Vì sao nói: Niệm ‘dâm dục’ vừa khởi thì liêm sỉ và luân lý đều mất hết?


Cổ nhân đối với vấn đề sắc dục hay tà dâm đều có yêu cầu rất nghiêm khắc, không dám buông lơi, bởi hậu quả của nó mang lại vô cùng tai hại, có thể khiến một người mất hết đi liêm sỉ và luân thường đạo lý.


Một người vừa nảy sinh ý niệm dâm dục thì các chủng ác niệm cũng theo đó mà dấy khởi, các chủng tội nghiệp cũng từ đây mà sinh ra. (Ảnh: Chuansong)

Trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” có viết: “Những người tham lam sắc dục, hành vi bất chính, làm lu mờ đi bản tính lương thiện và danh tiết. Trái với Thiên lý sẽ phải chịu nhận trừng phạt. Thiên thượng sẽ giáng tai họa cho những người này, báo ứng vô cùng nhanh chóng. Nếu có người không sợ báo ứng và tiếp tục những dục vọng bất chính, thiên tai sẽ đến bất cứ lúc nào. Chỉ những ai trọng đức, giữ thân như ngọc thì mới có thể được phúc báo”.

Cổ nhân tin rằng những người có thể nghiêm khắc với bản thân về vấn đề sắc dục sẽ được phúc báo. Còn nếu tham sắc túng dục, làm ra những chuyện trái với luân thường đạo lý; thậm chí không làm gì cả, nhưng có những suy nghĩ bất chính thì cũng coi như có tội. Người nào mà trái với Thiên đạo thì chính họ và thế hệ sau sẽ phải chịu tai ương.

Vì sao cổ nhân giảng “vạn ác, dâm đứng đầu”?

Người xưa giảng rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ”, ý rằng trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu. Vì sao họ giảng điều này? Đó là bởi vì, họ cho rằng khi một người vừa nảy sinh ý niệm dâm dục thì các chủng ác niệm cũng theo đó mà dấy khởi lên, các chủng tội nghiệp cũng từ đây mà sinh ra, tất cả các chủng thiện niệm cũng vì thế mà bị tiêu vong.

Từ xưa đến nay, những người có lòng nhân ái, có đạo đức và hàm dưỡng đều giữ cho mình một cái tâm thanh tịnh và thành kính. Họ dùng sự thanh tịnh để bồi dưỡng đức hạnh của bản thân, dùng chính khí để chống lại những ham muốn xấu.

Thời cổ đại, khi đạo đức con người còn cao thượng, cổ nhân luôn tin rằng, “háo sắc tham dâm”, có ý niệm xằng bậy hay hành vi quan hệ bất chính với người không phải vợ chồng là một việc vi phạm luân thường đạo lý. Tội lỗi ấy là trời không dung đất không tha, khiến Thần linh phẫn nộ. Đối với những người phạm tội tà dâm, người thì bị mất mạng, người thì bị mất chức vị, người thì hủy hoại gia đình và thậm chí bị tuyệt tự…

Về vấn đề này, các sách cổ ghi chi tiết rằng, một người nếu như có mệnh giàu sang phú quý, nhưng nếu phạm tội tà dâm, thì người đó có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt cuộc đời. Một người nếu có mệnh được hưởng phúc và sống thọ nhưng nếu phạm tội tà dâm, anh ta có thể bị tật nguyền hay chết trẻ. Một người nếu như có vợ hiền thục và tiết hạnh, nhưng nếu phạm tội tà dâm, thì bạn đời của anh ta có thể trở nên lẳng lơ và phóng đãng.

Người quân tử có đạo đức cao biết rõ điều ấy là tai họa to lớn vô cùng nên nghiêm túc cự tuyệt, vì thế mà họ không bị tổn đức và luôn được hưởng phúc báo. Người vô minh lại cho đó là hạnh phúc to lớn mà sa vào nên tất sẽ bị ác báo. Cho nên, người xưa vẫn thường nói: “Họa hay phúc không phải tự nhiên đến, mà đều là do con người tự chiêu mời mà đến”.

Sách cổ có ghi chép lại rất nhiều trường hợp về phương diện này. Những trường hợp ấy vừa để cảnh tỉnh và khuyên răn hậu nhân kịp thời nhận ra, kịp thời ước chế dục vọng, khôi phục lương tri đạo đức, tu sửa bản thân thành người thanh tịnh, đức độ, có tấm lòng cao thượng. Chỉ có quy chính lại bản thân, ít nhất cũng không sa vào “dâm dục” thì mới có thể có lại được may mắn và rời xa tai họa.

Câu chuyện của cha Vương Dương Minh – nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi danh

Vào triều đại nhà Minh có một vị phú ông rất giàu có. Trong nhà ông ta có rất nhiều tỳ nữ, thê thiếp nhưng lại không có con cái. Vì vậy, mà vị phú ông này luôn cảm thấy không được vui vẻ, trong lòng luôn bất an.


Sau này, ông ta có thuê một thanh niên trẻ tên là Vương Hoa tới nhà dạy học. Sau một thời gian ngắn tiếp xúc, phú ông phát hiện Vương Hoa là người có nhân phẩm tốt, học vấn cao nên đem lòng quý mến.

Một đêm, một người vợ trẻ của phú ông đi vào phòng ngủ của Vương Hoa và muốn được quan hệ bất chính với anh ta. Vương Hoa dùng lời lẽ nghiêm khắc mà cự tuyệt.


Sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời, nhưng tội nghiệp mà nó mang lại thì thật to lớn như núi. (Ảnh: Younrenba)


Người vợ trẻ kia bất đắc dĩ đành lấy ra một tờ giấy và nói: ‘Đây là ý của chủ nhân tôi”. Vương Hoa nhìn thấy dòng chữ “Mong muốn tìm một người con” được ghi trên tờ giấy, liền lập tức cầm chiếc bút và viết lên bên cạnh dòng chữ: “Sợ kinh động Thần linh, trời đất”. Đồng thời Vương Hoa cũng nhất quyết cự tuyệt người phụ nữ này. Ngày hôm sau, Vương Hoa cáo từ và rời khỏi gia đình phú ông kia.

Không lâu sau, Vương Hoa lên kinh thành dự thi và đỗ trạng nguyên. Về sau được làm quan đến chức Lại bộ Thượng thư và cưới vợ là Trịnh thị. Hai vợ chồng họ sống cuộc sống vợ chồng đầm ấm, thuận hòa.

Lúc Trịnh thị sinh con, mẹ của Vương Hoa đang ngủ thì mơ thấy cảnh tượng tiếng trống vang lên và cờ bay phấp phới, đồng thời một số vị thần tiên điều khiển một đám mây đưa một đứa trẻ đến nhà. Bà còn nghe thấy có người nói: “Quý nhân tới!”. Sau đó, các vị thần tiên lại kéo đám mây rời đi.

Bà lão bừng tỉnh thì cũng nghe thấy tiếng trẻ con khóc, cũng đúng lúc có một hầu gái đến báo là con dâu bà đã sinh. Cậu bé này chính là Vương Dương Minh, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi danh của triều đại nhà Minh và lịch sử Trung Hoa.


Khuyến thiện khiến Thần cảm động


Thời nhà Minh có một người tên là Lý Định. Ông là người đôn hậu, khuyến dương cái thiện, phản đối cái ác. Hễ nghe thấy bạn bè hay người thân đàm luận những chuyện bất chính, ông đều nghiêm túc chỉ ra vấn đề.

Để giúp mọi người nhận rõ thị phi, tránh nói càn làm ô uế danh tiết của người khác, ông đã viết một bài với tựa đề “Giới khẩu nghiệt văn” (Nghiêm khắc với lời nói của mình). Ông cũng thường khuyên mọi người đọc sách cho nhiều, tránh vô cớ tạo nghiệp, nên có rất nhiều người nghe lời ông mà đã hối cải hướng thiện.

Một thời gian sau, Lý Định tham dự khoa cử. Đêm trước ngày biết kết quả, ông nằm mộng thấy người cha quá cố nói với ông rằng: “Kiếp trước, con có tài năng nhưng kiêu căng ngạo mạn, không biết khiêm nhường đối nhân xử thế. Kết quả là Trời đã quyết định để con thất bại và thi rớt trong đời này”.

“Tuy nhiên, một người khác cùng ứng thí lần này, chủ định sẽ được đứng đầu bảng, nhưng lại tham sắc dục, tháng trước đã làm ô uế danh tiết của một thiếu nữ chưa xuất giá, do đó mà công danh bị tước đi.

Văn Xương Đế Quân [một vị Thần cai quản việc học hành và văn hóa của Trung Quốc] nghe được bài viết về giới khẩu của con, nhờ nó mà nhiều người đã hối cải không còn bàn luận các chuyện tà dâm, lại biết được con khuyên bảo người khác đọc sách hướng thiện, nhận thấy con đã tích được rất nhiều âm đức, đã quyết định để con đỗ đạt lần này. Về sau con nhất định phải cần mẫn tu đức, báo đáp Thiên ân”.

Lý Định nghe xong cảm thấy rất vui mừng. Và quả nhiên là năm đó ông đã đỗ Trạng nguyên. Sau khi nhậm chức làm quan, ông tận lực làm việc thiện, sau này làm quan đến chức Ngự sử.

Chủng tâm từ bi khuyến thiện, từ bỏ điều ác này khiến trời đất cũng cảm động, làm được như vậy tất phúc vận gia tăng, sớm ngày được thiện báo.


TinhHoa tổng hợp