Người Trung Quốc dựng 'tổng đài ma' lừa đảo ở Campuchia



Cảnh sát Phnom Penh vây bắt hàng chục người Trung Quốc bị tình nghi sử dụng tòa nhà 11 tầng làm nơi đặt "tổng đài ma", chuyên thực hiện các vụ lừa đảo qua điện thoại.
Cách đây ít ngày, cảnh sát thủ đô của Campuchia đã đột kích vào tòa nhà ở quận Tuol Kouk để bắt giữ hơn 200 công dân Trung Quốc bị tình nghi liên quan đến các vụ lừa đảo người dân ở Trung Quốc qua Internet và điện thoại, theo Reuters.

Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực trấn áp tội phạm lừa đảo của Bắc Kinh với sự trợ giúp của các nước khác, nơi mà công dân Trung Quốc lợi dụng chính sách visa dễ dàng cũng như chất lượng truy cập Internet tốt để hoạt động phạm pháp.


Cảnh sát vây quanh tòa nhà bị nghi ngờ là hang ổ của tội phạm lừa đảo người Trung Quốc ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: Reuters.

Trong đợt truy quét hôm 16/8, cảnh sát Phnom Penh cho biết họ đã bắt giữ 225 công dân Trung Quốc, bao gồm 25 phụ nữ, bị tình nghi thực hiện các cuộc gọi tống tiền từ "tổng đài ma" nói trên. Những nghi phạm này sẽ được đưa về Trung Quốc để xét xử.

Tính từ năm 2011, Campuchia đã trục xuất 800 người đến từ Trung Quốc đại lục cũng như đảo Đài Loan, bị bắt với cáo buộc lừa đảo qua điện thoại và Internet.

Reuters dẫn lời ông Uk Haisela, trưởng bộ phận điều tra của Cơ quan Di trú Campuchia, cho biết nạn nhân của các vụ lừa đảo này thường là công chức, viên chức làm trong các cơ quan nhà nước cũng như những quan chức về hưu tại Trung Quốc.

Một trong những nghi phạm lừa đảo khai rằng anh ta đã kiếm được hơn 70.000 USD/tuần từ các nạn nhân. Những người ở trong cao ốc nói trên thường chỉ đi ra ngoài vào buổi tối để mua thức ăn và "không cho người giao hàng vào bên trong".

Ông Uk Haisela nói sở dĩ Campuchia trở thành "đại bản doanh" của các tay lừa đảo là vì công dân Trung Quốc dễ xin visa lưu trú tại Campuchia cũng như tốc độ Internet nhanh. Một trong những nghi phạm nói với Reuters cô đến Campuchia bằng visa du lịch.

Ông Uk Haisela cũng cho biết Trung Quốc giúp đỡ Campuchia trong việc vây bắt nghi phạm. "Trung Quốc gởi địa chỉ IP cho chúng tôi... Một khi bắt giữ, chúng tôi báo lại cho sứ quán Trung Quốc", ông nói.

Tình trạng lừa đảo qua điện thoại và Internet đã trở thành vấn đề đau đầu với cả Bắc Kinh và Đài Loan. Hai bên đã hợp tác với nhau để truy bắt tội phạm, tuy nhiên kết quả đôi khi vấp phải sự phản đối của Đài Bắc vì các nước trục xuất nghi phạm về đại lục, không phải về Đài Loan.

Chỉ tính riêng trong tháng này, 77 nghi phạm lừa đảo đã bị Fiji trục xuất về Trung Quốc. Ngoài ra, hơn 150 công dân Trung Quốc tại Indonesia cũng bị trục xuất vì tình nghi lừa đảo với tổng số tiền chiếm đoạt vào khoảng 450 triệu USD.



Zing.vn
20/08/2017