Luật sư điều tra mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, nhận giải thưởng Hòa bình Gandhi



Ông David Matas, người đã dành cả cuộc đời cho cuộc chiến chống vi phạm nhân quyền và hơn một thập kỷ điều tra về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc, mới đây đã được vinh dự nhận giải thưởng Hòa bình Gandhi.



Ông David Matas nhận giải Hòa bình Gandhi Canada. (Ảnh: EET)

Ngày 8/6, Trung tâm Mahatma Gandhi tại thành phố Winnepeg, Canada đã công bố giải thưởng Hòa bình Mahatma Gandhi năm 2016 và 2017, với các giải thưởng được trao cho luật sư David Matas.

Thư ký trung tâm Gandhi Canada, ông Laksh Khatter nói trong lễ trao giải thưởng: Ông David Matas và David Kilgour nổi tiếng bởi cuộc điều tra mổ cướp nội tạng và đã phát hiện rất nhiều chứng cứ điều tra độc lập, chứng minh các học viên Pháp Luân Công sau khi bị mổ lấy nội tạng sẽ bị giết hại. Họ còn phát hành nhiều sách, trong đó có cuốn Thu hoạch đẫm máu.

Là một luật sư nhân quyền, ông Matas đã tham gia vào rất nhiều các hoạt động liên quan tới nhân quyền. Gần đây ông chủ yếu chú ý tới sự bức hại, những hành vi mang tính chất toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho phép mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công và nội tạng của tù nhân lương tâm.

Ông David Matas và David Kilgour cũng vì thế mà được đề cử giải Nobel Hòa bình. Từ năm 2006, hai ông đã tiến hành cuộc điều tra đối với cáo buộc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công.

Trong bài phát biểu của mình, ông David Matas cho biết: “Những người sống ngoài các nước Trung Quốc, Iran, Eritrea, cần phải nêu cao tư tưởng của Gandhi tại các nước này, bởi vì người của các nước này đã mạo hiểm rất nhiều khi tự tìm tự do cho bản thân.

Đây là nguyên do chúng tôi đấu tranh để chấm dứt việc mổ lấy nội tạng của tù nhân lương tâm trên quy mô lớn. Đối tượng chủ yếu bị mổ lấy nội tạng là người tập Pháp Luân Công, ngoài ra còn có tín đồ Phật giáo Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và người Cơ Đốc giáo sinh hoạt ngầm”,
ông Matas chia sẻ.

Giải thưởng mang tên Mahatma Gandhi, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt Ấn Độ thoát khỏi sự đô hộ của Anh hồi đầu thế kỷ 20. Ông Gandhi nổi tiếng với nguyên tắc “bất bạo động”, tức là phản đối các biện pháp bạo lực, chỉ áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức tối cao.


Giải Hòa bình Gandhi Canada được thành lập năm 2010, với mục đích biểu dương “nhà tư tưởng đầu tiên và người đề xướng giải quyết xung đột”. Gandhi là anh hùng của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, chủ trương đấu tranh bằng “phong trào phi hợp tác”. Gandhi còn có câu nói nổi tiếng: “Cách tốt nhất để tìm thấy tự ngã chính là buông bỏ tự ngã trong khi phục vụ người khác”.

Nhà lãnh đạo Gandhi đã có thể phản đối sự hiện diện của Anh ở Ấn Độ, “nhưng tất nhiên, Trung Quốc không cho phép phản đối”, luật sư Matas giải thích.

“Trung Quốc không cho phép Pháp Luân Công phản đối, họ cũng không cho phép những người không phải học viên Pháp Luân Công phản đối, cũng không cho phép sự hỗ trợ nhân quyền nào đối với Pháp Luân Công, vì vậy đó là một bối cảnh hoàn toàn khác”.

Nhiều đồng nghiệp của luật sư Matas ở Trung Quốc bị chính quyền sách nhiễu, bắt giữ và tra tấn vì lên tiếng bảo vệ các học viên Pháp Luân Công. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân phát động vẫn tiếp diễn đến ngày nay dù Chủ tịch Tập Cận Bình có tín hiệu cho thấy dường như ông muốn tách mình khỏi tội ác của ông Giang.

Lập trường của chính quyền Trung Quốc về môn khí công ôn hoà này khác xa nhiều nước dân chủ trên thế giới, trong đó có Canada. Hồi tháng 5, hàng chục nhà lãnh đạo Canada đã gửi thư ghi nhận đóng góp của Pháp Luân Công đối với xã hội nước này nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.

Ông Matas và cuộc điều tra mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ




3 nhà điều tra về hoạt động mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc. (Ảnh: Epochtimes)

Ngày 7/7/2006, hai ông David Matas và David Kilgour lần đầu tiên công bố báo cáo điều tra có tiêu đề: “Bloody Harvest, The killing of Falun Gong for their organs” (Thu hoạch đẫm máu, Giết người tập Pháp Luân Công để lấy nội tạng). Báo cáo này đưa ra 18 chứng cứ được thu thập, kết luận có được cho thấy ĐCSTQ mổ sống lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công là chuyện có thật, họ gọi “đây là tội ác từ trước tới nay chưa từng có trên hành tinh này”.

Tháng 11/2009, sau nhiều năm hai ông David Matas và David Kilgour theo dõi điều tra, kết quả báo cáo điều tra được chỉnh lý thành cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest).

Ngày 22/6/2016, tại Câu lạc bộ phóng viên Mỹ, ông David Matas, David Kilgour và phóng viên Ethan Gutmann đã công bố báo cáo điều tra mới nhất về việc ĐCSTQ mổ cướp nội tạng. Theo tính toán của 3 vị này, mỗi năm Trung Quốc thực hiện khoảng 60.000 đến 100.000 ca phẫu thuật ghép tạng, từ năm 2000 đến nay con số này có thể lên đến 1,5 triệu ca; nguồn nội tạng để cấy ghép chủ yếu được lấy từ người tập Pháp Luân Công.

DaiKyNguyen