Cảnh báo thủ phạm đáng sợ có thể khiến bạn tử vong trong tích tắc khi đi máy bay đường dài



Cảnh báo thủ phạm đáng sợ có thể khiến bạn tử vong trong tích tắc khi đi máy bay đường dài

Giới chuyên gia nhận định, ngồi máy bay quá 4h được coi là đi đường dài và bạn có nguy cơ hình thành cục máu đông - thủ phạm khiến chúng ta có thể bị tử vong nhanh chóng.

Thống kê của CDC cho thấy, mỗi năm có tới khoảng 300 triệu người trên toàn cầu di chuyển trên các chuyến bay đường dài (thường là hơn 4h). Các cục máu đông hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với một số du khách đường dài. Hầu hết các thông tin về cục máu đông và du lịch đường dài đều được thu thập từ du lịch hàng không. Tuy nhiên, bất cứ ai đi du lịch hơn 4 tiếng đồng hồ, dù bằng phương tiện xe máy, xe hơi, xe buýt hay tàu hỏa… đều có nguy cơ bị cục máu đông.



Các cục máu đông hay còn gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với một số du khách đường dài.

Các cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch dưới bề mặt không nhìn thấy qua da) ở chân khi đi du lịch bởi vì bạn đang ngồi trong không gian hạn chế với khoảng thời gian dài. Càng ít cử động, bạn càng có nguy cơ hình thành cục máu đông. Thông thường, cục máu đông sẽ tự tan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cục máu đông vỡ ra, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, dẫn đến tắc nghẽn phổi, được gọi là tắc mạch phổi và nhanh chóng gây tử vong.

Theo GS. NGND Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), sự xuất hiện của cục máu đông là nguyên nhân gây tắc mạch máu, là nguyên nhân trực tiếp gây ra một loạt các căn bệnh nguy hiểm như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, suy tim, động mạch ngoại vi và bệnh mạch máu thận.

GS Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, cục máu đông là một trong những tác hại nghiêm trọng của bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp tạo sức ép trong lòng mạch tăng cao làm cho bề mặt bên trong mạch máu bị rạn nứt tạo điều kiện cho phân tử mỡ lọt xuống thành mạch máu kéo theo các bạch cầu và một số các thành phần khác, thành mạch máu khi đó bị dày lên tạo thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa làm mạch máu hẹp lại, các thành phần của máu bị cản trở lưu thông gắn kết vào nhau tạo thành khối liên kết hay còn gọi là cục máu đông.


Các cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch dưới bề mặt không nhìn thấy qua da) ở chân khi đi đường dài.

Những yếu tố, nguy cơ làm gia tăng cục máu đông

Ngay cả khi đi du lịch đường dài, nguy cơ hình thành cục máu đông nói chung ở mức rất nhỏ. Mức độ rủi ro phụ thuộc vào thời gian ngồi đường dài đi du lịch cũng như bản thân bạn có bất cứ rủi ro nào với cục máu đông hay không. Hầu hết những người mắc các cục máu đông liên quan đến du lịch đều có một hoặc nhiều nguy cơ khác về huyết khối, như:

- Người cao tuổi (nguy cơ gia tăng cục máu đông sau tuổi 40 trở đi).

- Người béo phì (chỉ số BMI lớn hơn 30kg/ m2)

- Phẫu thuật hoặc thương tích gần đây (trong vòng 3 tháng).

- Sử dụng các loại thuốc ngừa thai chứa estrogen.

- Sử dụng liệu pháp thay thế hormone.

- Phụ nữ mang thai và mới sinh con xong.

- Gia đình có người từng bị cục máu đông.

- Mắc bệnh ung thư hoặc điều trị ung thư trong thời gian gần đây.

- Khả năng di chuyển bị hạn chế, ví dụ như mất một chân…

- Suy tĩnh mạch.


Hầu hết những người mắc các cục máu đông liên quan đến du lịch đều có một hoặc nhiều nguy cơ khác về huyết khối.

Người có một trong những yếu tố trên kết hợp với việc đi du lịch đường dài có thể làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Càng có nhiều yếu tố trên, nguy cơ mắc cục máu đông càng lớn. Nếu bạn có kế hoạch đi du lịch sớm, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm hiểu thêm những biện pháp bảo vệ sức khỏe trong suốt chuyến đi đường dài. Điều quan trọng nhất bạn có thể làm là tìm hiểu và nhận ra các triệu chứng của cục máu đông.

Nhận biết các triệu chứng chứng tỏ cơ thể bạn đã hình thành cục máu đông

Theo CDC, khoảng một nửa người bị huyết khối tĩnh mạch sâu không có bất cứ triệu chứng nào cả. Sau đây là các triệu chứng phổ biến nhất của người có cục máu đông, thường nằm ở tay hoặc chân người bệnh:

- Sưng chân hoặc cánh tay.

- Xuất hiện đau đớn trên cơ thể nhưng không thể giải thích tại sao.

- Da ấm bất thường ngay khi chạm vào.

- Da ửng đỏ.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, bạn có thể bị tắc nghẽn phổi mà không có bất cứ triệu chứng nào của việc hình thành cục máu đông. Các triệu chứng của tắc nghẽn phổi bao gồm:

- Khó thở.

- Nhịp tim đập nhanh hơn bình thường hoặc đập bất thường.

- Đau ngực hoặc khó chịu, cảm giác khó chịu hơn khi hít thở sâu hoặc ho.

- Luôn lo lắng.

- Ho ra máu.

- Trạng thái lâng lâng hoặc ngất xỉu.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, hãy tìm trợ giúp của y tế ngay.


Di chuyển chân thường xuyên khi đi du lịch dài và tập thể dục cơ bắp để cải thiện lưu thông máu.

Làm thế nào để bảo vệ bản thân trước nguy cơ hình thành cục máu đông trong chuyến đi đường dài?

Theo giới chuyên gia, bạn luôn cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời những triệu chứng của cục máu đông. Ngoài ra:

- Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ bị đông máu. Nếu bạn đã có tiền sử với bệnh cục máu đông, hoặc nếu một thành viên trong gia đình có tiền sử huyết khối hoặc rối loạn đông máu di truyền, hãy nói chuyện với bác sĩ để có hướng phòng ngừa.

- Di chuyển chân thường xuyên khi đi du lịch dài và tập thể dục cơ bắp để cải thiện lưu thông máu. Nếu bạn đã ngồi trong khoảng thời gian dài, hãy tập bài tập kéo căng chân bằng cách: Duỗi thẳng 2 chân và kéo các ngón chân về phía người bạn. Hoặc bạn có thể kéo từng đầu gối lên ngực và giữ mỗi chân trong vòng 15 giây, lặp lại 10 lần. Những hoạt động này giúp cải thiện lưu thông máu ở chân.

- Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, hãy chắc chắn làm theo khuyến cáo của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.


Duy trì lối sống lành mạnh giúp bạn phòng tránh nguy cơ hình thành cục máu đông cũng như nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm.

Ngoài ra, GS Nguyễn Lân Việt cho biết thêm, bạn nên hình thành lối sống lành mạnh, khoa học, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không ăn quá nhiều thịt, mỡ, muối, kiểm tra huyết áp, đường máu… để kịp thời thăm khám, tránh biến chứng, đẩy đến nguy cơ hình thành cục máu đông. Tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày. Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh…

Tiểu Nguyễn / Theo Trí Thức Trẻ