Hun Sen cáo buộc Mỹ đứng sau âm mưu lật đổ





William A. Heidt, Đại sứ Mỹ ở Campuchia, trao đổi với phóng viên về tình hình chính trị Campuchia


Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã cáo buộc Tòa Đại sứ Mỹ ở Phnom Penh “đạo diễn” “âm mưu phản quốc” của thủ lĩnh đối lập Kem Sokha trong lần chỉ trích mới nhất nhắm vào cơ quan ngoại giao của Mỹ.

Ông cũng đặt dấu hỏi về chiến dịch đang manh nha của cơ quan này trên mạng xã hội để nêu bật “sự can dự tích cực” của Mỹ ở Campuchia, tờ Phnom Penh Post đưa tin.

Trong lúc này, Quốc hội Campuchia đã bỏ phiếu thông qua quyết định truy tố ông Kem Sokha về tội “phản quốc với sự thông đồng của Mỹ”, qua đó tước hoàn toàn quyền miễn trừ của ông Sokha.

Ông Hun Sen hôm 11/9 nói rằng Mỹ đang tìm cách “phá hủy” Campuchia bằng cách “làm thầy dùi” và “đạo diễn” cho “con rối” – tức ám chỉ ông Kem.
Ông cũng nhắc lại sự khó chịu lâu nay với người Mỹ về chiến dịch ném bom của nước này vào đầu những năm 1970 và một món nợ chưa thanh toán từ thời Lon Nol, Phnom Penh Post cho biết.

Giọng điệu chống Mỹ ở Campuchia đã dâng cao sau khi Chủ tịch Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) bị bắt và truy tố với bằng chứng là một đoạn băng video cũ cho thấy ông Kem đang nói rằng ông được Mỹ hỗ trợ để định hướng con đường chính trị của mình.

“Khoảng 2,7 tấn bom còn chưa được xử lý xong,” Hun Sen nói. “Họ (người Mỹ) tấn công chúng ta rồi còn đòi tiền chúng ta nữa,” ông Hun Sen được dẫn lời nói.
“Và cũng chính những người này là kẻ đã giật dây và đạo diễn những con rối ở Campuchia,” ông nói thêm.

Trong khi đó, Fresh News, cơ quan ngôn luận của Chính phủ Campuchia, cũng đưa ra những thông tin không được kiểm chứng, hầu hết từ những nguồn không rõ tên tuổi hay từ Facebook cáo buộc rằng các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ - bao gồm Viện Dân Chủ Quốc gia (National Democratic Institute) mới bị trục xuất gần đây – nằm trong âm mưu lật đổ chính quyền Campuchia.

Phnom Penh Post dẫn lời ông Ou Virak, người sáng lập Viện nghiên cứu Future Forum, nói rằng trong khi các lần công kích trước đây nhằm vào Mỹ là thỉnh thoảng mới có thì lần công kích này với cáo buộc Mỹ can dự vào âm mưu chống chính quyền đã “đi quá xa” và có thể khiến Mỹ trả đũa.

Quốc hội Campuchia hôm 11/9 cũng đã thông qua quyết định tước quyền miễn trừ đối với ông Kem Sokha để dọn đường cho việc truy tố ông này.
Lãnh đạo Đảng CNRP đã tuyên bố mình vô tội.

Động thái truy tố ông Kem diễn ra trong bối cảnh chính quyền của ông Hun Sen đang gia tăng đàn áp bất đồng, tập trung vào những cá nhân và tổ chức có liên hệ với Mỹ.
Trong một bài diễn văn, ông Hun Sen cảnh báo Đảng CNRP sẽ bị giải tán nếu họ tiếp tục ủng hộ ông Kem Sokha, theo tờ New York Times.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông Zeid Ra’ad al-Hussein, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Hai ngày 11/9 rằng ông “quan ngại nghiêm trọng” về việc bắt giữ đột ngột ông Kem Sokha mà không có lệnh bắt và điều này rõ ràng đi ngược lại quy chế miễn trừ dành cho đại biểu Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mà ông Kem được hưởng.

Phiên bỏ phiếu truy tố ông Kem ở Quốc hội đã bị các nghị sỹ đối lập tẩy chay.
Một số nghị sĩ này đã phải lẩn trốn sau khi bị truyền thông của chính quyền nêu tên là kẻ đồng mưu.
Một số người khác đã đến thăm ông Sokha tại một nhà tù được tăng cường an ninh tối đa gần biên giới với Việt Nam.

Tuy nhiên, chuyến đi thăm này đã bị chặn lại, bà Kem Monovithya, con gái ông Kem, nói.
Bà cũng cho biết thêm là các luận sư của ông Kem cũng bị chặn và không cho vào gặp mặt ông.

Ông Phay Siphan, phát ngôn nhân chính phủ, nói rằng các cường quốc bên ngoài, nhất là Hoa Kỳ, cần phải chấm dứt can thiệp vào Campuchia mà thay vào đó hãy suy gẫm hành động của họ còn những người phản đối việc bắt giữ ông Kem cần phải tôn trọng pháp luật, New York Times tường thuật.

“Nếu ông Kem Sokha có liên hệ với các điệp viên nước ngoài, chính phủ nước ngoài để lật đổ Chính phủ Campuchia thì đó là tội phản quốc,” ông Phay được dẫn lời nói. “Vào những năm 1960 chính quyền đã bắn chết những người có liên hệ với Mỹ.”

Ông Hun Sen đã nắm quyền ở Campuchia 32 năm.
Hồi tuần trước ông đã tuyên bố ông muốn tiếp tục làm thủ tướng ít nhất thêm 10 năm nữa.

Diễn đàn Facebook
VOA