10 cổ trấn đẹp như trong phim ở Trung Quốc




Phượng Hoàng cổ trấn, "Venice của phương Đông" hay "Đảo dương cầm" là những điểm đến tuyệt đẹp ở Trung Quốc.



Châu Trang, Giang Tô: Còn được gọi là "Venice của phương Đông", Châu Trang nằm cách Tô Châu 30 km về phía đông nam. Nơi đây có không gian yên tĩnh và bình dị, với những con phố xinh xắn, cầu đá hay thuyền gỗ đi lại trên mặt sông. Thị trấn 900 năm tuổi này còn nổi tiếng với những kiến trúc nhà ở hay đền chùa cổ kính. Ảnh: Linkedin.



Phượng Hoàng cổ trấn, Hồ Nam: Phượng Hoàng là thị trấn 1.300 năm tuổi, nép mình dưới chân những ngọn núi hùng vĩ ở rìa sông Đà Giang. Thị trấn cổ của Hồ Nam là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Hán, Hồi, Thổ Gia, với những phong tục và văn hoá đặc trưng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều thành quách, đền chùa, những dãy phố, nhà cổ dọc bờ sông, cùng các món ngon địa phương như ớt đỏ ngâm hay kẹo gừng. Ảnh: Sunsurfer.



Thành cổ Lệ Giang, Vân Nam: Khu vực thành cổ Lệ Giang gồm Bạch Cát, Thúc Hà và Đại Nghiên, được xây dựng vào cuối đời Tống. Trong đó, Đại Nghiên là khu lớn nhất. Cổ trấn này sở hữu lối kiến trúc đa dạng, kết hợp giữa những yếu tố khác nhau từ nhiều nền văn hóa. Nơi đây còn nổi tiếng về hệ thống đường thủy, với 354 cây cầu bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà, cùng nhiều địa điểm tham quan, hấp dẫn du khách. Ảnh: Ytravelblog.



Thất Vi, Nội Mông: Thất Vi là thị trấn biên giới nhỏ ở đông bắc Nội Mông, gần biên giới với Nga. Đây là nơi sinh sống của người thiểu số, với sự pha trộn văn hóa được thể hiện khắp nơi. Trong thị trấn, những ngôi nhà gỗ xinh đẹp theo lối kiến trúc Nga được gọi là “mukeleng”. Đồ ăn tại đây là sự kết hợp giữa công thức nấu ăn của người Nga và Trung Quốc, tạo nên những món ăn mang đặc trưng riêng. Quanh Thất Vi, các đồng cỏ rộng lớn và tươi tốt cho du khách cơ hội cưỡi ngựa rong chơi. Ảnh: Cnto.



Dương Sóc, Quảng Tây: Nổi tiếng với những dãy núi đá vôi hùng vĩ, Dương Sóc là một thị trấn sôi động, thân thiện nằm trên bờ sông Quế Giang ở khu tự trị Quảng Tây, miền nam Trung Quốc. Ngoài những nhà hàng và cửa hàng hiện đại tập trung quanh khu phố Tây, thị trấn 1.400 năm tuổi còn thu hút du khách với nhiều công trình kiến trúc truyền thống cùng các món ăn đặc sản. Ảnh: Thinglink.



Đồng Lý, Giang Tô: Đồng Lý
là thị trấn nhỏ gần Châu Chang, được ca ngợi là đẹp như tranh vẽ. Thị trấn được tạo thành từ 7 hòn đảo, kết nối bằng 49 cây cầu. Nơi đây có các công trình kiến trúc từ thời nhà Minh và nhà Thanh, được giữ gìn khá nguyên vẹn. Du khách đến Đồng Lý có thể thuê một chiếc thuyền gỗ truyền thống để du ngoạn trên sông và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thị trấn. Ảnh: Shutterstock/Tappasan Phurisamrit.



Cổ Lãng Tự, Hạ Môn: Đây là một hòn đảo nhỏ với diện tích khoảng 2 km2, không có ôtô, nằm ngoài khơi bờ biển Hạ Môn, Phúc Kiến phía nam Trung Quốc. Đảo có khoảng 20.000 dân, mỗi năm đón hàng triệu du khách ghé thăm. Nơi đây nổi tiếng với những bãi biển, các con đường quanh co và kiến trúc đa dạng. Ảnh: Flickr/SaraYeomans.



Đôn Hoàng, Cam Túc: Đôn Hoàng là thị trấn nhỏ nằm trên một ốc đảo của sa mạc Gobi. Trước kia, nơi đây là một trong những điểm dừng quan trọng dọc con đường tơ lụa. Đôn Hoàng có khoảng 241 di tích lịch sử nằm rải rác bên trong và xung quanh thị trấn. Trong đó, hang động Mạc Cao đã được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa Phật giáo. Ảnh: Citiestips.



Hoành Thôn, An Huy: Hoành Thôn là ngôi làng cổ nằm dưới chân núi Hoàng Sơn, với một số công trình có từ thời nhà Minh, Thanh được bảo vệ tốt nhất ở Trung Quốc. Hoành Thôn cũng là địa điểm thường xuyên được lựa chọn làm bối cảnh lịch sử trong những bộ phim. Phần lớn ngôi làng, cùng với thôn Tây Đệ gần đó, được công nhận là di sản thế giới vào năm 2000. Ảnh: Sohu.


Đại Lý, Vân Nam: Thành cổ Đại Lý gần khu vực núi Thương Sơn và hồ Nhĩ Hải, là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Vân Nam, Trung Quốc. Nơi đây có những con đường lát đá cẩm thạch, các di tích lịch sử, nhiều ngôi nhà và đền miếu cổ. Du khách tới đây có thể chiêm ngưỡng những công trình nghìn năm tuổi, mua đồ lưu niệm tuyệt đẹp trên đường phố, hay tìm hiểu về lịch sử của khu vực và người dân địa phương. Ảnh: Visitdali.