Đề xuất bị can được nộp tiền để tại ngoại





Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.


Việt Nam có thể cho phép bị can, bị cáo ‘tại ngoại hậu tra’, tức là đóng một số tiền thế chân dựa trên mức độ nặng nhẹ của tội phạm.

Bộ Công An, Bộ Tài Chính, Bộ Quốc Phòng, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Việt Nam lần đầu tiên đưa ra đề xuất như vừa nêu.

Tùy theo mức độ và tính chất nặng nhẹ của hành vi phạm tội, số tiền mà bị can, bị cáo được đóng để không bị tạm giam là từ 30 triệu đến 200 triệu đồng.

Theo dự thảo thông tư liên tịch giữa những bộ- ngành vừa nêu, những chi tiết cụ thể về trình tự, thủ tục, mức tiền thế chân, việc tạm giữ, việc hoàn trả, việc nộp vào ngân sách nhà nước, dựa căn bản trên qui định Điều 122 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 của Việt Nam.

Đây là một điều rất tiến bộ rất mới của Việt Nam, mức độ mà Bộ Công An đề nghị tôi thấy là hợp lý thôi.
- Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật Và Phát Triển, gọi tắt là VUSTA, nhận định:

Trong quá trình xây dựng Luật Tố Tụng Hình Sự việc bị can, bị cáo có thể đặt tiền để được tại ngoại đã được trao đổi rất nhiều giữa những người làm công tác xét xử cũng như điều tra và kể cả giới luật sư cũng có tham gia góp ý kiến.

Đây là một qui định có thể nói là tiến bộ, đảm bảo quyền con người tốt hơn. Đối với những bị can , bị cáo có điều kiện là không cần thiết phải giam giữ để ngăn chặn không phạm tội nữa thì theo tôi qui định này là tót thôi.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Đoàn Luật Sư thành phố Hồ Chí Minh:

Đây là một điều rất tiến bộ rất mới của Việt Nam, mức độ mà Bộ Công An đề nghị tôi thấy là hợp lý thôi. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã qui định rõ điều này rồi,tại ngoại là quyền con người, quyền công dân được bảo đảm theo Hiến Pháp 2013 trong cải cách tư pháp, một bước tiến theo quốc tế.

Đồng ý với luật sư Nguyễn Văn Hậu, luật sư Nguyễn Duy Minh bổ túc:

Công việc cải cách tư pháp phù hợp với điều kiện hiện nay ở Việt Nam, khi mà các điều kiện nhận thức về pháp luật, điều kiện kinh tế rồi điều kiện phát triển thì ta thấy áp dụng cái này nó phù hợp. Mà cái này cũng không phải là ân huệ, tôi nghĩ tội phạm không nguy hiểm, thứ hai là có điều kiện và thứ ba là không bỏ trốn hoặc không gây thêm hậu quả tiếp theo thì nguyên tắc khi chưa có bản kết án của tòa thì chưa phải tội phạm. Khi người ta thấy đóng tiền đấy mà vẫn bảo đảm được cho quá trình điều tra thì người ta áp dụng thôi. Đó vẫn là một trong các biện pháp áp dụng cho bị can, bị cáo trong quá trình chưa xét xử.

Mặt khác, thời hạn đặt tiền để được ra ngoài không thể quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử, Tòa Án và Viện Kiểm Sát có trách nhiệm trả lại số tiến thế chân khi bị can hay bị cáo cam đoan chấp hành nghiêm chỉnh và đầy đủ những điều kiện đã cam kết.

Tôi có một cái lo ngại như thế này, tội phạm tham nhũng với số tiền lớn thì những người giàu có thì người ta có điều kiện đặt tiền để được tại ngoại.
- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao

Cần phải thấy luật thì có qui định nhưng mức độ áp dụng với những đối tượng cụ thể như thế nào, là câu hỏi của phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Sách Pháp Luật Và Phát Triển ở Hà Nội:

Tôi có một cái lo ngại như thế này, tội phạm tham nhũng với số tiền lớn thì những người giàu có thì người ta có điều kiện đặt tiền để được tại ngoại. Thậm chí không loại trừ là cũng có những tội phạm vẫn có thể nguy hiểm cho xã hội nhưng bằng tiền người ta vẫn có thể đặt cọc để được tại ngoại. Việc tôi quan tâm là liệu qui định này được áp dụng trong thực tế như thế nào, có đạt được mục tiêu chính sách nhân văn, nhân đạo, đồng thời đảm bảo công minh công bằng cũng như phòng ngừa được tội phạm hay không thì đó là điều mà tôi nghĩ các cơ quan, đặc biệt là tòa án mà ra quyết định cho tại ngoại, cần xem xét kỹ lưỡng chứ không thể để điều khoản này bị lạm dụng.

Về ý ưởng thì tốt nhưng bây giờ vấn đề thực hiện nữa, chúng ta hãy đợi cùng với thời gian mới có thể phát biểu nó có hiệu quả tốt, tích cực hay cũng chưa thực sự tích cực như chúng ta mong muốn.

Vấn đề đóng tiền thế chân để được tại ngoại hầu tra không phải là mới gì vì nhiều nước trên thế giới áp dụng lâu nay. Việt Nam hiện trong quá trình hội nhập với quốc tế, nên cũng đi theo chiều hướng đó. Tuy nhiên theo ông Hoàng Ngọc Giao thì ở Việt Nam cần phải có thời gian cho một hoạt động mới mẻ như thế.



Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-07-12