Chủ tịch Trần Đại Quang kêu gọi quản lý chặt internet






Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm Chủ Nhật vừa có phát biểu được đăng trên website chính phủ về sự cần thiết của việc tăng cường đối phó với các nguy cơ an ninh mạng và sự cần thiết của việc phát triển hệ thống kiểm duyệt mạng chặt chẽ hơn.

Chính phủ trong năm qua đã đẩy mạnh việc trấn áp các nhà hoạt động với những vụ bắt giữ và ra án tù nặng, nhưng không có mấy dấu hiệu cho thấy giới chức dập tắt được các ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội.

Chủ tịch nước nói các thế lực thù địch đã sử dụng internet để tổ chức những chiến dịch công kích làm "giảm uy tín của các lãnh đạo Đảng và nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các lực lượng nòng cốt, các đảng viên và người dân".

Ông nói Việt Nam cần chú ý hơn tới việc quản lý thông tin mạng, đặc biệt các thông tin trên mạng xã hội để ngăn chặn "các trang tin và blog mang nội dung xấu và nguy hiểm".

Ông Trần Đại Quang cũng nói thêm rằng cơ chế giám sát internet chặt chẽ hơn sẽ giúp đất nước ngăn chặn các vụ tấn công an ninh mạng và cải thiện hệ thống an ninh mạng còn yếu hiện nay.

Hàng ngàn máy tính ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi virus WannaCry hồi tháng Năm.

Bản thân sự vắng bóng của ông Trần Đại Quang trong các hoạt động chính thức, công khai trong thời gian gần đây cũng là chủ đề cho các tin đồn đang lan truyền trên internet, hãng tin Reuters bình luận


Xét về số lượng thì Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới. YouTube cũng là dịch vụ được nhiều người sử dụng.

Mức độ an ninh mạng của Việt Nam nằm ở vị trí 101 trên 195 quốc gia, trang Southeast Asea Globe dẫn nguồn theo thống kê an ninh thế giới năm 2017 của Liên minh Viễn thông Quốc tế Liên Hiệp Quốc nói, khiến Việt Nam trở thành quốc gia có an ninh mạng kém nhất Đông Nam Á.

Hồi tháng Giêng, Microsoft nói Việt Nam bị ảnh hưởng ở mức cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình trên thế giới trong vấn đề nhiễm malware, là quốc gia bị mối đe dọa từ malware ở mức cao nhất thế giới, Southeast Asea Globe tường thuật.

Tháng 1/2017, Microsoft cho biết Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mã độc gấp đôi mức trung bình thế giới, làm cho đây trở thành quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng lớn thứ hai trên thế giới.

Tuy nhiên, trái ngược với thông tin về mức độ an toàn an ninh mạng yếu, một báo cáo bởi công ty an ninh mạng FireEye phát hành vào tháng 5 cho thấy chính phủ Việt Nam đã bị cáo buộc về một chiến dịch giám sát hoạt động của một số cá nhân và tổ chức.

FireEye cho biết các hacker của nhóm được gọi là APT32 đã hoạt động theo chỉ đạo của nhà nước nhằm thăm dò thông tin về các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời hack vào hệ thống máy tính của các nhà bất đồng chính kiến, các phóng viên trong nước và một số mục tiêu tại Philippines và Trung Quốc.

Việt Nam phủ nhận quyết liệt cáo buộc trên.



BBC
21-8-2017