Làn sóng đào tị Bắc Triều Tiên vào Thái Lan ngày càng đông





Cao Ủy Trưởng Tị nạn Liên Hiệp Quốc Filippo Grandi trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo ngày 7/7/2017 tại Bangkok.

Số người tị nạn Bắc Triều Tiên tràn vào Thái Lan bất hợp pháp mấy tháng qua gia tăng giữa lúc căng thẳng dâng cao tại bán đảo Triều Tiên vì những chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, giới chức Sở di trú Thái loan báo.

Thái Lan thường được chọn làm con đường quá cảnh của những người Bắc Triều Tiên chạy trốn quốc gia cộng sản nghèo khó này. Hàng trăm người Triều Tiên trốn sang Trung Quốc mỗi năm và từ đó sang Thái Lan bằng đường bộ. Những người này thường được chuyển tới Hàn Quốc.

Năm ngoái có 535 người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan. Trong nửa đầu năm nay, đã có 386 người đào tị sang Thái, theo dữ liệu của Sở Di trú Thái Lan được Reuters trích dẫn. Số này đang gia tăng đều đặn mỗi tuần.

“Trung bình mỗi ngày có từ 20 đến 30 người Bắc Triều Tiên đến miền bắc Thái Lan,” một giới chức Thái Lan nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Số người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan ngày càng tăng dù Bình Nhưỡng kiểm soát nghiêm biên giới với Trung Quốc. Làn sóng đào tị tăng cùng lúc với căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng gia tốc các cuộc thử nghiệm hạt nhân-phi đạn kéo theo những lời cảnh cáo của Washington rằng Mỹ đã mất kiên nhẫn với quốc gia cô lập này.

Tuy nhiên, Liên minh Công dân vì Nhân quyền Bắc Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seoul, nói số người đào tị Bắc Triều Tiên đến Thái Lan không tăng trong năm.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 593 người đào tị Bắc Triều Tiên tìm cách đào thoát tới Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay so với 1.418 người năm ngoái và 1.275 người trong năm 2015.

Giới chức di trú Thái Lan cho biết đa số những người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan tại vùng cực bắc gần Tam giác Vàng từ nước Lào láng giềng, nhưng một con đường mới đã xuất hiện xa hơn về phía nam.

“Chúng tôi thấy nhiều người Bắc Triều Tiên vào Thái Lan tại vài tỉnh vùng đông bắc, dọc theo Sông Mekong trong vài năm qua,” Đại tá Hải quân Chonlathai Rattanaruang, một cấp chỉ huy của lực lượng tuần tra của Hải quân trên Sông Mekong, cho biết.

Một sĩ quan khác xác nhận khuynh hướng này. Ông nói với Reuters là nhiều nhóm người Bắc Triều Tiên đã vào Thái Lan qua các tỉnh vùng đông bắc giáp ranh Lào, trong đó có Nong Khai và Nakhon Phanom, nơi Sông Mekong trở thành biên giới quốc tế.

Thái Lan xem người Bắc Triều Tiên đào tị là những di dân bất hợp pháp hơn là những người tị nạn.

Thái Lan không ký vào Công ước Geneva về Người tị nạn năm 1951 và không có luật lệ rõ rệt về người tị nạn.

Thường nhà cầm quyền Thái, chính phủ Hàn Quốc và người đào tị thường dàn xếp với nhau một cách không chính thức.

“Những người Bắc Triều Tiên đến Thái Lan để bị bắt nhằm có thể được tị nạn tại Hàn Quốc,” ông Roongroj Tannawut, một giới chức quận Chiang Khong gần Tam giác Vàng nói.

Người đào tị Bắc Triều Tiên vào Thái Lan bị bắt và bị xử về tội xâm nhập bất hợp pháp. Sau đó, họ được chuyển đến một trung tâm giam giữ tại Bangkok trước khi bị trục xuất, thường là sang Hàn Quốc.

“Vì Hiến pháp Hàn quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân của họ nên Thái Lan có thể xem Hàn Quốc là đích đến hợp pháp của những người Bắc Triều Tiên bị trục xuất,” ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong tổ chức Human Rights Watch, nói với Reuters.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ít khi thanh lọc những người đào tị Bắc Triều Tiên tại Thái Lan vì có sự dàn xếp giữa Thái Lan và Hàn Quốc.

“Nhiều người Bắc Triều Tiên không đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc vì họ có những con đường khác an toàn hơn,” bà Vivian Tan, phát ngôn viên của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc tại châu Á cho Reuters biết.



VOA
02/08/2017