Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?






Ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank bị bắt liên quan đến vụ án Phạm Công Danh,

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) vừa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank,

Cũng bị khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng là ông Phan Huy Khang, nguyên là thành viên hội đồng tín dụng, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank.

Trước đó, hồi giữa tháng 7, liên quan đến vụ án Phạm Công Danh cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank "sai phạm nghiêm trọng". Tuy nhiên theo Ngân hàng Nhà nước thì hành vi này không gây thiệt hại cho Sacombank nên đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Bình luận với BBC về ông Trầm Bê bị bắt tạm giam, kinh tế gia Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học kinh tế Quốc dân, phỏng đoán vụ án này "có liên quan đến nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao" và "khi quyền lực của giới chóp bu có sự thay đổi thì họ đưa những nhân vật có sai phạm nghiêm trọng ra xử lý".

"Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng, làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng như các cổ đông của những ngân hàng liên quan," PGS TS Phạm Thế Anh nói.

Thông cáo của Bộ Công an nói ngày 31/7, bộ này đã khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong đó, 16 bị can cũng bị bắt tạm giam, gồm cả ông Trầm Bê và Phan Huy Khang.

Ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH (Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Theo báo Thanh Niên, ông Trầm Bê đã gửi tiền sang Sacombank bảo lãnh và trả nợ thay cho sáu công ty do ông Phạm Công Danh thành lập trên hồ sơ vay vốn tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.800 tỉ đồng.

Tháng 4/2013, ông Danh và Phan Thành Mai, ông Mai Hữu Khương, ông Nguyễn Quốc Viễn đến chi nhánh Sacombank ở Q.3 liên hệ vay tiền. Ông Danh gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho ông Danh vay tiền. Ông Bê đồng ý cho ông Danh vay 1.800 tỉ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Sau đó, ông Bê dẫn ông Danh gặp Phan Huy Khang triển khai làm thủ tục cho ông Danh vay tiền.

Cũng theo báo Thanh Niên, để vay được khoản tiền này, ông Danh chỉ đạo Khương và cấp dưới lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để nộp cho Sacombank.

Ngày 26.4.2013, 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của ông Danh. Có được tiền, ngày 27.4.2013 ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả khoản nợ trước đó cho BIDV. Số tiền còn lại, ông Danh giữ trong tài khoản cá nhân của mình.


Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

Nhận xét về vai trò và uy tín của Ngân hàng Nhà nước trong những vụ sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam, kinh tế gia Phạm Thế Anh nói với BBC:

"Uy tín của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam trong việc xử lý tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong nhiều năm qua rõ ràng là không cao, thể hiện qua các vụ sáp nhập, thâu tóm các ngân hàng với nhau. Sau những vụ sáp nhập đó có những thiệt hại rất lớn đối với hệ thống ngân hàng, đối với nền kinh tế."

Ông Phạm Thế Anh cho biết theo quan điểm cá nhân của ông, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn trong những vụ sáp nhập ngân hàng chẳng hạn như của Southern Bank và Sacombank.

"Họ đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng cũng như các cổ đông có liên quan đến những ngân hàng này."

"Theo tôi, nếu xử lý riết ráo, ngoài những cá nhân mắc sai phạm này, còn phải xử lý những lãnh đạo của các cơ quan quản lý nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình trong những vụ bê bối trong các ngân hàng trong thời gian vừa qua", TS Phạm Thế Anh bình luận.

Khi được hỏi liệu sắp tới có biến đổi gì trong thể chế quản lý ngân hàng ở Việt Nam sau những vụ án lớn như thế này, TS Phạm Thế Anh nói rất khó mà đoán được vì "nó có liên quan đến các vấn đề chính trị phức tạp chứ không thuần túy là các vấn đề kinh tế".



Con đường thâm nhập vào giới ngân hàng của ông Trầm Bê

  • Năm 1991, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dưng Bình Chánh
  • Năm 2002, Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh
  • Năm 2004, ông Trầm Bê giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank).
  • Năm 2012, ông Trầm Bê cùng con trai là ông Trầm Khải Hòa rút khỏi ban lãnh đạo của Southernbank để tham gia vào HĐQT của Sacombank.
  • Ngày 1-10-2015, Southernbank và Sacombank hoàn thành các thủ tục sáp nhập. Ông Trầm Bê cũng xin thôi chức PCT Thường trực HĐQT Sacombank.
  • Ngày 24-2-2017, Ngân hàng Nhà nước chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và con trai ông, ông Trầm Khải Hòa, tại Sacombank




BBC
1-8-2017