Địa ngục tại Triều Tiên qua lời kể của những người đào thoát




Triều Tiên vẫn được biết đến là quốc gia bí ẩn với những chính sách vô cùng hà khắc. Qua lời kể của các nhân chứng từng đào thoát khỏi đất nước này, chúng ta sẽ phần nào thấy được điều mà người dân đang phải đối mặt.



Otto Warmbier bị chết ngay sau khi được thả ra khỏi nhà tù Triều Tiên. (Ảnh: Influence with Aquinas)
Sau hơn một năm bị giam giữ ở Triều Tiên vì lấy một khẩu hiệu tuyên truyền, sinh viên Mỹ Otto Warmbier được thả ra trong tình trạng hôn mê và qua đời vài ngày sau đó. Sự ngược đãi mà Otto gánh chịu cũng là điều mà có thể hàng triệu người dân nước này đang ngày ngày đối mặt.

Otto Warmbier đã qua đời ở tuổi 22 vì những tổn thương não bí ẩn gặp phải trong thời gian hơn 1 năm rưỡi bị giam cầm trong nhà tù tại Bắc Triều Tiên.

Cái chết của Otto gióng lên hồi chuông cảnh báo cộng đồng quốc tế cần phải đặt tâm, giám sát chặt chẽ và lên án mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động tra tấn tàn bạo trong các trại giam dưới chế độ Kim Jong-un.

Nhiều người tin rằng, tổn thương não mà Otto gặp phải là do anh đã phải ở một trong những trại tù khủng khiếp của chế độ nhà họ Kim, nơi hàng nghìn công dân Bắc Triều Tiên được cho là đã chết.

Người dân đi mót lúa – cảnh tượng thường thấy ở Triều Tiên (Ảnh: BBC)

Các bác sĩ của Warmbier tại Cincinnati nói rằng cậu sinh viên này đã bị “mất nhiều mô não ở khắp các vùng não của mình”, hệ quả từ tình trạng thiếu oxy lên não trong một thời gian dài. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận tại sao Otto lại bị thiếu oxy và máu lên não.

Otto chỉ là một nạn nhân trong vô số những tù nhân đang hàng ngày chịu áp bức tại Bắc Triều Tiên. Chế độ độc tài chuyên chế gia đình trị này được cho là đang giam giữ khoảng hơn 120.000 tù nhân chính trị trong các trại lao động tàn bạo.

Những câu chuyện khủng khiếp về hoạt động tra tấn tù nhân trong các trại cưỡng bức này có thể là một phần manh mối giải thích cho số phận của Warmbier.



Tra tấn: Bức vẽ của một cựu cai ngục Bắc Hàn gửi lên Liên Hiệp quốc, mô tả một người cai ngục đang ép tù nhân chui qua một lỗ nhỏ của bức tường (Ảnh: LHQ)

Trong bài phóng sự mới đây, hãng tin Fox News đã thuật lại cuộc sống như địa ngục tại Triều Tiên qua lời kể của những người trong cuộc.

Jung Heo, đã từng bị đưa tới trại cưỡng bức lao động khi anh còn là một thiếu niên. Anh kể với Fox News rằng anh bị đánh đập đến mức thâm tím khắp người và việc anh bị tra tấn hầu như diễn ra trong từng giây phút. Có tới 20 người bị nhốt trong một phòng giam chật hẹp.

Tiếng khóc và tiếng la hét trở thành âm thanh quen thuộc trong cuộc sống cầm tù. Khi màn đêm buông xuống là những tiếng thét đau đớn vì bị tra tấn tàn bạo.

Các tù nhân cố gắng ngủ trong cơn đói cồn cào với những nỗi đau thấu tim gan do xương bị gãy sau mỗi trận tra tấn. Trong khi đó, vào lúc nửa đêm, “cảnh sát mật” bắt phụ nữ đi để hãm hiếp.

“Chúng tôi có thể nghe thấy họ hét lên” Jung Heo nói. “Bạn có bao giờ nghĩ điều tàn ác nhất trên thế gian này lại là điều bình thường ở nơi đây”.

Jung Heo từng trốn sang Trung Quốc với hy vọng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Vào tháng 11/2005, Jung Heo cùng 12 người khác – đã vượt biên sang Trung Quốc và ở lại nhà của “một người môi giới” ở Bắc Kinh. Người môi giới yêu cầu họ không rời khỏi nhà vì lý do an toàn. Nhưng vào ngày 6/12/2005, một ngày trước khi anh bước sang tuổi 14, một nhóm cảnh sát Trung Quốc có trang bị vũ khí và dùi cui điện – ập vào ngôi nhà và bao vây những người đào thoát đang vô cùng sợ hãi.

“Người môi giới cũng có một khẩu súng và một chiếc dùi cui. Hóa ra anh ta là đặc vụ”, Jung Heo nhớ lại. “Tôi bị giam giữ 2 ngày trong một nhà tù ở Trung Quốc và sau đó bị đưa trở lại trại giam Sinuiju ở Triều Tiên”.

Sau vài tháng, Jung Heo được thả tự do. Nhưng vào năm 2008, ở tuổi 17, Heo lại quyết định đào thoát một lần nữa. Hiện tại, anh là sinh viên khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Seoul, đồng thời học tiếng Anh tại trung tâm tiếng Anh cho người tị nạn Triều Tiên.

Jung Heo tâm sự “Nơi đây giống như thiên đường vậy. Tôi vẫn chưa tin là mình đang sống ở đây”.



Jung Heo, 26 tuổi, sống tại Hàn Quốc sau khi trốn thoát khỏi Triều Tiên. (Ảnh: Fox News)

Đối với phần lớn 25 triệu người dân Bắc Triều Tiên, cuộc sống bên ngoài trại giam cũng không hề dễ dàng, có lẽ chỉ tốt hơn một chút so với những gì Jung Heo đã trải qua.

Cuộc sống của họ vô cùng tồi tệ, từ việc bị cưỡng bức phá thai, … cho đến việc người dân bị đột ngột mất tích, điều này thường được mô tả là “cưỡng bức chuyển hóa người dân”. Việc chuyển hóa này có thể xảy ra đối với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào. Quân đội Triều Tiên vốn khét tiếng là có thể ập vào nhà người dân và bắt bớ toàn bộ các thành viên trong gia đình. Sau đó, không ai biết những người này bị đưa đi đâu và họ sống ra sao.

Hyeonseo Lee khi còn là học sinh phổ thông tại Bắc Triều Tiên đã bị buộc phải chứng kiến những cuộc hành quyết, vu khống bạn bè và đào đường hầm tránh bom nguyên tử.

Tuy nhiên, từ thời ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, Lee và các bạn cùng lớp luôn được nhồi nhét một tư tưởng rằng họ đang sống tại “quốc gia tuyệt vời nhất trên trái đất” dưới sự cai trị của vị lãnh đạo nhân từ như Chúa Trời mà tất cả đều kính yêu như trẻ em yêu quý ông già Noel.

Mãi cho tới khi rời Bắc Triều Tiên vào năm 17 tuổi, Lee mới bắt đầu nhận ra toàn bộ những điều khủng khiếp về chính quyền nước mình, với chiến dịch tuyên truyền đối với mọi người dân như cô ngay từ lúc chào đời. Lee hiện giờ đang sống tại Hàn Quốc và là một nhà hoạt động vì nhân quyền.

Trong một hồi ức xuất bản tại London, Lee đã tiết lộ về cuộc sống thường nhật khác thường với sự thật tàn khốc trên đất nước bị phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới.

“Rời khỏi Bắc Triều Tiên không giống như ra khỏi bất kỳ một quốc gia nào. Nó tương tự như đang đi khỏi một thế giới khác”, cô viết trong hồi ký tiêu đề “Cô gái với 7 cái tên”. “Gần 70 năm kể từ khi thành lập, Bắc Triều Tiên vẫn mãi bế quan tỏa cảng và hà khắc như thế”.

Mọi gia đình Bắc Triều Tiên đều phải treo ảnh chân dung hai lãnh tụ sáng lập đất nước được tôn sùng là Kim II-sung và con trai Kim Jong-il. Gia đình nào không chăm chút cho bức hình hay quên lau rửa sạch sẽ chúng sẽ phải chịu hình phạt vì tội bất kính.

Mỗi khi ăn Lee còn phải nói lời biết ơn “Lãnh tụ tôn kính Kim II-sung” vì đã cấp cho cô đồ ăn trước khi cầm đũa.



Ảnh chụp Lee Hyeon-seo lúc cô đang phát biểu tại một cuộc phỏng vấn với Reuters ở Seoul, ngày 29/5/2013. (Ảnh: Reuters)

Gia đình cô có vai vế trong xã hội với người cha làm trong quân đội, điều đó nghĩa là họ sẽ không bao giờ thiếu thốn cái ăn cái mặc. Tuy nhiên sự tàn bạo và nỗi lo sợ vẫn luôn bao trùm khắp Bắc Triều Tiên.

Chỉ cần đôi chút được cho là bất trung về chính trị cũng đủ để khiến cả một gia đình gồm ông bà, cha mẹ và con cái biến mất. “Cả gia đình sẽ bị tống lên xe tải vào ban đêm rồi biến mất không để lại vết tích. Nhà của họ sẽ bị niêm phong”, cô nói.

Khi Lee đến độ tuổi vị thành niên, thế giới của cô đảo lộn khi người cha bị cảnh sát mật bắt giữ. Ông bị tống vào bệnh viện với những vết thương bầm dập toàn thân rồi tử vong ngay sau đó. Đến giờ nguyên nhân vụ việc vẫn chưa được sáng tỏ.

Lee kể lại, một trong những yếu tố gây thảm họa tại Bắc Triều Tiên là mọi người đều sống khép kín và chỉ một lỗi nhỏ cũng đủ để mất mạng.

“Ở Bắc Triều Tiên hiếm khi người lạ được giúp đỡ. Bạn sẽ gặp nguy hiểm nếu giúp người khác”, cô viết, “nhà nước có rất nhiều người chuyên chỉ điểm và tố cáo”.

Hành quyết ngay ở nơi công cộng được chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng nhằm thị uy để buộc mọi người răm rắp tuân lệnh.

Lần đầu tiên Lee chứng kiến cảnh tượng hành quyết là lúc cô 7 tuổi. Sau khi Kim II-sung qua đời vào năm 1994, có rất nhiều người bị hành quyết chỉ vì đã không bày tỏ đủ niềm tiếc thương đối với lãnh tụ quá cố, Lee kể lại.

Ông Tom Fowdy, người sáng lập Tổ chức Quan sát viên thanh niên Triều Tiên (Young DPRK Watchers), lưu ý rằng các buổi lễ được tổ chức là để hát các bài ngợi ca nhà lãnh đạo của họ.



Lãnh đạo Kim Jong-un và trẻ em Triều Tiên (Ảnh: KCNA/EPA)

Hệ thống phân loại giai cấp khiến người Triều Tiên bị bó buộc trong giai tầng mà họ sinh ra. Giai tầng này được quyết định bởi danh tiếng của gia đình. Đôi khi có người có thể tiến lên vị trí cao hơn nếu giành được sự ủng hộ của người lãnh đạo. Ngược lại, có những trường hợp bị giáng hạ, thường là do họ có quan hệ với tội phạm, những người đào thoát hoặc người Hàn Quốc.

Theo ông Chad O’Carroll, giám đốc điều hành của Korea Risk Group, tổ chức cung cấp các phân tích về tình hình Triều Tiên: “Những người ở giai tầng thấp thường là những người không có tương lai tốt đẹp. Ngược lại, những người ở giai tầng cao, đặc biệt xuất thân trong các gia đình chính khách hay trong quân đội thì có cơ hội và đặc quyền lớn hơn”.

“Nhưng cho dù thuộc giai tầng nào, thì hầu hết những người Triều Tiên trẻ tuổi không bao giờ được rời bỏ đất nước, không được công khai tiếp cận thông tin nước ngoài mà không được nhà nước cho phép, không được thể hiện sự kính trọng đối với bất cứ ai ngoài lãnh đạo nước mình”.



Người dân Triều Tiên không được thể hiện sự kính trọng đối với bất cứ ai ngoài lãnh đạo nước mình. (Ảnh: Hamodia)

Mỗi người dân Triều Tiên đều được yêu cầu treo ảnh chân dung của cựu lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il trong nhà của họ. Các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên đi kiểm tra để đảm bảo những bức ảnh này được giữ gìn sạch sẽ.

Trong các chương trình giáo dục, các chủ đề quan trọng nhất được dạy ở trường học là “Lịch sử cách mạng của Kim Il-sung”, “Lịch sử cách mạng của Kim Jong-Il”“Lịch sử cách mạng của Kim Jong-un”.

Từ nhỏ, người dân Triều Tiên đã được dạy rằng Mỹ là “kẻ thù tàn nhẫn làm gián đoạn sự thống nhất của Bắc và Nam Triều Tiên”.

Chính quyền họ Kim cũng từng tuyên truyền rằng Hàn Quốc là một vùng đất nghèo khó, nơi lính Mỹ bắn chết các trẻ em Hàn Quốc. Tuy nhiên, người Triều Tiên dần dần biết thêm thông tin và nhận ra rằng Hàn Quốc có mức sống cao hơn miền bắc.


Nhậtnguyet214