Bằng tiền, Trung Quốc ‘thắng đẹp’ Mỹ trong ảnh hưởng ở Campuchia





Ảnh cá trích đỏ trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 11/9/2017.


Bị cáo buộc là âm mưu xúi giục nổi loạn với thủ lãnh đối lập Campuchia đang bị giam giữ, đại sứ quán Mỹ vừa đăng một bức ảnh của một con cá trích màu đỏ trên trang Facebook của mình.

Theo Reuters, ẩn ý của tấm ảnh này là những cáo buộc nhắm vào đại sứ quán Mỹ là không đúng với sự thực, một khái niệm hơi khó hiểu đối với nhiều người Campuchia.

Những gì được đăng tải lên ngay sau các bài viết hôm thứ Hai cho thấy viện trợ của Hoa Kỳ đã giúp bảo tồn nhiều đền thờ và khu rừng ở Campuchia.

Các bài viết nêu bật sự khác biệt lớn giữa viện trợ Mỹ và viện trợ Trung Quốc, một nước lớn vẫn hậu thuẫn và giúp Thủ tướng Hun Sen gạt sang một bên những lời chỉ trích về vụ bắt giữ đối thủ chính trị của ông Hun Sen, là nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha.

Trung Quốc không chỉ qua mặt Hoa Kỳ về số tiền chi cho Campuchia, một quốc gia từng bị tàn phá vì sự cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới, mà tiền tài trợ của Bắc Kinh còn được dùng để xây dựng các cấu trúc hạ tầng có thể trông thấy được, mà không đi kèm bất cứ đòi hỏi nào về cải cách chính trị.

Viện trợ của Mỹ thường được dùng vào các dự án xã hội và các nỗ lực xây dựng dân chủ, bị coi như một hành động can thiệp không được sự tán thành của chính quyền của một thủ tướng đã cầm quyền trong suốt 30 năm.

“Nhận viện trợ (của Mỹ) không có nghĩa là họ có thể yêu cầu chúng tôi làm những gì họ muốn. Chúng tôi không phải là đồng minh của Mỹ. Chúng tôi không phải là nô lệ của họ”, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, Phay Siphan, nói với Reuters.

“Người Trung Quốc luôn luôn hỗ trợ chúng tôi tăng trưởng kinh tế, họ không bao giờ can thiệp vào các quyết định của chúng tôi”.

Đại sứ quán Hoa Kỳ không đưa ra bình luận tức thời nào với Reuters.

Campuchia bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ và phương Tây về vụ bắt giữ thủ lãnh đối lập Kem Sokha hôm 3/9. Trong khi đó, Trung Quốc ủng hộ Thủ tướng Hun Sen.

Ông Vương Gia Thụy, Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, phát biểu tại Phnom Penh tuần trước rằng: “Để đảm bảo an ninh cho Campuchia, Trung Quốc sẽ hợp tác với Campuchia trong mọi tình huống”.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Trung Quốc không chỉ có một chiều.

Theo Reuters, Trung Quốc trông cậy vào Campuchia ủng hộ cho họ tại các hội nghị của ASEAN về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông. Tại Campuchia, quân đội Trung Quốc cũng giành được một chỗ đứng chiến lược.

Các dữ liệu về viện trợ phát triển nước ngoài cho Campuchia cho thấy tầm mức quan trọng của Trung Quốc.

Trong tổng số 732 triệu USD tiền viện trợ song phương cho Campuchia trong năm 2016, viện trợ của Bắc Kinh chiếm gần 36%, cao gần gấp bốn lần so với viện trợ của Hoa Kỳ. Phần lớn còn lại đến từ các nước phương Tây khác, những quốc gia mà tiếng nói phản đối cũng bị Campuchia gạt sang một bên.

Gã đầu tư khổng lồ



Thủ tướng Hun Sen phát biểu tại một buổi lễ khánh thành cầu hữu nghị Campuchia-Trung Quốc ở Takhmao, tỉnh Kandal, ngày 3/8/2015.
Sự chênh lệch thậm chí còn tệ hơn trong lĩnh vực đầu tư.

Trung Quốc cung cấp gần 30% vốn đầu tư tại Campuchia vào năm ngoái, hơn cả chính Campuchia, trong khi Hoa Kỳ chỉ chiếm hơn 3%.

Đề xuất cắt giảm viện trợ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là dấu hiệu cho thấy tiền viện trợ của Mỹ cho Campuchia từ năm 2018 trở đi có thể bị cắt giảm 70%, dựa trên một dự thảo được đề xuất.

Những gì mà Campuchia nhận được từ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng rất khác nhau.

Các dự án của Trung Quốc gồm có đường xá, cầu cống, hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng để truyền tải điện và các con đập.

Danh sách các dự án của Hoa Kỳ dài hơn nhiều, nhưng cũng nhỏ hơn nhiều, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác bảo tồn cũng như nỗ lực xây dựng nền dân chủ, vốn làm chính quyền Campuchia khó chịu.

Nhóm ủng hộ dân chủ do Viện Dân chủ Quốc gia Hoa Kỳ (NDI) tài trợ đã bị trục xuất hồi tháng trước và bị kết tội âm mưu lật đổ Thủ tướng Hun Sen, một cáo buộc mà NDI và đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) bác bỏ.

Ông Ou Virak của tổ chức Future Industry nói với Reuters:

“Sự kiện chính phủ Campuchia bị các nhà tài trợ phương Tây chỉ trích về chiến dịch đàn áp gần đây có nghĩa là Campuchia ngày càng dựa nhiều hơn vào Trung Quốc”.

Mặc dù Hoa Kỳ là một thị trường xuất khẩu lớn hơn so với Trung Quốc, đặc biệt đối với ngành may mặc của Campuchia, nhưng Hoa Kỳ không công khai tuyên bố sẽ sử dụng thương mại để gây áp lực hướng tới cải cách dân chủ.

Người đứng phó của ông Sok Sokha, bà Mu Sochua, nói rằng những khoản viện trợ không đi kèm với các điều kiện về nhân quyền không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Campuchia.

Bà nói với Reuters: “Campuchia cần Trung Quốc. Campuchia cũng cần Mỹ, cần có dân chủ để kéo đất nước ra khỏi nhiều năm đói nghèo”.

Nhưng Campuchia ngày càng ít phụ thuộc vào viện trợ hơn so với trước đây.

Năm nay đánh dấu năm thứ 7 kinh tế Campuchia tăng trưởng gần 7% và cao hơn, một thành tích mà Thủ tướng Hun Sen thường lưu ý về đất nước mà ông đã nắm quyền cai trị từ sau chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Bản thân ông Hun Sen cũng từng là một chỉ huy trưởng của Khmer Đỏ.

Các số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy viện trợ phát triển nước ngoài dành cho Campuchia đã giảm từ mức hơn 120% chi tiêu của chính phủ trung ương năm 2002 xuống còn 32% vào năm 2015. Tổng sản phẩm quốc nội tính trên đầu người tăng từ mức chưa tới 340 đôla vào năm 2002 lên tới gần 1.300 đôla hồi năm ngoái.

Gạt sang một bên sự can thiệp của Hoa Kỳ, trong bài phát biểu hôm thứ Hai (11/9), Thủ tướng Hun Sen đe dọa sẽ cấm đảng đối lập hoạt động.

Sau đó, ông Hun Sen lên máy bay sang thăm Bắc Kinh, nơi mà ông cho biết sẽ vận động tìm tài trợ cho lĩnh vực y tế, một lĩnh vực mà các nhà tài trợ phương Tây chi phối cho đến bây giờ.


VOA
15/09/2017