Giải độc hiệu quả với 9 vị thuốc dễ tìm




Trong y học cổ truyền, có rất nhiều thảo mộc nhìn qua thì thấy rất thông thường nhưng lại có tác dụng giải độc cực kỳ hiệu quả, nhất là khi được dùng xen kẽ đều đặn.


Sắn dây còn gọi là cát căn, y học cổ truyền thường dùng lá, hoa, rễ củ và bột sắn dây để giải độc. (Ảnh sưu tầm từ Internet)

1. Sắn dây

Sắn dây còn gọi là cát căn, y học cổ truyền thường dùng lá, hoa, rễ củ và bột sắn dây để giải độc. Lấy củ sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho bệnh nhân uống hoặc dùng củ khô (cát căn) sắc lấy nước uống.

Bột sắn dây hòa với nước, thêm vài giọt chanh, chút đường rồi uống. Nếu không thích vị bột sống thì có thể nấu chín. Cốt lõi là tìm được loại bột sắn dây chất lượng, không bị pha trộn tạp chất.

Lá sắn dây tươi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cho bệnh nhân uống để chữa rắn độc cắn, còn bã đắp lên trên vị trí tổn thương.

2. Rau mùi

Rau mùi hay còn gọi là ngò rí, hồ tuy, mùi tui, mùi ta, nguyên tuy, hương tuy… là loài cây thân thảo sống thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc từ Tây Nam Á, châu Phi.

Hạt rau mùi thường dùng để chữa ngộ độc thức ăn bằng cách lấy khoảng 120g hạt mùi đem sắc với 2 bát nước còn lại 1 bát, chia uống 2 lần trong ngày.

Lá rau mùi không chỉ là gia vị cho món ăn mà còn có tác dụng giải độc kim loại nặng cho cơ thể, tăng cường khả năng chống oxy hóa, chống lão hóa và phòng chống tiểu đường.

3. Rau má



Rau má vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải độc, làm mát gan và lợi tiểu. Để giải độc lá ngón hoặc say sắn thì dùng cả cây rau má rửa sạch, giã nát, hòa với nước ấm rồi gạn lấy nước cho bệnh nhân uống. Để chữa ngộ độc nấm cũng làm như trên hoặc lấy rau má 160g đem sắc với 80g đường phèn lấy nước uống; hoặc dùng 160g rau má và 400g củ cải tươi, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống.

4. Diếp cá

Theo Đông y: Diếp ca hay còn gọi là ngư tinh thảo có vị cay, tính lạnh. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu thũng. Dùng chữa chứng ho do phế nhiệt, phế ung, thủy thũng, nhiệt lỵ, bạch đới, mụn nhọt…

Trong Đông y truyền thống, rau diếp cá thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… đặc biệt là chứng bệnh mà người xưa gọi là “phế ung” (“phế ung” có những triệu chứng giống như áp-xe phổi trong y học hiện đại).

Nước lá diếp cá uống có vị tanh hơi chua, nhưng sẽ dễ uống hơn khi bổ sung chút đường hoặc sau khi đun nóng nhanh để khử mùi. Có thể kết hợp diếp cá với các món ăn, vừa làm gia vị, vừa giúp cơ thể giải độc, phòng bệnh.

5. Trái bơ

Hiệp hội Hóa học Mỹ nghiên cứu thấy bơ rất giàu glutathione có thể làm giảm tổn thương gan giúp làm sạch và cải thiện chức năng gan. Quả bơ còn có nhiều chất béo không bão hòa giúp làm giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt.


Hơn nữa, quả bơ chứa nhiều khoáng chất, vitamin và chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe cho gan và làm giảm chất béo. Để chữa lành các tổn thương gan, nên ăn 1-2 quả bơ mỗi tuần trong một vài tháng.

6. Bưởi


Bưởi có chứa glutathione, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ làm trung hòa các gốc tự do, giải độc gan và kim loại nặng. Hơn nữa, naringenin flavonoid trong bưởi giúp phá vỡ các chất béo.

Uống một ly nhỏ nước ép hoặc ăn bưởi vào buổi sáng hàng ngày là rất tốt.

Lưu ý: Nếu bạn đang dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bưởi vì một số chất trong đó có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định.

7. Mè đen


Các nghiên cứu cho thấy mè đen có thể bảo vệ gan, chống lão hóa. Mè đen chứa nhiều vitamin E, khoáng chất và chất xơ, có thể tăng cường chức năng gan, thúc đẩy tiêu hóa và bài tiết, tăng cường khả năng chống oxy hóa, chống suy lão, làm đen tóc.

8. Rau mầm súp lơ xanh

Rau mầm súp lơ xanh là một loại rau họ cải chứa nhiều vitamin, khoáng tố và các chất mang hoạt tính sinh học cao thuộc nhóm flavanoid, carotenoid, sulforaphane và indole, có thể hỗ trợ gan hóa giải các độc tố và đào thải nhiều chất độc hại gây ung thư, trung hòa những gốc tự do trong tế bào.

9. Đậu đen


Theo y học cổ truyền, đậu đen tính hơi ôn, vị ngọt, quy kinh thận, có tác dụng trừ thấp, giải độc, bổ thận, bổ huyết, bồi bổ cơ thể. Nhiều sách cổ viết rằng, ăn đậu đen chữa được chứng thủy thũng, tê thấp, bổ thận, giải độc cơ thể, phụ nữ dùng lâu ngày thì làm đẹp dung nhan.

Phân tích hiện đại cho thấy trong đậu đen có chứa nhiều sinh tố A, B, C, PP và khoáng chất. Đậu đen cũng chứa nhiều axit amin quan trọng như: lysin, methionin, tryptophan, phenylalanin, alanin, valin, leucin… Axit amin arginin có trong đậu đen rất tốt cho nam giới trong việc tăng cường chức năng sinh lý.

Ngoài ra, đậu đen còn chứa nhiều anthocyanin – chất khiến cho lớp vỏ hạt đậu có màu đen, chúng có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chống ung thư, kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa tế bào.

Có thể dùng đậu đen hoặc nấu nước uống để thanh lọc cơ thể. Rang đậu đen rồi dùng hãm nước uống như trà. Mỗi ngày từ 20-40g đậu đen, nấu cùng với 30g đại táo, nấu chung ăn liên tục trong 3-4 ngày để chữa suy nhược.

Độc tố trong sinh hoạt hàng ngày liên tục tích dồn trong cơ thể, do đó việc giải độc cũng không thể ngày 1 ngày 2 là xong hết, mà nên thực hiện đều đặn hàng tuần (thậm chí là hàng ngày nếu được) để phòng tránh những bệnh nguy hiểm về sau.

Theo Trithucvn