Xâm hại con riêng của vợ hờ còn nói bé gái 'tự nguyện'





Bị cáo Tạo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-8. Ảnh: NN

Tòa cho rằng hành vi của bị cáo Tạo (64 tuổi) vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức, kéo dài trong nhiều năm cần phải có hình phạt nghiêm nên bác kháng cáo, y án sơ thẩm.

Ngày 18-8, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo Lê Văn Tạo (64 tuổi, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt) bốn năm sáu tháng tù về tội giao cấu với trẻ em.

Bị hại trong vụ này chính là con riêng của người vợ hờ đang sống chung với bị cáo.

Theo tòa, hành vi của bị cáo là bất chấp luân thường đạo lý và thuần phong mỹ tục, trực tiếp làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất, tâm lý của trẻ em, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em được pháp luật bảo vệ.

Bị cáo phạm tội nhiều lần trong nhiều năm.


Loại tội phạm này còn xảy ra nhiều, bị cộng đồng lên án gay gắt nên cần phải có hình phạt nghiêm. Bị cáo kháng cáo nhưng không có tình tiết mới nên tòa đã không chấp nhận kháng cáo, giữ y bản án sơ thẩm.

Theo hồ sơ, bà HTM (58 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) chung sống với bị cáo Tạo như vợ chồng từ năm 2008.

Quá trình chung sống, Tạo cùng bà M. và con gái bà M. (sinh năm 2000) thuê nhiều nhà trọ ở quận Thốt Nốt để ở.

Khoảng giữa tháng 8-2014, Tạo lợi dung lúc bà M. không có ở nhà nên đặt vấn đề giao cấu với con riêng của bà M. rồi sẽ cho tiền. Con gái bà M. đồng ý nên khi giao cấu xong thì Tạo đưa cho cô bé 400.000 đồng.

Từ tháng 8-2014 đến tháng 2-2017, những lúc bà M. không có nhà thì Tạo đã nhiều lần giao cấu với con riêng của bà M. tại nhà trọ. Mỗi lần giao cấu xong, Tạo cho bé gái này từ 10.000 - 50.000 đồng.

Đến ngày 14-2-2017, con gái bà M. định đi xin việc làm nhưng Tạo không cho và đe dọa nên cô gái đã kể sự việc cho người chị họ biết. Sau đó, cả hai cô gái đã đến Công an quận Thốt Nốt trình báo sự việc.

Tại tòa, bị cáo luôn đổ thừa do con riêng của vợ hờ chủ động, tự nguyện nên bị cáo mới thực hiện. Nghe vậy, vị chủ tọa đã nghiêm giọng nhắc nhở bị cáo rằng, người bị hại sinh năm 2000 trong khi người con nhỏ nhất của bị cáo sinh năm 1985.

Tức là người bị hại còn nhỏ hơn con út của bị cáo 15 tuổi, chỉ đáng tuổi cháu của bị cáo thì lý gì một đứa trẻ con chưa biết gì lại tự nguyện với bị cáo? Lẽ ra bị cáo là người lớn, lại được bị hại gọi bằng dượng thì bị cáo phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ, bảo vệ.

Đằng này đã không bảo vệ thì thôi lại còn xâm hại thì hỏi bị cáo là người thế nào?

Nghe tòa nói, bị cáo trả lời “bởi vậy, mũi dại lái chịu đòn” (?!)


theo Pháp luật TPHCM