Miền Tây: Hàng loạt nông sản rớt giá không phanh, nông dân khóc ròng



Nhiều ngày qua, hàng loạt nông sản ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) rớt giá không phanh khiến nông dân “khóc ròng”, bỏ vườn giữa mùa mưa.



Hàng loạt nông sản tuột giá khiến nông dân khóc ròng. (Ảnh sưu tầm từ Internet)
Nông sản “rủ nhau” rớt giá

Ngoài lúa là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ĐBSCL thì các loại trái cây của vùng đất này rất được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện bà con nông dân tại các tỉnh, thành của ĐBSCL đang đối mặt với cảnh mất mùa rớt giá trên nhiều loại nông sản như: bí, dưa hấu, mít, cam, ổi… Cùng với việc phân, thuốc tăng giá, công chăm sóc cao khiến có hộ bỏ vườn không thu hoạch.

Hơn 1 tháng nay, giá mít Thái siêu sớm tại ĐBSCL giảm liên tục, hiện chỉ còn khoảng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, trong khi thời điểm “sốt” giá loại trái cây này lên đến hơn 30.000 đồng/kg.

Ông Đoàn Minh Lý (ngụ ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, tôi trồng gần 3 công mít với hơn 400 gốc.

“Thời gian trước mít Thái bán rất hút hàng, trái 10kg trở lên có giá 30.000 đồng/kg, trái dưới 10kg có giá 15.000 đồng/kg. Nhưng giờ giá mít thấp lè tè, loại trái trên 10kg giá 10.000 đồng/kg, loại trái dưới 10kg có giá 3.000 đồng/kg”.

Không riêng gì nhà vườn ở Hậu Giang, hầu hết nhà vườn ở Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang…cũng chung cảnh ngộ. Ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi trồng khoảng 5 công với khoảng 300 gốc mít Thái siêu sớm, thương lái lại vườn mua chỉ 5.000/kg không phân loại mít”.


Nhiều nhà nông khóc ròng vì được mùa mà mất giá. (Ảnh sưu tầm từ Internet)


Các hộ trồng cam ở ĐBSCL cũng không tránh khỏi tình trạng rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Minh Trung (ngụ ấp Long Lợi A, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) buồn rầu: “Tôi trồng hơn 1000 gốc cam sành đang cho trái rộ nhưng gặp phải đợt rớt giá. Lúc trước, giá hơn 20.000 đồng/kg, bây giờ giá giảm hơn phân nửa so với trước, thậm chí không có thương lái đến mua đành để rụng đầy vườn”.

Tương tự, nhà vườn ở An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng cũng lao đao khi ổi Đài Loan giá xuống kỷ lục, chỉ từ 700 đồng đến 1.000 đồng/kg, lỗ cả tiền phân thuốc, công chăm sóc. Do mưa nhiều và đang là đợt thu hoạch rộ nên nhiều nông dân đành hái bỏ hoặc để rụng đầy gốc. Trong khi thời gian trước giá ổi luôn ở mức ổn định khoảng 10.000 đồng/kg, lúc cao nhất lên đến 14.000 đồng/kg bà con nông dân thu lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/công trồng ổi. Hiện, tại thị xã Tân Châu (An Giang) có hơn 10 hộ dân với hơn 3 ha nhưng bán không ai mua.

Là nông dân trồng chuối lâu năm ở Kiên Giang, ông Võ Thanh Hùng (ngụ xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng) cho biết, giá chuối hiện làm tôi rất lo lắng, thời điểm trước, giá chuối già cui ổn định mức 70.000 đồng/chục (10 nải) và đối với chuối xiêm là 60.000 đồng/chục, nhưng nay chuối già cui chưa tới 30.000 đồng/chục, còn chuối xiêm thì chưa đến 25.000 đồng/chục.

Bên cạnh đó, không chỉ các loại trái cây rơi vào tình trạng giá “tuột dốc” mà các loại bầu, bí cũng không ngoại lệ. Bà Phạm Thị Sâm (quê Hậu Giang đến phường Ba Láng thuê đất trồng bí đao) cho biết, những ngày qua thời tiết bất lợi gây mất mùa lại gặp cảnh giá “bèo” nên bà con “khóc ròng” khi bán 1.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá hơn 3.000 đồng/kg.

Sản xuất thiếu cân đối… cung vượt cầu

Nói về nguyên nhân, ông Mười Y (thương lái thua mua trái cây) cho biết trái cây rớt giá như hiện nay là do vào mùa thu hoạch rộ của các loại trái cây khác nhau nên bị dội hàng. Thời điểm này có vải thiều nhập từ miền ngoài vào, chôm chôm Long Khánh, sầu riêng… nên người ta chọn vải. Ông Y cho biết thêm: “Thời tiết Trung Quốc hiện đang nóng, trái cây qua đó dễ bị hư nên tiêu thụ giảm. Giờ mình tiêu thụ chủ yếu ở Thủ Đức và Hóc Môn…”.

Chia sẻ kinh nghiệm tránh mất mùa rớt giá, ông Nguyễn Văn Bảy (ấp Trường Thuận A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) cho biết: “Muốn né cảnh mít rớt giá thì phải làm trái chín nghịch mùa hay trồng xen canh các loại cây ăn trái khác nhau như sầu riêng, ổi… để tránh tình trạng dội hàng. Phải biết chủ động tìm biện pháp để tự cứu mình”.

Ông Bảy cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con không nên chạy đua trồng trái cây theo phong trào. Người nông dân phải tự định đoạt trên mảnh vườn của mình.

Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp từ trước đến nay vẫn là “bài toán” khó, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thị trường đầu ra không ổn định, đó cũng là tình trạng chung của người dân trồng nông sản ở ĐBSCL hiện nay. Nhìn chung, nguyên nhân chính gây nên nông sản rớt giá là nông dân thấy cây trồng nào trên thị trường đang có giá cao thì chuyển sang trồng cây đó, dẫn đến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, sự lấn sân của trái cây ngoại như Thái Lan, Trung Quốc… có mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả lại mềm hơn trái cây trong nước làm xáo trộn trường.


Tinhhoa.net