Chuyện một người Việt chờ bị trục xuất khỏi Mỹ





Kristopher Larsen, gốc Việt, là một trong hàng ngàn người nước ngoài được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi, nhưng không có quốc tịch Mỹ, vì cha mẹ không làm hồ sơ nhập tịch. Ảnh của Barros/VOA)

Là con nuôi của một gia đình Mỹ từ tấm bé, Kristopher Larsen lần đầu tiên được cho biết ông không phải là một công dân Mỹ tại một nhà giam bang Washington, trong khi đang thọ án tù về tội danh bắt cóc, và vì thế phải đối mặt với khả năng bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Ông Larsen, giờ mới hơn 40 tuổi, chưa bao giờ nghĩ mình là công dân nước nào khác hơn là Hoa Kỳ. Ông là một trong hàng ngàn người nước ngoài được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi nhưng không có quốc tịch Mỹ bởi vì cha mẹ không làm hồ sơ nhập tịch.

Vào lúc kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, Tổng thống Gerald Ford hạ lệnh di tản sang Mỹ các trẻ em mồ côi Việt Nam trong một sứ mạng nhân đạo được đặt tên là Chiến dịch Babylift. Kristopher Larsen, lúc đó mới lên 4, được một gia đình quân nhân Mỹ nhận làm con nuôi. Ông lớn lên trong một “gia đình Mỹ 100%.”

“Có thể nói cuộc đời của tôi là cuộc đời của một đứa trẻ tiêu biểu lớn lên ở bang Alaska. Luôn luôn sống ở ngoài trời, luôn luôn có gia đình bên cạnh. Đối với tôi, đó là một cuộc sống thật trọn vẹn.”

Larsen theo học đại học và khởi sự con đường sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin. Rồi anh lấy vợ, sinh hai đứa con rồi dời cư tới thành phố Seattle. Anh kể tiếp:

“Có một thời gian, tôi có trong tay tất cả những gì tôi có thể mong ước.”

Cho đến khi mọi sự đổi khác. Sau một thời gian hôn nhân sóng gió, tiếp theo là một giai đoạn rượu chè be bét, vợ Larsen bỏ ông ra đi, mang theo 2 đứa con.

“Tình huống đó thực sự đã đẩy tôi xuống vực thẳm… Tôi quyết định tự sát bằng tay của cảnh sát. Tôi thực hiện ý định đó bằng cách bắt cóc người khác.”

Larsen bắt cóc một đứa trẻ 9 tuổi rồi gọi cho cha mẹ em để đòi tiền chuộc. Một quan tòa bang Washington ra phán quyết phạt tù 12 năm đối với Larsen. Và chính ở trong tù, Bộ Di trú và Nhập tịch Mỹ đã tìm được ông.

Kristopher Larsen:

“Họ bảo tôi rằng tôi sẽ mất việc làm trong nhà tù. Tôi không được hợp tác với bất cứ công việc giáo dục nào. Về cơ bản là rốt cuộc, tôi sẽ mất hết tất cả các quyền của một tù nhân tiêu biểu, bởi vì họ cho biết là có lệnh trục xuất tôi.”

Đối với chính phủ Mỹ, Larsen là một công dân Việt Nam không có giấy tờ hợp lệ và có quá trình tội phạm.

Larsen cho biết gia đình ông không đồng ý:

“Gia đình tôi nói: Con là con nuôi. Là một công dân Mỹ. Con đã là một thành viên trong gia đình này từ năm 1975.”

Nhưng chính phủ Mỹ nói gia đình của Larsen không làm hồ sơ nhập tịch cho ông. Ước lượng có đến 35,000 người nước ngoài được cha mẹ người Mỹ nhận làm con nuôi, nhưng không có quốc tịch Mỹ bởi vì cha mẹ nuôi không hoàn tất thủ tục xin nhập tịch.

Bà Becky Belcore, đồng Giám Đốc của Chiến dịch Bảo vệ Quyền của Con Nuôi, giải thích lý do:

“Hoặc là họ có biết, nhưng thủ tục tốn kém và phức tạp quá, trong khi họ đã hoàn tất tiến trình nhận làm con nuôi cũng vô cùng rắc rối và tốn kém rồi, nên họ không hoàn tất hồ sơ nhập tịch. Hoặc là các con nuôi bị đưa vào những gia đình ngược đãi hay lạm dụng họ, nên cha mẹ nuôi không chịu làm.”

Bà Belcore nói năm 2001, quốc hội đã thông qua một đạo luật trao quy chế công dân cho các con nuôi đến từ các nước khác. Tuy nhiên đạo luật này chỉ áp dụng cho con nuôi sinh ra sau năm 1983.

Để điền vào kẽ hở pháp lý này, Chiến dịch Bảo vệ Quyền của Con Nuôi đang vận động để thông qua Đạo luật Công dân cho Con nuôi. Dự luật này nằm ụ tại quốc hội trong suốt năm ngoái, nhưng những người bênh vực con nuôi đang ra sức làm việc để tiến cử dự luật này một lần nữa.

Ra tù, Kristopher Larsen chưa bị trục xuất bởi vì Việt Nam không nhận các công dân Việt đã ra khỏi nước trước năm 1995.

Ông Larsen nói:

“Bây giờ thì tôi lâm vào thế kẹt. Tôi không thể rời khỏi lãnh thổ Mỹ.”


VOA