Có một hội chứng tâm lý "ám ảnh tình yêu" cực kỳ nguy hiểm mang tên... Adele?






Hình minh họa.

Tại sao tên cô ca sĩ nổi tiếng thế giới lại được đặt cho một hội chứng tâm lý? Hóa ra, câu chuyện đằng sau đó lại khiến nhiều người cực kỳ thương cảm.

Tâm lý con người đến nay vẫn là một phạm trù rất bí ẩn. Khi y học phát triển, đó cũng là lúc chúng ta nhận ra tâm lý có thể biến tướng thành những căn bệnh thực sự kỳ lạ và không kém phần nguy hiểm.

Nhưng bạn tin được không? Thậm chí chúng ta có cả một hội chứng tâm lý mang tên Adele - cô ca sĩ người Anh nổi tiếng thế giới với những bản pop ballad bất hủ. Nhưng tại sao tên của cô lại được lấy ra đặt cho một căn bệnh? Nguyên nhân sẽ được bật mí ngay dưới đây.



Hội chứng Adele - căn bệnh bắt nguồn từ một mối tình bi thảm

Hội chứng Adele còn có một tên gọi khác là "hội chứng ám ảnh tình yêu", hoặc "cuồng yêu". Và để trả lời cho thắc mắc của các bạn, thì cái tên Adele ở đây không phải là ca sĩ Adele, mà là Adele Hugo - con gái ruột của nhà văn nổi tiếng người Pháp - Victor Hugo.



Adele Hugo - con gái nhà văn Victor Hugo


Cái tên ấy bắt nguồn từ câu chuyện cuộc đời bi thảm của chính cô gái này. Xinh đẹp, tài giỏi, và quyến rũ, Adele Hugo thừa hưởng rất nhiều đức tính từ người cha

Đến năm 16 tuổi, cô yêu Auguste Vacquerie nhưng trong thời gian chờ đủ tuổi để kết hôn, cô lại có cho mình một hình bóng khác - thiếu tá Albert Andrew Pinson. Ngờ đâu, đó lại là nguồn cơn của mọi sự bất hạnh.

Pinson là một quân nhân khá lớn tuổi, nhưng đẹp trai và thu hút phụ nữ. Họ từng yêu nhau say đắm, thậm chí Pinson đã từng cầu hôn Adele và cô đã từ chối vì kiêu kỳ.

Tuy nhiên, những ngăn cấm từ gia đình Adele cũng như lệnh thuyên chuyển công tác quân sự đã khiến tình cảm của Pinson phai nhạt dần. Trong khi đó, Adele chưa khi nào hết cuồng si anh, để rồi sự si mê trở thành một nỗi ám ảnh



Sự cuồng si của Adele đã trở thành ám ảnh (Ảnh từ bộ phim về Adele Hugo)

Cô theo đuổi Pinson đi khắp thế giới, thông báo cho tất cả là đi gặp gia đình anh, đã làm đám cưới và sống rất hạnh phúc, dù thực tế Pinson chẳng còn quan tâm đến cô. Cô viết thư hàng ngày cho anh, cố làm mọi cách để liên lạc và gặp gỡ. Nhưng Pinson chỉ hồi đáp và gặp cô một lần duy nhất, sau đó thì tảng lờ đi.

Thế rồi Adele bắt đầu xuất hiện những triệu chứng của bệnh tâm lý. Cô bỏ ăn, không buồn chăm sóc bản thân, sống cô độc, sức khỏe thì ngày một xấu đi. Chỉ có nỗi ám ảnh về Pinson là không ngừng tăng tiến từng ngày.



Adele chưa khi nào hết si mê Pinson (ảnh từ phim)

Cô vẫn bám theo anh đến mọi thành phố anh công tác, thậm chí cắt tóc giả trai để tiện theo dõi anh. Cô sử dụng mọi cách để khiến chàng thiếu tá yêu mình trở lại, kể cả những việc xấu hổ nhất với phụ nữ. Cô tin rằng tình yêu giữa cả hai là bất diệt, kể cả khi Pinson đã cưới một người phụ nữ khác.

Cuối cùng, Adele trở nên hoàn toàn điên loạn. Cô ngày ngày ra phố trong bộ trang phục rách rưới để tìm kiếm người mình yêu, bất chấp sự cười cợt và thương hại của người đời.

Dù được đưa về Pháp nhờ sự giúp đỡ của một người phụ nữ tốt bụng, cô chẳng còn nhận ra ai, kể cả cha mình. Sau cùng, cuộc đời của con gái ruột đại văn hào kết thúc trong nhà thương điên.



"Ám ảnh tình yêu" là một hội chứng nguy hiểm


Trong Y học, người ta dùng cái tên Adele để chỉ hội chứng tâm lý khiến người bệnh có cảm giác yêu đến mức cuồng điên.
Nghe thì có vẻ nhẹ nhàng, nhưng chứng bệnh này được đánh giá là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể so sánh với một số tệ nạn xã hội như đánh bạc, nghiện rượu.

Triệu chứng của căn bệnh này khá rộng. Nó gần như tương tự với chứng trầm cảm nặng, nhưng có phần nguy hiểm hơn: tự ngược đãi, hành động liều lĩnh, luôn nuôi giữ hy vọng hão huyền và bỏ qua hoàn toàn lời khuyên từ người khác.
Có trường hợp bị mất ngủ, hoặc tất cả các giấc mơ đều về một người mà bản thân đang tôn thờ.




Nhìn chung, người mắc bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống thường ngày. Họ không còn muốn làm việc nữa, khả năng tập trung khó khăn hơn (vì lúc nào cũng nghĩ đến người yêu). Thậm chí, một vài trường hợp nặng còn cuồng đến mức thu thập tất cả những gì liên quan đến người mình yêu, kể cả... giấy vệ sinh

Nếu như không được điều trị kịp thời, hội chứng Adele chắc chắn sẽ hủy hoại cuộc đời của người bệnh. Nạn nhân sẽ sớm xa rời thực tế, sống trong ảo tưởng về một mối quan hệ viên mãn nhưng không có thực. Hơn nữa, khả năng tự tử, thậm chí giết người rồi tự tử cũng có thể xảy ra.
Nhưng cũng thật may mắn, đây không phải là hội chứng quá khó điều trị, một số trường hợp chỉ cần uống thuốc là đủ.

Tuy nhiên đa phần phải kết hợp với điều trị tâm lý, vì chẳng có thuốc nào có thể chữa lành vết thương lòng. Ngoài ra, quan trọng nhất là sự giúp đỡ từ người thân và bạn bè xung quanh, để đưa bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường của họ.

Nguồn: Bright Side, Acikgunluk Health, Curiosity

theo Trí Thức Trẻ