Người Trung Quốc “bị sốc nặng” khi đi thang máy ở Nhật Bản


Hôm 28/7 vừa qua, blogger nổi tiếng “jack1985” đã đăng một bài viết về trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch Nhật Bản và cho biết, dù đã cố gắng chú ý đến lời nói hành động để thể hiện mình là người có học thức, thế nhưng vẫn bị “sốc nặng” bởi cách đi thang máy của người Nhật.



Văn hóa đi thang máy của người Nhật khiến nhiều người cảm phục. (Ảnh: greattravelworld.com)
Sau đây là tóm tắt những gì mà tác giả đã viết:

Vào khoảng cuối tháng 4/2017, tác giả đi du lịch ở vùng Kansai, Nhật Bản, kinh nghiệm đi thang máy tại một khách sạn ở Osaka đã khiến tác giả nhớ mãi không quên.

Khi đi thang máy, tác giả không chú ý, vẫn cứ theo thói quen và tư duy của người Trung Quốc, lúc thang máy mở cửa, cứ đi vào như không có ai bên cạnh, vốn dĩ không hề để ý trong ngoài thang máy có người khác hay không, đây là việc rất thường gặp ở Trung Quốc, hoàn toàn không có gì không ổn cả.

Thế nhưng khi đứng trong thang máy, tác giả cứ có cảm giác là lạ, cứ cảm thấy như mấy người Nhật cùng đi thang máy đang âm thầm đánh giá mình. Tuy nhiên, khi tác giả ngẩng đầu nhìn xung quanh thì mọi người đều cúi đầu, mắt nhìn xuống chân, như không có gì kỳ lạ cả.

Tác giả rất bối rối, cứ cảm thấy có gì đó không đúng, nhưng lúc đó lại không thể nói rõ được. Cho đến lần đi thang máy sau đó, sự nghi ngờ trong lòng tác giả mới được giải đáp.

Chuyện là thế này, khi tác giả chuẩn bị đi thang máy xuống lầu thì trùng hợp gặp một nam một nữ cũng muốn đi xuống, hiển nhiên hai người này không quen biết nhau, họ không nói gì với nhau cả. Khi cửa thang máy mở ra, tác giả vẫn vào thang máy ngay như thường lệ, hai người phía sau bước vào sau. Do vào thang máy trước nên tự nhiên tác giả đứng trong góc, còn hai người kia thì chia ra đứng hai bên thang máy.

Đến khi đi xuống lầu, tác giả đứng trong góc không thể ra ngoài trước được, lúc này đã xảy ra một việc khiến tác giả sửng sốt: Sau khi cửa thang máy mở ra, hai người đứng hai bên không vội bước ra, hai người đều tỏ ý muốn người kia đi trước, sau khi nhường nhau, cuối cùng, cô gái kia ra trước và cúi đầu cảm ơn anh kia, người kia cũng gật đầu đáp lại rồi sau đó bước ra ngoài.


Tác giả đứng trong góc thang máy ngẩn cả người vì những gì vừa thấy, không ngờ lý luận “Ôn lương cung khiêm nhượng” (ôn hòa, thiện lương, cung kính, khiêm nhượng) tổ tiên dạy dỗ mà tác giả luôn tìm kiếm lại xảy ra trong thang máy ở Nhật, thật sự khiến người ta phải cảm thán. Đồng thời, tác giả cũng vô cùng hối tiếc với việc mình vào thang máy trước một cách khiếm nhã.

Thì ra cảm giác kỳ lạ lúc đứng trong thang máy là thật, dù bề ngoài người Nhật có vẻ rất kín đáo và hòa nhã, nhưng trong lòng họ vẫn cảm thấy xem thường, dù không thể hiện ra ngoài, nhưng người ta lại nhìn mình như “dị nhân” vậy, nghĩ đến thật sự là quá xấu hổ, cảm giác rất mất mặt.

Dù sau khi đến Nhật, tác giả cố gắng chú ý đến lời nói hành động của mình, từng cử chỉ đều biểu hiện ra là người rất có giáo dưỡng, nhưng hễ bất cẩn một chút là vẫn sẽ bị lộ ra. Vì vậy không thể không thừa nhận rằng sự tu dưỡng của một người không thể tùy tiện giả vờ được, cần phải có thói quen và sự vững chắc.



Người Nhật rất cung kính và khiêm nhường. (Ảnh: Oceanlaw)

Sau khi tìm được nguyên nhân, khi vào thang máy hoặc những nơi khác, tác giả không còn xem như chốn không người nữa, mà luôn học người Nhật, nhường người khác ra vào trước rồi mình mới vào. Mỗi lần như vậy, tác giả sẽ luôn nhận lại được cái gật đầu cảm ơn khiêm cung lịch sự, điều này khiến tác giả cảm thấy rất vui sướng và hài lòng.

Từ đó, tác giả đã hiểu được sự cung kính và lễ nghĩa của người Nhật. Ngắm nhìn những con phố đầy chữ Hán cổ và những kiến trúc theo kiểu đời nhà Đường ở khắp nơi lại càng hiểu thêm rằng những phẩm chất và hành động tốt đẹp cùng những đạo lý tốt đẹp như “nhân nghĩa lễ trí tín”, “ôn lương cung khiêm nhượng” “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn” (Chớ có nhìn, nghe và nói những điều không phù hợp với lễ giáo; “Không nhìn điều sai. Không nghe điều bậy. Không nói điều trái”),… trong văn hóa truyền thống Trung Hoa đã bén rễ và phát triển mạnh mẽ ở nơi đây.

Nghĩ đến mỗi lần xếp hàng có trật tự đi tàu điện ngầm hoặc xe buýt, những người phục vụ hết sức tận tụy và sự nhiệt tình cũng như chu đáo khi hỏi đường ở Nhật…, tác giả đều hết lòng cảm thán và khổ tâm.

Thì ra những phẩm chất và tinh thần tốt đẹp trong văn hóa truyền thống Trung Hoa đều được gìn giữ ở nơi đây. Còn vì sao một quốc gia được gọi là có nền văn hóa huy hoàng 5.000 năm và “quốc gia của lễ nghĩa” như Trung Quốc lại khó có được những cử chỉ hành động như thế?

Tác giả cảm thán rằng: “Đúng vậy, Trung Quốc hiện nay không thể xuất hiện hình ảnh trong thang máy như tác giả miêu tả”. Nhìn vào hiện thực thì sẽ chỉ thấy những việc như “các ông các bà đuổi những thanh thiếu niên chơi bóng rổ ở quảng trường Lạc Dương để giành chỗ múa”, “một bà nào đó tát cô gái trẻ để giành chỗ trên xe buýt” hay “một cụ già cắn hạt dưa trên tàu cao tốc bị nhắc nhở thì xả hạt dưa đầy ra đất” và cả sự việc đang gây ồn ào gần đây như “một nhóm người bị tông chết và bị thương do giành đường xe điện”,

Xã hội Trung Quốc ngày nay vì sao lại xuất hiện những sự việc thiếu đạo đức và khiến người ta hổ thẹn như thế này chứ? Chỉ đơn thuần là do vấn đề “tố chất kém” của người Trung Quốc ư? Nếu người Trung Quốc ngày nay còn có thể gìn giữ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp trong văn hóa truyền thống thì liệu Trung Quốc có trở nên như hiện nay chăng?

Theo Trithucvn.net