Mỏ sắt Thạch Khê: Nên dừng hay tiếp tục?





Công trường khai thác tổng hợp của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC).



Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư vừa chính thức gửi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ở Hà Tĩnh được thực hiện trong 12 năm qua. Tuy nhiên, đề xuất vừa nêu gặp phải sự phản đối của Bộ Công Thương.

Đề xuất dừng khai thác

Báo giới trong nước mấy ngày qua đưa tin về đề xuất của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, được là táo bạo khi chính thức gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem xét cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Trước đó, hồi tháng 5 năm 2016, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề nghị dừng dự án này cho đến khi nhà đầu tư đáp ứng đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và quản lý để đảm bảo triển khai dự án khả thi vì kết quả thực hiện dự án sau 12 năm vẫn rất khiêm tốn.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 18 km về hướng Đông Bắc, cách bờ biển 1,6 km và cách cảng Vũng Áng 66 km. Tiến sĩ Địa-Vật lý Nguyễn Thanh Giang, một trong những người tìm ra mỏ sắt Thạch Khê cho Đài Á Châu Tự Do biết đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nửa tỷ tấn và trữ lượng của mỏ sắt Thạch Khê chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt nam. Hàm lượng sắt trung bình cho toàn mỏ là 58%. Qua khảo sát và nghiên cứu của một số tổ chức tư vấn cùng các công ty nước ngoài cho thấy có thể khai thác đến độ sâu 400 mét và đạt được công suất đến khoảng 5 triệu tấn/năm.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang còn cho biết thêm dựa vào các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ Việt Nam thông qua và cho phép thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) và Liên hợp thép Vũng Áng ra đời với cổ đông là 9 tập đoàn Việt Nam cùng 2 tập đoàn của Đài Loan và Ấn Độ là Formosa và Tata. Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê với kế hoạch đầu tư lên đến 5 tỉ đô la và sẽ cho ra đời mẻ thép đầu tiên vào năm 2012. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói với RFA:

Mỏ sắt Thạch Khê liên quan đến Formosa. Mỏ sắt này chính là nguồn cung cấp quặng sắt cho nhà máy thép Formosa. Và đấy cũng là lý do họ nhảy vào lập khu đó. Họ không có kỹ thuật hay đóng góp tài chính vào việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Nhưng Formosa trông chờ vào quặng sắt ở đây để đưa sang khu gang thép của Formosa hoạt động
-TS. Nguyễn Thanh Giang

“Mỏ sắt Thạch Khê liên quan đến Formosa. Mỏ sắt này chính là nguồn cung cấp quặng sắt cho nhà máy thép Formosa. Và đấy cũng là lý do họ nhảy vào lập khu đó. Họ không có kỹ thuật hay đóng góp tài chính vào việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Nhưng Formosa trông chờ vào quặng sắt ở đây để đưa sang khu gang thép của Formosa hoạt động.”

Theo kế hoạch đề ra của dự án, mỏ sắt Thạch Khê sẽ được khai thác ổn định ở mức 10 triệu tấn quặng/năm vào năm 2015 để cung cấp cho các tổ hợp thép ở Vũng Áng với công suất 24 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong 12 năm thực hiện không đạt tiến độ vì nguyên nhân chính là không có vốn.

Trong đề xuất bằng văn bản vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư đưa ra yếu tố trọng tâm để dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê do vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đã giải ngân gần hết vào dự án và TIC không còn vốn để tiếp tục đầu tư, mà nguồn vay thương mại không chắc chắn vì các thỏa thuận tài trợ vốn đều được ký từ năm 2015. Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư nhận định rằng năng lực tài chính của TIC không thể đảm bảo tiến độ đầu tư dự án theo cam kết trong tình huống TIC không tìm ra phương án huy động tài chính mới khả thi.

Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư còn viện dẫn yếu tố quan trọng hơn trong đề xuất dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê; bao gồm báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án được phê duyệt năm 2013 không còn phù hợp, sự cố môi trường có khả năng xảy ra với hậu quả khôn lường như cạn kiệt dòng nước ngầm, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường khu vực mỏ, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương…


Người dân vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê sống trong môi trường bụi bặm, hiểm nguy luôn rình rập. photo: RFA


Đồng thời, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư lo ngại nguồn vốn đầu tư vào dự án sẽ mất trắng vì không đạt được kết quả kinh tế trong tương lai, do Liên hợp luyện kim của Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh đã hoàn thành 2 lò cao với tổng công suất 7 triệu tấn/năm nhưng chưa có ý định mua quặng mỏ Thạch Khê cũng như chưa có doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế nào trong nước cam kết mua quặng mỏ Thạch Khê nên phương án tiêu thụ quặng trong dài hạn chưa chắc chắn.
Đồng quan điểm với Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên cố vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và hiện là thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hiệp Quốc, nêu lên ý kiến của ông với RFA:
Nhà máy Formosa và các lò luyện thép khác nếu không có kỹ thuật và không có công nghệ thích hợp thì họ khó có thể sử dụng được quặng này. Và nếu khai thác mà không rõ rằng sẽ tiêu thụ vào đâu thì đấy là điều rất rủi ro
-TS. Lê Đăng Doanh

“Nhà máy Formosa và các lò luyện thép khác nếu không có kỹ thuật và không có công nghệ thích hợp thì họ khó có thể sử dụng được quặng này. Và nếu khai thác mà không rõ rằng sẽ tiêu thụ vào đâu thì đấy là điều rất rủi ro. Vì vậy, tôi rất thông cảm và hiểu cho Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư chưa đồng ý với việc khai thác này.”

Ủng hộ tiếp tục dự án

Mặc dù vậy, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận Bộ Công Thương Việt Nam vào chiều ngày 31 tháng 7 lên tiếng phản bác đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương cho rằng đề xuất này chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, cần được xem xét thận trọng một cách toàn diện cũng như phải tính đến hậu quả và hệ lụy liên quan thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ vào dự án trong thời gian qua.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, ông Trương Thanh Hoài trong cuộc trao đổi với Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ xây dựng dự án mỏ sắt Thạch Khê vì nếu dừng lại thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh cũng như của Việt Nam.

Trước sự bất nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị:
“Nếu hai Bộ không đồng ý thì tôi đề nghị phải trình lên Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ triệu tập một hội đồng tư vấn độc lập để đánh giá và lúc bấy giờ sẽ có quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ.”

Trong khi đó, vào ngày 1 tháng 8, truyền thông trong nước dẫn lời đề nghị của Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) rằng chính quyền Hà Tĩnh chưa nên vội vàng quyết định dừng hay làm mà nên dành thời gian khảo sát việc khai thác có lợi về mặt kinh tế, xã hội và môi trường hay không. Tuy nhiên, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mại nhấn mạnh môi trường sống xung quanh khu vực thực hiện dự án trông rất thảm hại, tương tự những điều mà Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nói với RFA “Đến đấy thì như là một bãi chiến trường. Dân thì bị dồn đi, làng mạc xơ xác tan hoang, nước giếng ăn cũng không còn, nước ngoài đồng bãi cũng không còn. Rất nhiều người dân không được đền bù theo lời hứa nên rất tiêu điều, thậm chí là đói khổ nữa”.





Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-08-02