đầu hát. Thật là tài năng quá! Tôi mơ màng nói với chàng:

– Anh à, nếu mình có con, trai hay gái gì em cũng cho nó đi học nhạc, em cầu mong cho nó sẽ có năng khiếu âm nhạc.

Chàng nói giọng gắt nhẹ:

– Thôi Hà đừng nói vớ vẩn nữa, nếu mình có con ở tuổi muộn màng này thì mình sẽ sống được với nó bao lâu? Lỡ anh chết trước Hà, thì tội cho con mình mồ côi không? …Ngừng một chút, chàng đổi giọng quả quyết:

– Mà nếu anh chết trước Hà, anh biết chắc là Hà sẽ không dạy con được.

Tôi bất mãn hỏi lại:

– Sao anh biết em không dạy con được?

– Sao không biết, ca dao xưa có nói “con hư tại mẹ” đó thôi!

Tôi nhận ra câu nói này cũng có ý trùng hợp với câu của hai cô em gái tôi ở Utah. Mỗi lần có dịp về thành phố Salt Lake để thăm hai đứa cháu nhỏ, thấy cháu dễ thương, xin gì tôi cũng cho. Đôi khi làm em tôi bực bội nói: “Giao con cho chị trông chắc nó hư luôn quá!” …Sao lúc đó, tôi chỉ phì cười. Bấy giờ nghe chàng nói, tôi không cười được mà tự ái bừng dậy. Tôi trách chàng đã quên rằng tôi đang làm nhiệm vụ của một “nhà giáo dục” mà là “early childhood educator” (nhà giáo dục mầm non) với nhiều năm kinh nghiệm ở cả hai quốc gia nữa mới ghê chứ! Làm sao mà dám nói tôi không biết dạy con được. Đúng là Bụt nhà không thiêng.Tôi giận dỗi quay đi, lòng buồn hiu hắt…

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, rồi năm tiếp nối năm. Thời gian vẫn trôi đi thầm lặng trong hiu quạnh. Tôi phải nhắc đến chữ hiu quạnh này nhiều lần, vì bất cứ ở đâu, từ chỗ làm việc cho đến khi về nhà, lúc nào cảm giác hiu quạnh cũng quanh quẩn bên tôi như một cái bóng. Ở trường, tôi là người Việt Nam duy nhất giữa năm mươi nhân viên gồm Mỹ trắng, Mỹ gốc Mễ, và thổ dân Mỹ. Không ai trong số những cô giáo trẻ biết đến Việt Nam ở đâu khi hỏi về nguồn gốc của tôi, có người còn lẫn lộn nước Việt Nam là nước Trung Quốc. Tôi thấy chán cho kiến thức địa lý của họ.

Một buổi sáng, bà Linda, một bà giáo dạy lớp pre-K, đến tìm tôi để nói về kế hoạch tuần lễ văn hoá ở lớp bà rằng, bà muốn tôi nói về nền văn hoá Việt Nam cho trẻ lớp bà nghe vào một ngày nào đó trong tuần. Tôi không thích bà Linda là mấy, bà là người Mỹ trắng, không biết gốc gì mà tóc bà màu nâu đậm. Tuy bề ngoài bà vẫn nói chuyện xã giao vui vẻ với tôi nhưng trong ánh mắt và cử chỉ của bà thấp thoáng một sự kỳ thị âm thầm …Tôi hỏi bà:

– Bà muốn tôi nói gì về nền văn hoá nước tôi?

Bà hỏi lại tôi:

– Cô có thể giúp tôi nói về những ngày lễ lớn, thực phẩm, cách trang phục được không?

Tôi gật đầu:

– Được, tôi sẽ giúp bà.

Bà quay đi mấy bước nói:

– Cám ơn cô, tôi sẽ coi ngày nào thuận tiện rồi báo cho cô biết.

Rồi bà ngừng lại, lục lọi chồng giấy của bà đang cầm trên tay, bà rút ra hình lá cờ đỏ sao vàng chìa cho tôi nói:

– À, tôi quên nữa, đây là lá cờ Việt Nam tôi đã in ra từ internet, vậy cô có thể nói với trẻ về ý nghĩa lá cờ này được không?

Tôi hơi giật mình nhìn lá cờ, một thoáng bối rối, tôi lắc đầu nói:

– Tôi không muốn nói về lá cờ này.

– Tại sao vậy? Bà hỏi giọng ngạc nhiên

Tôi nhìn sâu trong đôi mắt xanh lơ của bà, nói một hơi:

– Vì đây không phải là lá cờ của những người Việt Nam yêu tự do, mặc dù nó là lá cờ của nước Việt Nam. Với tôi, nó chỉ là lá cờ của chế độ cộng sản, vì nó mà đã có hàng triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi, nhiều người đã phải chết trên biển cả trong lúc đi tìm tự do.

– Cô muốn nói đến những thuyền nhân phải không?

– Phải. Bà cũng biết đến họ nữa sao?

– Tôi có theo dõi tin tức về cuộc chiến Việt Nam trước kia, và tôi cũng có một người anh trai bị mất tích trên đất nước cô. Tôi không muốn bàn về chính trị ở đây, tôi chỉ muốn giới thiệu cho trẻ biết cờ của các nước, chúng ta có cờ nước Mexico rồi, bây giờ là cờ của nước Việt Nam, nếu cô không giải thích hộ thì tôi vẫn có thể dán nó ở dưới chữ Việt Nam chứ?

Tôi nói ngay:

– Bà dán lá cờ này trong lớp dưới chữ Việt Nam thì không sai, lịch sử vẫn là lịch sử, chúng ta là những người cung cấp cho trẻ kiến thức, nhưng với lứa tuổi mẫu giáo thì trẻ còn quá nhỏ để hiểu về vấn đề chính trị, sao bà lại muốn đem nó vào phần giới thiệu về văn hoá?

– Tôi không hiểu ý cô nói.

– Nghĩa là, nói về ý nghĩa lá cờ như bà muốn là đã nói chút xíu về chính trị rồi đó.

– Vậy cô không muốn nói về lá cờ thật sao?

Tôi lắc đầu quả quyết:

– Không, nếu bà muốn dán lá cờ đó ở dưới chữ Việt Nam thì tôi sẽ không đến lớp bà để nói gì thêm về nền văn hoá nước tôi nữa. Hãy quên sự có mặt của tôi là người Việt Nam duy nhất ở đây đi.Trong thời gian tôi thực tập ở “Lab school” tôi đã được học rằng, ở thành phố này, chúng ta chỉ nên tập trung vào 3 nền văn hoá là: Anglo, Hispanic, và Navajo thôi mà.

– Đó là lúc trước thôi, nhưng bây giờ đã thay đổi rồi, cô là giáo viên gốc Việt Nam ở đây thì tuần lễ văn hoá này phải nên có chút ít gì về Việt Nam cho trẻ biết chứ. Tuần lễ này chúng ta cũng có phụ huynh tham gia nữa đó.

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Hay tôi có thể giới thiệu với trẻ và các bậc phụ huynh một lá cờ khác ở nước tôi không?

– Có lá cờ khác sao?

RopBongCoVang

– Có, đó là lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà trước khi chiến tranh chấm dứt. Những người Việt Nam yêu tự do trôi dạt mọi nơi trên toàn thế giới vẫn còn gìn giữ lá cờ này như là gìn giữ quê hương Việt Nam trong tim mình vậy. Nếu bà có dịp đi du lịch đến những nơi nào có cộng đồng người Việt sinh sống, hoặc có dịp tham dự những ngày lễ hội lớn của người Việt, bà sẽ thấy lá cờ này luôn tung bay khắp nơi. Và, tôi cam đoan với bà rằng bà sẽ không bao giờ tìm được lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam mà bà đang cầm trong tay ở bất cứ chỗ nào có người Việt Nam cư ngụ, chỉ trừ ở toà đại sứ mà thôi.

– Ồ, thật là đặc biệt đó, vậy cô có thể giới thiệu lá cờ đó với trẻ được không?

– Tôi sẵn sàng, về ý nghĩa tôi sẽ chỉ nói vắn tắt và thật đơn giản để trẻ hiểu.

Bà Linda dơ một ngón tay cái lên:

– Tốt lắm, tôi sẽ báo cho cô biết ngày nào chúng ta có thể thực hiện được.

– Được, tôi sẽ chờ.

Bà cám ơn tôi rồi bước đi.

Ngày thứ năm trong tuần, tôi đến lớp pre-K của bà giáo Linda để giới thiệu chút ít về nền văn hóa Việt Nam. Hôm đó cũng có vài phụ huynh được mời tham dự. Tôi thấy tự tin hơn bao giờ hết, vì mọi thứ tôi đã chuẩn bị một cách chu đáo. Tối hôm trước “my house” đã phụ tôi cắt hai mươi lá cờ vàng kích thước cỡ 3×5 đủ cho mỗi em một cái. Tôi đem hai cuốn DVD của bé Xuân Mai hát về xuân, trong đó có múa lân và nhiều hình ảnh ngày tết, bánh chưng, mứt, hoa, các em bé mặc áo dài… Một cuốn DVD khác về ngày trung thu, có nhiều loại lồng đèn và trẻ rước đèn ca hát, có hình bánh trung thu, bánh dẻo… Phim ảnh thu hút trẻ rất nhanh, cả lớp ngồi chú ý xem say mê, nhất là màn múa lân.

Khi giới thiệu về lá cờ, tôi chỉ nói ngắn gọn với các em và cha mẹ rằng, đây không phải là lá cờ của nước tôi hiện tại, nhưng lá cờ này vinh danh tự do của những người Việt Nam sống ở hải ngoại. Để dẫn chứng, tôi mở laptop cho họ xem những tấm hình diễu hành cờ vàng trong những ngày lễ ở California. Một rừng cờ vàng rực rỡ biểu dương tinh thần yêu tự do của người dân đã từng sống ở Miền Nam Việt Nam dù bây giờ miền Nam đã mất vào tay cộng sản. Sau đó tôi phân phát cho mỗi bé trong lớp một lá cờ vàng nhỏ làm kỷ niệm chơi. Có vài trẻ thích thú quơ quơ lá cờ trước mặt, tôi nhắc lại cho cả lớp về ý nghĩa của lá cờ là “Tự Do”, sau đó cho trẻ đồng thanh lập lại 3 lần. Cả lớp rất hào hứng với nhịp điệu hô to: “Tự do, tự do, tự do” rất vui.


bantay-nang-covangBà Linda dán lá cờ vàng lớn bên cạnh chữ Việt Nam và bà chú thích phía dưới là:

“ Đây là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa trước kia, và vẫn còn được gìn giữ trong cộng đồng người Việt Nam trên đất Mỹ cho đến ngày hôm nay như biểu tượng của sự tự do”

Bà Linda có vẻ hài lòng về buổi nói chuyện của tôi. Chỉ lên dòng chữ chú thích bà hỏi tôi:

– Cô thấy tôi viết như vậy được chưa?

– Tốt lắm, cám ơn bà đã giúp tôi cơ hội để giới thiệu về văn hoá nước tôi đến với phụ huynh và các em. Đặc biệt là lá cờ này.

– Ồ, tôi phải cám ơn cô mới đúng, trước kia tôi chưa hiểu rõ về chiến tranh Việt Nam, phần cũng phẫn uất vì anh tôi bị mất tích, nên tôi theo bạn bè tham gia biểu tình phản chiến. Sau này đọc nhiều sách báo về chiến tranh Việt Nam và xem những hình ảnh thuyền nhân chạy trốn vào ngày Saigon sụp đổ, tôi mới biết mình hiểu sai.

Tôi nhìn đôi mắt bà, hình như có một sự thông cảm nào đó đã đưa bà lại gần tôi hơn một chút. Tôi thở dài nói nhỏ:

– Quê hương tôi có một lịch sử khổ đau, không biết đến bao giờ dân tộc tôi mới hết khổ.

– Hãy cố gắng cầu nguyện thôi cô à. Bà Linda vừa nói vừa vỗ vai tôi.

Chúng tôi chia tay nhau ở bãi đậu xe.

Niềm vui vẫn còn đọng lại trong tôi trên suốt con đường về nhà. Tôi mân mê lá cờ vàng nhỏ trong tay, lòng thấy tự hào lẫn khâm phục cho sức mạnh, và sự quyết tâm của người Việt Nam ở hải ngoại, đã gìn giữ, phát triển lá cờ này ngày càng bay cao và bay xa hơn ở khắp nơi trên toàn thế giới. Lần đầu tiên trong ngày hôm đó, tôi không còn cảm giác hiu quạnh như mọi ngày.

o O o

Mặt trời đã khuất hẳn sau dãy núi, để lại hai dải mây xanh, hồng tím quyện sát bên nhau nổi bật trên nền trời một màu sáng êm dịu. Gần đâu đó, có mùi thơm của bông hoa sói theo gió nhẹ đưa thoảng qua. Trời bắt đầu tối dần, tôi thấy một mảnh trăng lưỡi liềm nhỏ bé xuất hiện nằm cô đơn bên đám mây xa. Không thể ngồi lâu hơn, tôi bước vội về nhà. Căn nhà tối om không có ánh đèn, bóng tối gợi sự hiu quạnh muôn thuở. Tôi vào nhà, với tay mở đèn. Tiếng của “my house” làm tôi giật mình:

– Hà đi đâu mà lâu vậy? Anh chờ Hà nãy giờ.

Tôi nhìn chàng hỏi lại:

– Em đi bộ ra công viên chơi thôi mà, anh chờ em làm gì, lại ngồi trong tối không chịu mở đèn?

Chàng đứng lên lấy đĩa và muỗng nói:

– Anh mua bánh Pecan pie với kem chờ Hà về ăn cho vui.

Tôi mỉm cười nhìn ánh mắt chàng, chợt thấy một sự nồng ấm đang bao quanh lấy tôi và nỗi hiu quạnh vụt tan biến.

Thiên Lý
Tháng 6/ 12