Xe 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh' có dấu vết điều tra





Chủ chiếc xe cho thuê, bị nghi là phương tiện trong vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, đã được nhận lại tài sản của mình.

Ông Bùi Quang Hiếu hôm cho BBC biết ông đã được cảnh sát Đức trả lại chiếc Multivan VW (Volkswagen) bảy chỗ mang biển số 2AB-3140 vào sáng 1/9 tại địa điểm lưu xe khá gần công viên Tiergarten, nơi phía Đức nói đã xảy ra vụ bắt cóc.

Tuy nhiên, viên thanh tra cảnh sát Đức phụ trách vụ việc hôm 4/9 từ chối bình luận với BBC về tình trạng pháp lý hiện thời của chiếc xe.
Trước đó ít hôm, ông Bùi Quang Hiếu, sống ở CH Czech, nói ông đã nhận được email thông báo việc điều tra đối với chiếc xe đã hoàn tất.
Ông được trao một giấy bàn giao xe, "có tác dụng đi đường, để nếu cảnh sát sơ suất không nhìn thấy cái xe đã hủy lệnh truy nã toàn cầu thì tôi có giấy tờ làm bằng chứng".

Ông nói chiếc xe lúc nhận lại có rất nhiều dấu hiệu, vết đánh dấu mà cảnh sát để lại.



Xe 'bắt cóc Trịnh Xuan Thanh' có nhiều vết máu?

'Nhiều vết giống như máu'

"Trong xe có những dấu giống như màu máu," ông Hiếu nói, là những vết không hề có trước thời điểm chiếc xe bị cảnh sát tịch thu.
"Khi nhận lại xe thuê vào hôm 24/7, tôi là người kiểm tra xe. Tôi đã rửa sàn xe rất sạch sẽ nhưng không để ý trên ghế có những vết gì.
"Thông thường chúng tôi chỉ kiểm tra mặt sàn, hút bụi, lau chùi sạch sẽ.

"Nếu khi đó có những vết máu thì tôi nghĩ cũng rất khó nhìn. Bởi máu khô thì sẽ chuyển sang màu đen. Nhưng lúc nhận lại xe từ cảnh sát thì chúng tôi nhìn thấy màu huyết dụ.

"Theo suy đoán cá nhân, tôi cho rằng cảnh sát dùng hóa chất đặc biệt xịt vào các ghế. Nếu chỗ nào có vết máu khô, kể cả lau chùi sạch rồi thì nó vẫn nổi lên."

Trên trần xe, cảnh sát có đánh dấu vào một vị trí bằng một mũi tên.

Ông Bùi Quang Hiếu nói theo suy luận của một số người có mặt cùng ông, thì đây rất có thể "là dấu vết đầu của một người bị đập vào, có tóc, có máu, cho nên cảnh sát tìm được, dán mũi tên vào".

Ngoài ra, trong xe còn có một số vật dụng như vỏ lon, vỏ chai nước, và đặc biệt là "có một ống nhựa trắng nắp đen".

"Duy nhất có một thứ, là một ống tuyp màu trắng trắng. Có một anh cầm nó lên và nói đó là thuốc mê. Nhưng tôi không biết đó có đúng là thuốc mê không.

"Đó là những thứ của những người thuê xe bỏ lại.

"Không biết đó là đồ của người thuê cuối cùng mà ông [Nguyễn Hải] Long thuê hộ, hay của những người thuê trước nữa, chúng tôi không biết vì chúng tôi không sử dụng mà chỉ cho thuê. Những người thuê bỏ rác lại trên xe thì chúng tôi chỉ dọn qua thôi, chủ yếu chỉ hút bụi giặt thảm và rửa xe phía bên ngoài. Còn những rác lặt vặt bên trong chúng tôi không để ý."

Quan hệ Việt - Đức và nguyên tắc pháp quyền

Trong vụ việc chính quyền Đức cho là an ninh Việt Nam đã xâm nhập nước họ và 'bắt cóc' ông Trịnh Xuân Thanh nhưng Việt Nam nói ông Thanh "tự ra đầu thú', đã có một người mang quốc tịch Việt Nam được coi là liên quan bị dẫn độ từ Czech sang Đức.

Hôm 24/8, Tổng công tố Liên bang Đức ra thông cáo nói ông N. H. Long, 46 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đã được di l‎ý sang Đức.

Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Được biết Cục An ninh Liên bang Đức đã hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ và quan hệ với các cơ quan của Việt Nam tại Đức.



Ông Bùi Quang Hiếu đứng bên ngoài chiếc xe Multivan VW mang biển số Cộng hòa Czech tại Berlin sau khi nhận lại xe từ cảnh sát Đức

Báo chí Đức gần đây đưa tin về mối liên hệ giữa ông Hồ Ngọc Thắng, người từng làm việc cho Văn phòng Liên bang về Nhập cư và Tỵ nạn (viết tắt là BAMF) với vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Thắng đã bị cho nghỉ việc sau khi báo chí Đức, gồm cả đài

Deutsche Welle của chính phủ nói ông ta đăng nhiều bài ủng hộ quan điểm của chính phủ Việt Nam, điều phía Đức cho là vi phạm nguyên tắc trung thành với chính quyền Liên bang mà một công chức phải tuân thủ.

Chính quyền Đức vẫn yêu cầu Việt Nam trao trả lại ông Trịnh Xuân Thanh và chuyến thăm nhằm làm xoa dịu tình hình của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã không đạt kết quả gì.

Căng thẳng quan hệ hai bên vẫn tiếp tục, khiến lễ kỷ niệm quốc khánh do Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin tổ chức vừa qua không có người Đức nào đến dự hôm 31/08, theo các nguồn tin từ cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Trong buổi lễ năm ngoái, khoảng 400 khách Đức và quốc tế có mặt.

Trong dư luận Việt Nam hiện vẫn có nhiều luồng ý kiến về vụ 'bắt cóc xuyên biên giới' này trong bối cảnh quan hệ Việt - Đức thu hút nhiều bình luận.

Trong thư mừng Quốc khánh Việt Nam gửi cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức viết ông "muốn động viên đất nước Việt Nam tiếp tục kiên trì tiến bước trên con đường hiện đại hóa và tăng cường nhà nước pháp quyền".

Có Facebooker là Phan Van Thanh viết trên trang của BBC Tiếng Việt:

"Đó là một thông điệp khá rõ ràng về tình trạng nhà nước pháp quyền ở VN hiện nay trong ngôn ngữ ngoại giao của ông Tổng thống Đức."

Nhưng cũng có những người khác cho rằng Đức không nên 'bảo vệ' cho quan chức bị cáo buộc tham nhũng như ông Trịnh Xuân Thanh, và ủng hộ cách làm của an ninh Việt Nam.

Còn trong cộng đồng người Việt ở Berlin có ý kiến cho rằng chính giới Việt Nam chưa hiểu hết lập luận của chính quyền Đức trong vụ việc hiện đang "làm khổ ngành ngoại giao Việt Nam" dù họ không gây ra.

"Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui"

Việt Nam làm gì để giảm căng thẳng với Đức?

Ý kiến này cho BBC Tiếng Việt biết rằng, "với người Đức, từ sau vụ khủng bố Palestine vào Munich bắn các vận động viên Olympics năm 1972 thì chưa bao giờ họ bị an ninh nước khác xâm nhập và bắt người trên đất Đức".

Ngoài ra, theo ý kiến này, Đức "đang bảo vệ nguyên tắc pháp quyền của họ", và họ sẽ không khoan nhượng, chứ không phải họ bảo vệ cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.

"Ông ta chỉ là một trong hàng nghìn người xin tỵ nạn tại Đức, và không được ưu tiên gì, nhưng nếu Đức để cho một chính quyền nước ngoài làm như vậy thì Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran...cứ thế vào nước họ bắt người hay sao?"


Trong xe có nhiều vệt đỏ màu huyết dụ

Mặt khác, trong bối cảnh Anh ra khỏi châu Âu trong quá trình Brexit, nước Đức đang thực sự trở thành quốc gia lãnh đạo hàng đầu của EU và phải chứng tỏ vai trò "nhà nước pháp quyền" họ đề cao.

Cũng liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh nhưng tại CH Czech mới đây nhật báo Aktuálně.cz của Czech đưa tin Bộ Ngoại giao nước này đã mời đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Prague tới và thông báo rằng nếu như có nhân viên ngoại giao nào của Tòa Đại sứ có liên quan tới vụ bắt cóc, Czech sẽ trục xuất người đó.

Cũng về vụ việc, Tiến sỹ Hoàng Xuân Phú, Đại học Heidelberg viết trên trang blog cá nhân:

"Nếu đúng như cáo buộc của phía Đức, là mật vụ Việt Nam đã bắt cóc TXT giữa Berlin để đem về Hà Nội, thì hành vi ấy không chỉ vi phạm thô bạo luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, mà còn vi phạm cả pháp luật Việt Nam. Vì Điều 492 (về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự) của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ:

"Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…"





BUI QUANG HIEU

Cảnh sát đánh dấu trên trần xe


Hàng ghế giữa xe cũng được đánh dấu


Trong xe có một số đồ vật dụng lặt vặt, thông thường, dễ mua


BUI QUANG HIEU

Nhưng có một tuyp trắng nắp đen mà người ta nghi là ống thuốc mê



Chủ xe Bùi Quang Hiếu đứng trước văn phòng cảnh sát ở Berlin, chờ làm thủ tục nhận lại tài sản


BBC
4-9-2017