Vì sao con người dù có truy cầu cũng không thể nhìn thấy Thần Phật?



Cổ nhân thường giảng về chữ “duyên”, cho nên mới có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng”. Kỳ thực, câu nói này vẫn còn có một hàm ý khác mà ít người biết đến.



Thật ra, Thần Phật vẫn luôn ở bên cạnh bạn, chỉ có điều bạn có nhận ra hay không thấy mà thôi. (Ảnh: Hiveminer)

Nhiều người vẫn thường thắc mắc, rốt cuộc thần linh ở đâu, vì sao con người không thể nhìn thấy Thần? Đối những những câu hỏi như trên, thật ra không hề khó trả lời: Thần ở trong thế giới của Thần, ma quỷ thì ở trong không gian của ma quỷ. Chỉ khi tu luyện thành Thần rồi, người ta mới nhìn thấy được Thần.

Có người nhất mực truy cầu được gặp Thần Phật, nói rằng “thấy mới tin, không thấy không tin”, đây là một cách nói hoang đường, lấy cá nhân mình làm trung tâm. Những người như vậy còn xem câu nói này như thể là chân lý mà tuyên truyền khắp nơi.

Bạn muốn nhìn thấy Thần, vấn đề chính là bạn có xứng hay không? Liệu Thần có nguyện ý gặp bạn hay không? Dẫu chỉ là một quan chức chính phủ, cũng không phải là bạn muốn gặp thì liền có thể gặp được, huống hồ là Thần Phật?

Ở đây chính là cần phải nói đến chữ “duyên”, Thần không muốn để con người gặp, thì dù là đứng đối diện cũng không thể nào thấy. Mà nếu đã là “hữu duyên”, thì dù vạn dặm vẫn có thể tìm được. Có lẽ đây chính là ý nghĩa chân thực của câu nói nổi tiếng: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; Vô duyên đối diện bất tương phùng”.

Có một câu chuyện được trích trong “Thần tiên truyện” như sau. Khổng Nguyên Phương là người ở Hứa Xương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), ông thường sử dụng các loại dược phẩm từ tùng chi, phục linh, tùng tử, nên dù tuổi đã cao nhưng trông ông vẫn hết sức trẻ, dung mạo chỉ như người 40 tuổi. Ông rất ít khi nói về những chuyện thế sự, chỉ chuyên tâm nghiên cứu về đạo thuật.

Có một lần, nhà của Khổng Nguyên Phương bị cháy, mọi người ai nấy đều hối hả tới cứu hỏa, giúp mang quần áo, lương thực, đồ dùng trong nhà ra bên ngoài. Nhưng Khổng Nguyên Phương lại không lo vận chuyển đồ đạc, chỉ ngồi xổm ở trước hàng rào xem lửa cháy.

Vợ của ông thúc giục ông mau đi cứu lại chút tài vật, nhưng Khổng Nguyên Phương cười nói: “Những thứ này đều là vật ngoài thân, có gì đáng tiếc chứ!”.


Người hữu duyên thì dù ngàn dặm xa xôi cũng sẽ gặp được. (Ảnh: Chuansong)

Một lần khác, Khổng Nguyên Phương hỳ hục đào một cái hang động ở bên bờ sông, sau đó chui vào trong động, không ăn không uống, cả hai tháng cũng không trở ra, người nhà của ông cũng không được phép vào trong động.

Trước hang động có một gốc cây bách, đằng sau là bụi cỏ gai lớn bao quanh, che khuất miệng hang. Đệ tử của ông nhiều khi có việc muốn tìm, nhưng tìm thế nào cũng không thấy ông ấy ở bên trong.

Về sau, có một thiếu niên từ phương xa tìm đến, tên gọi Phùng Ngộ, vốn yêu thích đạo thuật, nói rằng mình muốn được theo Khổng Nguyên Phương học đạo. Đối với hang động của Khổng Nguyên Phương, cậu ta chỉ cần tìm một lần là đã có thể tìm chính xác.

Khổng Nguyên Phương nói: “Người khác dù tìm thế nào cũng không thấy được ta, ngươi chỉ cần một lần là đã có thể tìm thấy, xem ra ngươi chính là người thích hợp để ta truyền thụ đạo thuật”.

Khổng Nguyên Phương đưa cho Phùng Ngộ 2 cuốn kinh thư được ghi lại trên tấm vải trắng rồi nói: “Những điều ghi chép trong này là nội dung chính yếu của tu đạo, bốn mươi năm mới có thể truyền thụ một người. Nếu như 40 năm nữa con không tìm thấy người xứng đáng để truyền thụ, thì cũng không thể vì thời hạn đã đến mà truyền thụ tùy tiện.

80 năm sau, nếu như có 2 người xứng đáng để truyền, thì hãy truyền cho 2 người. Truyền nhầm hoặc không truyền, sẽ phạm vào tội Bế Thiên Đạo; người không nên truyền mà lại truyền, chính là phạm phải tội Tiết Thiên Đạo, hai tội này đều có thể liên lụy tới con cháu, khiến chúng phải chịu trừng phạt. Hiện nay ta đã đem cốt yếu của đạo thuật truyền lại cho ngươi, vậy ta cũng nên đi rồi”.


Sau đó, Khổng Nguyên Phương rời bỏ vợ con, đi vào Tây Nhạc Hoa Sơn ở ẩn. 50 năm sau, có người nhận ra ông đã từng một lần trở lại cố hương.

Tuệ Tâm biên dịch