Loại độc tố trong quả vải giết hơn 100 trẻ em Ấn Độ mỗi năm



Các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ phát hiện căn bệnh bí ẩn giết chết hơn 100 trẻ em mỗi năm ở miền bắc Ấn Độ do ăn vải khi đói gây ra.
Trong hơn hai thập kỷ qua, mỗi năm có hàng trăm trẻ em khỏe mạnh ở tỉnh Bihar, Ấn Độ gặp phải những cơn co giật đột ngột và mất ý thức, với hơn 100 em tử vong, khiến các bác sĩ bối rối. Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Lancet số tháng 2 chỉ ra các trẻ em này đã bị ngộ độc vải, theo BBC.


Vải chứa độc tố ngăn cơ thể sản sinh glucose. (Ảnh: AFP).

Phần lớn nạn nhân là trẻ em nghèo ở khu vực trồng vải chính của Ấn Độ. Các em thường ăn vải rụng xuống đất trong vườn.
Vải chứa độc tố ức chế khả năng sản sinh glucose của cơ thể, tác động đến nồng độ đường trong máu của trẻ nhỏ, vốn đã rất thấp do các em thường không ăn tối. Hậu quả là chúng thường thức giấc và la hét vào ban đêm trước khi trải qua những cơn co giật và mất ý thức vì bị phù não trước khi tử vong.
Các nhà nghiên cứu kiểm tra trẻ mắc bệnh được đưa vào bệnh viện Muzaffarpur từ tháng 5 đến tháng 7/2014 và nhận thấy mối liên quan với căn bệnh khiến não sưng phù và co giật ở trẻ em vùng Caribe. Căn bệnh xuất phát từ loại quả mang tên ackee, chứa hypoglycin, một độc tố ngăn chặn cơ thể sản sinh glucose. Các xét nghiệm cho thấy quả vải cũng chứa độc tố hypoglycin.
Điều này thúc đẩy các nhà chức trách y tế khuyến cáo cha mẹ đảm bảo trẻ nhỏ ăn tối đầy đủ và hạn chế số lượng vải cho con ăn. Trẻ có triệu chứng mắc bệnh cần được điều trị nhanh chóng chứng hạ đường huyết. Nhờ đó, số lượng ca mắc bệnh giảm từ hàng trăm xuống khoảng 50 trường hợp mỗi năm, theo New York Times.



Theo VnExpress