Úc: Chuột túi nhiều gấp đôi người, chính quyền huy động người dân ăn thịt Kangaroo




Ai mà nghĩ đến có ngày biểu tượng nước Úc sẽ biến thành miếng steak hay xúc xích lăn lóc trong bữa ăn sáng của con người?

Trong khi các nước Châu Á đang miệt mài ăn chó, ăn mèo, rắn, trăn và đủ thể loại côn trùng hay vịt con chưa thành hình thì ở Australia, người ta bắt đầu đè Kangaroo - biểu tượng của quốc gia này ra làm thịt.

Chúng ta có thể quen với hình ảnh những con chuột túi đáng yêu nhảy tung tăng khắp mọi miền hoang dã nước Úc, có thể lâu lâu phì cười khi có con Kangaroo cơ bắp chơi đấm tay bo với con người nhưng nếu để làm quen với việc nhìn thấy loài vật dễ thương này nằm lổn nhổn trong nồi và được phân ra từng suất thì chắc hơi khó.



Chúng ta quen với hình ảnh này hơn...



Chứ chắc chưa quen với xúc xích chuột túi hay fillet ức chuột túi?

Nghe thì trái khoáy, tuy nhiên có nhiều lý do để chính phủ Úc quyết định làm thịt biểu tượng Quốc gia.

Đầu tiên, số lượng Kangaroo đang nhiều gần gấp đôi số lượng người dân sinh sống tại Úc. Tức là khả năng người dân bị chuột túi hành hung hội đồng là rất rất cao. Xin lỗi, nhưng bọn chuột túi nhảy nhót nhiều nên cơ chân to lắm, nó đá cho cái thì nghỉ việc nằm nhà. Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu là phải bảo vệ an toàn cho người dân trước đã.

ABC News cho biết thêm, vì quân lực quá đông đảo, số lượng chuột túi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nước này.

Nhiều thí nghiệm còn cho thấy, nếu để bày đàn lũ lĩ Kangaroo tự do sinh nở không kế hoạch hoá gia đình thì sớm muộn gì Úc cũng sẽ tan tác.

Đến lúc ấy, Kangaroo không chỉ là chuỗi âm thanh phiền phức trên quảng cáo nhà đài mà còn là hiểm hoạ đối với cả nhân loại (vì chúng nó còn to xác nữa).



Cơ bắp đầy mình, rõ ràng đám chuột túi này mà bùng nổ dân số thì con người gặp hoạ.
Bởi vậy, chính quyền Úc đã bắt đầu kêu gọi người dân cùng tham gia giải quyết vấn nạn chuột túi bằng nhiều biện pháp giết thịt nhân đạo. Giết thịt mà lại nhân đạo thì có lẽ chuột túi sẽ được nghe nhạc, xông hơi, xem một chương trình ca múa nhạc cuối đời rồi nằm lăn ra cho người ta chế biến?

Tuy nhiên, đây thực ra là giải pháp buộc phải làm. Vì nếu để chuột túi tự do sinh sản, hàng triệu con sẽ có nguy cơ chết trong đợt hạn hán sắp tới. Bạn biết đấy, Úc có sa mạc mà?

Mặt khác, dinh dưỡng đến từ thịt chuột túi cũng được đánh giá là tốt, bởi chúng chứa ít chất béo và mê-tan hơn (khí mê-tan là một trong những thủ phạm làm cho trái đất ấm lên, có khá nhiều trong thịt bò).



Thực ra thì thịt chuột túi cũng có khá nhiều lợi ích,và chắc cũng săn chắc, ngon miệng như thịt bò...

Nói là làm thịt nhưng khá là ít người có nhu cầu ăn chuột túi, chắc cũng vì chưa quen nhìn thấy bọn loi choi này không toàn vẹn một khối. Chỉ một số rất nhỏ các khách du lịch muốn thử thưởng thức mùi vị của loài vật được in trên quốc huy Úc là như thế nào mà thôi.

Ngoài ra thì Úc còn có loài quốc điểu nữa là chim Emu - một loài đà điểu Châu Úc.

Có khi nào trong thời gian tới, với môi trường hoang dã nhiều ở quốc gia này, thì chúng ta sẽ được thấy thịt Emu xếp bên cạnh gà tre, gà tam hoàng hay gà Đông Tảo?



Lời khuyên cho chim Emu: "Đẻ in ít thôi, hăng quá là bị làm thịt đấy".



Theo TĐ