Trung Quốc và Triều Tiên ‘đội sổ’ về bức hại tự do tín ngưỡng



Theo báo cáo về Tự do Tín ngưỡng Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới được công bố, hai nước đồng minh Trung Quốc và Triều Tiên được đánh giá là các quốc gia bức hại tín ngưỡng tồi tệ nhất thế giới.


Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đặc biệt thắm thiết dưới thời cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và cựu lãnh đạo Kim Jong-il. (Ảnh: Xihuashe)
Ngày 15/8/2017, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, bản báo cáo đề cập, chính quyền Triều Tiên đã tước đoạt “quyền lợi tự do về tư tưởng, lương tri và tôn giáo” mà người dân nước này lẽ ra phải được hưởng.

Bản báo cáo nói: “Chính quyền Triều Tiên sẽ xử nghiêm bất cứ người nào có liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, không có một ngoại lệ nào. Thủ đoạn hành hạ của họ bao gồm xử tử, dùng cực hình, đánh đập, bắt bớ, v.v.”

Theo ước tính, Triều Tiên có khoảng 80.000 đến 120.000 tội phạm chính trị bị bắt bỏ tù vì nguyên nhân tôn giáo, thông thường họ sẽ bị nhốt trong trại tập trung tội phạm chính trị tại nơi xa xôi hẻo lánh và có điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt.

Những tài liệu thu hút sự chú ý của Mỹ cũng như toàn thế giới này được lấy từ những người chạy trốn khỏi Bắc Triều Tiên. Tổng bộ của những người trốn thoát khỏi Triều Tiên được đặt tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, tại đây họ thành lập Liên minh toàn cầu ngăn chặn chủ nghĩa diệt chủng của Triều Tiên.

Theo tin từ The Daily Telegraph, một trong những người trốn thoát khỏi Triều Tiên cho biết: “Chính quyền Triều Tiên vẫn đang tiếp tục bức hại những người có tín ngưỡng tôn giáo, hơn nữa các thủ đoạn bức hại hiện nay lại tàn bạo hơn trước đây”.

Tuy nhiên, người trốn khỏi Triều Tiên này cũng chỉ ra, tình hình tín ngưỡng tôn giáo trong nội bộ Triều Tiên cũng đang có những thay đổi khéo léo, bởi vì toàn bộ Triều Tiên, bắt đầu có ngày càng nhiều người hỗ trợ tích cực các giáo hội ngầm giống như ông.

Ông cho biết, trước đây, người dân Triều Tiên đều bị bắt phải sùng bái thành viên trong gia tộc họ Kim, phải coi họ giống như thượng đế. Nhưng hiện nay nhiều người Triều Tiên không còn tôn trọng Kim Jong-un như trước đây nữa. Điều này có nghĩa là dân chúng Triều Tiên đang tìm kiếm những thứ khác để duy trì tín ngưỡng.

Ông nói: “Một số nơi thậm chí đã xuất hiện Saman giáo, bên cạnh đó, Kitô giáo cũng phát triển và bén rễ tại Triều Tiên”.

Ông còn nói thêm: “Mặc dù họ biết mình có thể bị bắt giam bất cứ lúc nào, hoặc là sẽ phải đối mặt với tình huống tồi tệ hơn, nhưng sự kiên trì đối với tín ngưỡng của họ chưa từng bị phai mờ, điều này cũng cho thấy vết nứt của chính quyền Triều Tiên và chế độ sau này sẽ ngày càng lan rộng”.

Cùng bảng xếp hạng với Triều Tiên là Trung Quốc, đối tác thương mại và đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu công bố báo cáo Tự do Tín ngưỡng Quốc tế ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập đến một trong các vi phạm nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc: Cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt hơn và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”, Thượng viện New York (Mỹ) cho biết trong Nghị quyết chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5/2017.

Trái ngược với Mỹ và phần lớn các quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân biết số lượng người tập Pháp Luân Công vượt quá số lượng Đảng viên.



Video: Vì sao chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công dù bị thế giới lên án?

Các nhà điều tra quốc tế kết luận những người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc không chỉ bị bắt bớ, sỉ nhục, tra tấn, cưỡng bức lao động, mà họ còn đối mặt với nguy cơ bị chính quyền mổ cướp nội tạng. Các nhóm nạn nhân khác của hoạt động thu hoạch nội tạng là những người theo đạo Cơ Đốc, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cho biết kể từ năm ngoái có “hàng chục học viên Pháp Luân Công đã chết trong các trại giam” của Trung Quốc.

Ông nhận định: “Tình trạng đàn áp tín ngưỡng vẫn quá phổ biến”.

Ngoại trưởng cho biết: “Chúng ta không thể bỏ qua tình trạng này. Chính quyền Trump đã cam kết giải quyết tình trạng này thông qua việc thúc đẩy tự do tín ngưỡng quốc tế trên toàn thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ những người mong muốn được sống theo đức tin của họ”.

Là một người theo đạo Cơ Đốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nhân ngày Độc lập: “Ở Mỹ, chúng ta không tôn kính chính phủ, chúng ta tôn kính Chúa trời”.

Ông Trump cũng cam kết sẽ chiến đấu cho những người có đức tin.

“Đức tin thúc đẩy chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn, biết quan tâm và cho đi nhiều hơn, quyết tâm hơn khi bảo vệ một cách vị tha và dũng cảm đối với những gì tốt đẹp và đúng đắn”, Tổng thống Mỹ phát biểu tại Liên minh Tín ngưỡng và Tự do, Washington DC, ngày 8/6.


Ngày 13/5/2016, hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đến thành phố New York diễu hành để phản đối cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc. (Ảnh: Epoch Times).
Một số chuyên gia nhìn nhận rằng Tổng thống Trump sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Vì vậy, chính quyền Mỹ khả năng sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về tội diệt chủng đối với Pháp Luân Công và các nhóm người khác, theo nhận định của ông David Kilgour, cựu nghị sỹ, cựu ngoại trưởng Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã thoát khỏi cuộc đàn áp ở quê nhà và có được cuộc sống bình yên trên đất Mỹ, nơi họ có thể tự do tập luyện môn khí công theo Chân – Thiện – Nhẫn.

Cô Vương Á Sa, một học viên Pháp Luân Công người Hoa đang du học tại Mỹ cho biết: “Vào giây phút đặt chân tới Mỹ, tôi đã hít một hơi thật sâu bởi vì cảm giác thật quá khác biệt khi có tự do ở nơi đây”.

Cô Vương nói với tờ báo của Đại học Arizona về kế hoạch đưa mẹ cô, cũng là học viên Pháp Luân Công, tới Mỹ để thoát khỏi cuộc bức hại mà bà đang trải qua ở Trung Quốc.

TinhHoa tổng hợp