Tướng về hưu :Đừng để mình lạc lõng giữa nhân dân






Ông Liêm xúc phạm CSGT.

Năm 2008, khi còn làm đại biểu Quốc hội, tướng Võ Văn Liêm, đã có những phát biểu mạnh mẽ về Dự luật an toàn giao thông đường bộ sửa đổi.

Khi ấy, trên nghị trường, tướng Liêm còn đề nghị cấm sử dụng rượu bia… trước khi điều khiển phương tiện giao thông: Ít nhất sau 6 giờ hết nồng độ cồn trong máu và khí thở, thì mới được điều khiển phương tiện giao thông.

"Có người uống cả lít chưa say, có người một chén đã say. Quy định như dự luật biết ai say, ai không say, ai còn khả năng điều khiển được môtô" – tướng Liêm nói.

Lên tiếng trong cơn bão dư luận, tướng Liêm nói mình không hề uống một giọt rượu nào. Sự nóng giận ấy xuất phát từ việc CSGT hành xử sai khi xe ông không vi phạm luật giao thông.

Tuy nhiên, đại tá Trần Minh Thành – Trưởng Công an quận Bình Thủy đã đưa ra bằng chứng từ thiết bị đo tốc độ của CSGT cho thấy xe chở tướng Liêm đang "bay" tới 81km/h, trong khi tốc độ tối đa chỉ là 70km/h.

Nhưng trong vụ việc này, có một chi tiết rất quan trọng không cần đưa ra thêm bằng chứng, là thái độ lệch chuẩn của một người đã từng làm ở những cơ quan đòi hỏi tính chuẩn mực rất cao.

Sự ngạc nhiên của kẻ hậu sinh…

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các vị tướng về hưu, nhất là những vị tướng đã tận hiến tuổi trẻ, trí tuệ và cả xương máu cho đất nước.
Một kẻ hậu sinh như tôi đã rất ngạc nhiên khi được tận thấy thái độ, ứng xử bình dị, khiêm nhường, thượng tôn pháp luật của những chiến tướng lừng lẫy một thời.

Trung tướng, cựu ĐBQH Nguyễn Quốc Thước, sau khi nghỉ hưu cả chục năm, vẫn được dân chặn xe, đến nhà cậy nhờ những vụ việc oan khuất, bức xúc.

Ai cũng được tướng Thước đón tiếp ân cần, lắng nghe và được người lính già ấy ngâm cứu hồ sơ, gửi kiến nghị hoặc chuyển đơn của họ đến cơ quan chức trách.

Nói về chuyện mình vẫn lên tiếng thường xuyên ở tuổi 90, 91 (bằng phát ngôn trên báo chí, bằng tâm thư gửi các nhân vật quan trọng) để giúp dân, tướng Thước bảo: "Coi thường dân cũng là coi thường chính mình. Ai cũng từ dân ra hết".

Nói về tư cách của những công bộc lãnh đạo, tướng Thước tâm niệm: "Phải trọng dân, nghe dân, hành xử minh bạch thì mới được nhân dân tin yêu, quý trọng. Đừng làm những việc để con cháu sau này phải xấu hổ, không dám ngẩng mặt lên với người đời".



Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên phải) và Thiếu tướng Vũ Trọng Kính (bên trái)

20 năm sau khi nghỉ hưu, đôi vợ chồng tướng Vũ Trọng Kính (GS.TS, thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân Y, Bộ Quốc phòng) - Lê Thị Bích Hoàn vẫn ngày ngày kê đơn, khám bệnh miễn phí cho người dân quanh khu vực phường Liễu Giai, Hà Nội.

Tướng Kính sức khởe rất yếu nhưng bệnh nhân nào đến gặp ông cũng tiếp đón ân cần như người nhà. "Cố gắng làm quân y trọn đời để phục vụ người bệnh đến hơi thở cuối cùng" – ông khẳng định.

Tôi cũng được nghe kể câu chuyện về vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Thời gian nghỉ hưu những năm 1980, vị cựu Phó Ban đối ngoại Trung ương Đảng đã chăn gà, nuôi lợn, ngồi dán vỏ bao bì cao Sao Vàng của Nhà máy in Tiến Bộ, để phụ giúp cô con gái cải thiện đời sống.

Thiếu tướng Hoàng Đan, Nguyên tư lệnh quân đoàn 2, một chiến tướng tài ba, sau khi nghỉ hưu, vẫn vui vẻ đan rổ nhiều năm để phụ giúp kinh tế gia đình.

Khi ông còn sống người ta thường thấy một ông già vui vẻ chan hòa, hiền lành phóng xe cup 50 lượn vèo vèo đi chợ, đi chơi. Không ai biết ông đã từng là nỗi khiếp sợ của nhiều tướng địch trong suốt hai cuộc kháng chiến.



Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (bên phải) và Thiếu tướng Hoàng Đan (bên trái)

Những ai đã gặp một chiến tướng lẫy lừng, một nhà lý luận quân sự xuất sắc - GS, nhà giáo nhân dân, thượng tướng Hoàng Minh Thảo – thì đều bị bất ngờ vì thái độ ứng xử gần gũi và dáng vẻ hiền từ của ông.

Ngay cả cặp lông mày "quan công" rất đẹp và dữ dội của ông, cũng trở nên rất hiền từ trên gương mặt lúc nào cũng cười của ông. Lớp hậu sinh vô danh như chúng tôi lúc nào cũng có thể gặp được ông.

"Hống hách, oai oách, cửa quyền" là thứ không bao giờ xuất hiện trong cách hành xử và thái độ của những vị tướng như tướng Thảo, tướng Thước, tướng Đan, tướng Kính và rất nhiều vị tướng khác.

Về hưu, họ sống rất hiền hòa với gia đình, xóm giềng, bè bạn: "Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa", nhưng lại luôn có những trăn trở đóng góp và trợ giúp đồng bào.

Tướng cõng lính: Bài học về sự bình dị và hống hách

Nhà thơ Hoàng Cầm đã có lần kể cho chúng tôi nghe câu chuyện Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và người "tiểu đoàn trưởng hống hách".

Chiến dịch thu đông 1951, tướng Thanh trong bộ quần áo lính trơn bình dị, đi thị sát chiến dịch cùng một nhóm sĩ quan và lính. Tới một con suối, anh tiểu đoàn trưởng quay sang đám lính: "Cậu nào cõng tớ qua suối nhỉ?".

Tướng Nguyễn Chí Thanh xung phong cõng. Đến giữa suối, anh tiểu đoàn trưởng hỏi "người lính" đang cõng mình làm ở đâu.


Khi nghe Tướng Thanh trả lời: "Em làm ở Tổng Cục Chính trị, em tên là… Nguyễn Chí Thanh", anh tiểu đoàn trưởng mặt cắt không còn giọt máu, giãy giụa dữ dội đòi xuống: "Em lạy anh, cho em xuống, anh tha cho em".

Tướng Thanh kiên quyết cõng nốt qua suối rồi cười: "Ơ kìa, cậu này lạ nhỉ. Lính với lính cả, tớ cõng cậu có sao đâu. Ngồi yên không ngã bỏ mẹ cả hai thằng bây giờ".

Sau bài học nhớ đời về sự hống hách đó, nhờ có thành tích, anh tiểu đoàn trưởng vẫn được thăng lên trung đoàn trưởng. Nếu hôm đó anh gặp một vị tướng hống hách, cửa quyền, thì đường quan lộ của anh dễ nửa đường đứt gánh.

Cách đây đúng 30 năm, truyện ngắn "Tướng về hưu" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã gây bão dư luận.

Cuộc sống hậu chinh chiến, hậu quyền hành, trong vòng xoáy mặt trái của kinh tế thị trường khiến cho một vị tướng cảm thấy "bất đắc chí", lạc long, cô đơn dù sống giữa gia đình mình.

Sau 30 năm, những tướng về hưu trong đời thực được sống trong những bối cảnh kinh tế - xã hội không giống như xưa nữa.

Nhưng để họ không bị lạc lõng giữa cuộc sống này; để hình ảnh của họ mãi đẹp trong lòng dân, thì 30 năm trước hay 30 năm sau, họ vẫn phải chứng tỏ rằng mình không đứng trên nhân dân, đứng trên luật pháp.



theo Trí Thức Trẻ
Bùi Hải | 17/07/2017