Chàng sinh viên trẻ ‘hóa phép’ những đôi đũa tre bỏ đi thành đồ nội thất đẹp mắt




Mối quan tâm nghiên cứu về tre và tình yêu đối với môi trường đã tạo cảm hứng cho một sinh viên của Đại học British Columbia (UBC) cho ra mắt ChopValue – dòng sản phẩm trang trí nhà được làm từ đũa tái chế.



Các sản phẩm của ChopValue được sáng tạo nên bởi Felix Böck, một sinh viên thuộc khoa lâm nghiệp, người đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu các vật liệu xây dựng từ tre.


ChopValue thu nhặt những đôi đũa đã qua sử dụng từ nhiều nhà hàng ở Vancouver, Canada và sau đó tái chế chúng trở thành những món đồ hữu ích như kệ sách, đế lót li, vật dụng trang trí. “Ban đầu, tôi thu thập đũa để nghiên cứu. Chứng kiến quá nhiều đũa tre bị đem vứt đi mỗi ngày, tôi nảy ra ý định sáng tạo điều gì đó với chúng”.


Felix Böck, sinh viên thuộc khoa lâm nghiệp trường Đại học Columbia. (Ảnh: Twitter)

Theo đó, chàng trai trẻ đã tạo ra thương hiệu ChopValue và thiết đặt các thùng rác mang nhãn hiệu này từ 65 nhà hàng địa phương. Các nhà hàng sẽ bỏ tất cả đũa tre dùng một lần của họ vào chiếc thùng của ChopValue. Mỗi tuần một lần, nhóm sinh viên hỗ trợ có tên là Hugh Grady của UBC sẽ đi thu gom đũa về nhà máy. Mỗi thùng có thể chứa khoảng 30 pound đũa đã qua sử dụng.

Từ khi dự án được khởi động vào cuối tháng 7/2016, công ty đã tái chế được khoảng 2,5 triệu đôi đũa – trung bình thu được khoảng 250.000 đôi đũa/tuần.

Những đôi đũa là một ví dụ của nhiều sản phẩm sử dụng 1 lần như ống rơm hay những tách nhựa – những nhà môi trường học chỉ trích rằng đó là sự hoang phí. Chỉ riêng Vancouver có thể thải ra ít nhất 100.000 đôi đũa mỗi ngày, theo trang web của ChopValue.

Trong khi chỉ một vài sản phẩm bị bỏ đi được tái chế, hầu hết chúng đều bị bỏ vào bãi rác, nơi chúng bị phân hủy thải ra khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Hầu hết đũa, được làm từ gỗ và tre, rất nhanh bị mục – gỗ ván ép có thể sử dụng được khoảng từ 1 đến 3 năm. Tuy nhiên, khi bạn ném chúng đi chỉ sau lần đầu tiên sử dụng, cũng chính là bạn đang lãng phí toàn bộ năng lượng dùng để vận chuyển và sản xuất chúng từ nơi đầu tiên.

“Chỉ bởi vì nó là gỗ hay tre không có nghĩa rằng bạn chỉ có thể bỏ chúng đi”, Böck nói với HuffPost. “Một chiếc đũa là những thành quả từ những rừng trúc đẹp ngút ngàn tại Trung Quốc, vận chuyển qua 5.000 mét tới Vancouver hay những thành phố Bắc Mỹ khác, và chỉ được sử dụng 30 phút – và sau đó vứt vào thùng rác”.

Những nhân viên của ChopValue sử dụng quy trình sản xuất đặc biệt để tái tạo lại những đôi đũa trở thành những chiếc bàn, kệ sách, kệ tập yoga hay những sản phẩm khác bán trên trang web, Böck nói.


Một vài sản phẩm trên website của ChopValue. (Ảnh: ChopValue)

Hiện tại công ty đang có 9 nhân viên, trong đó 4 người làm việc toàn thời gian.


Những sản phẩm của ChopValue trên website có giá cả rất hợp lý, khoảng từ 35 USD đến 265 USD. Từ khi trang web hoạt động vào tháng 9/2016, công ty đã bán ra được khoảng 1.000 mặt hàng trên mạng, Böck nói.

Hơn thế nữa, hầu hết doanh thu của công ty đến từ những nhà hàng họ thu thập đũa, 1/3 trong số nhà hàng thuê ChopValue chế tạo ra những mặt bàn hay những mẫu hàng khác.

Theo Böck, Chop Value giúp các nhà hàng tái chế đũa đã qua sử dụng, nhờ vậy họ tiết kiệm được chi phí kinh doanh (Ở thành phố Vancouver, chi phí xử lý rác thải được tính theo cân nặng). Trong khi đó, Chop Value vừa phát triển được ý tưởng kinh doanh, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Böck hy vọng sắp tới mình sẽ đặt được nhiều thùng rác hơn tại các nhà hàng trên khắp thành phố.

Sau khi thu gom về phòng thử nghiệm của UBC, đũa được làm sạch, tráng nhựa thông và sau đó được ép nóng thành phẳng. Các sản phẩm hoàn chỉnh rất đa dạng, từ chiếc đế lót ly cho đến các kệ trang trí trên tường… Mỗi sản phẩm được làm từ hàng trăm chiếc đũa tre tưởng như bỏ đi.

Mục tiêu của Böck là mở rộng kinh doanh tới các thành phố khác sớm hơn – thành phố New York là ước mơ lớn của anh và có thể sử dụng những chất liệu khác như, những chiếc ly giấy và thanh khuấy cà phê.

“Nếu chúng tôi có thể làm ra công việc ổn định nhờ vào những đôi đũa, chúng phải là nhiều điều khác ngoài đó”, Böck nói. “Bạn có thể tạo nên những công việc mới cần một chút ý tưởng”.

Ngọc Sam biên dịch