Vấn nạn dân chết trong đồn công an tại Việt Nam





Bà Nguyễn Thị Ái đầm đìa nước mắt ôm di ảnh con trai, anh Phạm Ngọc Nhung.


Trong những đầu tháng 9 năm 2017, lại có thêm 2 trường hợp được người cho biết chết một cách bất minh ngay tại đồn công an. Công luận nêu vấn đề đến bao giờ những cái chết khuất tất như thế không còn xảy ra?


Thêm hai người chết bất minh trong đồn công an

Báo mạng Thanhnien.vn đưa tin bà Huỳnh Thị Thúy Hằng, 39 tuổi, vào ngày 3 tháng 9, bị tạm giữ tại đồn Công an huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang để điều tra liên quan một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó, Công an huyện Thoại Sơn thông báo cho gia đình biết bà Hằng được phát hiện tử vong trong bồn nước phòng tạm giam.

Một trường hợp khác được Báo Tuổi Trẻ Online loan đi thông tin về nạn nhân tên Võ Tấn Minh, 25 tuổi, được Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm phát hiện ngất xỉu trong nhà tạm giữ vào chiều ngày 8 tháng 9 và được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã tử vong trong chiều cùng ngày.

Mẹ của nạn nhân Võ Tấn Minh là bà Phạm Thị Thu Huyền nói với Báo Tuổi Trẻ Online rằng con trai của bà bị bắt giữ vào ngày 28 tháng 4, do bị phát hiện có mang trong mình vài tép heroin. Sau khi nhận được thông báo từ Công an tỉnh Ninh Thuận về cái chết của con trai, vào chiều ngày 8 tháng 9, bà Huyền cùng gia đình đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để làm thủ tục nhận xác của người nhà. Và gia đình nghi ngờ thân nhân của họ bị đánh vì thi thể có nhiều vết bầm và một vết bầm ở sau gáy dài khoảng 6cm.


Ông Nguyễn Hữu Tấn, người chết trong đồn công an ngày 03/05/2017. Courtesy of baovinhlong



Em gái của nạn nhân Võ Tấn Minh là cô Võ Thị Thu Thủy qua trang Facebook cá nhân kêu gọi sự giúp đỡ lấy lại “công đạo” cho anh trai. Cô Thu Thủy viết rằng gia đình hồ nghi nạn nhân Võ Tấn Minh bị bức cung đến chết vì bác sĩ pháp y thông báo kết quả khám nghiệm tử thi là nạn nhân bị đánh bể hộp sọ và nát phổi mà chết.

Cả hai trường hợp mới nhất liên quan đến người dân thiệt mạng trong thời gian bị tạm giữ ở đồn công an như vừa nêu, Công an tỉnh An Giang nói với Báo Thanhnien.vn rằng sẽ cung cấp thông tin khi có báo cáo cụ thể và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho Báo Tuổi Trẻ Online biết vụ án đang được các cơ quan chức năng phối hợp điều tra.

Vụ việc có thêm hai thường dân chết trong đồn công an chỉ cách nhau vài ngày lại làm làm dấy lên sự phẫn nộ trong dư luận. Thắc mắc của họ là vì sao tình trạng người dân chết trong đồn công an ngày càng xảy ra thường xuyên hơn cũng như bao giờ thì những cái chết khuất tất như thế được cơ quan công quyền làm rõ nguyên nhân.

Cũng trong năm 2017, một số trường hợp tương tự khiến dư luận đặc biệt quan tâm có thể nêu ra gồm trường hợp ông Nguyễn Hữu Tấn, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy, 38 tuổi bị chết trong trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Long vào đầu tháng 5 với thông báo là nạn nhân này đã dùng dao rọc giấy cắt cổ tự sát. Trường hợp khác là thanh niên Nguyễn Hồng Đê, 26 tuổi, trong thời gian bị tạm giữ tại đồn Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hồi đầu tháng 7 vừa qua, được nói cởi áo tự thắt cổ đến chết.

Kiên trì tìm công lý

Đài RFA được biết hai gia đình vừa nêu không chấp nhận giải thích của cơ quan chức năng về nguyên nhân gây ra tử vong cho thân nhân và họ yêu cầu chính quyền địa phương phải điều tra vụ việc. Tuy vậy, cho đến nay, hai gia đình này vẫn chưa nhận được kết quả điều tra như thế nào.

Tôi dù có chết hay còn một hơi thở cuối cùng thì tôi cũng đi làm cho rõ cái chết của con tôi.
-Bà Nguyễn Thị Ái

Riêng trường hợp của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung, 26 tuổi, bị thiệt mạng trong thời gian Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tạm giữ, do bị tình nghi đánh nhau với người khác hồi trung tuần tháng Giêng năm 2017, mẹ của người thanh niên xấu số này, bà Nguyễn Thị Ái cho biết sau 3 tháng gia đình đến nhận xác với điều kiện phải ký cam kết không được mang quan tài hay hũ cốt diễu phố làm mất vệ sinh môi trường và an ninh trật tự.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng hồ sơ tố cáo vụ việc con trai Phạm Ngọc Nhung gửi đến Cục Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiến triển ra sao, bà mẹ Nguyễn Thị Ái cho biết cả luật sư và bản thân bà không cách nào liên lạc được với bên chính quyền. Bà Ái nói đã nhiều lần gọi điện thoại đến ông Đội phó tên Việt của Phòng Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC44), nhưng ông này không bắt máy:

“Ông biết số máy của tôi và ông không bắt máy. Sau tôi buồn quá và nhắn tin vào máy của ông, bảo là ‘Anh cho tôi hỏi vụ án của con tôi như thế nào? Có định xử hay không? Nếu không xử thì anh cũng cho tôi biết. Nếu các anh không xử thì trả lại hồ sơ để tôi đi ra ngoài Bộ (Bộ Công An). Tôi dù có chết hay còn một hơi thở cuối cùng thì tôi cũng đi làm cho rõ cái chết của con tôi’. Thế thì ông nhắn lại rằng ‘Chị yên tâm đi. Khi nào tòa xử thì sẽ gửi giấy báo cho chị’.”

Để trả lời cho thắc mắc của các gia đình có người thân chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam tại đồn công an rằng các hồ sơ vụ việc không được chính quyền địa phương giải quyết thì những gia đình này phải cầu cứu với cơ quan nào cho đúng trình tự pháp luật, Luật sư Võ An Đôn giải thích:

]“Theo quy định pháp luật thì trường hợp những gia đình nạn nhân mà cảm thấy người thân của mình chết mà không rõ nguyên nhân, làm đơn tố cáo yêu cầu các cơ quan từ địa phương đến trung ương xử lý. Những trường hợp này thì Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm Sát phải vào cuộc ngay sau khi có đơn tố cáo của công dân hoặc phản ánh của dư luận. Khi cơ quan tiếp nhận đơn thư thì trong vòng một tháng phải giải quyết đơn thư đó và trả lời kết quả cho công dân. Nếu người ta không xử lý, cố tình làm cho vụ án chìm xuồng thì việc đó không đúng quy định pháp luật. Và không còn cách nào khác vì công dân đã làm đúng theo các điều quy định trong pháp luật, nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết thì cũng bó tay thôi.”

Đài RFA cũng đã liên lạc với Phòng Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC44) vào sáng ngày 15 tháng 9 để hỏi thăm thông tin liên quan hồ sơ vụ án của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung, nhưng qua các số điện thoại trên danh bạ mà chúng tôi tìm được và gọi đến cơ quan này đều không ai bắt máy.

Nếu người ta không xử lý, cố tình làm cho vụ án chìm xuồng thì việc đó không đúng quy định pháp luật. Và không còn cách nào khác vì công dân đã làm đúng theo các điều quy định trong pháp luật, nhưng các cơ quan chức năng không giải quyết thì cũng bó tay thôi.
-Luật sư Võ An Đôn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, hồi trung tuần tháng 3 năm 2015, từng tổ chức họp đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”. Tại buổi họp đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Bộ Công An cần làm rõ “điều kiện giam giữ như thế nào để dẫn đến số người bị tạm giam, tạm giữ chết nhiều như vậy”, qua số liệu báo cáo trong vòng 3 năm, tính từ tháng 10 năm 2011 đến tháng 9 năm 2014 có đến 226 người chết khi bị tạm giam, tạm giữ do bệnh lý và tự sát.

Dư luận không ai rõ Bộ Công An đã có giải trình theo đề nghị của Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, ông Đỗ Mạnh Hùng hay chưa vì không có một thông tin liên quan nào được phổ biến rộng rãi đến công chúng. Trong khi đó gia đình của các nạn nhân chết trong đồn công an cho biết họ vẫn kiên trì tìm kiếm một lời giải đáp cho cái chết khuất tất của người thân.


Hòa Ái, phóng viên RFA
2017-09-15