Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Muốn đoạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình đã là người lý tưởng chưa đã?
Lelend Foster Wood
Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối
Results 11 to 20 of 24

Chủ Đề: Chuyện Bé Phượng

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Chuyện Bé Phượng

    Chuyện Bé Phượng

    Tác giả :Nhật Tiến





    1

    Lũ trẻ truyền bóng ở đằng xa .Tiếng hò hét và cười đùa của chúng nghe vẳng lại chỗ Phượng và Hà đang thủ thỉ nói chuyện với nhau. Tay Phượng cầm một cái que kem ngắn. Nó vạch lên mặt cát mịn và ẩm những nét nguệch ngoạc và nói:

    - Về sau lớn tao thích làm thợ vẽ . Tao sẽ vẽ hai cây sấu ở ngoài cổng vào mùa này không có hoa, không có lá, nom như những cái cuống chổi trên nền trời.

    Hà nói:

    - Mày vẽ cả tao nữa chứ?

    Phượng gật đầu:

    - Đứt đuôi đi rồi ! Tao sẽ vẽ mày ngồi trên ghế đá, mặc quần trắng, áo cánh trắng.

    Hà ngắt lời:

    - Tao thích mặc váy đầm đỏ, chân đi giầy, còn đầu thì thắt nơ.

    - Ừ ! Tao sẽ vẽ mày mặc áo đầm đỏ, đi giầy đỏ, đầu thắt nơ màu trắng có điểm kim tuyến vàng.

    - Tay tao ôm một con búp bê nhắm mắt, mở mắt được.

    - Được lắm chứ. Búp bê của mày to bằng người thật. Nó cũng mặc váy đầm như mày, nhưng màu bleu nhạt mày có chịu không?

    Hà gật lấy gật để. Mặt nó hớn hở như đã được cầm con búp bê đẹp đẽ ấy ở trong tay.

    Một lát nó nói:

    - Thế còn mày ngồi ở đâu?

    Phượng nhìn ra phía cổng cao vòi vọi có những dóng sắt xám xịt loang lổ lớp sơn màu lá cây sậm. Nó đáp một cách lơ đãng:

    - Tao đấy à…. ừ nhỉ, tao đứng ở đâu?

    Hà bàn:

    - Hay là mày đứng ở bên cạnh tao. Hai đứa cầm chung nhau con búp bê của chúng mình.

    - Phải đấy. Tao sẽ đứng ở bên cạnh mày. Tay tao cầm một bó hoa màu tím. Hoa gì màu tím nhỉ.

    Hà suy nghĩ rồi đáp:

    - Chắc là hoa nhài!

    Phượng chun ngay mũi lại:

    - Mốc xì ! Hoa nhài hôm nọ chị Giang nói rằng cho vào nước đường có thể uống được mà không chết người. Nó màu trắng cô ạ.

    - Vậy thì hoa gì màu tím mới được chứ ?

    - Hoa pensée, hoa mõm chó, tao sẽ cầm một bó hoa pensée có buộc một giải lụa màu vàng, nom phải biết !

    - Vậy bao giờ thì mày có thể vẽ được ?

    - Chắc là còn lâu. Bây giờ ma soeur mới bắt đầu dạy tao vẽ cái ấm giỏ.

    Một con chim màu xanh biếc, có mỏ vàng liệng ngang xuống cụm hoa bên bể nước rồi bay lên một cành bàng gần đấy. Hà bỏ chỗ đứng chạy vụt theo nhìn. Hai bàn chân nhỏ xíu của nó in những nốt xinh xắn trên mặt cát. Phượng không chạy theo nhưng xoa bàn tay trên những nét nguệch ngoạc mà nó vừa vẽ . Đầu nó còn vấn vương cái hình ảnh lộng lẫy mà nó tưởng tượng khi nãy. Đứng ở đó, Phượng có thể nhìn bao quát được tất cả Viện Cô Nhi với những nếp nhà quét vôi trắng có mái ngói ngả màu rêu xám.

    Những khung cửa sổ sơn nâu mở ra trước lối đi trải đá vụn trắng . Ở hai bên lề, có những cụm hoa cúc nở vàng, những bụi hồng dại có hoa màu hồng nhạt hoặc thảm cỏ tóc tiên xanh điểm từng bông hồng màu đỏ tía. Bên kia dẫy nhà thấp là một vườn cây rậm rạp. Những ngọn sấu mọc vươn lên cao, vào mùa hạ, hoa nở trắng xóa rơi rắc trên mặt cỏ, vào mùa thu để lại những cành trơ trọi in trên nền mây xám vẩn đục. Trèo lên ghế đá bằng xi măng ở sân sỏi, Phượng còn có thể nhìn thấy hết cả bốn nếp tường vuông vắn, cao quá đầu người, bao bọc Viện Cô Nhi.

    Vào buổi sáng, lúc mặt trời mới mọc, các tia nắng đầu tiên chiếu lên những mảnh chai cắm tua tủa trên mặt tường, nom lấp loáng rực rỡ như những hòn ngọc sáng chói đủ mầu. Ở rải rác chung quanh sân, có những cây bàng với thân to lớn sần sùi chìa ra từng cành thẳng tắp. Đến mùa lá úa, những chiếc lá ngả mầu đỏ tía đan vào nhau chi chít tạo thành một cái tán sặc sỡ xòe ra trên nền trời trong xanh. Thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ nhàng thổi qua lại bứt đi một vài chiếc khô queo, bay chấp chới trong khoảng không rồi nằm phơi trên nệm cỏ.

    Đối với Phượng, khung cảnh ấy thật là quen thuộc, cũng như nó đã quen thuộc với hầu hết các bộ mặt của các bà phước mà đứng đầu cai quản tất cả là bà phước Nhân già lọm khọm với dáng đi nặng nề và chậm chạp. Khuôn mặt của bà lúc nào cũng đỏ như gấc chín với vầng trán thật cao có nhiều nếp nhăn, hai bên gò má hơi hóp lại, chiếc mũi gồ lên đỡ hững hờ cặp kính lão cũ kỹ đặt trước hai con mắt sâu lờ đờ. Với hình dáng xấu xì và già nua như vậy, bà phước Nhân có vẻ như một người dữ tướng. Tuy vậy, bà lại là người rất ít khi nói to hoặc la hét. Thường thường để biểu lộ sự giận dữ, khuôn mặt của bà đã đỏ càng đỏ thêm, hai con mắt như sâu thêm, cặp môi mỏng và rộng run lên bần bật. Sau đó bà phải làm ra một cử chỉ cố gắng là khẽ đặt bàn tay xương xẩu lên vai bà phước Hạnh như để bầy tỏ cho bà Hạnh thấy rõ sự giận dữ của mình. Lập tức bà Hạnh cũng nổi cơn giận dữ bằng, hoặc lớn hơn (càng hơn bao nhiêu bà Nhân càng nguôi đi bấy nhiêu). Sau đó bà Hạnh sẽ quát lên một cách hằn học bằng một câu nói cửa miệng bà :

    - Đồ dơ dáy! Mày chơi cái trò gì dơ dáy đến vậy chứ

    Lập tức đứa trẻ dù có nhận lỗi của mình hay không cũng phải vội khoanh tay lễ phép:

    - Thưa mẹ, con xin mẹ tha lỗi . Con hứa con chừa.

    Bà phước Nhân rất lấy làm bằng lòng về câu nói đó, khuôn mặt của bà bớt đỏ lại, làn môi bớt run đi hơn. Bà tuyên bố bằng một giọng êm ái và bình tĩnh:

    - Đã biết lỗi thì tha, nhưng cũng phải phạt để làm gương.

    Rồi bà hỏi một soeur đứng bên cạnh:

    - Soeur có việc gì cho nó làm không?

    Nếu là bà Hạnh thì bà thường nói đại khái:

    - Thưa mẹ, có thể cho nó nhịn món tráng miệng hôm nay. Bên nhà chung mới cho một sọt dứa.

    Đứa phạm lỗi thất vọng về cái hình phạt truất phần ăn ấy. Nhưng dầu sau nó cũng lí nhí cảm ơn các bà trước khi đứng tủi thân một chỗ vắng. Đối với chúng nó, sự phạt ăn là một hình phạt đáng ghét nhất, bởi vì sự không được ăn sẽ không khổ sở bằng những cử chỉ chế giễu của bọn đang nhồm nhoàm miếng dứa.

    Bọn trẻ sau khi được chia phần bao giờ cũng lảng tuốt ra xa vừa ăn vừa nhìn lại. Một vài đứa cắn xong một miếng, lại múa cái tay ra đằng trước mặt, bằng vành môi, bằng những cái tóp tép trong miệng như để cho đứa bị phạt thấy rằng miếng dứa là miếng ngon nhất trên đời.

    Nhưng thường thường thì bao giờ cũng có sự đổi chác xảy ra:

    - Tao đổi cho mày lấy cái ngòi bút, chịu không?

    Hoặc:

    - Cho tao cóp bài tính đố thì tao cho cắn một miếng.

    Tất nhiên, chả đứa nào trong bọn lại không hy sinh một cái ngòi bút, một cái ảnh tô màu, hoặc cho cóp một bài tính để được cắn một miếng cho biết nùi, và nhất là để chứng tỏ rằng mình cũng được ăn dứa như mọi người khác.

    Ở trong viện này, mỗi một bà phước ưa thích một hình phạt riêng. Bà phước Hạnh thích trừng phạt bằng truất đi phần tráng miệng hay một món đặc biệt trong những thức ăn hằng ngày. Bà Hòa lại thích xách tai của bọn chúng nó lên, xoắn đi một vòng và chấm dứt bằng một cái giựt mạnh sang phía bề ngang. Hình phạt này cũng công hiệu lắm, bởi vì bọn trẻ không đứa nào có thể chịu nổi quá hai cái xoắn ấy mà không trào nước mắt. Có lẽ chỉ có bà Cécile là chúng nó thích nhất, bởi vì bao giờ bà cũng tỏ thái độ của mình bằng một cái nhún vai với hai bàn tay xòe ra phía trước mặt, như biểu lộ sự ngạc nhiên một cách rõ rệt:

    - Tại sao lại có thể đến thế được nhỉ !

    Sự ngạc nhiên của bà càng lớn lao bao nhiêu thì cái nhún vai của bà càng có vẻ sững sốt bấy nhiêu.

    Riêng bà Félicité thì thân mật với bọn chúng nó hơn. Bà thường kéo chúng nó vào lòng và dịu dàng hỏi:

    - Con có thấy con làm như vậy là trái không? Một người xứng đáng không ai xử sự như vậy cả.

    Bà có vẻ muốn coi chúng nó là lũ lớn tuổi biết suy nghĩ và lý luận như bà. Nhưng thường thường thì bao giờ bà cũng bị thất vọng. Bởi vì vừa thoát khỏi vòng tay êm ái của bà, bọn chúng nó lại có thể chơi những trò chơi tai quái hơn, hỗn hào hơn là cái hỗn chúng nó vừa phạm cách đó mấy phút.

    2

    Tiếng còi tập họp ré lên làm Phượng vùng chạy, bỗng nó nghe thấy có đứa gọi tên nó ở phía nhà ngang. Nó vội ngừng lại. Nó nom thấy con Dung đang giơ tay lên vẫy. Phượng ngần ngại nửa muốn chạy, nửa muốn ở lại. Đối với nó, con Dung là đứa đáng nghi ngờ nhất. Đầu óc Dung lúc nào cũng sẵn sàng nẩy ra một ý kiến tinh nghịch tai tác. Hình như nó sinh ra để làm khổ người khác, và nó lấy làm sung sướng được thấy người ta bị hại như thế. Dung lớn hơn Phượng một tuổi, tức là mười một. Tóc nó mượt óng ả, da trắng ngần, cặp môi đỏ và mỏng quẹt. Bọn chị Quỳnh, chị Giang thường bảo tính nó gian giảo vì nó hay nhìn trộm rồi ngó xuống đất. So với lũ trẻ, Dung là đứa khôn ngoan nhất. Nó biết nịnh các soeur khi cần nịnh, biết nhường nhịn lũ trẻ khi cần thiết phải nhường, nếu làm lợi và vui cho nó thì dù có phải tàn nhẫn để đánh đổi lấy, nó cũng không từ. Cũng vì thế, nó là đứa đầu tiên của cả bọn trong các cuộc cãi vã, những vụ tranh giành, hoặc trong cả những tai nạn sứt gối, trầy da vẫn thường xảy ra cơm bữa giữa bầy trẻ mồ côi sàn sàn tuổi.

    Trong tất cả mọi ngõ ngách của viện cô nhi, không chỗ nào là con Dung không biết đến. Theo ý nó, chỉ có phần cái trán của các bà soeur là bí hiểm nhất. Một lần nó nói :

    - Không biết các bà soeur có tóc hay không có tóc?

    Con Hằng nói:

    - Tao chắc là trọc lông lốc bình vôi.

    - Sao mày biết?

    - Bởi vì trọc tếu cho nên các bà mới phải đội mũ.

    Con Nguyệt đáp:

    - Tao thì tao cho rằng các bà ấy cũng có tóc như mình. Nhưng các bà ấy bôi thuốc cho nó tịt lại.

    - Eo ơi! Nếu thế thì đầu của các ma soeur chắc là đầy những sẹo là sẹo.

    Con Dung nói:

    - Chúng mày việc gì phải cãi nhau lôi thôi. Tao sẽ có cách tìm ra điều ấy.

    Rồi không biết nó "tìm" bằng cách nào mà một hôm nó tuyên bố:

    - Tao nom thấy rồi ! Tóc của các bà ấy ngắn như bờm ngựa và đỏ lòm như tóc dạ xoa. Có như thế mới phải đội mũ suốt ngày chứ ?

    Cả bọn nhao nhao lên bàn tán. Chúng nó bắt con Dung kể lại những điều mà Dung đã chứng kiến. Lập tức con Dung bịa ngay một câu chuyện tràng giang đại hải, kể từ lúc các bà Phước đi tu thì tóc đen thế nào, đến lúc « cấm phòng » uống thuốc tiên để được lên thiên đàng thế nào, rồi nó kết luận:

    - Thuốc tiên của các bà ấy đã làm cho mái tóc ngắn đi và đỏ ra như tóc quỷ. Đó là tóc của những người nhà giời. Những kẻ sống ở trên thiên đàng.

    Con Bích lè lưỡi:

    - Thế thì tao thèm vào. Tao không thích lên thiên đàng.

    Con Rô - giét cãi:

    - Người ta có thể lên thiên đàng được mà không cần uống thuốc. Ma soeur đã nói thế.

    Con Dung gân cổ lên nói:

    - Kẻ đó là mày chăng ?

    Bích rích lên cười rồi nói thật nhanh:

    - Không phải là tao mà chắc cũng không phải những đứa nói khoác như mày.

    Nói xong Bích vùng lên chạy làm mặt con Dung đỏ rần lên vì tức. Nó cảm như mình vừa bị cắn trộm. Hai bàn tay nó nắm lại, hàm răng rít lên, chân nó dậm thình thịch lên mặt cát, rồi nó hét về phía con Bích đang chạy:

    - Đồ chết tiệt, quỷ sứ rút lưỡi mày ra !

    Tuy vậy những lời nói của Dung cũng khiến cho nhiều đứa khác tin tưởng. Ngày hôm sau chúng nó nhìn lên đầu các bà Soeur bằng những con mắt lấm lét. Chúng nó tưởng tượng ở đằng sau lớp mấn trắng đội trên vầng trán trắng ngời ấy là cả một mớ râu ngô đỏ lòm, xoắn tít lại. Câu chuyện đó một hôm có đứa tâng công đi mách lại với bà Hạnh. Lập tức sau giờ học, con Dung bị lôi lên phòng giấy trước những bộ mặt giận dữ của các bà.

    Bà Hạnh nói:

    - Đồ dơ dáy! Bay nói chuyện gì mà dơ dáy vậy ?

    Con Dung liến thoắng :

    - Thưa ma soeur, con có nói chuyện gì đâu, ma soeur đừng nghe chúng nó. Chúng nó là những đứa đặt điều.

    Bà Nhân nói:

    - Đừng chối nữa . Mẹ biết hết cả rồi.

    Con Dung hỏi lại:

    - Thưa mẹ, mẹ biết cái gì cơ ?

    Bà Nhân quát bằng giọng giận dữ:

    - Còn chuyện gì. Câu chuyện…. chuyện cái tóc ấy.

    Dung sờ lên tóc ngơ ngác:

    - Thưa mẹ tóc con làm sao?

    Bà Hạnh không thể chịu hơn được nữa. Bà xô lại phía nó và tát nó một cái thật mạnh. Con Dung òa lên khóc. Tiếng khóc của nó nghe còn đau đớn hơn là sự đau đớn mà nó phải chịu. Bà Cécile nhăn mặt nhìn vào cái miệng gang ra của nó, bà nom thấy cả cái đầu thực quản và chiếc lưỡi gà ở trong đó rung rung. Rồi bà quay đi sau khi nhún vai một cái để biểu lộ một sự ngạc nhiên rõ rệt:

    - Sao lại có thể có đứa như thế được!

    Nhưng bà phước Hạnh thì nổi giận thực sự. Bà hét lên một tiếng còn to hơn tiếng hét của con Dung:

    - Im ! Im mồm!

    Con Dung hốt hoảng nín bặt ngay tức khắc. Nó có cảm tưởng như mình đã đụng phải một đối thủ đáng gờm. Quả nhiên bà Hạnh mặt xám ngắt lại, bà nhìn vào mặt nó bằng đôi mắt đỏ ngầu khiến nó sợ hãi. Nó vội khoanh tay liến láu:

    - Thưa mẹ, con xin mẹ tha lỗi. Con hứa! Con chừa !

    Nghe nó nói, bà Hòa khinh bỉ bỏ ngoắt đi. Bà Cécile nhún vai thêm một cái nữa. Còn bà Phước Nhân thì lọm khọm như vẫn còn chưa hết cái vẻ ngẩn ngơ sau tiếng hét bất thình lình của bà Hạnh. Riêng bà Phước Hạnh thì xách vai áo của nó lên, lôi ra khỏi phòng:

    - Đồ dơ dáy ! Còn như thế nữa thì ta sẽ cho biết thế nào là kỷ luật.

    Nói rồi bà đẩy nó xuống sân sỏi và quay quắt trở về. Mặt con Dung tươi ngay lên. Nó không ngờ hình phạt giáng xuống nó lại nhẹ nhàng hơn là nó tưởng .

    Nó sung sướng co chân chực chạy thì bà Félicité đã hiện ra ở cánh cửa bên kia và vẫy nó lên thềm. Mặt nó vụt cau lại. Đối với sự dịu dàng của bà ta, Dung rất coi thường. Nó biểu lộ sự coi thường bằng cái nhìn hỗn xược. Và nó đứng nguyên một chỗ khiến bà Félicité phải nhẹ nhàng đi xuống. Bà nhìn nó bằng cặp mắt bồ câu dịu dàng như tỏ ra hòa hoãn với nó. Bà nói:

    - Nào, Dung kể cho ma soeur nghe những gì đã xảy ra nào?

    Con Dung đáp:

    - Không có gì xảy ra hết cả.

    - Ồ ! Như vậy không đúng. Bởi vì các soeur không làm điều gì mà không suy nghĩ cả, có phải thế không?

    - Thưa ma soeur phải!

    - Vậy trước khi làm điều gì con có suy nghĩ như các ma soeur không?

    - Thưa ma soeur nghĩ cái gì cơ?

    - Nghĩ rằng mình làm trái hay phải, có hại đến quyền lợi của người khác không?

    - Thưa ma soeur, thế thì con có nghĩ.

    - Nghĩ rồi sao con còn làm những điều khiến phiền lòng các soeur. Con phải….

    Dung tru tréo lên:

    - Con không làm gì hết, chúng nó là đồ quỷ sứ. Chúa sẽ trừng phạt tội ăn gian nói dối của chúng nó. Ai mà tin chúng nó thì cũng có tội như chúng nó vậy.

    Bà Félicité đứng sững người lại. Bà ngơ ngác nhìn con bé ranh con đã dám thốt ra những lời quá ư hỗn sược như vậy. Khuôn mặt dịu dàng của bà thoáng lộ một sự thất vọng sâu xa. Bà khẽ lắc đầu và giơ tay ra hiệu cho nó trở về phòng. Con Dung không cảm ơn và cũng không chào một tiếng. Nó vùng lên chạy. Nó muốn dùng mấy ngón tay của nó cấu thịt đứa nào đi hớt lẻo về chuyện những bộ tóc râu ngô của các bà Phước.


  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    18

    Thưa ma soeur,

    Còn những bốn hôm nữa mới tới ngày tổ chức lễ kỷ niệm của Viện Cô Nhi, thế mà các vé đã bán hết từ hôm qua. Tổng số thu lên tới tám, chín chục ngàn đồng. Chắc soeur ngạc nhiên lắm. Nhưng không có gì lạ cả, bởi vì có một người vô danh đã mua tấm vé bằng một ngân phiếu năm chục ngàn đồng.

    Soeur Hạnh rất lấy làm hoan hỉ về kết quả rực rỡ này và do đó, bà mới vui miệng kể lại với sự mỉa mai rằng chính ma soeur đã phản đối cuộc vui có bán vé đó. Đem gạt bỏ mọi vấn đề tiền tài và vật chất là những vấn đề chúng con không có đủ thẩm quyền, riêng chúng con thấy rằng, để thu được kết quả như vậy, chúng con đã phải trả bằng một giá khá đắt.

    Nếu soeur Hạnh đi theo chân đoàn bán vé của chúng con, con đoán chắc bà sẽ không còn giữ mãi được nỗi hoan hỉ ấy. Tốp của chúng con có năm người. Con, bé Phượng, bé Hà, bé Hương và Rô-giét. Thoạt tiên chúng con vào một tiệm buôn sang trọng bán mỹ phẩm. Bé Phượng tiến đến quầy hàng nói với một bà cụ về mục đích của ngày vui làm việc nghĩa. Con bé trình bầy thật không gẫy gọn chút nào. Sự sợ hãi, cảm động và nỗi lo âu đã làm cho giọng nó lạc đi. Bà cụ lại có vẻ nghễnh ngãng nên phải quay sang hỏi một người đàn ông ngồi cạnh bàn giấy:

    - Cái gì thế?

    Người đàn ông nói to vào tai bà cụ:

    - Mồ côi ! Trẻ mồ côi !

    Bà cụ gật gật như vụt hiểu ra, rồi như một kẻ từ bi sẵn sàng bố thí cho kẻ nghèo khó, bà mở ngăn kéo ra, trao cho Phượng một đồng năm cắc. Lúc đó, con phải thay Phượng giải thích một lần nữa rằng chúng con chỉ bán vé mà không xin tiền. Lập tức chúng con bị từ chối và Phượng lủi thủi đi ra với tập vé nguyên vẹn ở trên tay. Con không biết tả thế nào để cho soeur thấy rõ nét mặt của Phượng lúc ấy. Nó bị nhuốm bởi một vẻ gì ngỡ ngàng xấu hổ và đầy thất vọng. Con tin chắc nếu một kẻ nào có lòng tự trọng mà bị xấu hổ trước một đám đông thì cũng chỉ có vẻ mặt sượng sùng đến như thế.

    Nhưng thưa ma soeur không phải là chúng con chỉ gặp toàn những sự kiện như thế. Có nhiều nơi người ta đã tiếp đãi chúng con rất là vồn vã. Chúng con đã được nhấp những ly nước trà nóng hổi trong một biệt thự sang, cũng có khi được mời lên ngồi trên những chiếc ghế gỗ khập khiễng của một vài cửa hàng tối tăm, lụp xụp. Mỗi lần như thế, dù có bán được vé hay không lòng chúng con cũng đều cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản như kẻ đi xa trên đường nắng gắt bỗng tìm thấy một chỗ trú chân mát mẻ.

    Chỉ có một lần tội nghiệp nhất cho Rô-Giét là nó đã dại dột mà níu áo một bà sang trọng đang đi giữa một bầy con đông. Sự hấp tấp ấy của nó khiến cho bà ta nổi cơn giận dữ. Bà ta đã tát con bé bằng một cái tát thực đau. Bởi vì dù bàn tay của nó có bẩn hay không, thì cái sự nó dám níu kéo như thế cũng đã là một hành động bẩn thỉu theo ý bà ta rồi.

    Thưa ma soeur, điều mà con đau đớn nhất là sau đó Rô-Giét không khóc. Con chỉ thấy mặt nó xám ngoẹt hẳn đi, bàn tay nhỏ bé của nó bưng lấy bên má bị đau. Người nó rúm lại một cách tội nghiệp. Và nó nhìn bà ta bằng ánh mắt thất thần. Đó là hình ảnh mà con sẽ chẳng bao giờ có thể quên được. Đối với Rô-Giét thì sự chịu đựng ấy thật là quá mức. Thưa ma soeur năm nay Rô-Giét mới có lên sáu tuổi chứ bao nhiêu?

    Nhưng rồi, thưa ma soeur mọi việc cũng đã trôi qua và mọi người đang hoan hỉ về cái kết quả không ngờ của số tiền bán vé.

    Riêng con thì nghĩ rằng, những nỗi nhục nhã ấy sẽ in vào tâm hồn của tất cả bọn chúng con những vết đen lớn. Nó sẽ làm cho lòng tự ti mặc cảm của chúng con lớn dần lên mãi để đến một ngày nào không ngờ tới, nó sẽ giết chết niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của chúng con.

    Như thế, con đã hiểu dụng ý của ma soeur trong cuộc tranh luận với các soeur hôm nào. Con xin ma soeur ghi nhận ở chúng con lòng quý mến và kính phục sâu xa.

    QUỲNH


    19

    Lúc chiếc xe Huê kỳ êm ái đậu sát vào cửa rạp thì ở bên trong đã khai mạc được gần nửa giờ. Người đàn bà bước xuống, mảnh khăn voile mầu đen che gần kín mặt. Nàng đi những bước thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Chung quanh nàng, mùi nước hoa thơm ngát bay thoang thoảng. Nàng bận một chiếc áo dài bằng lụa đen, quần đen và đôi giầy nhọn mũi cũng đen nốt. Chỉ có nước da mềm mại của nàng là trắng mịn như sữa ở những búp tay thon dài, có móng tô màu hồng nhạt một cách khéo léo. Mái tóc của nàng bới lên cao để lộ những chân tóc lấm tấm trắng. Dưới ánh đèn rực rỡ, chiếc trâm bằng bạc cẩn ngọc quí của nàng cài lên đầu, lấp lánh phản chiếu những tia sáng chói lọi. Nàng tiến lại ghi-sê mua một tấm vé hạng ít tiền. Sau đó nàng đi vào trong rạp dưới ánh đèn bấm. Người ta chỉ cho nàng một chỗ ngồi khuất sau ban nhạc.

    Ở trên sân khấu, ban văn nghệ của Viện Mồ Côi đang tiếp tục trình diễn. Phượng đứng trên bục gỗ. Ánh sáng đủ màu chiếu lên khuôn mặt xinh xắn của nó. Nó đang hát bài "Nous sommes des oubliées" (Chúng tôi là những kẻ bị lãng quên) của bà Cécile bằng cả hai lời Pháp và Việt. Giọng của nó trong và cao, véo von như chim hót. Ngày trước, hồi còn chị Đan Thanh, chị vẫn đệm đàn cho nó tập hát bài ấy trong căn phòng rộng và mát, bốn bề lát kính mầu xanh. Chị Thanh chỉ mở một cửa sổ nhìn ra khoảng vườn hoa mé trái đằng sau Cô Nhi Viện. Vào những giờ tập hát, nắng buổi chiều bắt đầu úa trên những bậc xi măng có rêu phủ. Ở ngoài xa, những chiếc máy phun nước quay tròn trên một cái trụ đứng, tưới ra chung quanh những tia nước trắng xóa. Phượng được đặt đứng trên một cái bục gỗ. Trước mặt nó là một cái giá để nhạc. Miệng nó tròn lại, làn môi cong lên. Nó hát theo từng tiếng nhạc chị Thanh đánh ra ở một chiếc dương cầm kê cạnh đấy. Chị Đan Thanh hay nói:

    - Một lần nữa. Một lần nữa thôi, chắc hẳn là được.

    Nhưng nhiều khi nó tức mình muốn khóc, vì chị nói "một lần" thì cũng có thể có nghĩa là nó phải tập đi tập lại hàng nửa tiếng đồng hồ chỉ về một nốt nhạc ấy mà thôi.

    Sau những giờ học nhạc mệt mỏi, Phượng hay sánh vai với chị ra đứng ở cửa sổ xem mây hoàng hôn tím dần trên nền trời. Chị Đan Thanh rất giầu trí tưởng tượng. Với vài cụm mây thưa thớt trên bầu trời mùa hạ, chị có thể nói cho Phượng thấy đủ mọi hình thù thú vật khác nhau, mà hình nào Phượng cũng thấy giống và có lý cả. Chị Thanh giỏi nhạc và vẽ. Chính chị gieo cho Phượng nhiều ý tưởng về mầu sắc khiến nó cũng muốn trở thành tay họa giỏi sau này. Nhiều lần chị nói chung với mọi người:

    - Dù ở trong lĩnh vực nào, sự sáng tạo vẫn là điều cần thiết. Chính nó mang lại cho cuộc sống của mình đầy đủ ý nghĩa.

    Thật ra Phượng không hiểu rõ ý của chị nói. Nhưng nó vẫn cho là chị có lý… Tất cả những điều chị Đan Thanh nói ra đều có lý cả !

    Học hát với chị Đan Thanh, Phượng tiến bộ vượt bực. Nó có thể trội hơn với bất cứ một "danh ca" nào của ban nhạc bên nhà Chung. Hồi năm trước, sau khi trình diễn ở sân khấu Nhà Thờ Lớn, người ta trao tặng cho riêng Phượng một bó hoa hồng thắm buộc nơ đỏ giữa tiếng hoan hô của hàng nghìn người. Phượng sung sướng đến chảy nước mắt. Nó chạy đi tìm chị Đan Thanh và nó thấy chị cũng đang khóc ở sau cánh gà. Hai chị em ôm chầm lấy nhau. Phượng ngắt một bông hoa đem cài lên ngực áo của chị. Chị Thanh ước ao nếu có máy ảnh mà chụp hai người trong giây phút ấy để kỷ niệm thì sung sướng biết bao. Tuy vậy hai chị em cũng không vì thế mà giảm bớt nguồn vui đang tràn ngập trong lòng.

    Hôm nay Phượng lại cũng trình diễn bài hát đó. Kỹ thuật của nó còn điêu luyện hơn ngày xưa. Tiếng hát của nó bay bổng trên vòm nhà cao, len lỏi qua các hàng ghế, thu hút tất cả mọi người khiến ai cũng ngồi ngây ra, nhìn về phía nó.

    Lúc bản hát chấm dứt và đèn bật sáng thì thiếu phụ áo đen chạy vào phòng rửa mặt. Khuôn mặt của nàng đầm đìa nước mắt. Nhưng nàng chưa kịp mở sắc lấy khăn tay thì một thiếu nữ đã theo vào. Hai người nhìn nhau sững sờ. Nàng bật lên tiếng trước:

    - Chị Quỳnh!

    Quỳnh ôm lấy nàng nghẹn ngào:

    - Chị Đan Thanh! Em đã ngờ ngợ nhận ra chị từ lúc mới vào.

    Hai chị em vụt khóc lên rưng rức. Quỳnh vuốt mãi bàn tay lên khuôn mặt đẹp lồ lộ của Thanh như để tìm ở nàng những nét thay đổi. Mà Đan Thanh đã thay đổi hoàn toàn thật. Bây giờ nàng đẹp hơn bất cứ một chị nào có sắc đẹp ở trong Viện. Nàng như một viên ngọc quý chôn vùi trong bóng tối đằng đẵng của những đa đoan, cực nhọc. Đến khi vụt hiện ra ánh sáng của son phấn lụa là, viên ngọc trở nên chói lòa với muôn màu rực rỡ.

    Một lát lâu lắm, Đan Thanh mới cất tiếng hỏi:

    - Tất cả mọi người vẫn như thường chứ ?

    Quỳnh gật đầu. Thanh tiếp:

    - Thế là đủ. Em vẫn thường cầu nguyện cho các chị bình yên.

    Quỳnh nắm lấy tay Thanh cảm động. Nàng nói:

    - Còn chị bây giờ ở đâu, làm gì…

    Biết mình lỡ lời, Quỳnh vội vàng im bặt. Điều ấy khiến Đan Thanh nhìn nàng im lặng rồi ròng ròng nước mắt.

    Lâu lắm Quỳnh mới buồn bã nói:

    - Chúng em vẫn thương chị, quý chị… như ngày nào.

    Đan Thanh mỉm cười, gật gật đầu. Quỳnh tiếp:

    - Cám ơn chị về tấm ngân phiếu năm mươi ngàn mà chị mua vé tặng cho chúng em.

    Đan Thanh vụt òa lên khóc. Quỳnh vỗ về:

    - Chúng em hiểu… chỉ có chúng em mới hiểu được chị.

    Thanh mếu máo:

    - Các chị có khinh em không?

    - Không! Không bao giờ cả. Đó là món tiền mà chúng em quí trọng nhất, cho dầu nó đã được kiếm ra bằng cách gì đi nữa.

    Thanh thở dài:

    - Như thế là các chị đã làm nhẹ bớt đi cho em một phần nào thắc mắc. Nhiều đêm em không ngủ được. Em cảm thấy mất tất cả không còn gì, không còn cả sự được làm một đứa mồ côi ngoan ngoãn. Nhiều hôm em đi qua Viện em đứng ở ngoài hàng rào nhìn vào. Em ước ao được đi quanh sân sỏi, được đứng trước bồn hoa có bể phun nước, được dự những buổi cầu kinh buồn nản vào buổi chiều sẩm tối, hay được ăn những bữa cơm thanh đạm trong căn phòng rộng rãi, ồn ào. Em nhớ các chị, nhớ lũ hài nhi ở salle số 4, nhớ cả các soeur với những bản tính riêng của các bà ấy. Em đã nghĩ đến tất cả mọi người bằng mọi ý nghĩ tốt đẹp và em tự hỏi mọi người có nghĩ về em như thế hay không?

    Một lát sau, Quỳnh nhớ đến nhiệm vụ phải làm. Hai người từ giã nhau trong xúc động. Đan Thanh yêu cầu giấu tên cho nàng về tấm ngân phiếu. Và lúc khép cánh cửa lại nàng còn dặn với một câu:

    - Chị Quỳnh ạ, chị nói nhỏ với Phượng rằng em gửi lời khen Phượng. Nó dạo này hát tiến bộ hơn cả sự em mong ước nữa.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    20

    Phượng mở gói quà của mình ra trước những cặp mắt chăm chú của các bạn.

    Rồi tất cả cùng reo to lên một lượt:

    - Ồ! Búp bê!

    Mắt Phượng sáng hẳn lên. Một con búp bê thật đẹp, có mái tóc màu nâu và đôi mắt trong xanh nhắm mở được. Búp bê đứng sừng sững ở trên nắp hộp. Nó mặc váy hồng nạm kim tuyến, chân đi giầy cao su trắng. Nó cười với Phượng với lũ trẻ. Mấy con bạn Phượng thèm thuồng nhìn nó. Bọn này không may rút phải những món quà mà chúng nó không mơ ước. Con Nguyệt được một cái ô tô sơn đỏ. Con Hương được khẩu súng bắn nút chai. Con Dung lại được chiếc máy ảnh giả. Nhưng không món nào đáng thích bằng một con búp bê, búp bê nhắm mắt, mở mắt được.

    Phượng sung sướng quên cả bạn. Nó ôm lấy hộp búp bê chạy ra sân sỏi. Tiếng hò hét của các soeur xen với tiếng nô đùa của lũ trẻ trong phòng lớn vẳng lại ở đằng sau. Phượng về phòng ngủ và ôm búp bê vào vòng tay. Bây giờ Phượng mới được ngắm kỹ nó. Mặt nó hồng hào và cái miệng rất tươi. Mái tóc nó vàng óng có giải băng tím vấn ngang đầu. Cổ búp bê đeo một sợi dây mang chiếc thánh giá lúc lắc ở trên ngực. Phượng nghĩ đến ngày mai, ngày kia, hôm nào búp bê cũng là của Phượng. Phượng sẽ bế nó đi ăn cháo ở phòng dưới. Trong giờ học, búp bê sẽ ngủ ở ngăn kéo. Buổi tối, hai đứa sẽ cùng nhau đi cầu kinh ngoài giảng đường. Búp bê sẽ ngồi trong lòng Phượng. Chắc mắt của nó sẽ mở to dưới ánh đèn sáng.

    Bây giờ, Phượng mở ra xem cái hộp đựng búp bê. Cái hộp dán giấy hoa màu xanh, buộc bằng nơ đỏ. Bốn bề vừa vặn một chỗ cho búp bê nằm. Ở trong còn có một miếng đệm lụa và một cái gối xinh xinh. Phượng tìm thấy một mảnh giấy biên mấy hàng:

    "Em bé nào nhận được quà này tối thì ngày 24 xin mời em lại số nhà… ăn mừng lễ Giáng Sinh. Gia đình bé Chi".

    Phượng ngạc nhiên và sung sướng. Nó vội bế búp bê đi tìm bà phước Hạnh. Bà Hạnh đang trông coi cho các chị lớp trên hát ở trong phòng nhạc. Tiếng đàn xen tiếng hát lọt qua khung cửa sổ có treo màn voan trắng. Âm thanh trầm bổng ở trong gió mát buổi chiều. Phượng cảm thấy có cái gì nao nao trong ý nghĩ. Đấy là cái cảm giác mà Phượng chờ mong từ đầu tháng về ngày lễ Giáng Sinh. Phượng trao mảnh giấy cho bà Hạnh. Bà xem rồi mỉm cười:

    - Người ta mời, em muốn đi thì đi.

    Bà hứa sẽ hỏi ý kiến bà Nhân về chuyện ấy.

    Buổi chiều Phượng không ăn cơm được vì vui. Đầu óc nó lúc nào cũng xáo lên về hai sự mừng rỡ. Phượng có một con búp bê và lại được ra ăn lễ Noel ở bên ngoài. Phượng không biết bé Chi thế nào. Nhưng trong óc Phượng hình dung thấy hình ảnh những ngọn đèn ông sao cháy sáng ở trên đỉnh nhà thờ, có tiếng chuông ngân nga vang lên trong không khí lành lạnh lúc về đêm, và Phượng cũng thấy mơ hồ hình ảnh bé Chi, bé như Phượng đang giơ tay đón Phượng với những nụ cười. Rồi Phượng sẽ được dẫn đi vào đám đông trong thành phố, sẽ tự do ngắm những ngọn đèn xanh đỏ lạ mắt chớp chớp trên nóc những mái nhà cao. Gia đình bé Chi cũng sẽ lại dẫn Phượng đi xem đám rước kiệu Đức Bà ở nhà thờ lớn. Đêm trở về, tất cả sẽ quây quần ăn Réveillon quanh những ngọn nến cháy trên cây giáng sinh. Nếu Chi thích thì Phượng sẽ hát cho Chi nghe thật nhiều bài thánh ca mà bà Hạnh vẫn dậy hàng tuần vào sáng ngày chủ nhật. Những ý nghĩ ấy khiến Phượng náo nức và quên hẳn búp bê lúc ấy đang ngồi bấp bênh ở trên ghế. Con Hồng xui Phượng bón cho búp bê một miếng thịt mỡ. Phượng nguýt nó thật dài.

    Đến tối bà Phước Nhân gọi Phượng lên buồng riêng. Phượng sung sướng được bà cho phép ra ngoài một đêm, một ngày. Chưa lần nào lòng Phượng náo nức đến như thế. Phượng nép má vào áo của bà, nó rưng rưng muốn khóc.

    Chiều ngày 24, chị Giang dẫn Phượng lại nhà bé Chi. Đó là một biệt thự có hàng rào cây cao bao quanh bốn phía. Mái ngói thấp thoáng sau cánh cổng sắt, ở trong là những giàn hoa nở đỏ dưới nắng buổi chiều. Chị Giang kéo dây chuông và đứng nép dưới lùm hoa ti gôn mà vài nhánh nhỏ muốn xòa xuống tận mái tóc của chị. Có tiếng dép đi nhè nhẹ trên mặt đá. Phượng không nghe thấy tiếng Chi cười, vì không có Chi ra mở cửa. Chỉ có má Chi (chắc là má Chi) đứng ở đằng sau khung cửa sắt. Chị Giang chào bà và đưa ra tấm giấy mời. Bà ta cười rất tươi và mở cổng rồi ôm lấy Phượng vào lòng. Bà ấy hôn dịu dàng lên mắt của nó. Phượng ngửi thấy mùi nước hoa thơm ngát.

    Má bé Chi mời Giang vào ăn bánh, nhưng chị ấy nhã nhặn từ chối. Chị hẹn sẽ đến đón Phượng vào buổi chiều ngày mai. Khi dẫn Phượng vào đến thềm thì chị xin phép trở về. Phượng nhìn theo chị cho đến khi bóng chị khuất ở sau rặng Ngâu xanh. Trong vườn đầy gió mát. Tà áo trắng của chị bay như hai cánh bướm. Bây giờ thì Phượng cảm thấy mình hoàn toàn bỡ ngỡ. Hình ảnh lũ bạn như bầy chim quanh các bà phước hiện thoáng qua trong mắt Phượng. Nhưng Phượng cũng yêu ngay má bé Chi. Bà ta mặc quần lụa trắng và chiếc áo len cộc tay mầu đen. Dáng thật mảnh. Nước da thật là mịn. Hai mắt của bà sâu và long lanh. Có những sợi tóc dài quấn lên những ngấn cổ trắng. Bà đánh môi rất nhẹ và đeo một chuỗi hạt trai. Tiếng dép của bà lướt nhè nhẹ trên sàn đá hoa mát lạnh.

    Bà bế Phượng đi vào một căn phòng vôi mầu hồng nhạt. Phượng bỡ ngỡ trước những chiếc ghế bọc nhung đỏ. Trên tường treo những lồng đèn vẽ hoa và bướm. Phượng trông thấy một cây Noel đầy dẫy kim tuyến dựng bên chiếc đàn dương cầm. Một cuốn nhạc mở rộng bên cạnh bồn nước có những con cá vàng đang bơi tung tăng. Ảnh bé Chi thật lớn treo trên một ống sáo. Chi có mái tóc Nhật Bản và đôi mắt rất to. Miệng Chi không cười nhưng nó có vẻ láu lỉnh trong tia mắt. Phượng thấy nó hao hao như con Quỳ phải đi nhà thương vì ho lao hồi đầu tháng trước. Mặt Quỳ có vẻ xanh và lạ lùng như thế. Má Chi nhìn bức ảnh rồi nhìn Phượng. Bà hôn rất lâu trên mí mắt của Phượng. Phượng hỏi:

    - Thưa bà, Chi đâu?

    Bà ta đặt Phượng xuống sàn rồi dẫn nó đi vào cánh cửa bên trái. Căn phòng thứ hai này hơi tối vì cái cửa sổ độc nhất lại đóng kín. Một cái giường có màn buông kê ở một góc. Phía đối diện là tủ áo. Những cái váy đầm đủ mầu nằm im trong ánh sang mờ. Phượng chạy qua những con chó bằng bông nằm rải rác trên sàn đá, tiến lại mở tấm cửa màn và nhìn vào đấy. Phượng thấy một tấm chăn mầu xanh nhăn nhúm xô vào một góc. Cái gối trắng thêu cành hoa và con chim lõm xuống vì vết đầu ở giữa. Nhưng không có ai cả. Phượng quay lại nhìn má bé Chi. Bà ấy có cặp mắt rất sâu cũng đang nhìn Phượng. Phượng hỏi:

    - Chi đâu?

    Bà ấy không đáp. Phượng chỉ nghe thấy tiếng con mèo đang kêu rất nhỏ ở trên tủ sách mà lúc vào Phượng không thấy nó. Lông nó đen tuyền và mắt thật là xanh. Bốn chân nó co lại. Nó thu mình gọn gàng ở trên một quyển sách dầy. Má bé Chi đi lại ôm lấy Phượng bà ấy nói rất trìu mến:

    - Má bế con đi tắm nhé. Tắm xong rồi má thay áo mới cho con gái má.

    Phượng ôm lấy cổ bà, phụng phịu:

    - Nhưng Chi đâu, Chi đâu rồi ?...

    Mặt bà vụt trở nên ngơ ngác. Bà đẩy Phượng ra rồi ôm hai tay lên mặt. Phượng nghe thấy tiếng bà lẩm bẩm:

    - Chi…. Chi… của má…, Chi chết rồi mà.

    Rồi bà ấy khóc to lên. Hai gối của bà quỳ xuống ở dưới chân giường. Cánh tay bà nhoài về phía gối. Những ngón tay thuôn dài bấu lấy lần nệm trắng. Phượng sợ hãi đứng một mình trong tiếng bà ta khóc nức nở. Những tia nắng cuối cùng lọt vào yếu ớt qua khe cửa. Căn buồng u uất bầu không khí nặng nề đến ớn lạnh. Trên mặt bàn, từng ống thuốc còn xếp ngổn ngang ở bên cạnh mấy hộp sữa. Đôi giầy đỏ của Chi còn gác bên cái giá gỗ dưới gậm bàn. Những cái váy xanh, đỏ treo trong tủ áo, những con vật bằng bông nằm ngổn ngang trên sàn đá trắng, tất cả khiến chẳng có ai ngờ rằng Chi đã chết. Chi không có mặt trong nhà này. Chi không mời Phượng. Phượng muốn khóc và đi ra cửa. Phượng muốn gọi tên chị Giang, con Bích, con Hương. Phượng muốn trở về cái không khí hỗn loạn của căn phòng lớn, có những đứa bạn thân ríu rít ở quanh các bà phước. Nơi đó Phượng thấy thân yêu hơn, ấm cúng hơn. Vì chỗ ấy chính là của Phượng. Phượng đã lớn lên ở trong trại mồ côi. Phượng chạy vùng ra cửa.

    Nhưng má Chi đã gọi Phượng lại. Mặt bà ta còn ròng ròng nước mắt. Những giọt nước làm hoen ố cả hai má phơn phớt phấn hồng. Bà cười trong tiếng nấc:

    - Không… con ở đây với má, má yêu con như yêu Chi. Má không làm gì để cho con phải sợ cả.

    Rồi bà ta bế Phượng ra phòng ngoài. Hoàng hôn xuống làm tím vầng mây ngoài cửa sổ. Tiếng chuông nhà thờ vọng lại từ rất xa. Mấy vì sao mới mọc long lanh ướt trên nền trời. Phượng ôm lấy cổ bà. Vẻ dịu hiền của bà làm Phượng yên tâm hơn. Bà nói:

    - Má xin lỗi con. Ai lại khóc lóc trước mặt con như thế. Nhưng con làm má nhớ Chi. Chi cũng ngoan như con. Chi cũng dễ bảo như con. Tiếc là Chi chết rồi nên không đùa được với con. Nếu có cả hai đứa thì vui biết mấy. Má sẽ đánh đàn, còn các con thì hát. Rồi chúng mình xem nến cháy trên cây Noel. Đến khuya thì đi ăn bánh. Má làm cho các con một cái bánh thật to. Cái bánh có con chim ngậm cành hoa bay ở trên nóc nhà thờ. Chắc cả Chi và con cùng thích.

    Phượng nhắc bà ta:

    - Nhưng Chi chết rồi,…

    Bà ấy cười rúc rich:

    - Ừ nhỉ! Chi chết rồi. Chi chết ở trong lòng má. Má với Chi ngủ suốt một đêm. Tay nó cũng ôm cổ má như thế này. Nó muốn ôm thế mãi, không buông ra, không bao giờ buông ra cả. Trước khi ngủ nó gọi má. Rồi nó cười. Má hôn lên hai con mắt li bì của nó. Má gọi tên Chi. Má kể chuyện cho Chi nghe trong khi nó ngủ. Rồi má khóc ở trên mặt nó.

    Phượng hỏi:

    - Lúc ấy nó chết chưa?

    - Không, không, nó không chết. Nó không bao giờ chết cả. Má bảo nó tìm lối mà đi. Có các thiên thần đang gọi nó. Má nghe thấy tiếng nhạc ở trên đình màn.

    - Thật không hở bà?

    - Không, làm gì có thật. Má nghĩ rằng Chi còn ngủ với má. Nó còn ôm cổ má. Má còn khóc trên mặt Chi. Hai mẹ con vẫn còn ngủ với nhau.

    - Cháu không hiểu gì cả.

    - Má cũng không hiểu gì cả. Má nằm mơ thấy Chi đi với ba ở trong vườn có hoa trắng. Hai bố con vẫy má. Lúc ấy má đứng ở cửa sổ. Má gọi tên ba, tên Chi.

    - Rồi…

    - Rồi hai người dẫn nhau đi lên đỉnh đồi.

    - Đây có đồi hở bà?

    - Có chứ. Đồi ở ngoài cửa sổ. Chi đuổi theo những con bướm. Con bé không nghe má gọi. Má đe rằng nó về má sẽ phát yêu vào mông nó.

    Phượng nhắc lại:

    - Nhưng nó chết rồi.

    Bà ta lại cười:

    - Ừ nhỉ, má quên. Nó chết rồi. Nó chết rồi. Chính má đưa nó đến nghĩa trang. Nhưng buổi tối nó về cười ở trên đình màn. Má cũng cười với nó.

    - Bà không sợ hay sao?

    Mắt bà ta long lên:

    - Sao mà sợ? Tại sao lại sợ kia chứ?... Má với Chi vẫn hay cười ở trong vườn như thế.

    - Nhưng mà Chi chết rồi!...

    - Ừ nhỉ, chết rồi thì làm sao cười được.

    - Chắc là bà nằm mơ đấy.

    - Đúng vậy, má hay nằm mơ như thế. Tội nghiệp cho Chi. Tội nghiệp con gái tôi.

    Phượng nắm lấy tay bà:

    - Thôi bà đừng nói nữa, cháu sợ lắm. Cháu đi về đây.

    - Ấy chết, đừng về con ơi. Con ở đây với má. Má yêu con. Má không rời con.

    - Thật không, thưa bà?

    - Thật đấy, má không dối con đâu. Má sẽ thắp đèn cho con xem, má sẽ đánh đàn rồi con hát. Bài Au clair de la lune này, bài La vie en rose này, bài Frères Jacques này,…

    Phượng nói:

    - Những bài ấy cháu cũng biết.

    - Vậy thì hay lắm. Chúng mình sẽ hát cho nhau nghe. Bây giờ con đi tắm đã.

    Hai người dẫn nhau đi qua một cái sân nhỏ. Con ngựa gỗ cũ của Chi gác ở trên nắp bể nước. Mấy khung đèn ngôi sao rách tơi tả treo ở đằng sau cái móc xích. Phượng trông thấy một u già lau đĩa ở cửa bếp. Già ấy ngồi tựa lưng vào tấm vách cửa. Hai bàn tay gầy guộc xoay chậm chậm vào lòng đĩa. Phượng nhìn già đăm đăm. Khuôn mặt già cằn cỗi một cách đáng sợ. Đôi mắt giương lên lờ đờ. Hai bên má rúm ró lại thành từng nếp nhăn. Già ấy nhìn Phượng không chớp. Má Chi nói:

    - Già đi tắm cho em Phượng giùm tôi. Hôm nay em cầu kinh với chúng mình.

    Già ấy bế Phượng vào bồn nước. Trong đời Phượng chưa lần nào Phượng được ai tắm cho mình. Khi trở lên, Phượng được mặc một cái quần lụa trắng và cái áo ngủ màu xanh. Toàn thân Phượng có một cảm giác mát rười rượi. Má Chi chải đầu cho Phượng ở tủ gương. Bà ấy bảo Phượng gọi mình là má. Nhưng nó ngượng vì chưa bao giờ biết gọi "má" như thế. Má Chi trang điểm cho Phượng rất lâu. Phượng tò mò nhìn những cái kẹp tóc, cái nơ xếp ngổn ngang bên cạnh hộp phấn và nước hoa. Bàn tay mềm mại của bà lướt trên mái tóc nó.

    Có tiếng u già ngoài cửa phòng:

    - Trời ơi! Tôi cứ tưởng là cô Chi, thưa bà.

    Bà ấy bế Phượng lên hôn như mưa vào mặt nó. Tiếng nói của bà đầy vẻ sung sướng:

    - Con gái của má, con gái của má….

    Nhưng Phượng thấy buồn buồn, Phượng nghĩ đến cái không khí ồn ào trong viện mồ côi. Bây giờ chắc cả bọn đang xếp hàng ở sân đàng trước. Chị Giang chắc đang mỏi mồm hét bọn con Dung rất hay đầu têu nói chuyện trong hàng ngũ. Buổi chiều hôm nay chắc không phải nghe giảng đạo ngoài giảng đường. Cả bọn sẽ phải đi dự lễ Chầu ở Nhà Thờ lớn. Phượng buồn buồn nhớ đến bầu không khí quen thuộc trong Viện, mặc dầu những ngày ở trong đó, ai cũng ước ao được đi một mình dưới lùm cây trong thành phố, được dí mũi vào tủ kính của những cửa hiệu sang trọng. Phượng không biết với một cái tủ to lớn như thế người ta bầy những gì cho hết được.

    Nhưng Phượng không được đi chơi như thế vì má bé Chi chỉ muốn Phượng ngồi ở trong căn phòng bây giờ đã thắp đèn sáng. U già đã mang bầy lên bàn những hộp bánh và kẹo. Cây Noel sáng rực lên vì những ngọn nến và đèn. Nhưng Phượng không thích, Phượng nghĩ rằng giá có bé Chi thì vui hơn. Nhưng nếu Chi còn sống thì chưa chắc bà ta mời đến mình. Ý nghĩ ấy làm Phượng thấy tủi thân. Phượng muốn về với bọn con Bích, con Hương. Chúng nó gần Phượng hơn. Chúng nó lại thích chơi búp bê của Phượng. Lúc chiều Phượng ôm búp bê đi theo chị Giang ra cổng, chúng nó cứ sờ mãi lên tóc và gạ Phượng cho mượn một hôm. Phượng cho rằng chúng nó đòi hỏi một điều quá đáng. Phượng giấu búp bê ra sau lưng, mặt vênh váo. Bây giờ nghĩ lại, Phượng thấy mình thật là ích kỷ, đáng ghét. Phượng lại nghĩ đến những buổi tối mùa đông có gió lùa qua khe cửa, bốn đứa nằm ôm nhau trong cái băng giá của sàn đá hoa tẩm vào khung giường sắt. Người Phượng run lẩy bẩy. Con Bích choàng bàn tay bé nhỏ của nó vào lưng Phượng rủ rỉ:

    - Phượng có rét không?

    Phượng đánh hai hàm răng vào nhau kêu lập cập:

    - Rét…

    Bích nhích người lại để nhường thêm cho Phượng một ít chăn. Cử chỉ của nó thật đáng yêu. Nó biết nghĩ đến Phượng.

    Phượng lại nhớ cả những buổi chiều mưa bong bóng nổi trên mặt cỏ, Phượng và Hương lẻn ra hiên sau thả thuyền trong lòng cống. Hai đứa đi men theo tường gạch để xem con thuyền chấp chới giữa dòng nước đục. Một lần Phượng trượt chân ngã ở trên mặt rêu. Cái áo sợi của Phượng ướt hết cả một mảng sau. Hương không ngần ngại đội mưa xuống bếp nhờ chị Thu hơ hộ. Nếu không có Hương thì Phượng cũng không biết làm thế nào cho khô được. Chúng nó đối với Phượng thật là tốt. Thế mà Phượng lại ích kỷ bỏ đi một mình. Đáng lẽ Phượng phải ở nhà để nắm tay chúng nó đi xuống giảng đường nghe cha xứ nói chuyện về lễ Giáng Sinh, rồi tất cả sẽ hát với nhau những bài bà Hạnh đã dạy. Đến tối, tất cả cùng ngồi quanh búp bê đọc kinh kính mừng Maria.

    Nhưng thật ra thì Phượng đã ngồi đây rồi, trong căn nhà vắng lặng, có má bé Chi đau khổ như mất trí, có u già lặng lẽ ra vào như một cái bóng và linh hồn bé Chi lẩn quất ở tất cả mọi đồ đạc trong các gian phòng.

    Nhưng Phượng không còn nghĩ gì nữa và bây giờ có tiếng dương cầm thánh thót ở góc phòng. Má bé Chi mắt sáng long lanh nhìn về phía nó. Bà ấy đánh đàn bài "Au clair de la lune". Miệng bà vừa cười vừa nói:

    - Chi hát đi con.

    Phượng lắc đầu:

    - Tên cháu là Phượng.

    Bà ta nhìn Phượng chằm chằm. Phượng sợ hãi cúi xuống tránh tia mắt long lanh sáng quắc của bà. Còn u già thì khóc thút thít ở bàn bánh. Có tiếng già ấy nói mếu máo:

    - Cháu làm bánh kem cho cô ăn mà cô không còn nữa.

    Má Chi bỏ cây đàn đi chầm chậm vào phòng bên trái, một lát có tiếng bà ta nức nở ở sau cánh cửa. Phượng ngơ ngác nhìn vào trong ấy, còn u già thì khóc to hơn. Già đánh rơi bình nước từ trên tay xuống sàn đá hoa trắng. Tiếng vỡ tan tành làm chói óc Phượng. Giòng nước trà đỏ thắm chảy loang lổ từ phía bàn lại chỗ Phượng ngồi. Phượng bật ra tiếng khóc. Phượng cảm thấy nỗi bơ vơ của mình. Bây giờ thì nó biết chỗ của nó không phải là ở đây. Lòng ham muốn của nó thật điên rồ. Hình ảnh cuộc vui mà Phượng mơ ước lúc đi với chị Giang thoáng qua óc Phượng rất mơ hồ. Những thứ ấy không phải để dành cho những đứa mồ côi như Phượng. Phượng thấy cần phải về với bọn con Hương, con Bích để được bá cổ chúng nó, cười với chúng nó, vì chúng nó mới là của Phượng.

    Phượng bỏ cụ già đứng ôm mặt một mình trước đĩa bánh có mầu kem xanh, đỏ. Nó đi qua cái sân nhỏ và đến giường u già để thay lại bộ quần áo hồi chiều. Tiếng khóc của má bé Chi vẫn vọng qua cửa sổ. Điều ấy càng làm cho Phượng tăng thêm ý muốn trở về một mình.

    Có tiếng chó sủa ngoài hàng rào. Phượng chạy ra ngoài ngõ. Người đi lễ ở ngoại ô đang đổ về phía nhà thờ. Không khí trong và mát lạnh. Nền trời tím đen và lưa thưa sao. Phượng nghĩ đến những màn ca nhạc sẽ cử hành sau buổi lễ mi sa ở trong viện. Phượng muốn được bá cổ bọn con Hương, ngồi nghe các chị lớp trên đồng ca các bản nhạc ở giáo đường.

    Ý nghĩ ấy khiến Phượng mở cổng ra đường. Căn nhà rộng rãi của bé Chi nằm trong bóng cây. Phượng thấy sợ hãi không thể ngờ rằng mình đã ở được một buổi chiều và tối trong đó. Phượng bước mau hơn. Bóng tối không làm Phượng sợ bằng đôi mắt của má bé Chi. Hình ảnh căn buồng có cái không khí rờn rợn như còn hơi hướng của người chết làm Phượng rùng mình. Phượng thốt nhớ đến con búp bê của nó. Con búp bê mà gia đình bé Chi đã tặng Phượng làm món quà giáng sinh. Chắc bây giờ nó vẫn đứng cười một mình ở mặt bàn trong buồng khách.

    Nhưng Phượng không quay trở lại, không tiếc. Phượng nghĩ đến những trò chơi nhỏ mọn hàng ngày với bọn con Hà và thấy quen thuộc hơn.

    Có tiếng u già gọi tên Phượng ở sau lùm cây và cái bóng trắng của má bé Chi chạy trên nền đá trắng.

    Nhưng Phượng đã theo đoàn người đi lễ để hỏi thăm đường về Cô nhi viện.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    21

    Phượng dừng lại trước một đám rước kiệu. Nó ngây người đứng ngắm đoàn thiếu nữ xếp hàng đôi đi chậm chậm. Tất cả đều mặc quần áo trắng, choàng khăn trắng và cầm đèn thắp nến sáng. Phượng quên ngay những việc xảy ra hồi chiều, và nó chỉ nghĩ đến Hương, đến Bích và các bạn vào giờ ấy chắc đang nô đùa ở trong Viện.

    Trời dần tối hẳn. Trên đỉnh nhà thờ những ngọn đèn ngôi sao sáng le lói giữa nền trời xanh đen êm ả. Từng hồi chuông rộn rã đổ hồi như thúc đẩy làn sóng người tiến về phía thềm đá ở phía sân trước cửa nhà thờ. Chung quanh Phượng người đi như nước chẩy. Trong ngày lễ trọng tất cả mọi người đều ăn bận chỉnh tề và diêm dúa. Những tà áo đủ màu của các thiếu nữ bay phất phơ trong gió mát buổi chiều. Mùi nước hoa, mùi hơi người phảng phất ở mọi nơi, mọi chỗ.

    Bỗng Phượng chú ý đến một con bé đang len lỏi giữa đám đông người. Phượng thấy nó đi theo một cặp vợ chồng sang trọng. Nhìn mái tóc bờm xờm và dáng đi láu lỉnh khôn ngoan của nó Phượng bật lên tiếng kêu mừng rỡ.

    - Cúc!

    Con Cúc quay lại. Nó nhận ra ngay người bạn nhỏ bé trong Cô nhi viện, nơi nó đã trốn khỏi. Nhưng nó không tỏ dấu hiệu vui mừng. Bàn tay bẩn thỉu của nó ngoắc ra đằng sau ra ý bảo Phượng đi theo mình. Mắt nó vẫn không rời đôi vợ chồng đi đằng trước. Tới chỗ đông người, nó chen vào thật mạnh. Làn sóng người xô đi, đẩy lại nhiều lần. Có tiếng la hét và chửi rủa om sòm. Trong một chớp, con Cúc đã biến mất và hiện ra ở đằng sau lưng Phượng. Lần này nó kéo tay Phượng giục đi mau. Chân nó nhảy cỡn lên như một con dê cuồng cẳng:

    - Chuồn ngay với tao đi Phượng. Tao vẫn nhớ đến mày luôn luôn.

    Vừa nói nó vừa lôi Phượng đi len lỏi thật nhanh. Phượng hớt hải:

    - Hãy chậm chậm. Đá dăm nó nghiến vào chân tao.

    Tới một chỗ vắng, Cúc mới buông Phượng ra mỉm cười. Nó tốc ngay vạt áo lên cho Phượng nom thấy cái ví nằm cộm ở trong cạp quần rồi toe toét:

    - Tao với mày sẽ tiêu pha thật hoang để ăn mừng ngày lễ Giáng Sinh của mày.

    Phượng kêu lên hoảng hốt:

    - Mày ăn cắp!

    Cúc cấu ngay cho nó một cái rồi liến thoắng:

    - Ừ, tao ăn cắp thì đã làm sao? Tao không lấy của mày. Tao lấy của chúng nó. Chúng nó thiếu gì !

    Phượng buồn bã:

    - Nhưng ăn cắp có tội. Chúa sẽ trừng phạt những kẻ nào chiếm đoạt của cải của người khác.

    Cúc xua tay:

    - Thôi, thôi, mày hãy cất Chúa của mày đi một nơi. Chúa! Lúc nào cũng Chúa, không đủ thấy chán phèo đến mang tai hay sao?

    Đoạn nó móc cái bóp lôi ra một xấp giấy bạc. Nó xẻ ngay lấy một nửa và nhét vào cạp quần bé Phượng. Phượng dẫy lên:

    - Không ! Tao không lấy đâu !

    Cúc cười hì hì:

    - Ai người ta cho mà lấy. Mày giữ hộ tao. Trong mười lăm phút thôi.

    Hai đứa còn đang giằng co thì một gã đàn ông đã nhớn nhác chạy lại. Gã kêu lên mừng rỡ:

    - Cúc!

    Cúc quay ngoắt lại. Nó nhận ngay ra kẻ đang đi tới, nên vội vàng rỉ tai Phượng:

    - Chuồn ra xa ! Tao với mày không quen nhau.

    Phượng bị nó đẩy khuất vào một hàng hiên. Gã đàn ông chạy tới nhăn nhở:

    - Mày khá lắm Cúc ạ. Sắp thành "mõi" chuyên nghiệp rồi. Đâu?

    Cúc vỗ vào bụng mình. Không chờ nó, gã ta luồn tay vào trong vạt áo của nó moi ra cái ví, Cúc nhẩy lên:

    - Chia đôi đấy nhé!

    Gã đàn ông đáp lại bằng một cái nhìn dữ tợn. Gã mở ngăn đựng tiền vơ vét rồi liệng cái ví vào một gốc cây. Cúc lải nhải:

    - Chia đôi! Chia đôi!...

    Gã rút cho nó một tờ giấy trăm rồi ấn đầu con bé đẩy đi. Cúc hét lên:

    - Ăn hiếp vừa vừa chứ. Công của người ta...

    Nhưng gã đàn ông đã đá thêm cho nó một cái rồi biến mất vào bóng tối. Cúc nhìn theo và nhoẻn một nụ cười. Nó trở lại tìm Phượng, khoái chí nói: "Bây giờ trả lại tao đây".

    Phượng moi trả nó tập giấy bạc. Cúc nhét vội vào cạp quần rồi nói:

    - Số mày đỏ. Rích kê thế này mày muốn ăn gì tao cũng cho.

    Phượng lắc đầu:

    - Tao không đói. Tao không muốn ăn gì cả. Tao không chơi với mày nữa.

    Cúc lăn ra cười. Rồi không đáp, nó lôi tuột Phượng vào một cửa hàng bán hoa quả. Nó nói liến láu:

    - Cho hai quả táo, hai quả lê, hai quả xoài với lại một lạng nho thứ rụng rồi.

    Mụ bán hàng quắc mắt lên:

    - Có tiền không đã?

    Cúc rút ngay ra xấp giấy bạc giơ lên rồi nhìn mụ bằng một cái nhìn hỗn xược. Với tất cả sự ngạc nhiên mà Phượng không bao giờ ngờ tới, Phượng thấy mụ ta túm lấy tay con Cúc và la lớn:

    - Ăn cắp! Ối các ông các bà ôi! Ăn cắp!

    Con Cúc vùng lên. Nhưng nó đã bị ghì cứng bởi hai bàn tay chắc nịch. Nó la lên: "Đồ ăn hiếp! Đồ ăn hiếp!"

    Trong khi ấy mọi người đổ xô đến. Mụ đàn bà phân bua:

    - Các ông, các bà coi. Tôi vừa mới quay đi, thoắt một cái nó đã nhót một xấp bạc này lên rồi.

    - Đồ ăn gian, đồ nói dối. Quỷ sứ vặn lưỡi bà ra. Tiền này của tôi có. Hỏi con bé này xem.

    Lưỡi Phượng líu lại, nó chưa biết đáp làm sao thì một người đã nói:

    - Ừ của mày, vậy mày nói xem mày có bao nhiêu?

    Con Cúc cứng họng không biết trả lời làm sao cả. Nó chỉ la lối om xòm:

    - Đồ ăn hiếp, đồ ăn cướp cơm chim!

    Một người nóng mắt tát cho nó một cái làm nó chúi đi. Con bé cất mồm chửi loạn xạ. Một người khác nói "Đem giao nó cho cảnh sát!..." Nhưng mụ bán hàng đã nhìn ra chung quanh với cặp mắt biết ơn rồi nói:

    - Thôi, tôi xin các ông các bà. Hãy tha cho nó làm phúc. Tôi cũng chưa mất gì !

    Con bé bị đá thêm một cái nữa bắn ra ngoài vỉa hè. Nó vội ôm đít vùng lên chạy…

    ° ° °

    Phượng vẫn còn bàng hoàng như một người mê chưa tỉnh. Bài học ngoài phố như một ngọn roi quất vào những ý nghĩ phẳng lặng và chất phác của nó. Nó cho rằng chưa bao giờ nó có thể tưởng tượng được một sự gì ghê gớm hơn thế. Tự nhiên, nó không thấy ghét con Cúc nữa. Nó cho rằng sự khổ nhục hằng ngày mà Cúc phải chịu đựng làm cho nó trở nên một đứa đáng thương hơn. Nó dừng lại ở một chỗ ven hồ và suy nghĩ mãi về Cúc. Bỗng Cúc lại hiện ra đằng sau nó. Phượng kêu lên vui mừng, mừng hơn cả lúc hai đứa gặp nhau. Cúc nói:

    - Tao sẽ quẳng bom vào cửa hàng con mẹ khốn nạn ấy.

    Phượng giật nẩy mình:

    - Chết chửa! Đừng! Tao lậy mày đừng làm thế.

    Cúc phá lên cười:

    - Giời ơi là giời! Mày dễ tin thật. Tao đào đâu ra bom mà ném.

    Phượng mỉm cười:

    - Ừ nhỉ, thế mà tao không nghĩ ra.

    - Nhưng nếu có bom thì tao cũng dám ném thật. Ném cho nó chết nát xương ra để xuống âm ti quỉ sứ rút lưỡi cái đồ ăn gian nói dối.

    Một lát Phượng hỏi:

    - Chúng mình đi đâu bây giờ?

    - Đi đâu mà chẳng được. À tao quên chưa hỏi. Tại làm sao mày lang thang ở ngoài phố?

    Phượng đáp:

    - Tao được nghỉ phép đi chơi đến ngày mai. Người ta mời tao đến nhà ăn réveillon. Nhưng tao không chịu được. Tao trốn!

    - Tại làm sao mày không chịu được?

    - Tại tao không thích.

    - Chắc là nó cho mày ăn cơm thừa, nhai xương chó phải không?

    Phượng đỏ mặt:

    - Không phải! Trái lại là đằng khác. Họ cho tao mặc áo đẹp, cho đồ chơi, cho bánh và uống trà nữa.

    Cúc hỏi ngay:

    - Đâu! Áo và đồ chơi đâu?

    - Thì tao đã bảo tao trốn ra mà. Tao không thích, tao trả lại hết.

    Cúc nhăn mặt:

    - Đồ sĩ diện hão. Thật là phí của. Tao thì tao không dại như mày.

    Phượng định nói:

    - Tao khác, mày khác.

    Nhưng nó lại thôi. Nó cảm thấy yêu và thương Cúc hơn là mười lăm phút về trước. Cũng vì thế, nó thân mến khoác tay mình lên tay Cúc và đi sát vào bên cạnh bạn. Bây giờ đến lượt Cúc hỏi:

    - Đi đâu bây giờ?

    Phượng nói:

    - Hay là trở về trong Viện?

    Cúc nhăn mặt:

    - Thèm vào. Về để mà lại phải ngắm mấy bà nhăn như khỉ đỏ đít ấy à. Đi chơi ở ngoài này sướng hơn.

    - Rồi đêm nay mình ngủ ở đâu?

    Cúc chỉ ra chung quanh:

    - Thiếu gì hàng hiên của các cửa hiệu. Mày không biết chứ, ngủ ngoài hè còn sướng bằng mấy là chui rúc vào trong cái ổ chuột của lũ chúng mày.

    Hai đứa vô tình đi trở lại phía sân nhà thờ. Trời càng khuya, người ta càng đứng đông nghẹt. Cúc kéo Phượng ngồi xuống một bệ đá. Nó nói: " Ngồi đây nghỉ một lát"

    Phượng không đáp, ngẩng đầu lên nhìn cái tháp chuông in trên nền trời lạnh và lấp lánh những vì sao. Những giải cờ xen lẫn với những bóng đèn nối từ ngọn tháp xuống mặt đất soi sáng rực cả một vùng rộng rãi. Cúc nói:

    - Đêm Nô-en vui ghê. Nhưng mà tao đói. Mày có đói không?

    Phượng ngập ngừng nói:

    - Tao cũng thấy hơi đói.

    Cúc chép miệng:

    - Hoài của. Nếu con mẹ ấy không ăn hiếp thì tao với mày bây giờ cũng đã được ngồi chén mì xào rồi. Mày ăn mì xào bao giờ chưa?

    Phượng bỡ ngỡ:

    - Chưa.

    - Mì xào ngon tuyệt! Nhưng phải ăn ở hiệu lão Tầu béo dưới bến phà cơ. Nước mỡ của lão rưới lên những sợi mì vàng óng thì phải biết. Chỉ cần nom thấy cũng đã rỏ rãi ra rồi.

    Nói xong con bé nuốt ừng ực như thể đang nuốt những sợi mì qua cổ họng. Một lát nó lên tiếng:

    - Ăn mì xong rồi đi ăn chè ở sau Sở Máy điện thì sướng bằng lên thiên đàng!

    - Đừng có nói láo.

    Cúc toe toét:

    - Thật đấy. Tao không biết thiên đàng nhà mày có gì khoái không, chứ ăn chè ở đấy thì không chê vào đâu được. Lần nào tao cũng phải làm hai bát, mỗi bát hai đồng.

    Bỗng Cúc vụt đứng dậy. Thân hình nó vẹo hẳn đi. Hai chân nó khuỵu xuống. Dáng đi của nó đúng hệt dáng đi của một người què. Nó tiến theo một bà to béo vừa lướt qua mặt hai đứa. Rồi nó cất giọng lè nhè:

    - Lậy bà, con ăn mày bà đồng cơm bát cháo.

    Phượng trố mắt ra nhìn. Nó nom thấy bà kia đứng lại, mở ví trao cho Cúc một đồng bạc. Cúc khệnh khạng vài ba bước nữa rồi đứng vụt lên, chạy về chỗ cũ. Nó nói:

    - Mày chờ ở đây một lát. Chỉ mười lăm phút nữa là có đủ tiền ăn cả mì lẫn chè.

    Phượng níu tay nó lại, sợ hãi: "Đừng, đừng. Ăn mày xấu hổ lắm."

    Con Cúc nhè ngay lưỡi vào sát mũi nó rồi nói:

    - Xấu cái cục…c…Bộ mày tưởng trên thế gian này có một mình tao ăn mày thôi chắc.

    - Nhưng từ thuở bé đến giờ tao chưa quen một đứa nào đi ăn mày cả.

    - Thôi đi cô! Thế bọn mồ côi nhà các cô không phải đi xin người ta thì dễ cơm nó ở trên giời rơi xuống đó chắc.

    Thấy Phượng sịu ngay mặt lại và nước mắt long lanh, con Cúc dịu giọng:

    - Tao lậy mày, mày cho tao ăn mày mười lăm phút thôi. Mười lăm phút nữa tha hồ vung vinh, không đứa nào phải đói cả.

    Phượng không trả lời, ôm mặt thút thít khóc. Con Cúc kéo ngay tay nó tiến ra chặn đường một vị linh mục đang bước lên thềm đá:

    - Giê su ma, con lậy Cha, Cha thương kẻ khó làm phúc. Chị em chúng con nhịn đói từ mấy ngày hôm nay.

    Vị linh mục đứng dừng ngay lại chăm chú nhìn vào hai đứa. Chợt miệng ông ta há hốc ra nhìn con Phượng. Ông ta đã nhận ra con bé xinh xắn có giọng hát hay như chim hót vẫn thường tới hát với ban đồng ca bên nhà thờ. Ông ta kêu lên sững sờ: " Phượng!..."

    Phượng hốt hoảng giằng tay con Cúc ra và vùng lên chạy. Cúc đẩy mạnh ông Cha sang một bên rồi đuổi theo sau. Nó hét lên:

    - Phượng! Phượng!

    Nhưng tiếng kêu của nó bị át đi bởi tiếng chuông nhà thờ đang bắt đầu ngân nga đổ hồi. Giờ phút linh thiêng nhất đã điểm. Giờ phút Chúa ra đời.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    22

    Hôm sau, vào buổi chiều, chị Giang được gọi lên văn phòng. Các bà phước đều có vẻ mặt và dáng ngồi nghiêm trọng. Điều ấy khiến Giang tuy đã đoán trước được việc gì sẽ xẩy ra, mà lòng nàng vẫn lo sợ rối loạn cả lên. Bản tính của Giang vốn nhút nhát và phản ứng rất chậm. Nàng có thể làm theo ý muốn của tất cả mọi người trong khi mình chưa suy nghĩ gì cả. Đến lúc công việc đã xong xuôi có người nói đến tai rằng nàng vừa làm một chuyện thật là tai hại, lúc đó Giang mới vụt nhận ra và nổi cơn giận dữ với chính mình. Nhưng cái tính nết ấy đối với các bà phước thì lại rất thích hợp. Các bà cho Giang là người ngoan đạo nhất, dễ bảo nhất và các bà đặt hết tin tưởng vào tương lai của nàng. Bà Nhân nói:

    - Ta thấy nó đầy đủ đức tính để trở nên một dì phước. Xin các soeur chú ý đến cho.

    Bà Madeleine phụ trách việc giáo huấn các chị lớn, thường khoe:

    - Ồ! Không ai thuộc kinh, bổn và hiểu giáo lý bằng cô Giang. Trong Viện này ít có người chịu học thêm những gì ngoài bổn phận phải học hàng ngày.

    Bà ta thật đã không nói quá lời. Bởi vì nếu Giang kém tất cả mọi người về sự sắc sảo, khôn ngoan và tính hài hước thì nàng lại hơn tất cả về trí nhớ những lời phán xét của Đức Chúa trong sách lễ và kinh bổn. Chính những lời phán xét ấy sau khi đã được lọc qua trí hiểu biết của nàng, nhiều hay ít tùy theo lời khó hay dễ, nàng đã dùng thay cho sự suy nghĩ của mình. Bởi vậy, mỗi khi phát biểu một ý kiến gì, Giang bao giờ cũng bắt đầu bằng câu:

    - Chúa đã phán rằng…

    - Chúa đã phán rằng…

    Theo ý chị Thu ở cùng phòng thì đó là kết quả của một sự u mê, mụ mị. Thu vẫn thường nói:

    - Nếu gặp một trường hợp mà Chúa chưa phán, thì chắc chị Giang sẽ không có ý kiến gì cả.

    Tất nhiên, kẻ thốt ra những lời ấy sẽ chẳng ngoan đạo tí nào. Một lần chị Thu đột ngột hỏi chị Giang ở giữa đám đông đủ cả mọi người:

    - Chị Giang ơi, chị công nhận Đức Chúa là toàn năng đấy chứ?

    Giang đáp:

    - Phải ! Đức Chúa là đấng toàn vẹn, toàn năng.Trên trời, dưới đất, trong hỏa ngục, ai nấy đều quỳ gối khi nghe tên Chúa Giê-su. Kẻ nào tin ở Ngài thì linh hồn như con chim phá rách được lưới của người thợ săn và được giải phóng.

    Thu tiếp:

    - Vậy sao trên trái đất này đường lối của kẻ ác còn được thịnh vượng, người gian trá được yên ổn, miệng họ ở gần Ngài sao lòng họ xa cách Ngài, nhiều xứ bị sầu thảm, cỏ ngoài đồng bị khô héo, nhà cửa người lương thiện bị tan nát, cảnh đó bao giờ mới chấm dứt?

    Chị Giang ngẫm nghĩ rồi đáp:

    - Tôi cũng được đọc chuyện này trong sách thánh Lu-ca. Khi ấy, Chúa Giê-su dạy các môn đệ ngụ ngôn này: Có nhà phú hộ thuê một viên quản lý. Viên này bị nhiều người tố cáo là gian lận và bất trung. Bởi thế nhà phú hộ bèn gọi anh ta đến mà bảo rằng: " Tôi nghe người ta đồn đại về ông nhiều lần, ông phải tính sổ lại và từ chức đi". Viên quản lý tự nghĩ: " Ta sẽ làm gì được nữa vì ta không biết cầy bừa, không biết dệt vải. Vậy ta phải làm thế nào cho có kẻ tiếp đón ta khi ta mất quyền". Nghĩ rồi, viên quản lý cho gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi: " Bác nợ chủ tôi bao nhiêu?" Người ấy đáp: " Một trăm thùng dầu". Anh ta nói: "Đây, cầm lấy biên lai vay nợ, tôi chỉ ghi 50 thùng thôi và hãy nhớ đến tôi". Đoạn lại hỏi người khác: " Anh nợ bao nhiêu?" Người ấy đáp: " Hai trăm thùng lúa". Anh ta liền bảo: "Đây, tôi chỉ ghi có một trăm thùng thôi và hãy nhớ đến tôi". Quả nhiên về sau anh được tiếp đón và cung phụng lúc mất việc.

    Chị Thu gật đầu:

    - Câu chuyện của chị thật hợp với ý tôi hỏi. Đó là đường lối của kẻ ác được thịnh vượng, kẻ gian trá được yên ổn và miệng kẻ tội lỗi ở gần Chúa mà lòng họ xa Chúa. Chị hãy giảng tiếp đi. Tại sao vậy?

    Chị Giang đáp:

    - Chúa kể xong rồi khuyên mọi người " Hãy đừng làm theo viên quản lý đi tìm sự an lạc trong vật chất mà để mất sự an lạc trong tâm hồn. Nhiều người đã bỏ tiết nghĩa để mua lấy của cải phi nghĩa. Nhưng ta khuyên các con hãy từ bỏ của cải mà mua lấy tiết nghĩa. Như thế, các con sẽ được rước vào chốn thiên đàng đời đời".

    Thu chịu là Giang giảng hay nhưng nàng vẫn ấm ức. Cái nhìn của Thu là cái nhìn gần sát với thực tế xô xát đớn đau vẫn thường xẩy ra hàng ngày. Còn cái nhìn của Giang không ở trước mặt, không ở chung quanh. Nàng tin tưởng ở một nơi an toàn đời đời sau khi cuộc sống này chấm dứt. Như thế, cả hai người chỉ gặp nhau ở một mức vừa phải nào đó. Đào sâu hơn nữa, họ sẽ như hai kẻ đối thoại mà không hiểu ngôn ngữ của nhau. Bởi thế, sau mỗi lần tranh luận sôi nổi, chị Quỳnh vẫn thường dàn hòa cả hai bên:

    - Nói chuyện tôn giáo thì trước hết cả hai phải cùng có đức tin nơi Chúa. Đức tin ấy là ngôn ngữ để thông cảm được nhau. Một trong hai người không có đức tin thì không bao giờ đồng ý với nhau cả.

    Thu và Giang cùng cho là phải…Họ sẽ tìm câu chuyện khác để hàn huyên cho khỏi mất hòa khí.

    Khi vào phòng giấy, bà Nhân chỉ cho Giang ngồi xuống một chiếc ghế. Bà nói:

    - Các con vẫn ngoan cả đấy chứ?

    - Thưa mẹ, vâng.

    - Còn những đứa bé?

    - Thưa mẹ, con thấy vẫn bình thường.

    - Không phải thế đâu con ạ. Mẹ biết rằng thời gian này có nhiều khó khăn. Chúng nó hay thay đổi tâm tính bất thường. Con có nhận thấy thế không?

    Giang ấp úng:

    - Thưa mẹ, có lẽ thế.... có thể như thế.

    - Vậy con thấy những gì. Hãy kể cho mẹ biết, hãy giúp các soeur dìu dắt chúng nó.

    Giang càng ấp úng hơn. Thật ra nàng không biết trả lời thế nào cả. Thấy dáng điệu lúng túng và ngập ngừng của nàng, bà Hạnh dịu dàng nói:

    - Cứ tự nhiên mà phát biểu ý kiến. Ta cần những nhận xét của con, vì con là người sống gần hết thảy mọi người. Con được nghe thấy hết thẩy, trông thấy hết thẩy.

    Giang nói:

    - Xin ma soeur hãy đặt từng câu hỏi. Con xin trả lời.

    Bà Hạnh nói:

    - Trong các chị lớn, có ai bất mãn điều gì không ?

    Giang đáp:

    - Thưa ma soeur không !

    - Được lắm. Ta tin rằng con không bao giờ nói dối. Câu chuyện bà Félicité rời khỏi viện vẫn được bàn tán đấy chứ ?

    - Thưa ma souer một đôi khi.

    - Bàn tán thế nào?

    - Thưa ma soeur… có nhiều người tiếc.

    - Tại sao?

    - Thưa ma soeur, nhiều người muốn được thay đổi không khí sinh hoạt ở đây.

    - Tốt lắm, ta vẫn tin là con ngay thẳng và ta vẫn hài lòng về điều ấy. Tuy vậy, họ vẫn phải có lý do gì chớ ?

    - Thưa ma soeur vâng. Tất cả đều thấy theo đuổi giáo lý mà không thu thập được điều gì tốt đẹp cả. Nhiều người không có đức tin.

    Bà Hạnh quay lại nhìn về phía bà Nhân. Bà Nhân gật gù, hí hoáy chép. Một lát bà Hạnh nói:

    - Thật đó là một hiểm họa lớn lao cho những kẻ đang đi lầm đường. Con cũng tin rằng họ đi lầm đường chứ?

    - Thưa ma soeur, con không nghĩ gì về điều ấy cả. Mỗi người phán đoán công việc bằng một lối khác, theo ý của mình..

    - Đúng! Nhưng theo sự phán đoán của con, con thấy thế nào?

    - Thưa ma soeur con thông cảm những nỗi khó khăn của các chị ấy trên đường tìm đạo. Các chị có những sở thích và ước vọng gần gũi. Chính những sự ấy đã xâu xé niềm tin của mọi người.

    - Mẹ bề trên và các soeur sẽ tìm cách lái họ về con đường cao cả của Chúa đã vạch ra. Công việc thật là khó khăn nhưng không là muộn. Ta cám ơn con nhiều lắm.

    Giang ấp úng:

    - Thưa ma soeur, con mong mỏi tất cả cùng tìm thấy nguồn vui trong ánh sáng của Chúa mà quên đi những nỗi nhọc nhằn, thiếu thốn.

    - Điều đó dĩ nhiên. Vì chỉ có niềm tin nơi Chúa mới là giải thoát được hết thẩy. Nhưng Giang ạ, ma soeur chỉ phàn nàn con có một điểm.

    Giang cúi đầu không đáp. Bà tiếp:

    - Sao hôm Phượng nó về, con không báo cáo gì cho các soeur hay cả.

    - Thưa ma soeur, tất cả mọi người đều xin giấu cho Phượng.

    - Thật là lầm lẫn lớn. Các chị ấy định nuôi dưỡng sự hỗn độn vô kỷ luật ở đây hay sao?

    - Thưa ma soeur, trường hợp của Phượng thật là khó giải thích. Nó bị bắt quả tang đi ăn xin, nhưng lòng nó không muốn. Chính con Cúc đã lôi kéo nó vào đường tội lỗi.

    - Nhưng nó không cắt nghĩa được sự nó bỏ nhà người ta để mà trốn đi. Hôm qua má bé Chi hốt hoảng tìm đến đây. Bà ấy nói rằng gia đình họ tiếp đón rất nồng hậu.

    - Thưa ma soeur, nhưng bé Chi chết từ lâu rồi.

    - Hừ ! Đó lại càng là cái cớ để cho nó được thêm chiều chuộng chứ sao. Hãy nói với bé Phượng rằng công việc của nó làm đã thấu tới tai các soeur. Và các soeur rất khổ tâm phải giải thích với Cha quản lý bên nhà thờ. Con cũng hiểu rằng dù sự việc xẩy ra thế nào thì cũng là một vết nhơ cho tất cả chúng ta chứ?

    Giang ấp úng:

    - Thưa ma soeur vâng. Con hiểu.

    - Vậy bé Phượng sẽ bị cấm chỉ ra ngoài trong vòng ba tháng, kể cả những buổi phải đi đồng ca bên nhà thờ. Tâm hồn nó như một tờ giấy trắng. Hãy gìn giữ cho nó khỏi bị những kẻ phá hoại, lôi kéo vào con đường tội lỗi. Từ nay trở đi, đối với mọi người, mẹ bề trên đã trù liệu một biện pháp mới.

    Bà Nhân tháo mắt kính xuống lau, rồi chậm rãi:

    - Mẹ đã nhìn thấy sự suy sụp tinh thần trong tất cả mọi người. Đó là do có nhiều kẻ đã nêu những gương xấu. Mẹ muốn từ nay chính các con tự giác ngộ lấy các con. Các soeur chỉ đứng ở ngoài dìu dắt. Như thế kết quả sẽ tốt đẹp hơn là họ thấy họ bị trực tiếp điều khiển. Soeur Cécile hãy đọc cho chị Giang nghe chương trình từ tuần tới.

    Bà Cécile mở một tờ giấy ra đọc:

    - Thưa mẹ bề trên, đây là lịch giảng huấn do các chị lớn phụ trách lấy vào mỗi buổi sáng chủ nhật. Tất nhiên, giờ đi ra ngoài sẽ tạm hủy bỏ hay sửa đổi cách khác:

    1) Tuần thứ nhất, tức sáng ngày mai chị Giang nói về đề tài "Đức tin nơi Chúa".

    2) Tuần lễ thứ hai: Chị Quỳnh nói về đề tài: " Nhiệm vụ của các con chiên trước mặt Chúa"

    3) Tuần lễ thứ ba, chị Thúy nói về đề tài: " Con đường tội lỗi và con đường giải thoát".

    4) Tuần lễ thứ tư: Soeur Madeleine tổng kết và hướng dẫn mọi người để sáng danh Chúa và tìm hiểu mục đích các con chiên phải theo đuổi cho được toàn mình.

    Bà Nhân nói:

    - Vậy con hãy tham khảo sách báo ở thư viện để thuyết lý lần đầu. Mẹ hy vọng ở con rất nhiều. Hãy cố gắng tạo cho mình thành một gương sáng.

    Giang cúi chào rồi bước ra.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    23

    Về đến cửa phòng, mọi người đã chờ đợi Giang ở bàn học. Bé Phượng cũng có mặt ở đấy. Nó buồn bã ngồi ngả đầu lên vai chị Quỳnh. Trước đấy, nó vẫn thường nói:

    - Thế nào em cũng bị đuổi. Em sẽ đi tìm chị Đan Thanh.

    Chị Quỳnh ôm nó vào lòng an ủi:

    - Không bao giờ mẹ bề trên quyết định như thế cả. Mà các chị cũng không chịu để như thế. Các chị sẽ xin hộ cho em đến tận cùng.

    Lúc Giang vào, Thu hỏi:

    - Thế nào? Chị Giang. Chị không mang hung tin về đấy chứ?

    Giang ngồi xuống ghế, mệt mỏi:

    - Em đã bị chất vấn nhiều câu khó trả lời. Em tự hỏi không biết mình đã phản bội các chị hay chưa?

    Hương chồm dậy, nhẩy một bước từ giường sắt lên mặt bàn:

    - Có cái gì mà to chuyện đến thế hả chị Giang?

    Giang đáp:

    - Thật đấy. Các bà hỏi thăm về tình hình các chị, về sự suy nghĩ hằng ngày, về đức tin nơi Chúa và hậu quả sự ra đi của bà Félicité.

    Thu kêu lên:

    - C’est une sorte d’antenne. ( Đấy là một loại moi tin, chỉ điểm)

    Giang run rẩy:

    - Em biết ngay rằng các chị sẽ nghĩ như thế. Đáng lẽ em phải từ chối không trả lời tất cả.

    Hương hỏi:

    - Vậy chị đã trả lời ra sao?

    Giang đáp:

    - Em nói thật rằng các chị đã mất niềm tin, đã không tìm thấy những điều bổ ích trong những giờ học sách Thánh và Kinh bổn, và các chị muốn thay đổi nếp sống theo chương trình của bà Félicité.

    Hương la lên:

    - Thôi thế là chị giết tụi em rồi.

    Thu cãi:

    - Trái lại, em hoan hô chị Giang đấy. Ít nhất chị cũng cho các bà ấy biết một phần nào sự thực. Còn hơn là câm như hến cả nút.

    Hương lắc đầu:

    - Rồi các chị sẽ thấy rằng các bà sẽ có biện pháp đối với những kẻ cứng đầu, cứng cổ. Tất cả mọi người sẽ mệt mỏi vô cùng mà em thì em đầu hàng trước.

    Giang nói:

    - Quả nhiên như vậy. Các buổi đi chơi trong tuần tới sẽ ngưng lại. Chúng mình sẽ phải lần lượt thuyết trình về một đề tài cho sẵn.

    Mắt Thu mở tròn lên:

    - Sao? Chị bảo rằng tất cả sẽ phải giảng đạo cho nhau nghe? Em sẽ phải giảng đạo cho người khác nghe. Ôi ! Giêsuma-Lậy Chúa tôi!

    Giang gật đầu:

    - Đúng như thế. Ngày mai em phải nói kỳ thứ nhất, rồi đến chị Quỳnh, chị Thúy.

    Thúy đang ngồi dựa lưng vào tường, tay ôm cái gối trên ngực, chợt giật bắn người lên:

    - Hở ? Em à ? Em thật à ? Chị có nghe lầm không đấy ?

    Giang đáp:

    - Em không lầm đâu. Chị sẽ nói về "Con đường giải thoát và con đường tội lỗi". Tài liệu tự tìm lấy trong Kinh Thánh và Sách Lễ toàn thư.

    Mặt Thúy đờ ra ngơ ngác. Mọi người có cảm giác như nàng vừa rơi xuống một miền xa lạ sau một giấc ngủ dài. Miệng nàng lắp bắp:

    - Con đường tội lỗi... con đường giải thoát. Giải thoát cái gì đây hở chị ?

    Thu mỉm cười:

    - Nói xấu bà Hạnh, bà Nhân là tội lỗi. Mong các bà ấy rút lui đi cho là giải thoát. Đó là bí quyết để giải đề bài.

    Mọi người rích lên cười. Hương phàn nàn:

    - Thật là chị vẽ rắn thêm chân. Nếu các bà ấy hỏi, chị cứ nói toẹt là tụi này ngoan tất, chăm tất và tin tất. Thế có phải là dễ chịu biết bao nhiêu không. Em thì em báo trước, em không có gì để nói cả.

    Thu mỉm cười:

    - Có khó gì cái sự nói ấy. Chị cứ coi như là phải làm một bài luận. Một bài luận dễ vì được cóp nhặt lung tung. Sau đó chỉ việc mang lên đọc như một con vẹt, mặc dầu chính mình là tác giả mà mình không hiểu gì cả, không áp dụng gì cả.

    Nói rồi Thu vớ lấy quyển vở trên bàn giơ lên cao trịnh trọng đọc:

    - "Thưa mẹ, thưa các soeur bề trên, thưa các chị bề ngang, thưa các em nhỏ bề dưới, hôm nay…

    Hương phát thật đau lên vai bạn rồi nói:

    - Thôi im đi, đừng có giở trò mà chết cả lũ. Vách ở đây có tai…

    Mọi người chợt ngơ ngác trong khi ấy mặt chị Giang vụt đỏ bừng lên. Chị ta nhìn về phía Hương bằng con mắt oán hận. Nhưng Hương vẫn thản nhiên tiếp:

    - Em nói thật đấy. Chỉ nội ngày mai, các bà sẽ có một bản báo cáo đầy đủ về câu chuyện của bọn mình hôm nay..

    Giang kêu lên:

    - Không bao giờ…, Không bao giờ tôi làm thế cả.

    Hương lạnh lùng đáp:

    - Vâng, chị Giang ạ. Chúng em đã biết rõ cả rồi…

    Giang vụt òa lên khóc, và hai tay ôm lấy mặt chạy ra cửa phòng. Cánh cửa đóng xập lại kêu lên chát chúa. Mọi người ngơ ngác và lao xao. Quỳnh nhìn Hương trách móc:

    - Chị thật là độc miệng. Em tin rằng chị ấy không có ý tưởng xấu xa như thế đâu.

    Hương nhún vai:

    - Em không tin ai hết thẩy. Em vẫn lấy sự nghi ngờ mọi người chung quanh làm châm ngôn xử sự. Đó là điều cần thiết và hợp lý, chị ạ.

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    24

    Buổi tối, trong giờ làm bài và học bài, Phượng nằm chùm chăn khóc ngấm ngầm một mình. Ở phía giường giữa, con Dung nói :

    - Tao mới được nghe một tin động trời. Trong phòng này có đứa thích đi ăn mày hơn là đi học.

    Huyền nói :

    - Câu chuyện động trời thật. Nhưng quỷ sứ sẽ rút lưỡi đứa nào bịa chuyện.

    Dung nói :

    - Tao thề với chúng mày là tin ấy có thật.

    - Mày đã thề nhiều lần. Và những câu chuyện láo khoét do mày bịa ra đều được thề là có thật cả.

    Dung chồm lên :

    - Bịa chuyện một vài lần không phải là bịa chuyện tất cả. Lần này tao thề độc rằng tao không nói dối.

    Con Hằng sốt ruột :

    - Hãy để cho nó kể cho mà nghe đi đã. Đứa nào thích bỏ học đi ăn mày hả Dung?

    Dung mỉm cười :

    - Rồi chúng mày sẽ rõ. Tao tin rằng nó sẽ bị "sút" bắn ra khỏi Cô Nhi Viện này. Có một đứa bạn như thế thật là xấu hổ.

    Huyền nói :

    - Mày không kể rõ tại làm sao mày biết chuyện đó thì chúng tao không tin.

    Dung giận dữ :

    - Đồ dơ dáy! Mày không thấy rằng tao chơi thân với bác Hai ở dẫy nhà dưới à ? Bác ấy ngày nào chả sang bên nhà Chung lấy đồ tiếp tế. Bác ấy bảo rằng câu chuyện này ai cũng rõ hết.

    Bọn trẻ bắt đầu nghi ngờ nên xúm lại quanh con Dung. Con bé đắc chí ghé vào tai chúng nó thì thào:

    - Tao nói thật đấy. Chính con Phượng đi ăn mày vào đêm Nô-en bị Cha Quản lý bắt được. Chúng mày không thấy nó có cái gì đổi khác à ? Quỷ dữ đang ám ảnh linh hồn của nó đấy thôi !

    Bé Hà la lên :

    - Đồ ăn gian nói dối ! Tao không bao giờ tin chị Phượng lại làm như thế cả.

    Từ nãy, Phượng vẫn nằm nghe chuyện của chúng nó. Tới lúc ấy, không còn chịu được nữa, Phượng tốc chăn vùng trở dậy, ròng ròng nước mắt và hét lên với con Dung:

    - Phải rồi ! Tao ăn mày đấy ! Tao đi xin đấy. Nhưng linh hồn tao không có quỷ ám ảnh như linh hồn mày.

    Nói rồi nó vừa òa lên khóc vừa tung cửa chạy vụt ra phía ngoài. Bọn trẻ trong phòng nhao lên. Bé Hà tụt ngay xuống đất, cứ để chân không như thế đuổi theo. Nhưng bóng tối ở ngoài sân lẫn với tiếng côn trùng rên rỉ làm nó đứng dừng lại. Nó hét lên thất thanh :

    - Chị Phượng ơi ! Chị Phượng ơi !...

    Rồi nó òa lên khóc. Tất cả mọi đứa đều đổ xô ra đứng lố nhố hết ở ngoài hàng hiên. Con Dung xanh mặt đi vì sợ. Nó vừa đẩy lũ trẻ vào phòng vừa nói :

    - Đi vào hết ! Đi vào hết ! Chúng mày muốn phải phạt cả lũ hay sao.

    Nhưng ở đầu hành lang các bà phước đã rầm rập chạy lại. Tiếng bà Hạnh hét lên :

    - Cái gì thế?.... Các cô định phá cái gì ở đây thế?

    Con Dung vội đón ngay bà ta, liến thoắng:

    - Thưa ma soeur, con Phượng không học bài, làm bài. Nó đã mở cửa và trốn ra ngoài.

    Bà Hạnh giơ hai tay lên trời :

    - Thôi, thôi, đến thế là hết rồi. Nó muốn thế thật mà.

    Bà Cécile chạy xuống hết thềm xi măng. Mắt bà đảo quanh khắp khu vườn có bóng tối dày đặc. Một lúc bà nói:

    - Nó không thể ra ngoài được đâu. Cổng ngõ soeur Hòa đã khóa hết rồi. Hãy cho người đi tìm nó. Nó chỉ lang thang ở đâu đây thôi.

    Bà phước Hạnh không đáp, lảo đảo đi trở lại lối cũ. Những bước chân nặng nề gõ lên mặt đá. Cây thánh giá lóc xóc ở bên mình. Lần ấy là lần đầu tiên bà không ra một hình phạt nào sau khi giận dữ.

    Nhưng bà Cécile có vẻ điềm tĩnh hơn. Bà lên gọi các chị lớn đổ đi tìm và mọi người tìm thấy Phượng đang ngồi khóc ở trong nhà xép để đồ. Công việc ấy làm nhốn nháo khắp mấy dẫy hành lang. Bà phước Hạnh cắm ngay dây điện vào máy phóng thanh và gầm thét ở trong những ống loa:

    - Tất cả về phòng và tắt hết đèn trong năm phút. Mọi công việc khác mẹ bề trên sẽ xét đến trong ngày mai.


  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    25

    Đúng chín giờ sáng hôm sau, mọi người tề tựu đông đủ trên giảng đường. Những hàng ghế trên cùng dành cho lũ trẻ. Rồi đến các chị lớn ngồi sau. Các bà phước ngồi trên những ghế riêng biệt kê xế trước mặt mọi người.

    Chị Giang đứng yên lặng ở phía sau một cái bàn gỗ. Mắt chị xưng húp. Đầu tóc bơ phờ. Chị đứng nhưng nhìn xuống đất. Bà phước Nhân nói trước:

    - Các con ! Nhân danh Chúa Kytô, mẹ bề trên khuyên nhủ các con hãy ăn ở, xử sự như những lời mẹ bề trên đã dạy dỗ các con. Mỗi người trong các con hãy biết giữ mình cho trong sạch, kính trọng thân xác nhưng không đam mê những điều cám dỗ xấu xa như những kẻ ngoại đạo. Bởi vì Thiên Chúa không gọi chúng ta để sống ô uế, nhưng chính là để sống đời thánh thiện theo gương Chúa. Kể từ hôm nay, mẹ bề trên muốn chính tự các con giác ngộ lấy các con dưới sự hướng dẫn của các soeur. Các con hãy sửa soạn lấy cho các con để được toàn mình. Mẹ sẽ cầu nguyện cho các con.

    Nói xong bà làm dấu thánh giá rồi ngồi xuống. Mọi người cũng làm dấu theo. Chị Giang bắt đầu nói:

    - Thưa mẹ bề trên, thưa các soeur, thưa các chị em, xin tất cả hãy nghe những lời tôi đọc lại trong sách thánh Lê-Vi:

    "Ngày ấy Thiên Chúa bảo Mai Sen hãy đến nói với con cháu Israel ! "Nếu các ngươi biết sống theo luật của ta, nếu biết tuân giữ và thi hành các huấn giới của ta, ta sẽ mưa cho các mùa, đất sẽ sinh hoa lợi và ra trái. Các ngươi sẽ có lúa đập đến mùa hái nho. Mùa hái nho sẽ kéo dài cho đến ngày gieo giống. Các ngươi sẽ có bánh ăn cho thỏa thích và các ngươi sẽ được thái bình. Ta sẽ cho diệt trừ thú dữ trong xứ sở, cho các ngươi đầy đủ sức khỏe và tinh khôn để đuổi đánh quân xâm lăng. Năm các ngươi đuổi đánh một trăm quân địch, một trăm người đuổi đánh mười ngàn, quân địch sẽ gục ngã dưới lưỡi kiếm của các ngươi"

    Ôi ! Lạy Chúa là Cha rất Thánh, là Chúa toàn năng, hằng hữu, chúng con cảm tạ Chúa mọi nơi, mọi lúc. Chúa chẳng để sự đe dọa nào có thể lung lạc được những ai tin cậy Chúa. Do lòng tin Chúa, nhân loại sẽ được tạo dựng giống hình ảnh Chúa và phục hồi địa vị ban đầu và rửa sạch khỏi nhơ bẩn đang tràn ngập…

    Bà phước Nhân nhìn Giang với vẻ mặt hài lòng. Bà Cécile lẩm nhẩm cầu kinh. Bà phước Hạnh thì đảo mắt nhìn xung quanh khắp mọi chỗ trong phòng để kiểm soát những kẻ lơ đãng.

    Nhưng nếu bà ta không rời chỗ thì bà không thể nhìn thấy ở mé dưới Thu đang ngáp và cười. Hương có vẻ mặt thích thú khi theo dõi bọn trẻ con đang cấu chí nhau. Khuất sau một cột gỗ, con Dung thì thào với con Hằng:

    - Mày có nhận thấy cái gì đó không?

    Hằng ngơ ngác. Dung tiếp :

    - Hãy nhìn vào mặt chị Giang. Đôi mắt ấy lụp lên vì khóc đấy thôi.

    Hằng gật đầu :

    - Ừ nhỉ. Thảo nào tao trông mặt chị ấy hôm nay có vẻ khang khác.

    Dung ngẫm nghĩ một câu chuyện bịa rồi nói:

    - Đêm hôm qua có chuyện cãi nhau lớn ở trên phòng các chị ấy. Chị Giang là một kẻ thua cuộc.

    - Họ cãi nhau về chuyện gì thế ?

    Con Dung trợn mắt :

    - Ồ! Thật là ghê gớm! Tao nom thấy chị Giang hét lên "Cứ giết tôi đi! Cứ giết tôi đi". Họ tính đâm nhau bằng kéo và dao cắt bánh mì…

    Huyền la lớn lên:

    - Ôi ! Giê su ma, lậy chúa tôi…

    Vừa la xong nó vội trợn mắt lên và lấy tay bụm ngay mồm lại. Nhưng tất cả mọi người đã đổ dồn mắt về phía nó. Bà Hạnh giận dữ :

    - Đứa nào thế? Đứa nào đã làm cái trò gì dơ dáy thế?

    Con Huyền mặt tái mét đứng lên rụt rè. Lập tức nó bị lôi ra khỏi ghế ngồi. Bà Juliette quát :

    - Mày định phá phách những gì ở đây? Mày có biết mày làm rối loạn trật tự trong khi nghe giảng là một tội trọng không?

    Con bé líu ríu:

    - Thưa mẹ bề trên, con xin nhận lỗi. Con hứa, con chừa.

    Bà Nhân nhìn nó bằng cặp mắt ghét bỏ. Một lát bà uể oải :

    - Đã hứa thì tha cho. Nhưng cũng phải phạt nhẹ làm gương. Các soeur có việc gì cho nó làm không?

    Bà Hạnh nói :

    - Thưa mẹ, xin truất một phần bánh mì chuối vào lúc bốn giờ.

    Bà Juliette xua tay :

    - Xin hãy bắt nó quì ngoài sân sỏi trước đã

    Bà Nhân phán :

    - Vậy vừa phải quì, vừa không được ăn bánh.

    Con Huyền lủi thủi đi ra, đầu nó cúi gằm xuống đầy vẻ xấu hổ. Mọi người đang ồn ào vụt im bặt khi bà Hạnh đứng dậy trừng mắt nhìn một lượt nữa khắp phòng. Tuy vậy, bài giảng của chị Giang chẳng còn hứng thú và bổ ích nữa. Chị ta có vẻ lúng túng như chính mình cũng không biết mình đang làm công việc gì.


  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    26

    Một hôm văn phòng của bà phước Nhân tiếp đón một bọn ba người. Họ xưng là văn nghệ sĩ, một danh từ kể cũng lạ tai đối với những kẻ tu hành. Họ đề nghị với ban giám đốc cho phát hành một tờ đặc san lấy tên là Đặc san Cô Nhi Viện. Theo lời họ, một tuyển tập văn chương đặc sắc tập trung nhiều cây bút có tên tuổi, kèm theo danh nghĩa xuất bản để trợ giúp những kẻ mồ côi là một dịp hái ra tiền bạc. Bà phước Nhân hỏi :

    - Chúng tôi sẽ phải xuất ra chừng bao nhiêu?

    Một người đáp với nụ cười kiêu hãnh :

    - Thưa Mẹ bề trên, Viện ta không cần phải bỏ ra một xu nhỏ nào cả. Chúng tôi chỉ cần danh nghĩa của Viện. Với một lá thư giới thiệu đến các cơ quan, đoàn thể và nhà buôn, chúng tôi có thể lấy được tiền quảng cáo vừa đủ tiền in và tiền tác giả. Như thế, Viện Cô Nhi đây không cần vốn mà cũng có dăm nghìn số báo bán với giá một trăm đồng một số.

    Bà Nhân reo lên :

    - Một sáng kiến tuyệt diệu mà chúng tôi không hề nghĩ ra ! Tôi chấp thuận đề nghị của các ông. Nhưng xin cho biết những điều kiện đối với các ông phải thế nào?

    Một người khác hoan hỉ nói xen vào :

    - Thưa Mẹ bề trên, về phía Văn nghệ sĩ chúng tôi thì không cần thiết. Bởi vì đối với các em mồ côi, sự giúp ích là bổn phận của tất cả mọi người.

    Bà Hạnh nhìn họ nghi ngờ :

    - Nhưng ít nhất các ông cũng phải có đôi chút quyền lợi vào đấy chứ ? Tôi nghĩ rằng…

    Người khách ngắt lời :

    - Thưa Mẹ bề trên, sở dĩ chúng tôi không đề cập gì về việc đó cả, là vì chúng tôi muốn mẹ hãy nhìn vào việc làm của chúng tôi trước. Người ta thường nói mà không làm. Nhưng chúng tôi thì phải làm xong rồi mới nói.

    Bà Nhân hài lòng :

    - Chúng tôi hết sức tin tưởng vào quí ông. Vậy chúng tôi đề nghị trước, các ông lấy mười phần trăm tổng số thu có được không?

    Tất cả ba người cùng hoan hỉ:

    - Thưa mẹ, bao nhiêu cũng được. Đó chỉ là món tiền tượng trưng. Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ đến các em mồ côi trước hết.

    Bà Hạnh nói lên một thắc mắc cuối cùng :

    - Theo các ông nghĩ, giá một trăm đồng một số có là đắt lắm không ?

    Cả ba cùng cười:

    - Thưa ma soeur, sẽ không có một ai so kè với các trẻ em mồ côi hết cả.

    Lập tức bà Nhân hối thúc bà Cécile và bà Hạnh đánh máy tờ giấy hợp đồng và giấy giới thiệu với các xí nghiệp và hãng buôn. Trong vòng không đầy nửa tiếng, cả ba người xa lạ cùng trở thành đại diện cho Viện Cô Nhi.

    Lúc họ ra về, Bà Cécile ngơ ngẩn :

    - Tôi không hiểu. Tôi không tin rằng mọi việc lại dễ dàng đến thế. Người ta có ý gì khác không?

    Bà phước Nhân trả lời:

    - Gì thì gì, chúng ta cũng chưa phải xuất ra một đồng xu nhỏ nào. Ta tin rằng họ là những người ngay thẳng. Không ai nỡ lừa lọc phần ăn của các trẻ mồ côi xấu số. Nhất là bọn họ lại là những Văn nghệ sĩ.


  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    27

    Quả nhiên, những ngày trong tuần lễ sau, bọn họ tiếp tục trở lại bàn bạc và cùng các bà phước góp ý kiến trong phần xây dựng nội dung tờ báo. Một phần ba số trang được dành vào việc giới thiệu các hoạt động của Viện. Bà Nhân đưa ra những mẫu ảnh chụp các sinh hoạt hằng ngày: Ở buổi đọc kinh, buổi nghe giảng đạo, giờ ăn sáng, giờ học tập, cảnh phòng ăn, phòng ngủ, và sinh hoạt bên ngoài như đi chơi, diễn kịch, bán vé chớp bóng. Một vài cảnh thiếu sót được dàn ra chụp lại. Các chị lớn và bầy trẻ, lũ hài nhi, và ngay cả đến các bà phước đều một phen náo loạn vì phải ăn mặc chỉnh tề, đi đứng, cười nói, đánh đàn hay trình bầy bản nhạc nhất nhất đều phải theo lời chỉ dẫn của nhà nhiếp ảnh. Bà phước Hạnh chạy lăng xăng qua các hàng ngũ. Bà luôn miệng hò hét:

    - Tươi mặt lên ! Tươi lên nữa ! Bé Phượng hãy cười lên nào. Con Dung làm cái gì mà ngó ngoáy thế. Kìa, chị Thu, chị vuốt lại cái tóc cho tôi một tí nào.

    Một buổi sáng ầm ĩ trôi qua và nhà chụp ảnh hoan hỉ hài lòng. Ông ta hứa sẽ đem lại những tấm ảnh đẹp. Trong khi ấy, bọn các chị bàn tán xôn xao :

    - Sắp có triển lãm và chợ phiên lớn.

    - Không phải ! Những tấm ảnh ấy sẽ được gửi đi ngoại quốc.

    Chị Quỳnh mỉm cười :

    - Không phải nốt ! Hình chúng mình sẽ được đăng lên mặt báo. Viện chúng ta in một tờ đặc san để gây quĩ hội.

    Chị Thu dẫy nẩy lên đành đạch :

    - Thế thì chết em rồi. Tất cả mọi người sẽ được chiêm ngưỡng bộ mặt nhăn nhó và dáng đi ngó ngoáy của em !

    Hương phì cười :

    - Ai bảo chị luôn luôn phá thối. Chị không thấy bà Hạnh luôn mồm "Hãy tươi lên đi" hay sao?

    Thu gãi đầu, gãi tai :

    - Ờ nhỉ ! Thì ra cái tính chống đối của em nhiều lúc cũng trở nên ngu muội. Ít ra, cũng có một vài lần bà ấy khuyên chúng ta làm đúng đấy chứ!


    28

    Một tháng sau, tờ đặc san được hoàn thành. Từng xe ba bánh chở những gói báo lớn đi vào trong Viện. Bà phước Nhân nói:

    - Các con đã thấy nhiều khi không nên nghi ngờ một cách thái quá hay chưa? Trong cuộc đời xấu xa và tội lỗi, ít nhất cũng còn có một vài tâm hồn đẹp, vì sự cao đẹp mà hoạt động. Xin ơn trên phù hộ cho họ được mọi sự tốt lành.

    Tổng số báo in là năm ngàn số. Bà Nhân đã tính toán trước. Bà sẽ gửi đi các cơ quan Công giáo toàn quốc nhờ mua ủng hộ hai ngàn số. Còn ba ngàn số, các chị lớn, các em nhỏ sẽ phụ trách tiêu thụ ở Thủ Đô. Mọi công việc thường xuyên được ngừng lại trong hai tuần lễ. Từng tốp một, lại sửa soạn quần áo để ra đi. Mỗi người cầm trên tay một xấp báo. Những buổi sáng rực rỡ, buổi chiều gay gắt nắng hay đổ cơn mưa, đoàn mồ côi lại len lỏi trên các đường phố, trong các hãng buôn và các công sở. Bọn Thu, Hương, Quỳnh, Giang, Phượng, Bích… lại một phen thu thập được nhiều kinh nghiệm chua xót. Nhưng họ đã được an ủi bằng những lời của bà phước Hạnh:

    - Các con hãy cố gắng và giữ vững niềm tin. Chúa luôn luôn theo dõi việc làm của các con. Người sẽ che chở, và giúp đỡ các con chiên của Người.

    Một buổi tối, trong lúc nghỉ ngơi, Hương phàn nàn :

    - Nếu giá bán rẻ đi một nửa, mình sẽ dễ dàng ăn nói hơn. Một trăm đồng thật là quá sức.

    Thúy tiếp :

    - Một người đã xem qua nội dung rồi móc túi lấy ra hai chục. Em bảo " Thưa ông giá một trăm đồng" Ông ta lè lưỡi y như thể em vừa bóp hai tay vào cổ ông. Rồi ông ta chạy như ma đuổi.

    Thu chua chát :

    - Vậy tại sao các chị không gào to lên rằng: Chúng tôi là những đứa mồ côi dơ dáy. Chúng tôi đói, chúng tôi thiếu ăn thiếu mặc và chúng tôi van xin lòng thương của các ông các bà.

    Nói rồi Thu bật dậy, lật vội tờ đặc san ra tìm một trang rồi nói tiếp :

    - Nếu chị không tìm được lời, được ý thì hãy đọc to bài thơ trong trang báo này:

    Dòng đời mưa gió, khổ đau

    Bơ vơ em biết về đâu là nhà

    Phố phường rực rỡ kiêu sa

    Riêng em mất hết tuổi hoa, mộng vàng

    Rủ lòng ban chút xót thương

    Cho em qua được đoạn đường khó khăn.

    Chị Thu đọc xong rồi phá lên cười. Nàng lăn lộn trên nệm giường xô lệch trước những khuôn mặt ngơ ngác của mọi người. Một lát, chị ngồi dậy thở mạnh, lưng dựa vào tường, khuôn mặt đầm đìa nước mắt.


  11. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    29

    Mấy ngày hôm sau, trong lúc công việc bán báo tiến hành tương đối khả quan thì Quỳnh nhận được một lá thư dài của Đan Thanh do người làm bếp đem vào. Thanh viết:

    " Không một hoạt động nào của Viện chúng ta mà em không theo dõi. Những giây phút em nghĩ về các chị là những giây phút lòng em trong sạch và sung sướng nhất. Dù sao, các chị còn giữ được niềm kiêu hãnh với chính mình. Riêng em, thì em mất tất cả. Em không còn điều gì để tự hào về chính mình nữa.

    Mới đây, em được người ta mang đến cho một tập báo. Thú thật, em không ngờ rằng đó lại là do công trình của các chị soạn ra. Lòng em xúc động vô cùng khi được xem lại mớ ảnh chụp về những sinh hoạt trong Viện. Chao ôi, cảnh phòng ăn quen thuộc, buổi lễ buồn nản buổi chiều, và những giờ lặng lẽ trong lớp học. Em điểm được đủ mặt mọi người. Chị biết không, em đã "soi" tất cả bằng kính lúp! Chị Quỳnh có vẻ béo ra, chị Giang hơi gầy đi, còn Thu thì muôn đời vẫn thế, nó vẫn có cái vẻ láu lỉnh và ngang ngạnh như ngày nào. Trong một ngày liền, em đóng cửa lại không tiếp một ai, và em đã đọc số báo từ trang đầu đến trang cuối. Theo từng giọng văn, em đoán bài này do chị viết, bài kia do Thu hoặc Hương viết. Nhưng đoán mò vậy thôi chứ các chị ký toàn bút hiệu cả, hơn nữa thế nào bài của các chị chả phải sửa chữa theo ý Mẹ Bề trên và các Soeur.

    Nhiều bạn bè của em nói rằng Viện của chúng ta phen này kiếm hàng triệu. Bởi vì tờ báo đã được mang đi khắp nơi trong toàn quốc. Rất nhiều cơ quan, đoàn thể ở tỉnh và quận mua với giá ủng hộ bạc ngàn. Các chị giỏi thật. Em cầu mong những số tiền ấy tới tận tay các chị, vì chính là do danh nghĩa của các chị mà nó được có. Nếu các chị mở tiệc ăn mừng thì hãy nhớ tới em nghe không…"

    Đọc xong, Quỳnh hốt hoảng trao lá thư cho tất cả mọi người. Thu la lên:

    - Một vụ lừa bịp lớn. Chúng ta đã bị lợi dụng danh nghĩa để làm đầy túi tiền cho kẻ khác.

    Hương nhún vai:

    - Các chị thấy không. Bao giờ cuối cùng em cũng là kẻ có lý. Sự nghi ngờ là điều cần thiết trong khi xử sự. Phen này các bà hết khen ngợi những ông mệnh danh là văn nghệ sĩ nữa.

    Quỳnh nói:

    - Hãy từ từ, suy nghĩ trước khi kết luận. Em vẫn tin rằng còn nhiều người khác đã thương xót đến mình bằng lòng thành thực.

    Thu nhếch mép:

    - Em mong mỏi sự thương xót đó không phải là một cái mốt, một nhu cầu tinh thần khi người ta đã sung sướng đầy đủ.

    Mắt Quỳnh trợn tròn lên:

    - Chị Thu nghĩ ngợi điều gì mà kỳ quái như vậy. Chị có vẻ cay đắng thái quá. Em thì cho rằng dù là vì nhu cầu tinh thần hay do lòng thành thực thì kết quả chúng mình cũng đã lớn lên nhờ sự thương xót ấy. Phận những kẻ như mình không nên đòi hỏi quá đáng.

    Hương sốt ruột la lên:

    - Bây giờ bọn mình phải làm sao đây? Em không thể chịu được khi nghĩ rằng bọn chúng mình bị mang ra rêu rao ở khắp hang cùng ngõ hẻm để phụng sự cho một lũ con buôn tình cảm. Em tin rằng ta đã bị nguyền rủa. Ôi, một lũ mồ côi lợi dụng danh nghĩa mồ côi để móc túi mọi người thì còn gì xấu hổ bằng.

    Thu đáp:

    - Hãy đem lá thư này lên cho các bà đọc. Ít nhất, các bà ấy cũng học hỏi được một điều ở bên ngoài những kinh, sách các bà ấy có.

    Quỳnh dẫy nẩy lên:

    - Ấy chết! Không được! Các chị mang thư này vào thì các bà ấy giết em. Chị không biết rằng thư từ ra ngoài là một trọng tội à?

    Giang nói:

    - Em đề nghị ta chất vấn thẳng mấy ông tự xưng là văn nghệ sĩ.

    Thu cười nhạt:

    - Nhử thính các ông ấy cũng không còn quay về đây nữa. Bởi vì trong tay họ ít nhất cũng còn dư vài ngàn số báo. Những số báo ma, không có tên trong sổ tính toán của bà Nhân.

    Giang kêu lên:

    - Em không tin. Không ai nỡ làm thế với những kẻ xấu số như bọn mình cả.

    Hương quả quyết:

    - Con người ta có thể làm bất cứ công việc gì. Kể từ cái cao đẹp nhất đến những cái bẩn thỉu nhất.

    Thu chen vào:

    - Miễn là sự cao đẹp hay bẩn thỉu cùng mang đến cái lợi cho người ta.

    Quỳnh mỉm cười:

    - Chị Thu lại méo mó tư tưởng rồi. Vì điều lợi người ta có thể làm được sự xấu xa. Nhưng thi hành những việc tốt thì đâu có phải vì một điều gì khác ngoài tấm lòng cao đẹp của người ta.

    Thu nhún vai:

    - Chưa chắc như thế. Em hỏi chị, sự cao đẹp nhất mà chị thấy được ở chung quanh đây là những cái gì ?

    Quỳnh đáp:

    - Là lòng mến Chúa và sự phục vụ cho lý tưởng Chúa.

    - Để thực hiện cái lý tưởng ấy, chị đã thấy những ai làm được công việc gì?

    Quỳnh trợn mắt lên:

    - Thiếu gì công việc ! Giản dị và rõ ràng nhất là các bà đã hy sinh cả cuộc đời cá nhân để cứu vớt những lũ như chúng mình.

    Thu lạnh lùng:

    - Các bà là những ai?

    Quỳnh càng ngạc nhiên hơn nữa. Nàng ngập ngừng một lát rồi nói:

    - Là bà Nhân, bà Hạnh, bà Rosalie, bà Cécile, là tất cả!

    Thu cười:

    - Theo ý em, công việc của các bà ấy cũng như công việc của trăm nghìn người khác, làm thợ, làm thư ký, đi buôn hay công chức. Tất cả, ai cũng theo đuổi một nghề.

    Tất cả bọn "ồ" lên nhìn Thu kinh hãi. Quỳnh tròn mồm ấp úng hỏi:

    - Hả? Chị nói… cái gì nghề ? Tu hành theo chị là một nghề?

    Thu lắc đầu:

    - Không phải ! Tu hành không phải như thế này. Tu hành khác ! Người tu hành là người đã vứt bỏ tất cả danh vọng, lòng kiêu hãnh và hy sinh hẳn cuộc đời để cứu rỗi phần hồn và phần xác cho chính mình và hỗ trợ mọi người sao cho hết thẩy được hoàn thiện. Cho nên dù trong ngành tu hành nào, dòng kín hay hoạt động ngoài đời, người tu hành không bao giờ còn sa vào những chuyện tính toán hơn thiệt, không phải bận tâm suy nghĩ để đối phó với những chuyện chung quanh thường ngày, như bà Hạnh, bà Nhân, cũng như trăm, ngàn những người mặc áo tu khác. Nếu hàng ngày các bà ấy cứ giam cứng mình trong những khuôn mẫu mà các bà ấy tưởng là đã làm theo ý Chúa thì sự tu hành của các bà không bao giờ được được trọn vẹn cả.

    Quỳnh đáp :

    - Chị Thu ơi! Dầu lời chị nói ra nghe cũng có lý, nhưng không phải vì thế mà chúng em không cho rằng công việc của các bà là không cao đẹp được.

    Thu gật đầu:

    - Em đồng ý ! Nhưng cao đẹp không hoàn toàn đồng nghĩa với tu hành. Những nhà giáo đi dạy học, công việc của họ cũng là cao đẹp vậy !

    Hương la lên :

    - Thôi nào các chị ! Lại sắp sửa cãi nhau hả. Chính chị Quỳnh đã khuyên em khi nói chuyện về tâm linh thì phải dùng ngôn ngữ là đức tin mà!

    Quỳnh gật đầu :

    - Phải đấy, thôi ta nên quay về câu chuyện lúc đầu thì hơn.

    Thu cười nhạt :

    - Em thấy các chị không bao giờ dám nhìn thẳng vào sự thật. Tại sao mình không thể phá vỡ những thành kiến sai lầm để giải phóng cho tư tưởng được rộng rãi hơn chứ. Nói đến đức tin, các chị tưởng rằng em không có chút niềm tin nào đó chắc?

    Mọi người nhìn Thu không đáp, Thu nói tiếp :

    - Trái lại, em rất tin tưởng vào con đường do Chúa đã vạch ra. Chúa đã nói nhiều lời thật hay trong sách Thánh. Nhưng không một ai phát huy được tư tưởng của Chúa bằng việc làm cả. Tất cả chỉ nói xuông rồi tự cho rằng ta đã toàn mình và đã tới được chân Chúa rồi. Đó là sự lầm lẫn. Đó là nguyên do khiến cho cuộc đời này còn có bất công và vô lý tức cười.

    Hương la lên một lần nữa:

    - Thôi nào chị Thu. Chị Giang của em sắp khóc đây này.

    Giang mỉm cười gượng gạo :

    - Không phải thế đâu. Chị Thu cho em nhiều ý kiến mới. Chị ấy sáng suốt hơn em nhiều.

    Thu mỉm cười:

    - Hãy giữ vững lòng tin của chị, chị Giang ạ. Em là một đứa chỉ đi phá rối mà không làm nên tích sự gì cả. Nhiều khi em mong được như chị mà không được đấy.

    Giang nói:

    - Thôi, chị đừng giễu những cái ngu muội của em.

    - Em thề là em nói thật. Cho rằng chị ngu muội đi, thì sự ngu muội ấy cũng đã giải thoát cho riêng chị rồi. Lòng chị yên ổn, trí chị thảnh thơi. Chị còn mong muốn gì nữa. Em vẫn quan niệm rằng mỗi kẻ tu hành chỉ giải thoát được cho một mình họ mà thôi. Cũng như trong một khung cảnh ồn ào, hỗn loạn, kẻ nào không nghe được gì là kẻ được giải thoát. Nhưng họ không thể nào giúp cho người khác cũng điếc như họ được.

    Quỳnh bật cười:

    - Thí dụ của chị chẳng lịch sự chút nào đối với chị Giang cả.

    Thu cười theo:

    - Em xin lỗi, hình như em bao giờ cũng vụng về như thế cả. Nhưng các chị phải biết, em yêu chị Giang của em vô cùng.

    Nói rồi Thu ôm chầm vai Giang và hôn thật kêu lên má nàng. Giang dướn người lên vùng vẫy. Khuôn mặt của nàng vụt đỏ rừ như gấc chín.

    Suốt ngày hôm ấy, làn môi của Thu vẫn như còn vướng víu trên má của nàng một cách khó chịu.

Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Chuyện lạ 4 phương - Vietfreefun
    By khieman in forum Phố Biệt Thự
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-31-2017, 10:34 PM
  2. Chuyện Hậu Sự - Bài của Huy Phương
    By khieman in forum Trang Hiếu Đạo
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-20-2016, 07:52 PM
  3. Câu Chuyện... - Hoài Phương
    By ADMIN in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-30-2014, 10:26 PM
  4. Lan Phương chuyển giới tung ảnh bán nude
    By tini in forum Diễn Viên Nữ Á
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-07-2014, 12:32 AM
  5. Tranh cãi chuyện cát-xê cao ngất của Phương Mỹ Chi
    By sophienguyen in forum Thông Tin Giới Showbiz
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-28-2013, 02:15 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •