Cựu chuyên viên ngoại giao Mỹ: ‘Việt Nam không tuân thủ nguyên tắc cuộc chơi’





Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia, ông Miroslav Lajcak (trái)tại cuộc họp báo ở tại Wolfsburg, Đức ngày 4 tháng 8 năm 2017.
AFP



Câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh có mặt ở Việt Nam bằng con đường đầu thú, theo cách nói của phía Việt Nam, hay bị bắt cóc, theo như phía Bộ ngoại giao Đức gọi là “cách thức trong những phim kinh dị thời Chiến tranh lạnh”, vẫn tiếp tục là đề tài bàn tán sôi nổi của truyền thông quốc tế.

Sự kiện truy bắt một bị can đang bị truy nã của Việt Nam tại một quốc gia khác bằng phương cách ‘vô tiền khoáng hậu’ này được các chuyên viên ngoại giao Việt Nam và quốc tế nhận định như thế nào?

Vi phạm chuẩn mực ngoại giao

Hãng tin AP ngày 2 tháng 8 trích lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer, nói rằng chính phủ Đức không nghi ngờ gì việc đại sứ quán Việt Nam và cơ quan tình báo nước này có dính líu vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh vào ngày 23 tháng 7.

Theo lời ông Martin Schaefer, việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay trên nước Đức là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp nước Đức chưa hề có tiền lệ.

Từ Fresno, California, ông David Brown, nhà cựu ngoại giao Hoa Kỳ từng sống và làm việc nhiều năm ở Việt Nam bình luận về sự việc này với chúng tôi qua email, ông cho biết quan điểm của mình.

“Công an Việt Nam đã không tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi. Với sự tiếp tay của Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hùng, họ đã vi phạm các chuẩn mực ngoại giao đã được thiết lập tốt bằng cách bắt cóc Trịnh Xuân Thành và trục xuất ông ta ra khỏi nước Đức. Berlin đúng là thật sự đã rất tức giận.

Chính quyền Việt Nam đã biết Thanh đang tìm kiếm quy chế tỵ nạn ở Đức. Các quan chức hàng đầu như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoặc Phó Thủ tưởng Phạm Bình Minh cũng từng đã đề cập trực tiếp với chính phủ Đức vấn đề dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam tại cuộc họp hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Đức vào tháng 7 vừa qua.”

Công an Việt Nam đã không tuân thủ nguyên tắc của cuộc chơi. Với sự tiếp tay của Đại sứ Việt Nam Đoàn Xuân Hùng, họ đã vi phạm các chuẩn mực ngoại giao đã được thiết lập tốt bằng cách bắt cóc Trịnh Xuân Thành và trục xuất ông ta ra khỏi nước Đức - Ông David Brown

Về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cũng có nhắc đến. Ông cho biết hai nước đã gặp nhau bên lề Thượng đỉnh G20 hồi tháng 7 vừa qua để thảo luận đề nghị từ phía Hà Nội là muốn Đức trục xuất ông Thanh.

Khả năng có sự thoả thuận

Tất cả diễn biến của câu chuyện Trịnh Xuân Thanh cho đến thời điểm này được ông Lê Hưng Quốc, chuyên gia đối ngoại, Nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Ngoại vụ, trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 3 tháng 8, từ Sài Gòn, đưa ra một góc nhìn khác mang tính chất “chưa đưa ra nhận định vội vàng”. Ông cho biết.

“Đây không phải là vấn đề chính trị. Đây là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng thì nước nào cũng có, cũng phải có biện pháp để trị. Các quốc gia không ủng hộ chuyện tham nhũng.”
Khi được hỏi về liệu có sự vi phạm luật pháp quốc tế như lời phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Martin Schaefer đã lên tiếng hay không? Ông Lê Hưng Quốc cho biết.

“Nếu nói về luật pháp quốc tế thì nó rất chung chung và vô cùng. Nhưng đây không phải là câu chuyện về luật pháp quốc tế mà là câu chuyện giữa hai nước.

Tôi không hình dung là câu chuyện này làm như thế nào. Nhiều người nói là bắt cóc, nhưng tôi lại không có thông tin, chuyện bắt cóc ấy làm sao qua biên giới được. Cho nên cũng không loại trừ khả năng như Bộ ngoại giao đã nói là anh này đã đến lúc về nước để giải trình, vì tội tham nhũng thì chả có nước nào dung chứa cả.”


Một nhân viên bán hàng đang xem video ông Trịnh Xuân Thanh đầu thú trên kênh VTV1. Photo: RFA

Ông Lê Hưng Quốc nói rằng theo ý kiến của ông, ông nhìn thấy có hai cách để dư luận nhận xét về vụ Trịnh Xuân Thanh.
“Người mà không thích Việt Nam thì nói là đây là bắt cóc rồi, đã vi phạm luật. Thế nhưng người mà nắm được sự kiện thì có thể đây là một thoả thuận nào đó.”
Khi được hỏi quan điểm riêng của ông trên góc nhìn ngoại giao, ông chia sẽ rằng cần phải thận trọng trước khi đưa ra kết luận.
“Rõ ràng bây giờ là thế kỷ 21 rồi, và các nước cũng đều đang phát triển. Văn minh thế giới cũng rất rõ rồi. Cho nên tôi không loại trừ khả năng có những thoả thuận. Thế nhưng không phải thoả thuận nào cũng công bố trên báo đài đâu?”
Tối ngày 3 tháng 8, truyền hình Việt Nam, kênh VTV1 đăng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh trong một đoan video thú nhận ông “đã làm một việc nông nổi” và ông “cần phải quay về để đối diện với sự thật”.
Người mà không thích Việt Nam thì nói là đây là bắt cóc rồi, đã vi phạm luật. Thế nhưng người mà nắm được sự kiện thì có thể đây là một thoả thuận nào đó. - Ông Lê Hưng Quốc

Sẽ nhanh chóng được giải quyết

Trước đó, ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu lên tiếng với phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng “Việt Nam rất lấy làm tiếc về phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đưa ra” và Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ giữa hai nước Việt – Đức.

Chúng tôi đặt vấn đề về khả năng mối quan hệ giữa hai nước sau sự việc này như thế nào, ông David Brown cho biết, theo nhận định của ông, việc này sẽ “chìm dần” bằng hình thức ngoại giao.

“ Hà Nội cần phải biết rằng sẽ mất một khoảng thời gian nhiều tháng trước khi các toà án ở Đức ra quyết định về qui chế tỵ nạn của Trịnh Xuân Thanh, và không cần thiết phải xử lý như thế. Họ đã nghĩ rằng họ có thể loại trừ ông ta một cách gọn gàng, và họ đã làm như thế.
Sau một thời gian ngắn, sau những lời xin lỗi, gửi một Đại sứ mới sang Berlin, vụ việc sẽ được giải quyết và sẽ lắng xuống. Có lẽ họ đúng. Giữa Việt Nam và Đức có nhiều lợi ích chung, và sẽ không có lợi nếu cả hai kéo dài chuyện này.”
Giữa Việt Nam và Đức có nhiều lợi ích chung, và sẽ không có lợi nếu cả hai kéo dài chuyện này. - Ông David Brown

Về việc này, ông Lê Hưng Quốc có quan điểm tương đồng với ông David Brown, ông khẳng định sự việc sẽ được giải quyết qua kênh ngoại giao.
“Quan điểm cá nhân của tôi, việc này không ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Quan hệ Việt Nam với Đức là xu thế.

Tôi không hình dung được vì chuyện này mà Đức cấm vận hay tuyên chiến với Việt Nam. Bởi vì câu chuyện này là câu chuyện tham nhũng chứ không phải vấn đề nhân quyền hay chính trị.”

Sau những ngày giữ im lặng, thì ngày 4 tháng 8, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel phát biểu trong cuộc họp báo tại Wolfsburg rằng không có điều gì sai với suy luận ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là có sự hổ trợ của viện chức tình báo Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở Đức. Ngoại trưởng Sigmar nhấn mạnh trong buổi họp báo, phía Đức không thể chấp nhận việc Việt Nam đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đức bằng hình thức mà ông gọi là “người ta thấy khi xem phim kinh dị thời Chiến tranh lạnh.”

Cát Linh, RFA
2017-08-04