Luật sư VN 'vô vọng trong các vụ an ninh'?





Luật sư Phạm Công Út (đứng giữa) trong một phiên xử ở tòa án

Một luật sư tại Sài Gòn bình luận với BBC rằng quy trình tố tụng của các vụ án an ninh quốc gia có lẽ được "đặc quyền" nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác.

Ông cũng cho ý kiến về một dự thảo mà theo ông, giới luật sư nói là khóa miệng luật sư ở Việt Nam.

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 123, các luật sư "không được có hành vi ứng xử và phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư, phương hại đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức khác”.

Trả lời BBC hôm 26/7, luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật Phạm Nghiêm ở TP Hồ Chí Minh, nói: “Đây là dự thảo quy định một cách mơ hồ, hạn chế quyền tự do ngôn luận của luật sư.”

“Luật sư đồng thời cũng là công dân được Hiến pháp bảo hộ quyền tự do ngôn luận, là một quyền cơ bản trong những quyền cơ bản của con người.”
“Tôi cho rằng, nếu có vị luật sư nào đó gây ảnh hưởng, uy tín nghề luật sư thì đã có các cơ quan khen thưởng kỷ luật của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư mà vị luật sư đó đang tham gia sinh hoạt, xử lý.”

“Hơn nữa, nếu có vị luật sư nào đó gây phương hại đến hoạt động của cơ quan tổ chức khác thì cũng là chuyện bình thường.”

“Vì các cơ quan, tổ chức không phải là vùng cấm bất khả xâm phạm cho dù họ sai, và khi các cơ quan, tổ chức đó có những hoạt động xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí cản trở hoạt động hành nghề hợp pháp của luật sư.”

“Vậy thì tại sao dự thảo này lại đi cấm luật sư phát ngôn về các sai trái đó trên các phương tiện đại chúng, trang mạng xã hội?”

BBC: Phải chăng là do gần đây có một số luật sư tạo được ảnh hưởng và có tiếng nói có trọng lượng trên mạng xã hội nên chính quyền muốn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của giới luật sư?

Luật sư Phạm Công Út: Giới luật sư trở thành bị can, bị cáo trong nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia do có những quan điểm trái chiều với nhà nước là không ít.



Hạn chế quyền thông tin khi có những vấn đề được cho là 'nhạy cảm'

Những quan điểm ấy được phổ biến trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội và được nhân rộng, chia sẻ, phổ cập ra quần chúng thành những luồng phản biện xã hội mạnh mẽ, không ít tính thuyết phục.

Và giới luật sư vừa am hiểu pháp luật, lại có thể biết cách trình bày các lập luận, khi họ đứng ở vai trò phản biện hoặc phê phán, họ thường vận dụng phương thức nói có sách, mách có chứng. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức nào đó trước khi có kết luận đúng, sai của cơ quan có thẩm quyền về cơ quan, tổ chức ấy...

BBC: Ông nghĩ gì về ý kiến nói người 'khôn' bây giờ không đi cãi mấy vụ án như nhà hoạt động Thúy Nga, Mẹ Nấm, mà cãi mấy vụ như cựu hoa hậu Phương Nga thì vừa có tiếng, có tiền, vừa an toàn, lại tránh bị rầy rà với chính quyền?

Tôi có xem phim về một luật sư ở Hàn Quốc, ông ấy vốn rất thành công trong dịch vụ môi giới nhà đất, trở thành một người giàu có, nhưng sau đó tham gia bào chữa cho một bị cáo về nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia của Đại Hàn Dân quốc.

Ông ấy đã chứng minh được các bị cáo bị bức cung, nhục hình, buộc phải nhận tội, các luật sư chỉ định thì thông đồng với quan tòa để xin được giảm nhẹ cho các bị cáo để có sự an toàn cho các luật sư ấy.

Vị luật sư chính diện trong bộ phim đã đơn độc chọn con đường bảo vệ quyết liệt các bị cáo ấy và chứng minh các bị cáo này vô tội.

Cuối cùng, vị luật sư ấy cũng trở thành nạn nhân, thành một bị cáo và cũng bị bức cung, nhục hình như các thân chủ của ông, chỉ vì tham gia bào chữa các loại án an ninh quốc gia.

Nếu một xã hội Hàn Quốc công bằng, dân chủ, văn minh như thế mà còn trừng phạt những luật sư đúng đến sự an nguy của chế độ thì Việt Nam có thể tốt hơn hay không?

Các quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia có lẽ được "đặc quyền" nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng.

Vì thế đa phần các luật sư ít tham gia những vụ án được quy kết là xâm phạm an ninh quốc gia là vậy.

BBC: Trong những vụ đã nhận làm cho đến nay, luật sư tự hào với vụ nào, có tiếc nuối hoặc thấy bất lực với vụ nào?

Tôi chưa thống kê được các vụ án mà cái kết đã làm mình tự hào, tiếc nuối hoặc bất lực. Việc đó chỉ có thể nghĩ đến khi không còn hành nghề luật sư được nữa. Hy vọng lúc ấy sẽ có thời gian để chiêm nghiệm lại.


BBC
26-7-2017