Bé 5 tuổi bên quan tài mẹ, chờ mãi đáp án cho câu hỏi nghẹn lòng



“Sao mẹ không ngủ cạnh con mà lại nằm trong này?”….Nếu là người nhận được câu hỏi này ngay đúng thời điểm tang thương ấy, chắc hẳn bạn cũng không biết phải lời nào thế nào. Chúng tôi có một vài gợi ý …



Bé 5 tuổi nằm đợi và muốn ôm mẹ lần nữa. (Ảnh: letribunaldunet)

Đó là hình ảnh cậu bé 5 tuổi người Philippines là Khayne Kheian Naelgas Castro, đứng trước cái chết của người cậu yêu thương nhất. Ở độ tuổi này, cậu bé chưa thể hình dung hết về nỗi đau mất mẹ, vậy nên câu hỏi ngây ngô đã khiến tất cả những ai nghe qua cũng phải bật khóc.
Cuối tháng 6/2016, tài khoản cá nhân tên Chuchubelles Gabrielle đã đăng những tấm ảnh về một cậu bé con ghé mình vào chiếc quan tài của mẹ, đi kèm dòng trạng thái cảm động:
“Bằng cách nào các bạn có thể giải thích cho câu hỏi: ‘Sao mẹ không ngủ cạnh con mà lại nằm trong này?’ của một đứa bé nhỏ xíu xiu? Thật khiến người ta tan nát…

Cháu nó đã tự kéo chiếc ghế đến cạnh quan tài rồi leo lên đó đứng chỉ để được ở gần mẹ thêm chút nữa… Nhìn thấy cháu, tim tôi đã phải ngưng đập…”.
Mẹ cậu bé là cô Kaye Angeles Naelgas-Castro, đã qua đời khi sinh đứa con thứ hai.

Trong đám tang của mẹ, cậu bé 5 tuổi luôn ngồi gần quan tài, lúc lấy ghế trèo lên nhìn vào trong để thấy mẹ, lúc lại ngồi lặng lẽ bên dưới như chất chứa mọi nỗi đau.



Bé 5 tuổi xếp ghế nằm đợi và muốn ôm mẹ lần nữa. (Ảnh: letribunaldunet)

Trước ngày đưa tang, bé Khayne còn xếp ghế thành một vòng tròn để ngủ bên quan tài mẹ.

“Tôi không kìm được nước mắt khi nhìn cậu bé này. Con còn quá nhỏ để phải trải qua nỗi đau mất mẹ”;

“Hãy cố gắng vượt qua nhé, chàng trai dũng cảm”;…

Đó là những lời chia sẻ và động viên được gửi đến cậu bé đang phải chịu đựng nỗi đau quá lớn này.

Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ trả lời cho trẻ như thế nào về việc mẹ bé đã qua đời?

Là người lớn chúng ta không thể lãng tránh vấn đề này, và dù có yêu thương che giấu sự thật trong thời gian dài thì đến một ngày nào đó cậu bé cũng sẽ biết sự thật. Vậy sao không giúp trẻ làm quen và tiếp nhận một sự thật rằng ai trong đời đều cũng phải trải qua “sinh lão bệnh tử”.

Có một cuốn sách rất thú vị mà người lớn có thể đọc cho trẻ từ 3 đến 9 tuổi, cuốn sách có tên “Chiếc lá lìa cành” (The Fall of Freddie The Leaf) của tác giả Leo Buscaglia. Cuốn sách là câu chuyện cổ tích bàn về sinh mệnh, đã phát hành được hơn 1,8 triệu bản ở Mỹ.

Câu chuyện miêu tả hành trình trải qua 4 mùa của 1 chiếc lá: Mùa xuân lá được sinh ra, mùa hè lá lớn thêm hơn, mùa thu lá vàng úa, và đến mùa đông thì lá lìa cành, rơi xuống đất hóa thành mùn. Câu chuyện giải thích thế nào là người sống, thế nào là người chết, theo đó sinh lão bệnh tử là quy luật tuần hoàn.

Tại Âu Mỹ, rất nhiều trường học đều có tài liệu giảng dạy về “cái chết”. Trong đó toàn bộ trường tiểu học Mỹ đều có môn này trong chương trình học. Khi học môn này, người thầy sẽ cùng học trò bàn luận về chủ đề “tử vong”, quan hệ giữa sống và chết, tâm thái hợp lý khi đối đãi với cái chết, qua đó có thể giúp trẻ giảm bớt cảm giác sợ hãi khi đối mặt với cái chết, biết rõ cần học được sự khoan dung cũng như quý trọng sinh mệnh bản thân lẫn người khác.



Đọc cho trẻ những câu chuyện cổ nói về cái chết, cũng là một cách dạy trẻ biết về sinh lão bệnh tử, vòng đời của sinh mệnh. (Ảnh: Rebecca Seiling)

Giáo dục phương Đông, cụ thể hơn là ở Việt Nam, hầu như không có chương trình giảng dạy về điều này. Điều này khác biệt khá lớn với các nước phương Tây và giáo dục truyền thống xưa.

Những người được giáo dục trong tư tưởng Phật giáo và Đạo giáo, thì cái chết được giảng giải rất rõ ràng, sinh mệnh con người có sinh lão bệnh tử tuần hoàn cùng vận động của vũ trụ là thành trụ hoại diệt, chết là sự luân hồi hoàn trả nợ nghiệp, và chết chưa phải là chấm dứt hoàn toàn. Do đó, người xưa Việt Nam và các nước phương Đông như Trung Quốc xem cái chết rất nhẹ.

Cũng nhờ vào việc được giáo dục về cái chết từ nhỏ, nên tâm thái của người phương Tây trước cái chết cũng không bi thương và thống khổ cùng cực.

Ví như tại nước Đức, trong lễ hạ tang thường có đặt vòng hoa, không khí nghiêm trang và bình thản, không bi thống. Thậm chí, với nỗi tiếc thương, họ có thể kể về những kỷ niệm khó quên đối với người đã chết, đôi khi câu chuyện khiến người đưa tang cất tiếng cười. Đối với trẻ em có thể giảng giải cho chúng từng chút một, đối với người chết thì quan trọng là điều họ để lại, là tình thương và kỷ niệm không phai trong trái tim.

Lựa chọn cách nói hợp lý cho trẻ về cái chết chính là giúp trẻ mạnh mẽ hơn trong cuộc sống, chính là học cách chấp nhận những khó khăn trên đường đời.

Hàn Mai, theo Epochtimes.com