Chịu khổ liệu có thể thành tài? Tư duy khác nhau sẽ quyết định người mạnh, yếu


Xưa nay, rất nhiều bậc cha mẹ thường dạy con cái rằng chịu khổ mới có thể thành tài. Tuy nhiên, chịu khổ ấy có phải là điều kiện cần thiết để tạo nên một nhân tài? Thành công hay thất bại rốt cuộc chỉ khác nhau ở một điểm.


Cùng là một tảng đá, ở trước mặt kẻ yếu, nó sẽ là tảng đá ngáng chân; ở trước mặt kẻ mạnh, nó lại là tảng đá kê chân. (Ảnh: Ohay)

Một công ty quốc tế nổi tiếng ra thông báo tuyển dụng nhân sự, có hai người đã tốt nghiệp đại học danh tiếng đến ứng tuyển.

Hai người này đều đến từ vùng quê xa xôi hẻo lánh, dựa vào thực lực của chính mình mà từng bước tiến đến thành phố, năng lực tương đương, phẩm chất không thể nào chê trách.

Nhưng vấn đề ở đây là công ty chỉ tuyển dụng một người mà thôi. Thế là công ty cử người đại diện ra phỏng vấn từng người.

Người thứ nhất được hỏi: “Anh từ một vùng quê nhỏ đi đến thành phố lớn như vậy, qua nhiều năm rồi nhất định là chịu khổ không ít?”

Người thứ nhất nghe hỏi như vậy, cảm giác như gặp được tri âm, liền kể những nổi khổ mà từ nhỏ tới lớn mình từng trải qua. Chẳng hạn như hồi ấy hoàn cảnh trường học rất thấp kém, thầy giáo kiến thức hạn hẹp, căn bản không học tập được bao nhiêu.

Chính vì muốn học hỏi lên cao nên anh ta đã thức rất nhiều đêm để tìm hiểu và giải đáp những đề mục khó. Vì muốn học được nhiều kiến thức sâu rộng nên ngay cả kỳ nghỉ cũng phải tranh thủ đi làm kiếm tiền để mua sách đọc.

Nói xong, đôi mắt anh ta rơm rớm, nói: “Chính là nhờ chịu qua nhiều khổ như vậy tôi mới có thể có được như ngày hôm nay. Nghĩ lại tôi thật biết ơn những ngày gian khổ trước đây”.

Sau đó, đại diện công ty lại hỏi người thứ hai rằng: “Anh từ một vùng quê nhỏ đi đến thành phố lớn như vậy, qua nhiều năm nhất định là chịu khổ không ít”.

Người thứ hai nghe hỏi vậy đầu tiên là ngẩn người, sau đó lập tức trả lời rằng:

“Mặc dù gặp khó khăn rất nhiều nhưng khổ thì thật sự chưa có trải qua. Gia đình tôi có xuất thân không tốt, việc này tôi không hề giấu giếm. Trong nhà nghèo khó, học phí đại học đều do chính mình làm việc kiếm tiền chi trả. Ở quê, cơ sở vật chất nghèo nàn, thầy giáo kiến thức hạn hẹp, những điều này đều là khó khăn cho việc học tập của tôi. Nhưng gặp khó khăn không có nghĩa là chịu khổ. Khó khăn chính là bản chất của vấn đề, muốn thực hiện được mục tiêu thì sẽ gặp được vấn đề, và sẽ nghĩ cách giải quyết vấn đề.


Câu nói: “Nếm trải khổ đau mới thành người thành công” liệu có đúng? (Ảnh: Reference)

Mỗi một người, như tôi hoặc cũng như bất cứ người nào có xuất thân tốt hơn, chỉ cần có việc mà bản thân chính mình muốn làm thì tất nhiên sẽ gặp vấn đề, nhưng khi gặp vấn đề thì chỉ cần có biện pháp giải quyết vấn đề đó thì tốt rồi.

Mục tiêu là chính mình định ra, không ai có thể ép buộc được, vấn đề là do chính mình chọn, khó khăn cũng là do chính mình chọn. Nếu chính mình đã chọn con đường này thì chỉ cần tập trung giải quyết từng vấn đề một, nào còn có thời gian đi than phiền có khổ hay không”.

Nói vừa dứt, người thứ hai đã được đại diện công ty vỗ tay khen ngợi.

Tư duy của những người mạnh mẽ

Các bậc cha mẹ thường hay dạy dỗ con cái rằng: “Nếm trải khổ đau mới có thể thành công”. Câu này mới nghe có vẻ như có đạo lý, nhưng thực ra lại là một đạo lý sai lầm. Lời này tựa hồ cho chúng ta biết rằng nếu không chịu khổ thì sẽ không thể thành tài. Vậy chịu khổ là điều kiện cần và đủ để thành tài?

Có rất nhiều người lấy câu này làm khẩu hiệu, một lòng tin rằng chỉ cần chịu khổ là có thể phát tài, kết quả là bản thân chịu rất nhiều khổ không đáng có mà sự nghiệp một chút cũng không thành.


Khổ chính là tùy vào cảm nhận của mỗi người, là không có một chuẩn mực để nhận định. (Ảnh: Inthedig)

Đối với việc này chỉ có thể tổng kết một câu rằng: Phàm là không lấy chính sự làm mục đích, mà lấy việc chịu khổ làm mục đích để giải quyết vấn đề thì đều như làm việc vô bổ mà thôi.

Trên thế giới chưa từng có người nào dựa vào việc chịu khổ mà có thể thành tài, nếu có thể giải quyết vấn đề thì chính là nhân tài, nhưng quan trọng là cần phải làm như thế nào để giải quyết vấn đề mà không cần chịu khổ!

Cái gì là khổ, con người vì đâu lại cảm thấy khổ?

Hoàng đế ăn bánh bao liền cảm thấy rằng mình đang chịu khổ, nhưng mà người ăn mày lại ước gì bữa nào cũng có bánh bao để ăn. Cho nên khổ chính là tùy vào cảm nhận của mỗi người, là không có một chuẩn mực để nhận định.

Một người có thể nói là rằng mình đang chịu khổ vì một điều gì đó, nhưng đối với người khác điều đó lại chính là hạnh phúc của họ. Cũng như vị hoàng đế muốn thống trị tốt quốc gia của mình, không cần phải mỗi ngày đều chịu khổ bằng cách ăn đồ tạp nhạp, bánh bao, mà là nghĩ biện pháp làm cho con dân của mình có cuộc sống tốt đẹp thái bình ấm no.

Nếu như một người luôn cảm thấy mình chịu khổ, như vậy tâm của người đó sẽ không thể giải quyết vấn đề của bản thân mình được, nếu muốn thì hãy tập trung toàn bộ tinh lực cho việc tìm cách giải quyết vấn đề gặp phải, thì sẽ không còn thời gian đi than vãn rằng mình chịu khổ.

Không cần lại làm cho bản thân mình tiếp tục chịu những việc gọi là khổ, hãy làm việc, hãy tập trung tinh thần vào việc tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Như vậy mới chính là người mạnh mẽ.

Đức Hạnh biên dịch