Ba công ty Mỹ bị kiện vì tài trợ khủng bố ở Iraq





Pfizer, một trong ba công ty Mỹ bị kiện. (Hình: Dominick Reuter/AFP/Getty Images)



WASHINGTON, DC (NV) – Hôm Thứ Ba, ba công ty Mỹ, General Electric, Johnson & Johnson, Pfizer cùng hai hãng dược phẩm Âu Châu, Astra Zeneca và Roche Holding AG, bị một số công dân Hoa Kỳ kiện là đã tiếp tay tài trợ cho khủng bố ở Iraq chống lại quân đội Mỹ, theo nhật báo The New York Times.

Hồ sơ tố tụng đại diện cho các quân nhân Mỹ chết hay bị thương trong thời gian cao điểm của chiến tranh Iraq từ 2005 đến 2009.

Theo đơn kiện, các công ty nêu trên tìm cách ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm của họ cho Bộ Y Tế Iraq lúc đó do người của Giáo Sĩ Hồi Giáo Shia Moktada al-Sadr kiểm soát.
Binh đoàn Mahdi của ông Al-Sadr chống cả Mỹ và phe Hồi Giáo Sunni, thường dùng bệnh viện làm căn cứ cho các toán đặc công khủng bố hay pháo kích quân đội Mỹ bằng súng cối.

Theo lập luận trong đơn kiện, viện trợ y tế của Mỹ cho Iraq lên tới $1 tỷ năm 2004.
Một phần số thuốc được đem bán ra thị trường chợ đen lấy tiền tài trợ cho binh đoàn Mahdi.
Các công ty Mỹ tất nhiên hiểu rõ việc này ở Bộ Y Tế Iraq, nhưng không tìm cách ngăn chặn mà còn tạo thêm điều kiện tiếp tay.

Theo quy định, phải có sự kiểm soát của Bộ Y Tế Iraq trong việc sử dụng thuốc viện trợ, nhưng do tham nhũng, việc này chỉ có tính hình thức.
Thêm nữa, thay vì số tiền chiết khấu (bớt giá), các công ty này cung cấp cho Bộ Y Tế Iraq một số thuốc miễn phí trị giá tới 10% hợp đồng, và Bộ Y Tế phát cho thành viên binh đoàn Mahdi để dùng hay đem bán.

Luật pháp Mỹ cấm tài trợ cho khủng bố, nhưng binh đoàn Mahdi và các nhóm dân quân Shia không thuộc danh sách tổ chức khủng bố mà chỉ có liên hệ với tổ chức khủng bố Hezbollah ở Lebanon.
Nữ phát ngôn viên Allyanna Anglim của công ty Pfizer tuyên bố: “Công ty này dứt khoát phủ nhận có việc làm sai trái, nhiệm vụ của chúng tôi là cung cấp thuốc cho các bệnh nhân để giúp cho họ được sức khỏe tốt hơn.”

Johnson & Johnson từ chối bình luận và General Electric nói họ “mới chỉ biết sự việc bị kiện ngày hôm nay và sẽ duyệt xét lại những cáo giác ấy.”
Cả ba công ty đều lập luận rằng họ chỉ bán sản phẩm cho một chính phủ đã được yểm trợ hàng tỷ đô la và loại trừ Bộ Y Tế Iraq có thể là đi ngược mục tiêu của Mỹ. (HC)