Mỹ: Bắc Triều Tiên tấn công tin tặc trên toàn thế giới





Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un nói chuyện tại phiên họp Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân Triều Tiên ngày 12/1/2016.

Chính phủ Mỹ ngày 13/6 quy trách nhiệm chính phủ Bắc Triều Tiên trong một loạt các cuộc tấn công trên mạng kéo dài từ năm 2009 tới nay, đồng thời cảnh báo sẽ còn xuất hiện thêm nhiều vụ nữa.

Cảnh báo chung của Bộ An ninh Nội địa và Cục Điều tra Liên bang nói “những tin tặc của chính phủ Bắc Triều Tiên” được gọi trong phúc trình là “Rắn hổ mang ẩn mình” đã nhắm vào các lĩnh vực như truyền thông, hàng không vũ trụ, tài chánh cũng như những hạ tầng cơ sở quan trọng tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

Tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng vì những vụ thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên. Báo động của chính phủ Mỹ cho hay Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục dựa vào những hoạt động trên mạng để tiến đến những mục tiêu quân sự và chiến lược.

Bắc Triều Tiên thường xuyên phủ nhận có dính líu đến những cuộc tấn công trên mạng chống lại các nước khác.

Không thể tiếp xúc ngay được với Phái bộ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc để yêu cầu bình luận.

Báo động ngày 13/6 nêu rõ “Rắn hổ mang ẩn mình” trước đây được những chuyên gia trong lãnh vực tư nhắc tới như Lazarus Group và Guardians of the Peace, những tổ chức có liên hệ đến những cuộc tấn công như vụ xâm nhập vào trang mạng của Sony Pictures Entertainment vào năm 2014.

Symantec và Kaspersky Lab tháng trước đồng tuyên bố “có nhiều khả năng” là Lazarus đứng đằng sau cuộc tấn công của WannaCry làm lây nhiễm hơn 300.000 máy vi tính trên toàn thế giới, gián đoạn hoạt động của các bệnh viện, ngân hàng và trường học.

Báo động không đề cập rõ ràng đến những nạn nhân của “Rắn hổ mang ẩn mình”, chỉ nói rằng tổ chức này đã ảnh hưởng đến một loạt các nạn nhân và trong một vài vụ xâm nhập đã đánh cắp dữ liệu trong khi những vụ tấn công khác chỉ gây gián đoạn các hoạt động mà thôi.

Ông John Hultquist, một nhà phân tích tình báo trên mạng làm việc cho FireEye nói công ty ông quan ngại về những vụ tấn công ác liệt ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên.

Những vụ tấn công bao gồm lấy cắp tài liệu các công ty tài chánh, năng lượng và giao thông Hàn Quốc dường như là để thăm dò trước cho những cuộc tấn công khác mang tính chất gián đoạn hay hủy hoại, theo lời ông Hultquist.

“Điều này cho thấy họ đang chuẩn bị cho những gì quan trọng hơn.”

Báo động của chính phủ Mỹ nói “Rắn hổ mang ẩn mình” thường nhắm vào các hệ thống sử dụng hệ thống điều hành cũ của Microsoft không còn đắp vá được nữa và cũng sử dụng những chỗ dễ bị tấn công trong phần mềm Flash của Hệ thống Adobe để tiếp cận các máy vi tính bị nhắm mục tiêu.

Phúc trình yêu cầu các tổ chức nâng cấp phiên bản Adobe Flash và Microsoft Silverlight, hoặc nếu được thì nên xóa hẳn những chương trình này.

Trong một thông báo bằng email, Microsoft cho biết đã giải quyết vấn đề Silverlight trong một phần mềm được nâng cấp vào tháng 1 năm 2016. Adobe cũng nói qua email là đã khắc phục những kẽ hở vào tháng 6 năm 2016.

Trong những năm gần đây, hoạt động tin tặc của Bắc Triều Tiên càng ngày càng mạnh mẽ hơn, theo các giới chức phương Tây và các chuyên gia an ninh mạng.

Báo động được đưa ra cùng ngày Bắc Triều Tiên trả tự do cho Otto Warmbier, 22 tuổi, một sinh viên đại học Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ trong 17 tháng.

“Chính phủ Mỹ đang tìm cách trang bị một mạng lưới phòng vệ bằng những công cụ cần thiết để nhận dạng, phát hiện và làm gián đoạn những hoạt động tin tặc của chính phủ Bắc Triều Tiên hiện đang nhắm vào các mạng lưới của Mỹ và đồng minh,” một giới chức Bộ An ninh Nội địa nói về lệnh báo động.

(Nguồn CNBC)
15/06/2017